Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Kỷ Niệm Thầy Trò - Phần III: Thời Viện Hán Học (Trần Văn Dật)


                              Kỷ Niệm Thầy Trò:
                      Phần III: Thời Viện Hán Học
                                 
                                              ***  
(Riêng tặng Lý Văn Nghiên và Nguyễn Bá Yên)

Mới đây tôi ở Vĩnh Long lên thành phố Hồ Chí Minh dự đám giỗ Ba tôi được tổ chức hàng năm tại nhà người anh cả. Nhân một buổi chiều đi bộ (tập thể dục) từ nhà con gái tôi ở đường Hồ Biểu Chánh Phú Nhuận, tôi ra Nguyễn Văn Trỗi rồi bẻ xuống Huỳnh Văn Bánh (trước đây là Nguyễn Huỳnh Đức) vì tôi muốn đi ngang qua số nhà 63 Huỳnh Văn Bánh, nơi Ba tôi đã mất vào năm 1992. Căn nhà này bây giờ thuộc chủ khác. Bởi Ba Mạ tôi cho đứa gái út ngôi nhà và sau một thời gian ở, em tôi đã bán để mua một nơi khác xây cất rộng rãi hơn. Tôi vừa đi vừa nghĩ đến Ba tôi rồi rẽ phải qua đường Phan đình Phùng và vào Nhà sách Phú Nhuận. Tôi đi thẳng tới khu chứa sách văn học và sử học. Sau khi để mắt lướt qua một lượt những nhan đề sách và tác giả, tôi sung sướng cầm lên cuốn “Huyền Thoại Về Danh Lam Xứ Huế” của Thầy Bửu Kế. Cũng như năm 2004, vào một nhà sách thấy “Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên” đồ sộ của Thầy Bửu Kế với giá rất cao (theo với lúc đó), tôi vẫn mua về. Tiếc là cuốn Từ điển này ra đời khi Thầy đã mất, do đó, người biên tập, người sửa “mô-rát” (morasse) có lẽ không cẩn thận lắm, nên đã viết sai và để sót rất nhiều từ, làm giảm giá trị tác phẩm và làm mất uy tín của Thầy không ít. Bởi trước năm 1975, những sách và dịch phẩm của Thầy đã in đều có giá trị cao về mặt văn học và Thầy đã được nhiều giải thưởng. Trong đó “Tầm Nguyên Từ Điển” đã giúp cho tôi rất nhiều khi tôi viết hai cuốn “Từ Điển Vần Bằng Tiếng Việt” và “Từ Điển Vần Trắc Tiếng Việt”.

Tại Viện Hán Học, tôi được học với Thầy Bửu Kế về môn Văn minh học triều Nguyễn ở năm thứ năm,  trong khi có lớp học Anh văn với Thầy từ năm thứ nhất. Thỉnh thoảng vào giờ ra chơi, tôi đứng trò chuyện với Thầy ở hành lang và đã có lần, tôi đã yêu cầu Thầy sớm cho xuất bản những tác phẩm về Văn minh học của Thầy. Nhưng hình như mãi sau những năm 1990, “thời mở cửa”, những tác phẩm đó mới được con Thầy cho in  khi Thầy đã mất.

Năm 1965, ra trường, tôi được bổ dạy ở Nữ Trung học Quy Nhơn. Một hôm, nhân đọc tờ tạp chí có đăng bài của Thầy Bửu Kế nói về những lỗi trong “Việt Nam Tân Từ Điển” của Thanh Nghị và Thầy có ý định viết một Từ Điển Tiếng Việt, tôi nảy ra ý thu gom các từ địa phương – những vùng miền tôi đã ở, đã qua - viết theo mẫu tự A,B,C…có giải nghĩa, chẳng hạn như “Nẫu: người ta” (Nẫu nói : người ta nói). Xứ Nẫu: chỉ vùng Bình định, Phú Yên. “Nậy: lớn, Côi: trên (Côi nớ: trên ấy) v..v…Rồi khi nào khá nhiều từ, tôi sẽ gởi ra cho Thầy để Thầy bổ sung vào Từ Điển Tiếng Việt.

Bấy giờ Thầy đang làm Quản thủ Thư viện Huế. Tôi đã gom và viết được một quyển vở 100 trang. Nhưng tiếp theo là chuyện lính tráng, chuyện vợ con và nhất là do biến cố 1975, ý nguyện của tôi đối với Thầy không thực hiện được, rồi di chuyển, “chạy loạn”, thay nhà, đổi cửa…nên tác phẩm con con đó cũng bay đâu mất!

Hôm nay ngồi đọc “Huyền Thoại Về Danh Lam Xứ Huế” của Thầy Bửu Kế, không những tôi nghĩ về Thầy mà nghĩ đến những Thầy khác ở Viện Hán Học rồi tự nhiên đồng loạt tưởng nhớ tới quý Thầy xa xưa, thân thương mang dấu kỷ niệm…

          Hồi tôi học Đệ nhị cấp ở Quốc học, Thầy Cao Xuân Duẩn, giáo sư Anh văn, dạy trong trong quyển “L’Anglais Vivant Troisième bleu”. Bài đầu tiên là “Civil War” (Nội chiến). Thầy uốn lưỡi đọc hai chữ Civil War trông có vẻ đau khổ nên bọn học trò tinh nghịch chúng tôi cứ thấy thầy là đọc “Civil War”. Thầy Cao Hữu Hoành, em ruột Thầy Triêm dạy Pháp văn. Thầy thích nói về Triết. Chính câu chuyện Le Cid mà Thầy dạy đã ảnh hưởng đến tôi để tạo nên một mối tình khá trớ trêu khi học ở Viện Hán Học. Thầy Hương thì dạy tôi Quốc văn. Học về Chinh Phụ ngâm, Kiều, Cung Oán Ngâm khúc…Thầy hiếm khi mang theo sách. Cứ vào lớp, Thầy đọc tuần tự từng câu thơ rồi bình giảng. Lần sau lại đọc câu tiếp. Chúng tôi thán phục trí nhớ siêu đẳng của Thầy. Thầy có một cửa hiệu lớn bán đồ máy móc gần nhà sách Ưng Hạ đường Trần Hưng Đạo. Thầy thường tự lái xe đến dạy. Thầy sống trong một villa rất đẹp trong khu đất rộng. Thầy Duẩn, Thầy Hoành về sau đều dạy ở Viện Hán Học. Lúc tôi học năm thứ tư ở đó thì Thầy Hương về làm Giám học của Viện thay Thầy Phan Văn Dật và kiêm nhiệm môn Văn lớp tôi thế thầy Nguyễn Văn Dương chuyển qua trường khác. Trước đó độ một tháng, Thầy Dương ra đề luận cho sinh viên nghiên cứu để viết về Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải trong Truyện Kiều. Tôi tìm đọc nhiều sách liên quan đến Truyện Kiều rồi viết ra trên những tờ giấy lớn đóng thành tập. Nhờ người bạn cùng khóa, Nguyễn Bá Yên trình bày, viết các tựa đề chữ to rất đẹp. Nhưng Thầy Dương ra đi thình lình, tôi đem đến nhờ Thầy Hương xem. Không ngờ có nhiều đoạn Thầy khen và phê một câu đầy ấn tượng làm tôi quá vui: “Một sinh viên có tương lai!”. Thầy còn bắt tôi thuyết trình trước lớp bài viết của mình. Cuối năm ấy, tôi đứng Nhất, được Huy chương đồng về học lực của Viện Đại Học Huế. Thầy Hương phê trong học bạ tôi “Học hạnh kiêm ưu”. Nhưng thưa Thầy, Thầy tiên đoán về con sai rồi: Sau “Giải phóng”, con quá lao đao! Người ta đày đọa con đủ cách!...

Cũng niên khóa này, con gái Thầy Hương học năm thứ nhất theo qui chế mới. Cô ta khá xinh xắn, dễ thương. Thầy quen Hội Việt Mỹ nên xin cho Viện Hán Học tổ chức một đêm văn nghệ tại đó, cô con gái của Thầy cùng ở trong ban hợp ca với tôi. Chúng tôi quen nhau qua những buổi tập hát, nhưng chỉ nhìn nhau mà chưa nói với nhau lời nào. Tôi có linh tính, cô đã có cảm tình với tôi. Hôm trình diễn, ban hợp ca mặc đồng phục có gắn “nơ” trước ngực. Tôi khá xúc động và ngạc nhiên khi các bạn gái của cô đứng đó, mà cô lại tìm đến, nhờ tôi cài nơ lên ngực cô. Tối đó, tôi hân hạnh đèo cô về nhà trên chiếc vélo-solex cà tàng của tôi. Vì mới mẻ quá, tôi chưa dám thổ lộ gì, chỉ là vu vơ với nhau. Về sau, thêm vào đó vì một cô bạn trong nhóm ca hát, có ý ganh tị nên chúng tôi không còn gắn bó nhiều. Thậm chí cuối hè, tôi bị tai nạn xe nằm ở bệnh viện, mọi người từ bạn cùng khóa, khác khóa, các thầy, có Thầy Hương (ba của cô) đến thăm hỏi, nhưng cô vẫn cố lánh mặt, không đến. Sau khi Viện Hán Học giải thể, cô qua học Đại học Sư phạm Anh văn. Một kỷ niệm nho nhỏ nhưng cũng nhớ hoài!

Ở Viện Hán Học, Thầy Nguyễn Hồng Giao dạy Tứ Thư. Thầy khoan hòa, điềm đạm. Ăn nói chuẩn mục. Năm đầu Thầy dạy Luận ngữ. Thầy viết bài lên bảng cho chúng tôi chép vào vở, xong Thầy giảng, chúng tôi lại ghi nhớ. Một hôm ra nhà sách gặp cuốn Luận Ngữ của Đoàn Trung Còn chú giải, tôi mua về, thay vở mới, chép lại các bài mà Thầy Hồng Giao đã dạy rồi ghi theo lời giảng của Đoàn Trung Còn. Thầy Giao gọi tôi lên hỏi bài. Thấy vở tôi chỉ chép các lời giải của Đoàn Trung Còn mà không thấy lời nào của Thầy, Thầy có vẻ không bằng lòng. Nhưng lần nọ, Thầy ra đề tài nghiên cứu: “Người quân tử trong Nho giáo”, thời gian làm một tháng. Tôi sưu tầm tài liệu về người quân tử… và đến nhà Thầy Dật, nhờ kho sách của Thầy, tìm đọc, ghi chép tại chỗ rồi về nhà hoàn thành bài nghiên cứu đúng kỳ hạn. Khi chấm bài, Thầy Hồng Giao đã phê: ”Một điểm son!” 18/20. Năm thứ ba học về Mạnh Tử. Thầy ra đề: “Mạnh Tử, nhà cách mạng”,  Thầy lại cho 18,5/20 rồi cũng phê: “Một điểm son!”. Nhờ những lời khen của quí thầy đã khích lệ tôi rất nhiều trong việc học tập. Khi không còn Viện Hán Học, Thầy Giao qua dạy Trung học. Thầy cùng Thầy Võ Như Nguyện đã soạn quyển “Hán Văn tự học”. Sau này nghe nói nhà xuất bản Đà Nẵng đã in và tái bản nhiều lần.

Cụ Ngô Đình Nhuận thì dạy Hán văn lớp tôi năm thứ ba. Năm ấy tôi làm lớp phó phải điểm danh các bạn rồi báo cho mỗi thầy trước giờ dạy. Chiều đó, Nguyễn Văn Đài, con thầy Nguyễn Văn Kháng (dạy tôi Pháp văn) không biết “bận việc” đi chơi hay có giờ học bên Văn Khoa mới dặn tôi: ”Tau nghỉ, mi đừng ghi tau vắng nghe!”. Cụ Nhuận bước vào, cả lớp đứng dậy, tôi báo:”Thưa Cụ, cả lớp đủ”. Cụ chưa cho ngồi xuống mà lại đếm (lớp B tôi chưa được 30 người nên qua năm thứ tư, hai lớp A,B nhập làm một được 56 sinh viên). Tim tôi đập thình thịch vì quá sợ. Cho lớp ngồi xuống rồi Cụ mới la tôi. Tôi rất xấu hổ thế mà cũng bướng đứng dậy bào chữa: “Thưa Cụ, con không bao giờ dám nói láo, khi nãy con đếm đủ mà!”. Sở dĩ tôi dám qua mặt Cụ như vậy vì giờ Cụ, chưa lần nào Cụ hỏi sĩ số. Độ một tuần sau, Cụ bệnh rồi mất. Nghe tin, sau giờ học, tôi và một số bạn khác chạy qua nhà Cụ liền, lúc chưa khâm liệm. Cụ nằm đó, trên chiếc giường trong buồng. Không biết đã có ai vuốt mắt cho Cụ chưa, hay vì bị ám ảnh, tôi thấy Cụ cứ nhìn tôi trừng trừng. Tôi có cảm nghĩ Cụ vẫn giận tôi về hành vi không đẹp hôm đó đối với một người thầy.

Những thầy cao tuổi dạy ở Viện, chúng tôi đều gọi bằng “Cụ” ngay những giáo sư trẻ hay trung niên, cũng gọi các thầy đó bằng “Cụ”. Như Cụ Bột, dạy Sử Trung Quốc , Cụ Ngại dạy Hán Văn, Cụ Định dạy Đường thi v.v…
Một hôm tôi đưa tập thơ của tôi nhờ Cụ Định xem. Phần lớn cụ phê bên cạnh “Được”!. Cũng có bài Cụ sửa.Một bài khác có nội dung: Người con trai chưa có công danh sự nghiệp, tương lai còn mờ mịt lại sống vất vưởng rày đây mai đó nên chàng khuyên người yêu hãy quên mình đi. Đọc xong, Cụ phê:  “Phụ tình chăng?”. Cụ tuy “cựu” nhưng lại rất “tân” trong thơ phú, thích tự do hơn theo luật, chẳng hạn như mấy câu sau:
                          “Trăng
                            Nước
                            Ngọc
                            Vàng
                            Tồn tại
                            Tiêu tan
                            Một vẻ khuynh quốc
                            Một ánh hào quang…”

Thầy Võ Như Nguyện, Chủ sự văn phòng, không dạy, trực tiếp quản lý Viện Hán Học. Thầy trông rất oai vệ, từng làm Tỉnh trưởng và phụ trách an ninh cả Miền Trung. Thầy đi làm bằng xe hơi có tài xế do chính quyền phái qua. Một lần tôi cùng các bạn Sinh viên đến gặp trực tiếp Cha Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại học kiêm Giám Đốc Viện Hán Học, đưa đơn xin Cha cho Thầy Phan Văn Dật, nguyên giám học Viện Hán Học, đã bị “đẩy” xuống làm dịch thuật ở Thư viện Huế, được dạy lại. Đơn trả về Viện Hán Học và Thầy Nguyện gọi tôi xuống văn phòng bảo là tôi đã làm một việc thiếu nguyên tắc hành chánh, vượt hệ thống. Thầy đã la tôi. Dù vậy, lúc nào tôi cũng kính mến Thầy Nguyện. Rồi chính sự rầy la đó mà tôi tìm đến “người cháu gái của thầy” đang học ở Hán Học Viện. Tôi thử áp dụng câu chuyện Le Cid mà Thầy Cao Hữu Hoành đã dạy tôi. Ai dè cuộc tình đến quá nhanh chóng và mỗi ngày mỗi khắng khít giữa những bất trắc đang bủa vây bên ngoài…Và lúc tôi đang ở xa, nghe đâu chính Thầy Nguyện là người đứng ra xe kết cho hai đứa chúng tôi, nhưng có lẽ do không có “duyên” nên rồi chỉ còn “nợ” nhau mãi mãi…Thầy và gia đình hiện định cư ở Pháp. Năm nay (2014) Thầy đã gần 100 tuổi!

Thầy Võ Như Nguyện và Thầy Phan Văn Dật là những đầu tàu của Viện Hán Học khi mới thành lập. Thời gian học ở đó, tôi hay lui tới nhà Thầy Dật, vì nhà thầy là một “thư viện” nho nhỏ, đầy sách quí hiếm. Thầy là thi sĩ thời Tiền chiến, có tên trong Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân . Thầy cũng có viết tiểu thuyết và nhận được phần thưởng của Tự Lực Văn Đoàn. Lúc đầu Thầy làm giám học. Ở lớp tôi, Thầy dạy Sử Địa năm Nhất, và Quốc văn năm cuối khi Thầy trở lại Viện Hán Học. Một hôm, tôi chép một số bài thơ của tôi tặng Thầy. Ý của tôi muốn nhờ thầy cho ý kiến. Tôi làm thơ mà thiếu tự tin. Bài đầu trong tập thơ nhỏ đó là:
                      Xuân với lòng tôi
              Đã mấy Xuân đi Xuân lại về
              Lòng tôi còn đắm giữa sông mê…
              Thuyền đời vẫn lướt bên hờ hững
              Và chuốc cho mình những tái tê…

              Người ta cười đón mùa Xuân mới
              Tha thướt xiêm y sáng rực đường
              Tất cả triều vui đương ngóng đợi
              Tôi tìm Xuân với ý buồn thương!

              Ray rứt tháng ngày cho số phận
              Thiệt thòi, thất vọng, vấn vương theo…
              Xuân quang thêm gợi niềm ân hận!
              Định bến nơi nao một cánh bèo!?

              Tiếng pháo đêm Xuân nổ chuyển trời
              Cô phòng, làm xé nát tim côi…
              Hồn kinh như lạc vào hư động
              Tôi kéo chăn trùm kín lấy tôi!

              Tôi phải vì đâu khổ thế này ?
              Bao giờ mới hết nỗi niềm tây?
              Sầu miên chẳng thứ đêm trừ tịch
              U ám tâm tư phủ tháng ngày…

Ngày sau tôi đến nhà Thầy, thấy tập thơ của tôi đang ở trên bàn mà bài “Xuân với lòng tôi” có mấy câu thầy gạch đỏ bên dưới. Tôi hồi hộp. Sợ đấy là những câu bị chê nhưng không, thầy nói đó là những vần thơ, ý thơ hay, đạt! Tôi vui biết bao!

Thời gian ở Viện Hán Học thỉnh thoảng Thầy Dật cho tôi sách văn học. Ra trường, đi dạy, tôi vẫn liên lạc với Thầy và thư hồi âm nào của Thầy cũng kèm theo giới thiệu những tác phẩm hay. Ở Huế, Thầy dạy khá nhiều trường (lúc Viện Hán Học không còn) như Đồng Khánh, Cao Đẳng Mỹ Thuật, Đại học Văn Khoa…Sau 1975, tất cả đổi thay, tôi mất liên lạc và chẳng biết Thầy ở nơi nào. Gia đình tôi từ Quy Nhơn vào Vĩnh Long. Mãi đến năm 1983, tình cờ tôi nghe nói Thầy vẫn còn ở Huế, tôi tìm được địa chỉ và từ đó, thầy trò lại thư từ qua lại. (Trong bài “Những tháng ngày khó quên” đăng ở Đặc san 50 năm thành lập Viện Hán Học” tôi viết nhiều về Thầy Phan Văn Dật).

Thầy Nguyễn Văn Dương dạy lớp tôi hơn ba niên khóa. Thầy là một trong những giáo sư trẻ. Dạy rất nhiều môn :Quốc Văn, Hán Văn, Triết học…Thầy chỉ cho sinh viên cách đọc sách, ghi chép tài liệu và thường giới thiệu các sách hay. Thầy gửi những tác phẩm văn học thầy hiện có mà chưa được xuất bản lại, vào Sài Gòn, thuê đánh máy, in ronéo (bấy giờ chưa có photocopy) đóng thành tập rất đẹp, gửi về Huế. Thời đó mà có những tập như “Thơ Thơ”, “Gửi Hương Cho Gió” của Xuân Diệu, “Dưới Mắt Tôi” của Trương Chính…sinh viên chúng tôi mừng lắm. Thầy chịu khó học tập, nghiên cứu, nên tuy còn trẻ mà đã có tác phẩm xuất bản. Đầu năm thứ tư, chúng tôi học với Thầy hơn một tháng thì thầy đổi qua Quốc Học rồi Đại học Huế. Vừa dạy vừa học, Thầy lấy xong Cao học rồi Tiến sĩ. Sau thầy xin vào Sài gòn dạy Hán văn, tiếng Hoa, tiếng Nhật ở Đại học Sư Phạm. Thầy viết Từ điển tiếng Việt, Hán Việt, Pháp Việt, Anh Việt…nghiên cứu Sử học và dịch thuật. Tất cả đều đã xuất bản. Tôi vinh dự được Thầy tặng cho các tác phẩm chính của Thầy. Ở Vĩnh Long, tôi giới thiệu và bán một số sách của Thầy viết. Một hôm vào bán cho trường Cao Đẳng Sư Phạm, họ đòi hóa đơn đỏ, tôi không có, họ bắt tôi xác nhận là “Tác giả bán”. Tôi phải ghi ẩu:”Tôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương, Tác giả…”  Ghi xong, bước ra, thấy quá xấu hổ về sự mạo nhận danh Thầy.  Sau này nghe kể lại, thầy trò cùng cười…

*      *
  *

Trong cuộc đời học sinh, thầy nào đã dạy mình, không nhiều thì ít, đều có những kỷ niệm riêng. Bây giờ tôi đã trên tuổi “thất thập”, trí nhớ đã mỏi mòn nên chỉ ghi lại được chút ít thôi.





 Thầy Võ Như Nguyện
Thầy Phan Văn Dật 

Cha Nguyễn Văn Thích


Thầy Nguyễn Văn Dương



Thầy  Phan Chí Chương






Thầy Nguyễn H Châu Phan



Kính thưa quý Thầy,

Khi con ngồi viết những dòng hoài niệm này thì phần lớn quý thầy đã ra người thiên cổ! Nhưng ở đâu, dù chỉ dạy cho con một chữ (nhất tự), nửa chữ (bán tự), quí thầy vẫn mãi mãi là Thầy của con. Quí thầy không những truyền thụ cho con kiến thức mà còn dạy cho con cách đối nhân xử thế. Và chính nhờ những điều này mà con đã đứng vững giữa cuộc đời đầy sóng gió, cả về tinh thần lẫn vật chất…

                                                                    Sài Gòn, 5.10.2014
                                                                    Trần văn Dật
                       
                                   Tiếc Hận

                        1.-Em ơi gặp lại làm chi
               Để vương sầu lệ chia ly cuối đời?
                        Mấy mươi năm cuộc nổi trôi
               Hằng mơ hằng ước nối lời xa xưa:
                        Cho tan ray rứt dây dưa…
               Những bao tiếc hận đẩy đưa sớm chiều…
                        Đêm về quặn nỗi cô liêu
               Trong từng giấc ngủ đìu hiu võ vàng…
                        Bây giờ ta đứng bên Nàng
               Vui mừng sao thấy bàng hoàng đớn đau:
                        Tình yêu dậy sóng dạt dào…
               Nhưng ôi đã mất… ta nào còn Em !?

                        2.-Ngày xưa sao quá dại khờ
               Minh châu (1) trong túi ơ thờ để rơi
                        Cũng không ra ý tìm tòi
               Đành quên phó mặc buông trôi tháng ngày…
                        Bây giờ chợt tỉnh mới hay
               Ôi thôi bảo vật thoát bay phương nào?
                        Có khi mắt lệ quẹn bào (2)
              Có khi bứt rứt xót đau tấc vàng… (3)
                        Giận mình rồi lại thở than
              Vò đầu tiếc hận xốn xang đêm trường…

                                    Trần Văn Dật
           
(1)     Minh Châu : Loại ngọc sáng
(2)     Quẹn bào: Hoen áo – Giọt châu thánh thót quẹn bào (Kiều)
(3)     Tấc vàng: Tấc lòng vàng, tức là lòng – Dẫu mòn bia đá dám sai tấc vàng (Kiều)


























Không có nhận xét nào: