Chuyện Cậu Cháu
Chuyện kể của Lão Gàn
- Tưởng ôông về thăm, chứ về nói chuyện nớ thì ôông ra khỏi nhà đi. ÔÔng không có quyền chi ở đây nữa mô!
O Đạo xông tới trước mặt ông Thận - cậu của o, hét phun cả nước miếng nước mồm.
Mùa hè năm 1972, quân Giải Phóng đánh chiếm tỉnh Quảng Trị. Sợ nguy hiểm do tên bay đạn lạc, dân làng hầu hết xuôi Nam tránh nạn; một số ít ở lại; có thể họ đi không đành do quyến luyến nơi chôn nhau cắt rốn và cũng có thể họ không đi được do thiếu phương tiện – làm gì để ăn nơi đất khách quê người. Số người này, vào giai đoạn đầu, tùy theo tình hình chiến sự, cứ di chuyển quanh quẩn từ làng này qua làng khác, họ tận dụng những gì còn lại trong các mảnh vườn để sống: buồng chuối, trái mít, bụi sắn, luống khoai...; còn qua giai đoạn sau, Chính Quyền XHCN đã trợ cấp lương thực, thực phẩm.
Trong số dân làng ở lại, có o Đạo cùng con o là một bé trai mới 2 tuổi. Lúc đó, o 22 tuổi, đã lấy chồng ở một làng bên dưới. Không còn chồng, o cùng con về nương náu trong làng. Chồng o nguyên là nghĩa quân của chính quyền Miền Nam, rủi ro tử nạn trong trận đánh xẩy ra vào một đêm Đông vừa mưa vừa rét. Đêm ấy, trung đội nghĩa quân của xã đóng quân trong các nhà dân, ai cũng chun xuống bếp hơ lửa, súng dựng dọc tường nhà trên. Lực lượng Giải Phóng, quân số nhiều ít không được biết, thình lình bắn ngoài đường mấy tràng đạn AK; tất cả trung đội bỏ chạy, tìm quận lỵ ở cách một cánh đồng rộng mà lên. Nào ngờ họ đã bày mưu sâu, phục kích sẵn hai bên đường, nổ súng trực tiếp vào từng bóng người hiện ra trong màn tối, giết chết gần hết trung đội; chỉ còn trung đội trưởng, nhờ có kinh nghiệm trận mạc, rút một mình theo đường khác và còn sống sót.
Lúc chồng mất, o Đạo còn mang thai. Phong tục vùng quê qui định :”Sinh con so tại nhà mạ; sinh con rạ tại nhà chồng.” O Đạo đã về sinh con tại nhà cha mẹ đẻ. Và từ đó, o ít về ở bên gia đình nội của con. O muốn nương tựa ở đây để con có thể gởi cho ông bà ngoại, rảnh tay kiếm sống và trong thâm tâm, o muốn ở đây để dễ dàng tính chuyện đi thêm bước nữa. Chuyện sinh lý ở tuổi trẻ nhiều khi thúc bách dữ lắm; một ngày hai ngày có thể nhịn nín được, chứ nhịn nín suốt đời làm sao o chịu nổi.
Nhà cha mẹ o ở trong một khu vườn khá rộng. Khu vườn này nằm sát khu vườn ông Thận – cậu của o.
Mẹ o, hồi nhỏ, vì có tật trật khớp háng bẩm sinh, đi cà nhắc, ế chồng; ba o mồ côi cha mẹ sớm, thân cô thế cô, khó kiếm vợ; ông bà ngoại o mới dàn xếp gả mẹ o cho cha o; chi phí cưới hỏi ông bà ngoại lo; cưới xong, ông bà ngoại cắt 1/3 mảnh vườn cho cha mẹ o lập gia nương xem như của hồi môn tặng con gái.
Chiến tranh xẩy ra. Ông Thận cùng gia đình di tản vào thị xã Quảng Trị, tạm cư ở trường Trung Học Bồ Đề, các hội đoàn từ thiện tới thăm hỏi ân cần, đến bữa cấp phần ăn cho từng người - cơm vắt hoặc mì ổ. Được mấy ngày, dân tình tại đây lại nhớn nhác, nơm nớp và chạy loạn. Gia đình ông Thận cũng tiếp tục chạy vào Huế, chính quyền sở tại phân về ở tạm tại khu nhà trống của thương gia Thái Lợi thành phố Huế ở làng An Truyền, huyện Phú Vang. Dân địa phương thân thiện lắm, chào đón dân tản cư như người ruột thịt. Đang kỳ thu hoạch lúa vụ ba (tháng 3 Âm Lịch – tên gọi hiện nay là vụ Đông Xuân), dân tản cư phụ giúp gặt lúa, phơi rơm cho dân địa phương. Nhờ lao động, nhờ chuyện trò, ngày giờ qua đi, nỗi buồn ly hương của dân tản cư cũng vơi bớt.
Chiến tranh áp sát vào Huế. Dân Huế - Thừa Thiên khăn gói ra đi. Gia đình ông Thận cũng đi theo, vào Đà Nẵng. Ở trại tạm cư Hòa Khánh được gần hai năm, gia đình ông Thận theo chương trình khẩn hoang lập ấp vào Bình Tuy.
Mùa hè năm 1975, nước nhà thống nhất. Dân di tản, lòng tràn niềm vui, lũ lượt hồi hương. Oái oăm là gia đình ông Thận phải ở lại! Biết thế là buồn lắm, nhưng không thể làm khác được. Đứa con trai đầu là Sĩ Quan Quân Đội Cộng Hòa, phải vào trại Cải Tạo Tập Trung trên vùng rừng núi Tánh Linh, thời gian vô định. Ông Thận muốn ở đây gần để thăm nuôi con.
Đầu năm 1976, ông Thận về quê. Tình hình kinh tế lúc này rất thiếu thốn, phương tiện di chuyển rất khó khăn; vậy mà ông Thận phải lên đường. Em ông – mẹ o Đạo – nhắn vào: chính quyền đang thi hành chính sách hối thúc dân cất bốc mồ mả ở các đồng làng và các đồi gần làng đưa vào vùng trung du cách xa trên 5 cây số để dành đất canh tác và quy hoạch dân cư. Trong gia tộc, chỉ còn một mình ông Thận là người cao tuổi, biết rõ tung tích từng ngôi mộ. Không đành để mồ mả cha ông tổ tiên thất lạc, ông về để tự mình làm lấy công việc “trên đầu trên cổ” ấy.
Về đến nơi, ông thấy nhà mình ngày xưa đã sập đổ thành đống gạch vụn, chỉ còn bức tường sau còn đứng, vết đạn loang lỗ.
O Đạo, do mẹ sắp xếp, đã dựng mấy tấm tôn cũ rỉ rét dựa vào bức tường này thành túp lều để ở. Vườn hoang, cỏ dại mọc cao quá đầu gối, hoa dại đủ màu trổ khoe sắc; mấy cây mít sát bờ ao quanh vườn ra quả chi chít. Từng luồng gió Mùa Đông Bắc muộn thổi lung lay cành lá như thử mừng rỡ vẫy chào người chủ đi xa lâu ngày trở về.
Cả thời gian dài xa cách, gặp cậu bình an vô sự sau chiến tranh, đáng lẽ o Đạo vồn vã chào mời, đằng này, o tỏ thái độ lạnh nhạt, hỏi han qua loa, không lộ vẻ niềm nở.
Ông Thận vào lều. Ông không biết ngồi vào đâu vì, ngoài cái giường trên đó chiếu chăn nằm ngổn ngang, không có bàn ghế gì hết. Ông gọi o Đạo tới gần, thân mật nói:
- Cậu vì hoàn cảnh chưa về được. Cháu tới che lều ở trong vườn cậu, rứa là cậu mừng. Cháu cứ ở, giữ giùm nương vườn cho bên ngoại với.
Nghe nói, thỏa lòng mãn dạ, o Đạo thưa:
- Cháu cứ tưởng cậu về không cho cháu ở đây. Chừ nghe cậu nói, cháu mừng lắm. Nhưng cháu muốn nhờ cậu điều này: cậu ở xa, việc liên lạc khó khăn; để dễ dàng trả lời với chính quyền về quyền sở hữu ở đây, trước khi trở vào Nam, cậu viết cho cháu năm ba chữ, phòng khi lấy cớ nương nhà vắng chủ, người ta cấp cho người khác một phần hoặc cả vườn, cháu trưng giấy của cậu ra; hiện tại ngày nào, hội họp nào, người ta cũng nói đất đai không còn của riêng ai mà thuộc quyền Cách Mạng.
Nghe o Đạo nói có lý, ông Thận đồng ý; o Đạo xé từ quyển vở ra một tờ giấy; ông Thận hí hoáy viết : “Tôi tên là Lê Thận, trước năm 1972, tôi có vườn nhà “tổ phụ lưu lai” tại làng, vì chiến tranh, tôi phiêu dạt vào Nam, nay tôi ủy quyền cho cháu gọi tôi bằng cậu là Nguyễn thị Đạo quản lý khu vườn.”
Cải táng xong mấy chục ngôi mộ trong gia tộc, ông Thận trở về Nam.
Cầm mảnh giấy ủy quyền quản lý do ông Thận viết, o Đạo được một số người xúi giục, đi làm sổ đỏ khu vườn ông Thận. Cơ quan cấp sổ đỏ không đáp ứng ngay. Ban đầu, họ khó dễ, nại cớ đây chỉ là giấy ủy quyền quản lý chứ chưa phải là giấy giao quyền quản lý. Tuy nhiên, do sắp đặt và mách mánh của bọn cò mồi, đặc biệt mấy anh chàng muốn lợi dụng sự ham muốn tình dục tuổi son trẻ nơi o, o đã lo lót và “đồng bạc đâm toạc tờ giấy”, rốt cuộc việc sổ đỏ cũng xong xuôi.
O Đạo đã nắm quyền quản lý và sử dụng khu vườn nguyên của ông Thận; o liền bán 1/3 để tiêu pha. O sắm ti-vi để xem phim giải trí, sắm bàn ghế để tiếp khách, sắm giường nệm mô-đẹc để nằm, sắm bếp ga để nấu nướng; o còn may mấy bộ quần áo dài thời trang, lên tiệm kim hoàn mua một dây chuyền vàng đeo cổ, hai vòng vàng đeo hai tay. O chưng diện vào, trông chẳng khác chi một “mệnh phụ phu nhân,” chỉ có điều không “quý phái” chút nào là cái dáng đi – khi o bước tới, cái mông doi về phía sau.
Đủ năm năm trong trại cải tạo, con trai ông Thận được phóng thích. Ông lại về quê lần nữa, bàn tính chuyện hồi cư. Lần này, ông Thận phân giải với o Đạo:
- Cậu quyết định về làng, về để lo lư hương bát nước Tổ Tiên ông bà. Cậu cảm ơn cháu mấy năm nay đã đến ở, giữ nương vườn cho cậu nghĩa là cho bên ngoại. Bây giờ, cậu không nỡ để cháu đi kiếm chỗ ở khác vì giá đất đã cao, cháu muốn mua cũng khó vì chắc cháu thiếu tiền, mà cậu không có chi để phụ. Cậu muốn cái nương này - còn rộng đây, trên 2000 mét vuông lận – chia 2 ra: cháu ở một nửa, cậu ở một nửa. Nhà cháu hiện còn tạm bợ, cũng dễ tháo giở và dựng lại chỗ mới ...
Ông Thận nói chưa hết lời, o Đạo vung văng, mặt đỏ tai tía, đôi môi run bần bật, hét to:
- Ôông đi ra khỏi nhà tôi, đất ôông mô đây nữa mà nhìn, mà chia, đất là đất của Cách Mạng đã giao cho tui rồi. Ôông đi gấp ra khỏi nhà. Tưởng ôông về thăm, chứ về nói chuyện nớ thì ôông ra khỏi nhà đi. Ôông không có quyền chi ở đây nữa mô!.
Nghe mà đắng họng, không ngờ đứa cháu mình tai ngược đến thế, ông Thận nghẹn ngào trở lại miền Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau, làng xóm nghe tin ông mất. Mất có lẽ do bực phiền! Mất trước khi con trai ông được sang Mỹ định cư theo chương trình HO./.
08/11/2014