Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Năm Năm Hán Học - Phần I: Khó Khăn Nơi Ăn Chốn Ở Hoàng Đằng

                                                 Năm Năm Hán Học
Kỷ niệm riêng tư học ở Viện Hán Học

Bài viết của Hoàng Đằng

Phần I                        
Khó Khăn Nơi ăn Chốn ở                            
                 
Những chuyện này là những chuyện rất riêng tư. Bây giờ, tuổi đã cao, cơ hội gặp lại đồng môn bằng hữu để tâm sự  còn lại rất ít. Tôi muốn gợi lại những kỷ niệm để có dịp tưởng nghĩ về nhau.

Thế là tôi trúng kỳ thi tuyển vào Viện Hán Học Huế khóa II (1960 – 1965) với vị thứ 79/80. Cùng vị thứ ấy, có một bạn tên Ngô Đức Kế; khi nhập trường, bạn này bỏ học; thành thử tôi là người đội sổ, chỉ hơn số bạn dự khuyết.
Tôi vào Huế học. Gia đình tôi không có tiền cho thuê phòng trọ, ăn cơm tháng. Thầy cũ tôi ở bậc trung học - thầy Phan Văn Cẩn - có người bà con bên vợ đang làm Giám Đốc Nha Xã Hội Trung Phần. Biết hoàn cảnh tôi, thầy nhờ vị này giúp đỡ. Thương tình, vị này bảo tôi lập hồ sơ xin vào Viện Bảo Anh ở trong Thành Nội rất gần với Di Luân Đường hay Nội Vụ Phủ - hai nơi đặt trụ sở Viện Hán Học trong giai đoạn đầu.



Viện Bảo Anh là một khu nhà đẹp, sạch sẽ nằm trong một vườn cây cổ thụ, sân chơi luôn có bóng im cả ngày dù trời nắng.
Tôi mừng lắm. Như thế khỏi bận tâm sắm xe đạp, lại ở chung với những bạn cùng lứa tuổi và cũng là học sinh. Nhưng tôi phải thất vọng. Chiếu theo nguyên tắc, Viện Bảo Anh chỉ nhận những thiếu niên mồ côi mà tôi không phải mồ côi. Ông  Giám Đốc Nha Xã Hội lại gửi tôi về trại Tế Bần – Hàng Đường.
Trại này cách cầu Đông Ba một đoạn trên đường Bạch Đằng - con đường chạy trước mặt chùa Diệu Đế. Trại là một ngôi nhà ngói cũ, thấp, sát bên đường, không vườn không sân, nơi nương thân của những người vô gia cư, bất luận già trẻ. Trại viên đi ăn xin, đi bán báo, bán mì, đánh giày, móc túi... đến bữa về ăn, đến đêm về ngủ. Nhà chật chội, giường chiếu rách nát, bụi bặm, đèn điện lờ mờ, nước máy không có. Cần tắm giặt cứ xuống sông Đông Ba. Con sông này dòng chảy yếu, ô nhiễm nặng vì mương thoát của lò mổ gia súc đổ xuống đây, các nhà vệ sinh công cộng hay tư nhân cũng đổ xuống đây, chưa kể dân vạn đò trên những chiếc thuyền đậu sát nhau trôi nổi trên sông phóng uế xuống. Đặt tay chân xuống nước là cảm thấy gớm rồi! Thực phẩm của trại số lượng thì thiếu mà chất lượng lại kém. Cơm thì có màu xanh lam bốc mùi mốc, canh thì chỉ có nước nổi lên trên mặt mấy lát tóp mỡ và vài cọng rau muống đong đưa cả phần rể, cá mắm thì ươn thúi... Đến bữa ăn, tôi rùng mình, ơn ớn, muốn nôn.
Tôi không thể ngủ qua đêm ở đây được. Hàng ngày, tôi phải đi bộ trên những đoạn đường khá dài bất kể trời nắng hay trời mưa, trời mát ấm hay trời rét mướt. Học ở Di Luân Đường, xuống ăn ở trại Tế Bần, lên ngủ tại nhà bà con của một người bạn trên Cầu Đất. 
Ngủ ở Cầu Đất, tôi có môi trường ôn tập bài vở tốt. Nhà ở trong một khu rất yên tĩnh như ở giữa miền quê, có vườn rộng phủ bóng mát những loại cây ăn quả, có giếng nước rất trong, tha hồ tắm giặt. Bà chủ nhà là quả phụ của một sĩ quan quân đội Sài Gòn vừa tử trận, có 4 đứa con dại. Bạn tôi – Nguyễn Văn Hậu - là em ruột chồng bà, từ Đông Hà vào Huế học trung học đệ nhị cấp, ở trọ nơi đây để phụ chị dâu chăm sóc mấy đứa cháu và để nhà cửa khỏi trống vắng. Bạn tôi rủ tôi đến ngủ cho đông người, thêm vui cửa vui nhà. Tối tối, học xong bài vở, tôi lăn ra giữa nền nhà ngủ, nền lát gạch hoa sạch lắm. Không chiếu, không chăn, không màn. Tôi chưa có đủ tiền để mua những thứ đó, đối với tôi, sách, vở, bút, mực, quần áo ... đang cần hơn.
Muỗi tha hồ cấu xé máu thịt tôi, muỗi nhiều lắm, con nào cũng to mình, cao cẳng. Khi tắt điện rồi, chúng bay vò vò, tấn công tôi dồn dập. Tôi dùng quạt giấy đập vào những chỗ thấy nhói đau. Nhưng giấc ngủ đến, tôi sãi tay sãi chân, kệ chúng muốn làm gì thì làm!
Được vài tháng, sau một đêm trằn trọc, một buổi sáng, thức dậy, tôi thấy chóng mặt, người nóng phừng, da đỏ lên. Tôi bệnh - có lẽ bị sốt xuất huyết. Lần tới trường, tôi nộp lá đơn xin phép nghỉ học, rồi lên xe về quê để cha mẹ tôi tìm thầy chạy thuốc. Ở Đông Hà, thời ấy, lương y Nguyễn Quang Thạnh gốc người Hà Tĩnh rất giỏi về trị liệu các bệnh cảm mạo thương hàn. Uống hơn chục thang thuốc, tôi hết sốt, nhưng còn yếu, đi đứng chưa vững. Tôi từ giã cha mẹ và các em trở lại Huế, đi học, sợ nghỉ lâu thua chúng kém bạn. Cha mẹ tôi chạy được 500 đồng giao tôi, bảo vào tìm nơi ăn cơm tháng.
Tôi trở lại cái xóm sát thành trước mặt Di Luân Đường, nơi có ông bà cưu mang tôi ăn ở mấy tháng trước đó lúc đi thi. Ông bà đã đi khỏi nơi này – có thể do ông thuyên chuyển đơn vị. Tôi tìm được một chỗ nấu cơm tháng. Giá 600 đồng/tháng thì ăn 3 bữa, giá 450 đồng/tháng thì ăn 2 bữa. Tôi chọn chế độ ăn hai bữa và cũng xin trọ lại trong nhà. Tội nghiệp! Đang tuổi thanh niên, bữa sáng ngồi nhìn người khác ăn, vừa thèm, vừa tủi thân. Bà chủ tốt bụng, biết ý, thỉnh thoảng đơm một dĩa xôi nhỏ mời ăn. Ngôi nhà nhỏ, mái lợp tôn, phên tráp gỗ, gia đình đã có 6 người: hai ông bà và 4 người con, còn thêm 3 thanh niên ăn cơm xin ở, thành thử, không gian chật chội, không khí ngột ngạt lắm. Đêm đêm, 3 thanh niên chúng tôi ngủ trên một chiếc giường rộng khoảng 1,2 mét, đứa nào cũng muốn nằm ngoài hoặc nằm trong, nằm giữa, thở không được. Hai bạn “đồng sàng” của tôi là Nguyễn Văn Thư và Nguyễn Văn Thị - người huyện Vinh Lộc, Thừa Thiên - đang học trung học kỹ thuật Huế.
Cứ đến ngày Chúa Nhật, tôi đem quần áo bẩn thay gom cả tuần ra bến Thương Bạc giặt. Ngồi trên ghế đá học bài, chờ quần áo khô, xếp vào cặp mới về. Một ngày nọ, tôi mua một vé số kiến thiết cầu may. Cái loa truyền thanh treo trên cành cây cao đọc kết quả xổ số; tôi ớn lạnh cả người khi các số lô độc đắc sao mà giống các số trong vé của tôi. 2 ... 4 ... 0 ... 1 ... 8 ... 7. Ôi thôi rồi, số cuối cùng trong vé tôi là số 4 chứ không phải số 7. Lô độc đắc là 1.000.000 đồng, tôi trúng an ủi 2.000 đồng, đủ tiền may 2 bộ quần áo và sắm một ít sách. Trời thương tôi, nhưng thương “chưa trót.” 

Đường học vấn còn dài - còn những bốn năm rưỡi nữa mới ra trường; chắc chắn gia đình tôi chạy tiền ăn cơm tháng không kham. Tôi nhớ một thúng lúa 12 kg chỉ bán được 50 đồng mà một sào ruộng - do chưa có giống mới, chưa có thủy lợi, kỹ thuật canh tác lạc hậu – cho sản lượng tối đa khoảng 6 hay 7 thúng, còn một con lợn mẹ tôi nuôi bằng chuối cám một năm chỉ bán được khoảng dưới 500 đồng, thế thì con nhà nông nghèo như tôi khó theo đuổi việc học. Phải tìm đường khác mà đi thôi. Nghe thông báo tuyển sinh học sĩ quan Bảo An – Địa Phương Quân, tôi làm hồ sơ. Đêm nằm, suy đi tính lại, tôi thấy mình đã nhỏ con lại gầy yếu, e vào quân trường, luyện tập chịu không nổi. Lại thêm, chiến tranh đã bùng phát khắp nước, không chừng ra trường bị bố trí chỉ huy một bót nhỏ gác cầu, đêm quân giải phóng về tấn công, phải bỏ xác. Thôi cứ gắng học được ngày nào hay ngày ấy.
Tôi rủ Hoàng Vũ Khiêu - bạn tôi từ Đông Hà vào, nhà cũng nghèo, đang học trường Quốc Học - đi kiếm nhà dạy kèm. Hai chúng tôi, cứ những ngày nghỉ học, đi bộ trong thành phố, đường này rồi đường khác. Nhà nào chúng tôi cũng vào hỏi trừ những nhà trông bề ngoài quá nghèo – trẻ em chơi giữa sân lấm lem, mái nhà lợp tranh xơ xác, cửa ngõ tiêu điều. Chúng tôi nhút nhát, gặp mặt chủ nhà, ngần ngại, cứ xô đẩy nhau, nài nhau lên tiếng, hễ vào nhà mà thấy một người trạc tuổi chúng tôi hay lớn hơn đang ngồi nơi bàn học, sau lưng cả tủ sách đầy, chúng tôi hỏi trớ qua chuyện khác kiếm cớ  rút lui:
- Thưa anh, thưa chị, nhờ anh, chị chỉ giùm ông A, ông B... ngoài Quảng Trị mới chuyển vào, thuê nhà khu vực này hiện ở đâu?
Lẽ dĩ nhiên, câu trả lời là “không biết.”  Chúng tôi cảm ơn rồi đi ra, qua nhà khác. Rốt cuộc, chúng tôi kiếm được 2 nhà: một nhà gần cửa Nhà Đồ và một nhà gần cửa Chánh Tây. Hai nhà có con đang học bậc Tiểu Học. Bạn tôi vào nhà ở cửa Chánh Tây, tôi vào nhà ở cửa Nhà Đồ. Cảnh trí ngôi nhà tôi vào dạy kèm trông rất lý tưởng. Có vườn rộng, cây cối im mát, hai ngôi nhà lớn kiểu cổ bằng gỗ sắp hình chữ L, ngôi nằm dọc để ở, ngôi nằm ngang để thờ. Ông bà chủ nhà đều là công chức, người trắng trẻo, quần áo sạch sẽ, nói năng dịu dàng. Tôi có nhiệm vụ dạy 2 em, một em học lớp 3 và một em học lớp 5 (tức lớp 1 bây giờ), đổi lại, tôi ăn cơm và ở trọ khỏi trả tiền. Ông bà chủ nhà giao tôi ngôi nhà thờ, có bàn ghế để tôi lên lớp, có căn ngựa gụ để tôi nằm. Đêm đêm, một mình trong ngôi nhà rộng, không khí thờ phụng trang nghiêm, tự khí bằng đồng sáng choang, không khi nào tôi ngủ tròn giấc; hễ tôi chợp mắt, hình như ai đó đến đè cứng lên người tôi. Tôi đem chuyện ấy hỏi ý kiến một vài người, họ bảo đó là hiện tượng “mộc đè.” Buồn là hai em học trò của tôi đã không chăm học mà trí tiếp thu lại chậm. Được khoảng một tháng, ông bà nói với tôi sau bữa cơm trưa :
- Hai cháu còn quá nhỏ, chưa học hành gì đươc. Chúng tôi cảm ơn chú đã tận tình kềm cặp 2 cháu thời gian qua. Thôi, chú vui lòng đi kiếm nơi khác.
Lời cảm ơn như một tiếng sét. Tôi nghẹn họng, thất vọng. Thế mà cứ tưởng đây là nơi tôi có thể dung thân đến lúc ra trường. Tôi khăn gói ra đi giữa ban trưa trời nóng nực.
Đang kỳ nghỉ hè, tôi về quê. Bao nhiêu vất vả đã trải qua mà tôi mới chỉ học xong  năm thứ nhất, còn những 4 năm nữa.
Tôi tổ chức dạy hè cho con em trong làng. Tôi kiếm đủ tiền mua chiếc xe đạp cũ giá 700 đồng. Tôi nghĩ: cùng lắm vào năm tới, tôi sẽ về vùng thôn quê quanh Huế xin ở, hy vọng sinh hoạt ít tốn kém hơn và có cơ hội phụ việc ruộng trưa. Ở làng bên gần làng tôi, đã có một anh nọ học trước tôi mấy lớp tự mưu sinh học Đại Học Huế thành tài. Nghe nói anh thuê một đám ruộng sâu, diện tích vài ba trăm mét vuông ở đồng An Cựu, cấy rau muống, làm cỏ bón phân, cứ đến cuối tuần, anh hái, bó, tập trung rồi bán sỉ cho người buôn bán lẻ. Anh kiếm đủ tiền cơm và tiền sách vở. Tôi muốn noi gương anh ấy.
Đang tính toán loay hoay thì bạn tôi Nguyễn Lớn – mấy năm trước cùng học với tôi tại trường Bán Công Đông Hà - giới thiệu tôi đến làm gia sư nhà anh Lê Sa – anh con ông cậu  của bạn ấy.



Anh chị Lê Sa ở đường Đào Duy Từ, sau lưng lò mổ (abattoir) Huế. Tôi dạy 4 em học từ lớp 5 (lớp 1) đến lớp nhì (lớp 4). Anh chị xem tôi như người bà con ruột thịt. Bốn em học hành chăm ngoan mỗi ngày mỗi tiến bộ. Hai năm sau, em lớn nhất là Lê Việt đậu kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất trường Quốc Học, năm sau nữa, em thứ nhì Lê Tùng cũng được vào trường Quốc Học. Uy tín tôi lên cao. Tôi được xóm giềng kính trọng yêu mến, ai cũng gọi tôi một cách thân thương bằng hai tiếng “chú Đằng.” Người cháu gọi anh chị bằng cậu tên Trần thị Tô đang học trường Nguyễn Du cũng đến nhờ tôi dạy toán; trình độ toán của tôi mới xong lớp đệ tứ mà phải dạy cho em này chương trình lớp đệ ngũ, thành ra cũng khá vất vả, nhưng ơn Trời, chưa gặp bài nào không giải được, lúc bấy giờ Viện Hán Học không dạy môn Toán. Một gia đình - bạn của anh chị - cũng đưa con đến nhờ tôi dạy kèm tiếng Pháp, em này tên Trương thị Lê đang học lớp đệ tứ trường Đồng Khánh; mức chênh lệch trình độ giữa tôi và em học trò này không nhiều, nên đòi hỏi tôi phải nổ lực nghiên cứu.
Anh chị nuôi tôi quan tâm đến những chuyện riêng của tôi mà ít ai có thể nghĩ tới. Thấy bạn bè đến chơi, thường rủ tôi đi ăn chè bên Đông Ba, ăn cao lâu bên Gia Hội..., chị nói với tôi:
- Chị thấy mấy chú kia thỉnh thoảng rủ chú đi ăn, đi uống cái này cái khác, còn chú chắc không có tiền để đãi lại. Thôi để chị nói chị Lê – em gái của chị - nấu một nồi cháo lòng thật ngon rồi chú mời bạn bè tới vui một bữa.
Tôi cảm động lắm, chiều theo ý chị. Thật ra, tôi đã có thu nhập hàng tháng tương đối khá. Học bổng mỗi tháng 450 đồng, tôi tranh thủ đi dạy thêm bên ngoài mỗi tháng được 1.000 đồng. Không tiêu tốn tiền cơm, tiền trọ, tôi đang gầy dựng tủ sách riêng. Tôi mua đều các tạp chí Đại Học, Bách Khoa, Sử Địa. Tôi sắm đủ các bộ văn học sử Việt Nam, những sách chuyên khảo từng tác giả, tác phẩm có trên thị trường, còn những tài liệu nghiên cứu về văn học, sử học có giá trị mà đã hết ở các nhà sách thì viết tay hoặc in ronéo. Mộng tôi là muốn trở thành học giả như các thầy tôi. Tôi muốn hoạt động trong lãnh vực văn hoá. Làm văn hoá thì không cần thủ đoạn; nếu giỏi thì lưu danh đời này qua đời khác, có bất đồng quan điểm với ai về  vấn đề gì thì chỉ dùng cây bút để tranh luận; còn làm chính trị, dù giỏi đến mấy, nhiều lúc thời này đánh giá tốt, thời khác có thể đánh giá xấu; lại thêm, muốn đạt mục đích, khi cần, phải nhẫn tâm làm cho nhiều người chết, nhiều người điêu đứng và chuốc lấy oán thù. Tiếc là trong biến cố chiến tranh 1972 xẩy ra nơi quê tôi, tất cả sách vở của tôi không còn gì. Mới đây, tôi đọc quyển “Đọc & trò chuyện” của Trần Nhật Thu, trong bài “Thời tôi yêu”, tác giả kể lại vào mùa hè năm 1973 khi từ Cam Lộ xuống vùng giải phóng Đông Hà, tác giả thấy bộ đội đang ở trong một ngôi nhà có nhiều sách báo; vì nhác mót củi, họ đã đốt sách báo để nướng sắn. Tôi cứ ngờ ngợ đó là nhà và sách của tôi mà xốn xang trong lòng.
Chủ yếu tôi dạy kèm môn tiếng Pháp. Qua giới thiệu của Phan Cảnh Dai – bạn học cùng lớp ở Hán Học, tôi đến dạy tiếng Pháp cho em Lê Đức Tâm (?) con hiệu ảnh Đông Nam ở cửa Thượng Tứ, rồi sau đó tiếp tục dạy cũng tiếng Pháp cho em Lê Đức ? (tôi quên tên), con thầy Lê Hữu Khải. Thầy Khải quê ở Quảng Trị đang làm Khu Trưởng Thủy Lâm Huế và giáo sư thỉnh giảng môn Kịch Nghệ ở Đại Học Văn Khoa Huế. Hai em này theo học chương trình Pháp tại trường Providence. Nhờ dạy kèm, tôi có cơ hội củng cố vốn học ...

(Còn tiếp)

(Trích Đặc San Bạn Cũ Trường Xưa Khóa II Viện Hán Học)





















Không có nhận xét nào: