Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Kỷ Niệm Thầy Trò - Phần II: Thời Trung Học (Trần Văn Dật)




             Kỷ Niệm Thầy Trò
        Phần II: Thời Trung Học

Năm tôi đậu Tiểu học, Quảng Trị mới mở Trung học Tư Thục gồm ba lớp : đệ thất, đệ lục, đệ ngũ (lớp sáu, bảy, tám bây giờ). Sau trường này trở thành Trung Học Nguyễn Hoàng (trường công). Ba Mạ tôi cho tôi vào Huế học tiếp. Ý Ba định xin cho tôi vào học ở một trường Tư thục Thiên Chúa Giáo là trường Providence (Thiên Hựu), giảng dạy toàn tiếng Pháp giống như Pellerin (Bình Linh). Nhưng tôi cũng nạp đơn để thi cầu may vào trường Khải Định (Quốc học). Lúc này lính Tây đang chiếm ở đó. Nên trường Nữ Đồng Khánh được chia làm hai: một nửa cho Đồng Khánh từ đệ thất đến đệ tứ, một nửa cho Khải Định “lớn”, từ đệ tam đến đệ nhất (lớp mười đến lớp mười hai), nam nữ học chung. Còn Khải Định “nhỏ” (đệ thất đến đệ tứ), học nơi khác và sau chuyển thành Trung Học Nguyễn Tri Phương.

Tôi thi ở Khải Đinh “nhỏ”, thí sinh 2000 mà chỉ tuyển 270 cho 6 lớp. Bài vở tôi làm được nhưng cứ nghĩ khó mà đậu! Ai ngờ tôi được trúng tuyển vào đệ thất trường Khải Định năm đó. Thầy Ưng Đồng dạy môn Quốc văn. Tôi trọ học gần nhà Thầy (đường Chương Đức, Cầu Đất, Huế). Mỗi lần Thầy bệnh hay bận việc phải nghỉ dạy, Thầy đều nhờ tôi đưa đơn qua trường xin phép. Trái lại, khi tôi bị bệnh không đi học được, tôi lại nhờ Thầy giúp chuyển đơn. Bây giờ nghĩ lại tôi tự thấy không ổn! Tôi tự trách lúc đó mình lại làm một việc vô phép như vậy?

Linh mục Nguyễn Văn Thích dạy lớp tôi tiếng Pháp nên tôi được học với Cha nhiều bài hát tiếng Pháp. Khi qua Viện Hán Học, Cha lại dạy Hán văn cho khóa tôi liên tiếp mấy niên học. Cha cũng dạy cho Sinh Viên nhiều bài hát do Cha sáng tác. Đặc biệt Cha viết chữ Hán rất đẹp, đúng là “chữ rồng bay phượng múa!”. Cứ Tết đến, Cha viết cho Sinh viên những câu đối chữ Hán. Về âm nhạc, bài hát “Cái nhà là nhà của ta..” mà tôi thuộc lòng từ những năm tiểu học, không ngờ là do Cha Thích viết. Anh Lê Ngọc Bích, sinh viên Viện Hán học khóa 1 (đã mất) đã bỏ công sưu tầm và in được một tuyển tập Thơ,Văn, Nhạc, Họa…của Cha.
Thầy Hồ Đình Chữ tức nhà thơ Bằng Trình dạy Toán. Thầy là giáo sư sang nhất trong các thầy trẻ ở Khải Định “nhỏ”. Quần áo luôn láng lẩy, giày đánh bóng, Thầy hay lái xe hơi đến dạy. Thời đó có xe hơi là thuộc lớp giàu. Vợ Thầy là con chủ hiệu buôn bán lớn gần rạp chiếu bóng Tân Tân, Trần Hưng Đạo. Thầy viết chữ đẹp và bay bướm. Tôi vốn dốt môn số học. Cuối năm vị thứ môn Toán của tôi là 43/45 và Thầy Chữ đã phê vào học bạ “Kém, phải cố gắng nhiều”. Nhờ các môn khác kéo lại, tôi vẫn được lên lớp. Hôm thầy ra Toán làm tại lớp, tôi cóp-pi đứa bên cạnh. Nó che tay không cho. Tức mình, tôi nói: ”Lên đệ lục, học hình học, chắc gì mi đã hơn tau?”. Hè đó, tôi quyết tâm học toán. Tôi mua sách Hình học, Đại số có bài giải bằng tiếng Pháp về luyện thêm. Thời đó sách toán tiếng Việt rất hiếm. Ngay giáo khoa Toán cũng chỉ có từ đệ thất đến đện tứ của Đinh Quy, Bùi Tấn, Lê Nguyên Diệm. Qua đệ lục cũng Thầy Chữ dạy Toán nên thầy rất ngạc nhiên khi những bài tập toán của tôi thường được điểm 10 dành vị thứ cuối năm 6/45. Sau này ra dạy, có lần đi chấm thi tôi gặp Thầy Chữ cùng một trung tâm, tôi nhắc kỷ niệm học toán với Thầy, Thầy cười thích thú! Trong khi dạy Trung học, Thầy vẫn ghi danh học Đại học Văn khoa Huế, Thầy đậu Đại học, Cao học rồi học tiếp nữa…Trước 1975, Thầy là giáo sư Đại Học Huế. Tôi nhớ, sau 1990, trong một buổi phỏng vấn Thầy về Văn học của Đài BBC, người ta gọi Thầy là Tiến sĩ Hồ Đình Chữ. Thầy hiện đang sinh sống ở Úc.

Còn dạy Anh văn lớp đệ lục của tôi là thầy Cao Cự Phúc. Thầy ở vùng kháng chiến về, học lại trường Khải Định “lớn”, đậu Tú Tài 2 Ban C (Ban Văn chương, Sinh ngữ) rồi xin vào dạy Khải Định “nhỏ”. Thầy bắt học trò gọi Thầy bằng “Anh”.

Anh Phúc là người Quảng Trị với tôi, con Thầy Bàn, bạn với Ba (mà tôi đã nhắc ở trên). Nhà Anh ở sau nhà tôi, cách mấy căn. Môn Anh văn tôi học khá nên Anh rất mến tôi. Tôi được Anh đề cử đi thi “Concour général” cho khối đệ lục. Thỉnh thoảng, trên tạp chí Đời Mới – một tờ báo uy tín thời bấy giờ- tôi thấy có bài viết của Anh. Anh chính là Nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như “Ai lên xứ hoa đào”, “Đàn ơi xa rồi”, “Tà áo tím” v..v…Sau Hiệp định Genève một nhóm trí thức ở Huế tranh đấu cho hòa bình thế giới. Nhóm này bị công an bắt, trong đó có Anh Phúc và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, dạy nhạc trường tôi. Hàng ngày, ngoài giờ học, học sinh chúng tôi thường kéo đến trước cổng Ty Công An - Cảnh Sát, gần trường tôi để nghe ngóng tin tức. Trong Ty, các thầy và một số người khác ngồi trước hàng hiên nhìn ra chúng tôi. Tuy lúc đó, họ không hành hạ hay uy hiếp gì các thầy nhưng chúng tôi vẫn rất xót xa và thương các thầy của mình… Một tuần sau, tất cả được thả về, Anh Phúc tiếp tục dạy Anh văn lớp tôi cho đến hết niên khóa. Rồi nghe nói “người ta” không cho Anh ở Huế, Anh lên Đà Lạt dạy trường Bồ Đề. Một mối tình lãng mạn ở xứ “ngàn hoa” đã cho chúng ta ba tác phẩm tuyệt vời của Hoàng Nguyên :”Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ hoa đào” và “Đường nào lên Thiên Thai”. Một lần bố ráp, ở phòng trọ của Anh, cảnh sát không biết tìm được những gì, nhưng nghe nói trong đó có bài Quốc ca Miền Bắc (Tiến quân ca), của người nhạc sĩ đa tài mà Anh rất mến mộ: Văn Cao. Lần đó Anh bị bắt rồi đưa ra Côn Đảo. Theo tôi, nhạc sĩ Hoàng Nguyên chắc phải có hoạt động gì đó. Về âm nhạc, nhiều tác phẩm có xu hướng dân ca Huế như “Anh đi mai về”, “Tiếng hai đêm”… của Anh, lời ca rõ ràng có ẩn ý nhắn nhủ, kêu gọi hòa bình, phản chiến, hướng về tình tự dân tộc…
Năm 1958, Anh được thả về. Hay tin, tôi cùng người em rể, đều là học trò cũ của Anh, đương ở Sài Gòn, đến thăm Anh tại nhà nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, đường Bùi thị Xuân. Nhà Hoàng Thi Thơ đang bận tiếp khách, thế là thầy trò chúng tôi đứng ngoài đường nói chuyện với nhau. Anh lại học Đại học Sư phạm Anh văn, đi dạy một thời gian nữa thì bị động viên học Sĩ quan Thủ Đức. Ra trường nhờ có nhạc sĩ Anh Việt (đại tá Trần Văn Trọng, cục trưởng Cục Quân cụ) đưa anh vào ngành Quân cụ đồng thời giúp nhạc sĩ Anh Việt trong Hội Nhạc sĩ Quân đội. Anh mất bất ngờ trong một tai nạn xe. Cấp bậc cuối cùng là đại úy. Tất cả tác phẩm của Hoàng Nguyên đều có gía trị cả ca từ lẫn âm nhạc. Anh đã viết nhạc bằng cả tâm hồn và trái tim nhân ái. Nếu anh còn sống, biết đâu kho tàng âm nhạc Việt Nam lại không có thêm nhiều ca khúc tuyệt vời? Thật:

          “Thương cho một kiếp tài hoa
            Mà đời lắm nỗi phong ba dập vùi…” (TVD)

Thầy Nguyễn Hữu Ba dạy tôi môn nhạc hai năm đệ thất, đệ lục. Thầy là bạn của Ba tôi. Trong những năm kháng chiến 1, Thầy có về quê ở với gia đình tôi một thời gian. Vì hoàn cảnh, Thầy không học nhiều nhưng đa tài. Thầy chuyên khảo cứu dân ca Việt Nam, cổ nhạc nhất là miền Trung. Ngón đàn cổ của Thầy thì ít ai sánh kịp. Nhất là đàn nhị mà khi kéo Violon, cũng rất véo von. Thầy thành lập ở nhà riêng, gần cửa Thượng Tứ một “Tỳ Bà Viện”, trong đó gần như một bảo tàng nho nhỏ về các nhạc khí dân tộc. Thầy còn làm thơ Đường, vẽ tranh thủy mặc. Thầy có vẽ tặng Ba tôi hai bức, lồng kiếng đóng khung rất đẹp. Thầy đã từng làm giám đốc Nhạc viện Huế và dạy nhạc tại Nhạc viện Sài gòn. Nhiều nghệ nhân nổi tiếng hiện nay là môn sinh của thầy. Khoảng 1982, tôi và một người cháu theo chân Ba tôi đến nhà Thầy ở Phú Nhuận. Thầy đã đàn cho chúng tôi nghe và tặng tôi một tập sách nhỏ khảo cứu cổ nhạc Việt Nam. Thầy kể một kỷ niệm vui : “Hồi ở Quảng Trị, bọn Tây đi lùng đến nhà Thầy, một thằng hung hăng kéo cái đàn trên vách xuống đất, rồi “đàn bằng gót giày”. Vừa nói Thầy vừa làm điệu bộ, pha trò rất tự nhiên, làm cho chúng tôi cười ngặt nghẽo…

Năm đệ lục, tôi học Quốc văn với Thầy Hà Thúc Lãng. Thầy còn giữ nhiệm vụ kiểm duyệt sách báo ở Ty Thông Tin. Một hôm Thầy Nguyễn Hữu Ba kéo Violon cho cả lớp nghe một ca khúc của Hoàng Nguyên rất hay, Thầy viết lời ca lên bảng rồi gạch dưới nhiều ca từ, lưu ý chúng tôi đó là những ca từ bị kiểm duyệt. Và Thầy nói xa nói gần để cho học trò biết người kiểm duyệt là Thầy Hà Thúc Lãng. Tôi không còn nhớ tựa đề bài hát, chỉ nhớ mang máng : “Người về Miền Bắc nhớ thương người ở Miền Nam (…). Đây dốc ngược Câu Nhi đây bến đò Ba Lòng. Tiếng ai hò trên sông…”.  Bài này về sau Hoàng Nguyên đặt lại lời ca và đã xuất bản. Thầy Hà Thúc Lãng có hai người con cũng là thầy của tôi. Thầy Hà Như Hy dạy Công dân đệ ngũ sau là Hiệu Trưởng Trung Học Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi và Thầy Hà Như Chi dạy Văn lớp đệ nhị lúc tôi ở Sài gòn, là tác giả hai tập giảng văn biên soạn rất công phu : “Việt Nam Thi Văn Giảng Luận”, Thầy cũng là dân biểu Quốc hội có uy quyền thời Ngô Đình Diệm.

Thầy Võ Long Tê dạy tôi môn Việt văn đệ ngũ. Một buổi chiều, mới vào lớp Thầy đã hỏi : “Em nào không soạn đoạn Chinh Phụ Ngâm mà thầy đã cho chép ở trên bảng?”. Ở nhà, tôi cứ nghĩ mới bắt đầu học Chinh Phụ Ngâm, chắc Thầy sẽ giảng ở lớp nên không soạn. Tôi thản nhiên đứng dậy, tiếp theo bảy tám đứa khác cũng đứng lên trong đó có hai bạn Nguyễn Kim Hoàn (ở lại lớp) và Tôn Thất Hoàng (trường tư mới thi vào). Cả hai đều học kém lại ngang tàng, nghịch ngợm, chơi thân với nhau. Thầy Tê cho mỗi đứa không soạn bài một con zéro vào sổ điểm. Chiều lại, cuốn sổ điểm tự nhiên biến mất. Năm đó, Khải Đinh “nhỏ” đã đổi tên là Nguyễn Tri Phương, Thầy Đinh Quy làm hiệu trưởng. Thầy nổi tiếng nghiêm khắc, học trò rất sợ. Sáng hôm sau, thầy cho gọi riêng từng đứa bị điểm “không” vào phòng hiệu trưởng, trong đó có tôi. Thầy vừa như hăm dọa lại vừa dỗ dành. Trong lòng, tôi đang nghi hai bạn tên Hoàn và Hoàng là thủ phạm vụ này nhưng không dám nói ra. Về sau vụ việc qua ngày tháng, không tìm ra ai, cuối cùng cũng êm xuôi cả. Thầy Võ Long Tê có những công trình văn học giá trị…

Trường có sáu lớp đệ ngũ nên môn Sử Địa chia cho hai thầy là Ưng Đồng và Cao Hữu Triêm cùng dạy, mỗi thầy ba lớp. Thầy Triêm dạy lớp tôi, Thầy nổi tiếng ở Huế về môn học này. Thi Trung học nếu đậu thi viết (écrit) xong, khi qua thi vấn đáp (oral) Sử Địa thế nào cũng gặp Thầy Triêm. Ở Nguyễn Tri Phương, hai kỳ thi lục cá nguyệt, sáu lớp chúng tôi bị xáo trộn ngồi theo vần a,b,c và làm cùng đề thi. Hôm thi Sử Địa, trong số các câu hỏi có một câu Thầy Triêm chưa dạy mà Thầy Đồng thì dạy rồi nên cậu ngồi kế tôi, học Thầy Đồng, viết ro ro, còn tôi đành cắn bút. Tôi nghĩ nếu xem cậu đó chép vào thì Thầy Triêm sẽ biết là tôi “cóp-pi”. Do đó, để chứng tỏ sự ngay thật, cũng như lý do không làm bài được, tôi ghi vào giấy thi: “Bài này Thầy Triêm chưa dạy”. Sau kỳ thi, Thầy Triêm vào hai lớp B1 và B3 nói với học trò rằng: “Bên B2 có thằng Trần Văn Dật dám cả gan viết vào bài thi nói thầy Triêm chưa dạy…”. Các bạn hai lớp này thuật lại với tôi. Tuy nhiên khi vào lớp tôi, Thầy vẫn dạy bình thường không đả động gì đến chuyện đó cả mà rồi tôi cũng không biết Thầy cho mình mấy điểm vì Thầy không phát bài cũng chẳng đọc điểm. Nhưng tôi bắt đầu lo sợ, sợ gặp Thầy trong kỳ thi vấn đáp Sử Địa năm sau. Bấy giờ tôi đã võ vẽ làm được một số bài thơ, có cả thơ Xuân. Nhân dịp Tết, tôi chép thơ tôi vào giấy đẹp, đóng thành tập nhỏ nhờ hai thằng bạn thân trình bày thật trang nhả, có hoa lá cành, mua thêm thiệp Xuân viết lời chúc Tết Thầy. Đề tên cả ba đứa rồi mang đến nhà tặng Thầy. Thầy vui vẻ đón nhận và chuyện trò với chúng tôi rất tự nhiên. Từ đó, lòng tôi nhẹ hẳn. Lên đệ tứ, vẫn Thầy Triêm dạy Sử Địa nhưng hôm thi vấn đáp, tôi lại gặp Thầy Lê Hữu Mục, giáo sư Quốc Học sau dạy Đại học Văn khoa Huế. Thầy Mục bỏ các câu hỏi vào trong hộp, tôi bốc trúng bài “Đồng bằng Nam Việt”, tôi đọc ngay, còn một đoạn ngắn ở sau tôi quên bén nên đứng im. Thầy Mục bảo tôi đọc tiếp, tôi láu cá trả lời: “Thưa thầy, Thầy Triêm chỉ dạy chừng đó”. Thầy cũng làm thinh, cho điểm. Ở Quốc Học, Thầy Mục cũng có dạy tôi một thời gian ngắn. Thầy là tác giả hai cuốn luận đề về “Nửa chừng Xuân” của Khái Hưng, “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh và một số công trình dịch thuật từ Hán văn qua Việt văn. Sau 1975, thầy định cư tại Canada.

Hôm thi môn Vạn vật (Sinh vật) giáo sư phụ trách là một cô giáo trẻ, ở Cô, toát ra một nét đẹp dịu hiền. Cô dạy ở Đồng Khánh, tôi không biết tên. Cô gọi tôi lên, với vẻ mặt buồn bã, tôi thưa với Cô: “Thưa Cô, em chỉ thuộc bài “Mắt” ”. Cô nhỏ nhẹ bảo tôi về lại bàn ngồi soạn trước. Tôi mừng hú vía. Không hiểu sao Vạn vật là môn học bài mà tôi đần một cách lạ lùng! Cứ học thuộc đó rồi lại quên ngay. May còn nhớ được bài “Mắt”. Hai môn dốt khác của tôi là Lý và Hóa. Từ đệ thất đến đệ ngũ, tôi chẳng hiểu gì về hai môn này nên không làm trúng được một bài toán lý hóa nào. Mãi đến năm đệ tứ, năm quyết định cho tương lai, tôi mới biết cân bằng phản ứng để làm được toán hóa và hiểu thêm về điện, quang, để làm bài tập lý. Nói chung, với tôi suốt cả đời, cái gì liên quan đến máy móc, khoa học, tôi không thích lắm, nên làm biếng tìm hiểu. Cũng vì cái tánh đó, mà đến bây giờ, thời đại vi tính, người ta toàn viết trên máy để sửa chữa thêm bớt dễ dàng thì tôi  vẫn ngồi viết tay, sau mới nhờ đánh lại để sửa hoàn chỉnh.

Sau hiệp định Genève, Tây rút về. Khải Định “lớn” từ “Đồng Khánh” trở lại vị trí cũ, rồi năm 1956 được đổi tên thành “Quốc Học Ngô Đình Diệm” nhưng tên này không hiểu vì sao chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Có lẽ thấy thêm ba chữ “Ngô Đình Diệm sau chữ “Quốc học” có vẻ không ổn lắm, lại thôi!
(Còn tiếp) 
                                           Trần Văn Dật






             

 (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: