Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 17 (Đỗ Chiêu Đức sưu tầm và diễn dịch)

               TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN 17

 

                         
                 Tống quân thiên lý, Chung tu nhất biệt.


   Nghĩa Câu :
             Dầu có đưa tiễn nhau đến một ngàn dặm, rốt cuộc rồi cũng phải chia tay nhau mà thôi!
             Biết thế, nhưng mỗi lần đưa tiễn, người ta đều luôn luôn bịn rịn không nở rời nhau, nhất là các bà các cô (xin lỗi!), cứ "Mặt trông tay chẳng nở rời" nói hoài nói mãi, không chia tay nhau được!

 

 

                
  Đản tương lãnh nhãn khán bàng giải , Khán nhĩ hoành hành đáo kỷ thời?

 
  Chú Thích :
           Lãnh nhãn : Con mắt lạnh, có nghĩa: Lặng lẽ nhìn.
           Bàng Giải : là Con Cua.
           Hoành Hành : là Đi ngang, nghĩa rộng là Làm Ngang.


    Nghĩa Câu:
              Hãy cứ lặng lẽ mà nhìn con cua kìa, xem xem nhà ngươi đi ngang đến bao giờ mới thôi!?
             Đây là câu nói lẫy, có thể áp dụng cho bất cứ trường hợp lớn nhỏ nào, như những người ỷ quyền ỷ thế làm ngang, như chính quyền của những nhà độc tài, như chính quyền ngoan cố của Bắc Triều Tiên... Ta hãy thử lặng lẽ mà nhìn xem họ "hoành hành" đến khi nào đây?!

 

 

                        
                   Kiến sự mạc thuyết, Vấn sự bất tri.
                        
                   Nhàn sự hưu quản, Vô sự tảo qui !


  Nghĩa Câu :
              Thấy việc gì đó: Đừng nói. Hỏi đến việc gì đó: Không biết! Chuyện không liên quan đến mình: Không nhún tay vào. Không có việc gì để làm: Về nhà nghỉ cho sớm đi!
              Để tránh việc rắc rối cho bản thân mình, trong giao tế, trong việc làm, trong quan hệ đồng nghiệp... thì... Không Nói: Không nhiều chuyện! Không Nghe, Không Hỏi: Khỏi phiền lòng! không can thiệp vào những chuyện của người khác: Không đa sự cho yên thân!
             4 câu trên đây làm ta nhớ đến cái hình 3 con khỉ thường thấy trong các cơ quan Mỹ: Một con bịt mắt: Không thấy. Một con bịt tai: Không nghe. Một con bịt miệng: Không nói! 

 

 

               
    Giả nhiêu nhiễm tựu chơn hồng sắc, Dã bị bàng nhân thuyết thị phi.


  Chú Thích :
          Giả Nhiêu : là Cho Dù, là Nếu Như.
          Nhiễm : là Nhuộm. Nhiễm Tựu : là Nhuộm phải.
          Bàng: là Bên cạnh. Bàng Nhân: là Người Chung Quanh ta.


  Nghĩa Câu:
            Cho dù có nhuộm được cái màu đỏ thật sự, thì cũng bị những người chung quanh nói nầy nói nọ.
            Dù cho bạn có giỏi thật sự, có thành đạt thật sự, chớ không phải nhờ vào quan hệ, hay dựa vào thế lực nào đó để thành công, bạn vẫn bị người đời dèm xiểm, nói nầy nói nọ, nói tốt nói xấu đủ điều! Cho nên...
           Hãy giữ lấy cái "chơn hồng sắc" của bạn, mặc cho ai đó nhiều chuyện nhiều lời...!!!.

 

 

                        

                     Thiện sự khả tác, Ác sự mạc vi.   

 Nghĩa Câu :  

            Việc thiện thì có thể làm, Việc ác thì không nên làm.  

            Đây là việc đương nhiên, nhưng vẫn phải nhắc nhở, con người ta hay quên làm việc thiện lắm!

 

 

                        

                   Hứa nhân nhất vật, Thiên kim bất di.  

  Nghĩa Câu :    

          Hứa với người ta một vật gì (hoặc việc gì), thì dù ngàn vàng vẫn không thay đổi.

 

 

                      

                 Long sanh long tử, Hổ sanh báo nhi.  

  Nghĩa Câu :    

          Rồng sanh ra rồng con, còn Cọp thì sanh ra beo con. (Cọp Beo cũng dữ dằn như nhau, đây chỉ là cách nói mà thôi!)

                  Dòng nào thì sanh ra giống nấy!


          Dân Nam Kỳ Lục Tỉnh còn có câu : 
                  Ngọn rau nào thì con sâu nấy !

 

 

 

                         

         Long du thiển thủy tao hà hí, Hổ lạc bình dương bị khuyển khi.


    Chú Thích :  

          Du :  Có 3 chấm thủy bên trái : nghĩa là LỘI, BƠI.  

               :  Có bộ Xước bên trái : nghĩa là Đi Dạo, Đi Chơi.  

          Tao : là Gặp Gỡ, Gặp Phải, là Bị.  

          Hà : có bộ Trùng bên trái : là con Tôm, con Tép.  

          Bình Dương : là Đất bằng, là Đồng bằng.   


 Nghĩa Câu :  

            Con rồng (thân xác to lớn) bơi ở chỗ nước cạn (khó xoay sở), nên bị tôm tép giởn mặt. Con cọp đi lạc xuống đồng bằng (không còn cái thế hiểm trở của núi rừng) nên bị bầy chó khinh khi.   

           Anh hùng cũng phải có cái thế của anh hùng, khi thất cơ lỡ vận, thì anh hùng vẫn bị kẻ tiểu nhân giởn mặt và khi dễ như thường ! Như Nguyễn Du đã tả Từ Hải lúc bị Hồ Tôn Hiến phục kích là : " Hùm Thiêng khi đã sa cơ cũng hèn " mà !

             Hai vế nói trên còn hình thành được 2 câu thành ngữ :  

                           Long Du Thiển Thủy,  

            và           Hổ Lạc Bình Dương.  

                          cũng có cùng một nghĩa như trên.

 

 

               

 Nhất cử thủ đăng long hổ bảng, Thập niên thân đáo phụng hoàng trì.

               

    Thập niên song hạ vô nhân vấn, Nhất cử thành danh thiên hạ tri.

 

    Chú Thích :  

          Long Hổ Bảng : là Bảng có vẽ hình Rồng và Cọp hai bên, để dán danh sách những người thi đậu Tiến Sĩ ngày xưa. Người đậu đầu là Trạng Nguyên, người đậu nhì là Bảng Nhãn, và người đậu hạng ba là Thám Hoa.  

          Phụng Hoàng Trì : là Ao Phụng Hoàng. 

          Đời Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều, chức Trung Thư Tỉnh được ở trong cấm cung Ngự Uyển, gần gũi Hoàng Đế, chưởng quản những điều cơ mật, nên chức Trung Thư Tỉnh được gọi là "Phụng Hoàng Trì". 

  

 Nghĩa Câu :    

          Hễ thi đậu một cái là tên được đăng trên Bảng Long Hổ, và làm quan mười năm (cho tốt) thì mới được vào làm việc trong Ao Phượng Hoàng.

              Mười năm đèn sách dưới song cửa sổ không ai thèm hỏi tới, nhưng hễ thi đậu một cái thì nổi tiếng đến cả thiên hạ đều biết đến.

           NHẤT CỬ THÀNH DANH cũng là một thành ngữ thông dụng! Trong tiếng Việt ta thì có câu: "Mười Năm Đèn Sách" để chỉ công phu khó nhọc của kẻ sĩ ngày xưa. 

 

                 (Còn tiếp)


Đỗ Chiêu Đức






 


Không có nhận xét nào: