Năm Năm Hán Học
Kỷ niệm riêng tư
Bài viết của Hoàng Đằng
Phần III
Rồi Cũng Tốt Nghiệp
Hè năm 1964, khoá 1 Hán Học ra trường, Bộ Giáo Dục không chịu bổ dụng sinh viên tốt nghiệp theo quy chế đã định lúc lập viện, chỉ trừ Vương Hữu Lễ thủ khoa được tuyển làm nhân viên ở Toà Viện Trưởng Đại Học Huế.
Tôi có ý định bỏ Hán Học. Tôi nộp đơn xin đi dạy ở Huế hoặc gần Huế để vừa dạy vừa học cho xong Cử Nhân rồi tính sau. Nha Trung Học cử tôi đến dạy giờ tại trường trung học Hương Trà (nay là trường Đặng Huy Trứ). Trường này còn trực thuộc - như một chi nhánh - trường Trung Học Nguyễn Tri Phương Huế. Tôi trình diện thầy Hồ Văn Lê - Hiệu Trưởng trường Nguyễn Tri Phương. Thầy Lê giới thiệu tôi ra gặp một vị (tôi đã quên tên), người lùn mập da ngăm đen được ủy quyền quản lý chi nhánh Hương Trà. Không may cho tôi! Vị này nói khó dễ. Ý định đi dạy của tôi tạm ngưng. Tôi tiếp tục học năm thứ năm Hán Học.
Năm học 1964 – 1965, tình hình chính trị - xã hội bên ngoài rất lộn xộn; tâm trạng chúng tôi bất an vì tương lai vô định. Không khí học tập không còn hăng say. Bây giờ, ngồi nghĩ lại mà thương các thầy phải “hao hơi rát cổ” để dạy những học trò như thế.
Tôi còn ghi danh học 2 chứng chỉ: Văn Chương Việt Nam và Hán Văn bên văn khoa.
Ở Đại Học Văn Khoa, giáo sư chủ lực ít, giáo sư mời từ Sài Gòn ra nhiều, đặc biệt ở chứng chỉ Văn Chương Việt Nam. Thời khoá biểu dành cho các thầy từ Sài Gòn ra thường kéo lấn sang buổi tối. Do tôi đi sớm về muộn, anh chị nuôi tôi đến bữa dọn cơm ra phải ngồi chờ; vậy mà luôn luôn vui vẻ, bây giờ nghĩ lại tôi cảm kích tấm lòng rộng mở của anh chị.
Hè năm 1965, tôi đậu chứng chỉ Văn Chương Việt Nam khoá I hạng Thứ, xếp vị thứ 3 sau Ngô Văn Lại và Huỳnh Châm, chứng chỉ Hán Văn khoá I hạng Bình Thứ xếp vị thứ 1 và tốt nghiệp Thủ Khoa Hán Học khoá 2 (1960 – 1965) và cũng là khoá tốt nghiệp cuối cùng.
Còn 2 chứng chỉ nữa mới đủ văn bằng Cử Nhân Giáo Khoa Văn Khoa. Năm sau (1965 – 1966), tôi trở lại lấy chứng chỉ Ngữ Học Việt Nam hạng Bình xếp vị thứ 2 sau Vương Hữu Lễ và rồi chiến tranh, thi hành lệnh tổng động viên, mãi đến năm học 1969 – 1970, tôi mới lấy được chứng chỉ cuối cùng của văn bằng cử nhân văn khoa giáo khoa - chứng chỉ Văn Minh Việt Nam hạng Bình Thứ xếp vị thứ 1.
Ngang đây, tôi cũng xin có đôi lời tâm sự: Không phải tôi giỏi hơn các bạn mà đỗ Thủ Khoa; được thế là nhờ, dù khó khăn, tôi vẫn chỉ tập trung tâm trí vào việc học, còn các bạn phân tán trí lực, tâm lực ra nhiều việc. Sau này, khi nói chuyện với một vài bạn, tôi mới biết được: có bạn, ngoài việc học, còn để tâm hoạt động chính trị, có bạn nhờ đầy đủ tiền bạc do cha mẹ cấp còn để tâm tìm khoái cảm mùi đời, có bạn do kích thích của tuổi dậy thì mà bồ bịch yêu đương đủ chuyện. Hơn nữa, Tạo Hoá sinh ra con người luôn có sự bù trừ: người giỏi việc này, kẻ thạo việc khác, ít người trọn vẹn lắm.
Viện Khảo Cổ Sài Gòn gửi văn thư yêu cầu Viện Hán Học giới thiệu một sinh viên tốt nghiệp vào làm việc ở viện Bảo Tàng Chàm Đà Nẵng – hình như là Quản Đốc. Thầy Trần Điền đang làm Giám Đốc gọi tôi tới làm hồ sơ. Thầy tỏ ra mừng và nói vui với tôi: “Các thầy làm việc cả đời mà rất ít người được cử làm lãnh đạo, Đằng mới ra trường mà nhảy lên làm lãnh đạo ngay, may mắn quá! Thầy chúc mừng.” Thầy tin tưởng tôi sẽ làm Quản Đốc Viện Bảo Tàng Chàm như “đinh đóng cột.” Thầy không biết rằng Viện Khảo Cổ Sài Gòn đã nhắm người rồi, họ muốn có sự giới thiệu của Viện Hán Học cho danh chính ngôn thuận thôi. Họ không cần “sinh viên thủ khoa.” Người mà Viện Khảo Cổ đã nhắm là anh Lê Nhất tốt nghiệp khoá 1. Họ tuyển anh ấy lấy cớ đã thi hành xong quân dịch.
Bước đường sự nghiệp đầu tiên của tôi không xuôi ngót chút nào. Nhưng cũng chả sao và có khi cũng là một điều may. Nếu không, đời tôi chôn chặt trong 4 bức tường, buồn tẻ hơn, ít trải nghiệm hơn so với những công việc mà tôi đảm đương sau này.
Bạn cùng lớp của tôi - Hồ Đăng Khác – ra trường chưa có việc, được địa phương quê bạn mời làm hiệu trưởng trường trung học bán công Quảng Điền (Sịa). Bạn ấy rủ tôi về dạy một số giờ. Tuy nhiên, vào đầu tháng 12 năm 1965, tôi phải bỏ ngang, đi nhận nhiệm sở công lập là trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị.
Và tôi trôi nổi theo nghề nhà giáo chưa được 10 năm. Sau 30/4/1975, tôi xếp bút nghiên ra lăn lộn giữa đời theo nghề “thợ đụng” (ai thuê gì làm nấy)./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét