Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Cũng Không Cần Đâu - Đàoanhdũng

Ngày 17 tháng 11 năm 2014


Cũng Không Cần Đâu - truyện ngắn đàoanhdũng

Nguyệt san Kỷ Nguyên Mới, số 162, tháng mười 2014



H
ôm nay thứ bảy, thay vì ngủ thêm một tiếng đồng hồ như thường lệ, vợ chồng Tuấn thức dậy sớm vì có một cái hẹn vào lúc chín giờ sáng. Điệp, vợ Tuấn, lui cui pha bột, trộn thịt, luộc trứng. Chị làm bánh bao cho buổi điểm tâm gia đình. Tuấn nấu nước để pha trà, cà phê, lát nữa đãi khách. Chợt nhìn qua khung cửa sổ, anh bắt gặp mặt trời vừa ló dạng, ửng hồng qua làn tuyết mỏng đang lất phất bay. Thật là đẹp. Anh thơ thẩn nhìn khung cảnh sau nhà. Tuyết phủ kín  sân cỏ, các mái nhà, cùng những nhánh cây và cả con đường quanh co chạy quanh xóm.

Đường vắng. Không một bóng xe. Không gian cô quạnh, im lặng, lạnh lẽo làm Tuấn chạnh nghĩ đến đám tang của bà Elizabeth cách nay độ ba tuần lễ. Hôm ấy, trời cũng đổ tuyết khi vợ chồng anh đến viếng thăm và đưa bà đến mộ phần. Một đám tang lạnh lùng, cô đơn như cuộc sống cuối đời của bà, một quả phụ anh chị quen biết qua công việc thiện nguyện với hội Bạn Của Những Người Cao Niên gần bốn năm qua. Hai ngày nay anh chị suy nghĩ, bàn luận nhưng vẫn chưa hiểu lý do nào khiến văn phòng luật sư Ngân gửi thư thông báo và sau đó gọi hẹn để gặp giải thích về một việc có liên quan đến bà Elizabeth.

Tuấn bảo thầm: “Ừ, mới đó mà gần bốn năm rồi!” Nhớ lúc ấy, vợ chồng con cái Tuấn đã tạm yên nơi ăn chốn ở. Ba đứa con không còn nhiều trở ngại ngôn ngữ, đã theo kịp chúng bạn trong trường học. Chị hoàn tất khóa cắt tóc và trang điểm, đã có việc làm bán thời gian. Anh xong chương trình “Nutrition Science” (1)  sáu tháng ở trường huấn nghệ. Nói cho oai, chứ đó là nghề nấu bếp. Nghề không cao sang gì nhưng đã giúp anh kiếm được việc làm trong một cơ xưởng thực phẩm. Anh không phải nấu nướng gì hết, chỉ trông nom các miếng bột bánh mì đã đi qua máy nhồi trộn, giai đoạn lên men, nặn thành bánh. Chúng phải đúng khuôn khổ, tiêu chuẩn vệ sinh, nằm ngay ngắn trên làn giây cuốn, lần lượt được đưa vào phòng đông lạnh. Cũng may, công việc ca hai, không nặng nhọc, không đòi hỏi trí óc, anh mới có thể trở lại đại học vào buổi sáng nhờ vào trợ cấp học phí của công ty. Nghĩ đến công ty, Tuấn cảm thấy mình có phần may mắn hơn nhiều bà con đồng hương.

Cơ xưởng trực thuộc một đại công ty chuyên sản xuất và tiếp thị nhiều loại thực phẩm, món hàng cho giới tiêu thụ. Do đó, công ty chú trọng đến công tác giao tế nhân sự, bảo trợ tài chánh cho nhiều cơ quan, công việc thiện nguyện, và khuyến khích công nhân viên cùng gia đình tích cực tham gia. Đầu tiên, Tuấn theo bạn đồng sự làm việc thiện nguyện trong chương trình “Lái Xe Giao Thực Phẩm” (2), hai tuần một lần phân phối các phần ăn trưa cho quí cụ sống một mình tại nhà. Nhờ công việc này, Tuấn biết đến hội Bạn Của Những Người Cao Niên và hai buổi tiệc thường niên trong ngày lễ Tạ Ơn và lễ Phục Sinh do công ty tài trợ. Anh cùng vợ con tham gia nấu nướng và tiếp đãi quí cụ không thân nhân đang sống ở các viện dưỡng lão. Gia đình Tuấn quen với bà Elizabeth trong buổi tiệc này.


Trong những khúc quanh của cuộc đời, có nhiều lúc Tuấn cảm thấy tâm tư mình giao động vì những hoàn cảnh đặc biệt. Ngày lễ Tạ Ơn năm ấy, thời tiết tốt nên quí cụ đến dự tiệc khá đông. Bà trưởng toán yêu cầu vợ chồng Tuấn và các con phụ giúp tiếp đãi khách, thay vì làm việc trong bếp.  Theo lời chỉ dẫn, Tuấn chào hỏi, trải khăn ăn dùm một bà khách rồi mời bà dùng nước táo đã hâm ấm trong lúc chờ món ăn chính. Bà khách tuổi độ bát tuần, mặc áo màu đỏ, tay run run bưng ly nước táo, nói: “Cám ơn cậu.” Khi ấy, Tuấn đã tiếp hơn mười vị khách và còn nhiều khách khác đang chờ anh phục vụ. Anh định trả lời bà cụ: “Không có chi.”  rồi quay sang tiếp ông khách kế bên, nhưng lòng chợt thấy bất nhẫn, không đành bỏ đi. Tuấn đưa tay đở ly nước, bà khách ngước mắt nhìn anh, một ánh mắt hiền hòa trên một khuôn mặt có gì là lạ. Bà uống một hớp rồi nhè nhẹ nắm tay Tuấn,  nhìn anh, nói: “Cám ơn con”. Lúc ấy Tuấn mới nhận ra môi son của bà tô tèm lem, loe loét trông thật tội nghiệp. Thoáng nhìn đôi bàn tay nhăn nheo, run rẩy của bà, anh biết được lý do. Phụ nữ mấy ai không thích làm đẹp? Tuấn tiếp tục công việc của mình, nhưng hình ảnh đôi bàn tay run rẩy của bà khách mặc chiếc áo đỏ cứ ở mãi trong lòng anh, làm cho anh nhớ đến người mẹ thân yêu của mình. Mẹ ơi, giờ này ở quê nhà, mẹ đang làm gì? Bàn tay của mẹ sau bao năm làm lụng phụ ba nuôi nấng chúng con, bàn tay nấu từng chiếc bánh làm quà thăm con khi con học ở quân trường, thời gian con đóng quân ở tận Cà Mau, và những năm tháng con ở tù cải tạo, bàn tay của mẹ nay chắc đã run rẩy theo tuổi đời chồng chất như bàn tay cụ già này. Sáng mơi mẹ thức dậy, có ai têm dùm mẹ miếng trầu, có ai giúp mẹ pha ấm trà không …
Tiếng chạm ly của bà cụ lôi Tuấn trở về thực tế. Sau loạt tiếp nước táo, Tuấn biết mình phải làm gì. Anh tìm gặp Điệp, vợ anh, và cho chị hay tình trạng của bà khách. Nổi máu “nghề nghiệp”, Điệp muốn giúp trang điểm môi son cho bà cụ, nhưng chị sợ quá đường đột vì đang giữa bàn tiệc. Dầu vậy chị vẫn để mắt trông chừng.
Một lát sau Điệp thấy bà  chống gậy ba chân chậm chạp đi về hướng phòng vệ sinh. Chị vội vàng chạy đến giúp, và trong phòng vệ sinh chị xin phép được trang điểm lại môi son cho bà. Bà vui vẻ chấp thuận, bảo rằng già rồi, ai mà để ý đến mình, nhưng trước khi ra ngoài, là phụ nữ mình phải sửa soạn áo quần, tóc tai, mặt mày cho tươm tất một chút thôi. Bà còn ngước nhìn Điệp, nói như phân bua rằng vài ba năm nay, đôi tay của bà dở chứng, không theo ý của bà nữa. Bà lại cười nụ, cái miệng móm mém trông vừa buồn cười vừa dễ thương khiến Điệp xúc động, nhanh nhẩu đáp lại bằng một lời an ủi lí nhí trong miệng.
Bà khách đưa cho Điệp chiếc bóp đầm da cá sấu cũ kỹ, bảo chị trong đó có thỏi son và khăn mỏng. Chị dùng chiếc khăn chặm nhè nhẹ, bôi đi những vết son loang cho bà khách mà lòng rưng rưng như đang chăm sóc cho chính người mẹ của mình còn ở lại quê nhà, với bao nỗi nhớ thương khôn nguôi. Chị cố giấu cảm xúc ấy đang muốn dâng trào trên đôi mắt vì sợ có thể làm bà khách bối rối.
Điệp nhớ lại hôm chị về nhà cho mẹ hay anh định nộp đơn xin đi Mỹ. Chị rất phân vân vì mình là con gái duy nhất của mẹ, sớm tối mẹ con hủ hỉ, chị đi rồi biết người chị dâu có lo trọn vẹn cho mẹ hay không. Khi ấy mẹ đang ngồi trên bộ ván, vai mẹ vắt chiếc khăn rằn, miệng mẹ bỏm bẻm thong thả nhai trầu, nước cổ trầu chảy ra hai bên mép mà mẹ không hay. Hình như mẹ đang suy nghĩ điều gì lung lắm.   
Một chập sau, theo thói quen, mẹ lấy chéo khăn chùi miệng, bảo: “Con phải đi vì chồng đâu, vợ đó, vì tương lai của mấy đứa nhỏ. Còn thằng Tuấn, họ thả nó ra, họ có để nó yên hay không? Các con cứ đi, đừng lo cho má. Má còn sống đây hay sau này theo Ông theo Bà, các con sống hạnh phúc là má yên lòng, má vui rồi.”  Trời ơi, mẹ thương, mẹ hy sinh cho chị như vậy mà sao lúc ấy chị không biết lấy khăn chặm môi cho mẹ. Đó chỉ là một biểu lộ nhỏ nhoi để tỏ lòng thương mẹ mà chị lại vô tình để hôm nay chị làm việc này với một người xa lạ …
Tình cờ đưa đẩy vị khách mặc chiếc áo đỏ hôm ấy là bà Elizabeth. Sau buổi tiệc bà tìm gặp Điệp, cám ơn chị rối rít. Bà lại vui hơn khi biết Tuấn là chồng của Điệp, trò chuyện đến lúc xe buýt đến đón về viện dưỡng lão cũng chưa dứt. Bà trao đổi với Điệp số điện thoại và chị hứa sẽ đến thăm bà. Mối thân tình giữa bà và gia đình anh chị ngày càng thắm thiết sau vài lần thăm viếng, tâm sự.
Bà nguyên là giáo chức hồi hưu. Sau khi ông tử trận trong cuộc chiến ở Đại Hàn, bà ở vậy nuôi con, một trai, một gái. Brian lớn lên, gia nhập Thủy Quân Lục Chiến, rồi cũng chết trận ở Việt Nam. Bà bảo, lúc ấy bà có cảm tưởng như mình hai lần quả phụ. Kathy, cô con gái của bà có gia đình ở tận California. Vì nhiều khó khăn trong cuộc sống, cô ít khi về thăm bà. Bà còn có một hai thân nhân ở địa phương đôi khi có viếng thăm, nhưng chỉ trong giây lát. Bà gần như sống lẻ loi một mình. Do đó, mỗi tuần Điệp thường đến thăm, trò chuyện, có khi cắt tóc cho bà, nhân tiện bà dạy chị phát âm, đàm thoại Anh ngữ. Thỉnh thoảng Tuấn đến đón bà đi ăn cơm Việt Nam với gia đình anh chị. Ngày lễ Phục Sinh và lễ Tạ Ơn, vợ chồng con cái Tuấn đến sớm để chị chải tóc, trang điểm cho bà, xong mới đưa bà đến dự buổi tiệc thường niên.

                                                                     oOo

Luật sư Ngân tìm ra ngôi nhà của người ông có hẹn thật dễ dàng nhờ vào chiếc máy GPS (3), một trong những món trang bị căn bản của chiếc Lexus sang trọng ông đang sử dụng. Tay xách chiếc cặp da đen, tay bấm khóa tự động, ông nói thầm: “Phải cẩn thận, khu này không được an toàn đâu!” Ông nhận “ca” này không ngoài mục đích kiếm thêm khách đồng hương vì độ này công việc khá chậm. Một tổ hợp luật sư người Mỹ thuê ông lo vụ này, nhỏ thôi, nhưng biết đâu qua đầu giây này ông có thể “cố vấn”, bày ra một mối kiện tụng khác. Hơn nữa họ trả 100 đô la một giờ, tội gì không làm. Vả lại, thứ bảy này ông quá rỗi rảnh. Vợ ông đã đi Las Vegas du hí cùng nhóm bạn của bà. Cậu con trai của ông đi trợt tuyết cuối tuần ở phía bắc tiểu bang, còn cô con gái thì dự buổi tiệc “ngủ qua đêm” (4) ở nhà bạn từ tối hôm qua.
Theo thói quen, sau khi bắt tay chào thân chủ, luật sư Ngân đưa ngay tấm danh thiếp và nhanh nhẹn giới thiệu các dịch vụ và thành tích của văn phòng cố vấn pháp luật của mình:
“Chào ông, tôi là luật sư Ngân, giám đốc văn phòng cố vấn pháp luật, đặc biệt bảo vệ quyền lợi cho đồng hương người Việt từ hơn 10 năm nay. Chúng tôi đã phục vụ thành công cho rất nhiều đồng bào, từ DWI (5), bảo lãnh thân nhân, vị hôn phu, hôn thê, quí vị cao niên nhập quốc tịch, cho đến tai nạn giao thông hay trong sở làm, di chúc, đại diện thân chủ trong việc mua bán bất động sản, cơ sở thương mại . . .”
Tuấn choáng váng trước câu chào hàng của luật sư Ngân. Anh buồn cười, nghĩ đến các nhân vật luật sư “săn xe cứu thương” (6) trong tiểu thuyết của John Grisham (7). Anh cố gắng nhã nhặn:
“Dạ, chào luật sư. Xin mời luật sư ngồi. Luật sư dùng gì, trà hay cà phê hay nước lọc?”
“Trời lạnh. Ông cho tôi xin tách cà phê.”
Chủ  nhà  vừa quay lưng, luật sư Ngân đảo mắt quan sát theo thói quen nhà nghề. Gian phòng khách nhỏ nhắn. Bàn ghế cũ kỹ nhưng khá ngăn nắp, chưng dọn theo lối Việt Nam. Bàn thờ gia tiên với lư hương, cặp chân đèn và vài tấm ảnh người quá cố, dưới là chiếc máy truyền hình. Tranh sơn mài hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị cởi voi ra quân, đồng hồ cắt theo hình thể bản đồ Việt Nam có in lá cờ vàng ba sọc đỏ, lịch Tam Tông Miếu treo trên tường, cùng ba chiếc nón lá bài thơ làm cảnh. Vài tờ báo “chợ”, một tạp chí,  quyển hồi ký của một nhân vật nổi tiếng Việt Nam, một bìa DVD Asia nằm trên bàn, trước ghế sa-lông. Luật sư Ngân khẽ cười, ông đoan chắc đây là một gia đình cựu tù nhân cải tạo. Trong đầu ông phát họa ngay vài câu hỏi và câu trả lời xã giao cho thích nghi. Đó cũng là thói quen của một luật sư.
“Dạ, mời luật sư dùng cà phê.”
Luật sư Ngân mỉm cười, giọng thân thiện:
“Cám ơn ông. Xin lỗi, ông … ông là … là chồng của bà Điệp phải không? Chẳng hay ông bà định cư ở thành phố này được bao lâu rồi mà tôi chưa bao giờ gặp?”
Tuấn mỉm cười, thầm nói trong đầu: “Ông chào hàng tươm tướp như gã bán xe hơi làm sao tôi có cơ hội mà tự giới thiệu!” Các nhân vật tiểu thuyết John Grisham lại lướt qua ra trong tâm trí, anh vội xóa chúng ngay, trả lời câu thăm hỏi của luật sư Ngân:
“Dạ, tôi tên là Tuấn. Nhà tôi là Điệp. Mới đó mà chúng tôi định cư ở đây gần sáu năm rồi, thưa luật sư.”
“Ừ, thời gian qua mau thật. Xin ông cho tôi hỏi thăm, ông bà là thuyền nhân, HO hay là sang đây do thân nhân bảo lảnh?”
“Dạ, tôi tù cải tạo. Trước 75, tôi phục vụ ở Năm Căn. Hải quân.”
Luật sư Ngân vỗ vay Tuấn, la to lên, giọng mừng rỡ:
“Trời đất! Vậy tụi mình là anh em trong quân đội với nhau rồi!”
Rồi một lần nữa ông bắt tay Tuấn.
“Tôi, khóa 16 Thủ Đức. Di tản 75.”
“Dạ, vậy thì lúc tan hàng chắc luật sư cũng đã là Tá rồi!”
Thật ra, Tuấn có biết đâu mãn khóa 16 luật sư Ngân được biệt phái ngay về một bộ, do người bác trong giới chính trị thời ấy can thiệp. Ông không có dịp nào mặc chiếc áo trây-di (8). Nhưng điều ấy không là một trở ngại cho ông khi giao thiệp với đồng hương cựu quân nhân hay tù cải tạo. Ông theo đúng sách vở “không hỏi, không nói”, chỉ lập lờ:
“Thôi, chuyện xưa rồi. Tá với tiết gì nữa. Chú gọi tôi bằng anh, thân mật hơn, là tôi vui rồi. Trong nhà tôi thứ tư. Còn chú thứ mấy?”
Cử chỉ thân thiện của luật sư Ngân tuy có làm Tuấn khá ngạc nhiên nhưng anh cũng thấy cởi mở hơn. Anh cười, nói đùa:
“Dạ, mô Phật! Em thứ bảy. Chứ nếu em thứ hai hay là ba thì … anh em mình khó gọi à nghen.”
Từng làm nhiều dịch vụ cố vấn luật pháp với đồng hương, luật sư Ngân biết không ít người Việt còn nhạy cảm với chuyện “kẻ đến trước, người tới sau”, “trâu chậm uống nước đục” lắm. Vì thế, ông không đá động đến việc ông di tản cả tuần lễ trước 30 tháng 4, nhờ có bà xã làm việc cho cơ quan DAO (9). Ông chỉ kể cho Tuấn nghe những khó khăn khi mới đến, ngôn ngữ dị biệt, nhưng ông cố gắng tiếp tục học, giật được mảnh bằng tiến sĩ Luật, không ngoài mục đích làm rạng rỡ giống nòi, giúp đỡ đồng hương, và sau đó là nuôi sống gia đình. Ông bảo rằng xứ này không ai chết vì thiếu ăn, thiếu mặc.  Điều quan trọng là người Việt phải chung lưng đâu cật, đoàn kết, giúp đỡ nhau, để thành công trên đất “tạm dung” này, mới có sức mạnh mà tranh đấu cho tự do, độc lập thật sự cho đất nước. Bài bản về mình, luật sư Ngân biết bấy nhiêu đó là đủ, ông còn cần chú trọng đến đối tượng để gây cảm tình.
Ông hỏi Tuấn thật nhiều, về những gian nguy, khổ cực khi phục vụ trong quân đội, những nỗi ê chề khi nước mất, nhà tan, đi tù cải tạo … Tuấn thật tình kể cho ông nghe chuyện đã qua và những ước vọng cho tương lai, như những lời tâm sự với một bạn đồng ngũ, mặc dù chiếc áo lính đã rời vai anh hơn 20 năm rồi. Luật sư Ngân kiên nhẫn, khéo léo chờ cho Tuấn kể xong chuyện mình, sau một vài phút im lặng, ông định vào đề, nhưng ông đổi ý, hỏi Tuấn:
“Chú phục vụ trong Hải Quân mà sao không thoát được vào năm 75?”
“30 tháng Tư em ở căn cứ Năm Căn, chưa vợ con, có đi cũng dễ, nhưng em tự ái, mất khôn, anh à. Em nghĩ Mỹ nó đã bỏ mình mà mình chạy theo nó thì còn thể thống gì nữa? Ra tù cải tạo vào thời ‘mở cửa’, thấy người Đại Hàn rần rộ kéo sang làm ăn, em mới ‘ngộ’ ra. Mình nói Mỹ nó bỏ mình vì nó đã bắt tay với thằng Trung Cộng, không cần dùng mình làm ‘tiền đồn chống cộng’ nữa. Vậy thì tại sao nó không bỏ Đại Hàn, hàng năm phải tốn bạc trăm triệu duy trì các căn cứ ở đó, trong lúc mình xin có ba trăm triệu để đánh giặc, nó không cho? Theo em, mất nước là tội của dân miền Nam mình, anh à. Khó mà đổ lỗi cho ai.”
Luật sư Ngân thấy câu chuyện ngã màu chính trị, một điều tối kỵ trong việc làm ăn, ông vội rào đón và vào đề:
“Thôi, chuyện cũ, nói ra đau lòng chứ không ích lợi gì chú à. Gặp nhau ở xứ lạ quê người, tâm tình bên tách cà phê nóng, ngoài kia trời giá lạnh, thật là ấm cúng, làm anh quên đi mục đích của cuộc gặp gỡ này. Chú thứ lỗi cho anh nghe, mãi mê nghe chú kể chuyện, anh quên không hỏi thăm thím. Chính ra, thím là người anh muốn gặp để thảo luận về di chúc của bà Elizabeth Spencer đó chú.”
Tuấn rất đỗi ngạc nhiên, anh vội xoay người về hướng căn bếp, gọi Điệp:
“Em ơi, ra đây. Anh Ngân muốn nói chuyện với em về bà Elizabeth.”
Điệp đưa tay vén lại mái tóc, bước ra căn phòng khách, gật đầu chào luật sư Ngân.
“Dạ, chào luật sư. Hôm nay tôi có làm vài cái bánh bao ăn sáng. Bánh chín rồi, mà anh Tuấn với luật sư cứ mãi mê trò chuyện, tôi không dám quấy rầy mà mời. Sẵn đây, xin mời luật sư dùng buổi điểm tâm với chúng tôi cho vui.”
Luật sư Ngân đứng dậy, gật đầu chào Điệp, giọng thân mật:
“Chào thím, tôi với chú Tuấn là anh em trong quân đội với nhau. Xin thím đừng khách sáo, gọi tôi là luật sư này nọ. Tôi đến nhà làm việc trong ngày nghỉ đã làm phiền chú thím rồi, mà còn được thím mời ăn sáng nữa. Được, anh em trong nhà cả mà, cám ơn thím, tôi sẽ thưởng thức tài nấu nướng của thím. Nhưng bây giờ, mình lo công việc cho xong đi, sau đó ăn uống, trò chuyện thoải mái hơn.”
Tuấn xen vào:
“Dạ, anh nói đúng đó. Mời anh ngồi.”
Điệp ngồi xuống chiếc ghế đối diện luật sư Ngân. Ông lấy từ trong cặp da một tập hồ sơ, mở ra trước mặt Điệp.
“Đây là di chúc của cụ cố Elizabeth Spencer. Cụ mất đi, để lại tài sản cho cô con gái hiện còn sống ở California. Thím thấy đây, di chúc do luật sư thảo ra, được đánh máy đàng hoàng, nhưng trong phần linh tinh để trống, cụ Spencer viết tay, dạy rằng sau khi cụ khuất núi, cụ tặng cho thím, Điệp Nguyễn, đôi bông tai có gắn hột xoàn duy nhất của cụ.”
Điệp ngồi im lặng, sững sờ. Thật vậy sao. Hôm ấy, lần đầu tiên chị đến trang điểm cho bà Elizabeth trước khi đi dự tiệc, bà nhờ chị mở khóa hộp sắt an toàn lấy ra dùm bà đôi bông tai lâu lắm bà không tự mang được. Chị thật tình, xuýt xoa khen đôi bông đẹp, rồi sau khi đeo vào tai bà chị nhốm ra xa, nhìn bà, khen bà đẹp thêm với đôi bông thật xứng với khuôn mặt của bà. Trong thâm tâm chị thật sự ước sao mình cũng có một đôi bông như vậy. Lúc cưới chị, anh đi tù cải tạo về được một năm. Gia đình anh nghèo xơ xác, mẹ anh quơ quào, xoay trở mới sắm được cặp nhẫn và đôi bông hai chỉ vàng cưới vợ cho con. Chị quí chúng như báo vật, nhưng chị không khỏi thèm thuồng đôi bông tai hột xoàn của bà Elizabeth. Từ đó, mỗi lần có dịp đeo đôi bông tai cho bà, chị lại có cảm giác thèm muốn kín đáo ấy. Nhưng chị không giấu được lòng mình với bà Elizabeth. Bằng chứng là những dòng chữ viết tay của bà trên bản chúc thư.
Luật sư Ngân kiên nhẫn, ngồi quan sát gương mặt của Điệp. Khi thấy ánh mắt chị không còn vẻ suy nghĩ, xa vắng nữa, ông mới lên tiếng:
“Thím à, khó khăn lắm văn phòng luật sư Rosenberg mới tìm ra ai là Điệp Nguyễn. Họ hỏi ban quản lý viện dưỡng lão, rồi qua nhân viên phục vụ ở đó, họ liên lạc với hội Bạn Của Những Người Cao Niên để xin địa chỉ  cùng số điện thoại của chú thím. Luật sư Rosenberg, đại diện cho bà Kathy Zocher, con gái của cụ cố Elizabeth Spencer, nhờ tôi liên lạc với thím. Bề nào mình cùng là người Việt, dễ thông cảm với nhau hơn. À, mà thím quen sao với cụ Spencer vậy?”
Điệp nhìn Tuấn, rồi chị kể cho luật sư Ngân nghe cơ duyên gia đình chị quen biết bà Elizabeth và kết mối thâm tình trong bốn năm qua. Nói xong, nước mắt chị đã lưng tròng.
“Tốt lắm! Chú thím rất xứng đáng với món quà của cụ Spencer tặng cho thím. Vậy mà bà Zocher lại muốn cướp nó chứ! Nói thật với chú thím, là luật sư anh có bổn phận phải bảo vệ quyền lợi của thân chủ của anh hiện giờ là bà Zocher. Nhưng là người Việt với nhau, tình nghĩa đồng bào, anh thấy anh  phải khôn khéo … xé rào …”
Nói đến đó, luật sư Ngân ngó quanh, giọng ông trở nên quan trọng:
“Nhưng chuyện này tuyệt đối không thể lộ ra ngoài. Nếu xảy ra, anh hoàn toàn deny (10), phủ nhận đó à!”
Rồi, không chờ Điệp hay Tuấn đồng ý, ông nói tiếp, lần này giọng có vẻ chân thành lắm:
“Họ nhờ anh giải thích cho chú thím rằng món nữ trang ấy là của gia bảo. Họ muốn thương lượng đền bù cho thím năm ngàn đô la nếu thím chịu ký tên từ chối món quà ghi trong di chúc và quyền tranh chấp. Chú thím xem như vậy có láo không? Có mẹ già mà không biết lo, để mẹ sống trong cô đơn, chết trong cô độc, bây giờ lại muốn hưởng trọn gia tài. Anh nói chú thím nghe, cái xã hội Mỹ này bắt đầu băng hoại rồi!”
Nghe đến đó, Điệp lắc đầu:
“Không, tôi không chịu đâu luật sư. Tôi không nhận tiền của ai hết!”
Luật sư Ngân không giấu được vẻ hài lòng. Ông nghĩ  thầm, chị đàn bà này bộ vó coi bộ thật thà nhưng cũng khá hiểu biết, không chịu nhận năm ngàn đô. Ông không ngờ sự việc xảy ra quá thuận lợi cho ông, ngoài số tiền ông nhận thù lao cho ngày hôm nay. Ông sẽ khôn khéo gián tiếp giới thiệu với Điệp văn phòng luật sư Tài để lo vụ này. Ông và luật sư Tài đã từng ngầm giúp đỡ nhau, có thù lao, một loại kickbacks -  under the table (11). Ông bảo:
“Nói thật với chú thím, anh không rõ gia tài của bà Spencer tổng cộng là bao nhiêu đô la. Anh cũng không rành về hột xoàn, nhưng họ dám bỏ ra năm ngàn để thương lượng thì món nữ trang đó phải có giá trị cao lắm. Mình phải kiện, không được đôi bông tai đó thì cũng phải vài chục ngàn. Anh đã nhận công việc này qua luật sư Rosenberg nên không thể trực tiếp giúp thím được, nhưng anh sẽ tìm cách giới thiệu thím với luật sư Tài …”
Điệp lật đật xua tay, nói:
“Xin lỗi, luật sư đã hiểu lầm. Tình thương và hảo ý của bà Elizabeth là một gia tài vô giá đối với tôi rồi. Tôi tôn trọng kỷ niệm của bà Elizabeth. Xin phép cho tôi từ chối lời đề nghị của luật sư. Tôi không nhận món nữ trang đó, mà cũng không nhận tiền của cô Kathy đâu. Lúc còn sống, bà Elizabeth có nói với tôi rằng con bà không khá giả, lại ở xa nên không thể thường xuyên thăm bà. Tôi không muốn làm một việc trái lòng tôi đâu. Xin luật sư thông báo với họ như vậy.”
Luật sư Ngân ngồi chết trân, sửng sốt. Không lẽ ông đã đánh giá sai lầm cặp vợ chồng giới “cổ xanh” (12) này? Ông nhìn sang Tuấn, đưa mắt hỏi ý kiến người đàn ông Việt Nam mà theo quan niệm của ông vốn là người quyết định mọi sự trong gia đình.
“Dạ, vợ em nói đúng ý em đó anh. Anh thương chúng em mà giúp ý kiến, chúng em cám ơn anh. Tuy nhiên, đôi bông tai đó đâu phải của mình mà mình nhận. Vả lại, nó là gia bảo của người ta. Còn số tiền, nói về lý thì mình không có mặc cảm gì mà không nhận, nhưng nói về tình, về niềm tự hào người Việt, thì em thấy mình không nên nhận.”
Luật sư Ngân giận run trong lòng. Không phải ông tiếc một dịch vụ béo bở mà vì ông thấy mình bị xúc phạm. Ông không tránh khỏi suy nghĩ thầm, chú em tự ái vặt nên phải đi tù cải tạo mà bây giờ cũng chưa tởn, chưa học được bài học đó, chú em còn lên tiếng dạy đời nữa. Thế giới này “dog eat dog” (13), chú em còn phải học nhiều lắm! Tuy nhiên, vâng theo bản chất luật sư ông khôn khéo không để lộ ra những suy nghĩ của mình, ông mỉm cười:
“Ừ, chú thím nghĩ vậy cũng phải. Anh vì quá hăng say muốn giúp chú thím, anh chỉ nghĩ đến cái lý mà quên đi cái tình. Anh sẽ tiếp xúc với văn phòng luật sư Rosenberg làm tờ cam kết từ chối món quà. Tuần sau anh sẽ trở lại đưa chú thím đi ký tên trước mặt thừa phát lại. Cần hai người làm chứng, nhưng anh sẽ lo vụ này.”
Nói xong, thấy không còn hứng thú và lợi lộc gì để tiếp tục hầu chuyện cùng vợ chồng Tuấn nữa, luật sư Ngân vô tình để lộ một trò bịp thời thượng:
“A, điện thoại rung. Xin lỗi.”
Ông bước vào căn bếp, nói vào cái di động im lìm:
“Em đó hả? … Ừ, anh về ngay. Hôm nay gặp một cặp vợ chồng đồng hương còn trẻ, vui quá nên anh quên. Xin lỗi cưng nghe!”
Luật sư Ngân trở lại căn phòng khách, phân bua:
“Xin lỗi chú thím, anh phải về ngay. Hôm nay thứ bảy chị ở nhà làm cơm trưa cho cả nhà mà anh quên mất. Buổi cơm gia đình, anh không thể vắng mặt. Thôi để lần sau vậy.”
Luật sư Ngân bắt tay Tuấn, gật đầu chào Điệp, bước qua ngưỡng cửa. Ông đưa tay bấm cái khóa tự động từ xa. Chiếc xe Lexus bóng láng đậu trước nhà chớp đèn, máy tự động nổ. Tuấn và Điệp đứng bên trong cửa sổ nhìn luật sư Ngân bước lên xe. Anh ngẫm nghĩ ngành nghề nào cũng có người hiền lương, kẻ ma mãnh. Hồi tưởng lại những lời nói và cung cách của luật sư Ngân, Tuấn nghĩ ông quả là một loại luật sư “săn xe cứu thương” mà thôi. Hạng người này không màng đến tình người, mà chỉ biết có lợi. Nơi nào có lợi thì họ bu đến như lũ ruồi lằng, không thì họ lảng xa. Khi nãy, Tuấn vốn rất thính tai nhưng anh đâu có nghe tiếng điện thoại rung.
“Ông khách về rồi hả má? Tụi con đói bụng quá!”
Nghe tiếng thằng Nam hỏi, Điệp nắm tay anh, lắc mạnh:
“Mình vô ý quá, không gói vài cái bánh bao gởi biếu bà luật sư Ngân.”
Tuấn siết tay Điệp, anh khe khẽ bảo chị:
“Cũng không cần đâu, em!”

 đàoanhdũng
Một ngày cuối năm – 2007

(1)  Khoa Dinh dưỡng

(2)  Meals on Wheels

(3)  Global Positioning System. Nôm na là máy tìm địa chỉ gắn trên xe hơi.

(4)  Tạm dịch từ pajama party

(5)   Driving While Intoxicated. Lái xe trong lúc say ma túy hay rượu.

(6)   Ambulance chaser. Chỉ các luật sư, chủ nhà quàn khi có tai nạn chạy theo xe cứu thương để kếm mối.

(7)   Văn sĩ nổi tiếng của Hoa Kỳ. Nguyên là luật sư, nhưng bỏ nghề, viết tiểu thuyết vạch trần mặt trái của luật pháp.

(8)  Treillis, quân phục

(9)   DAO (Office of Defense Attache). Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam thời chiến tranh.

(10)Phủ nhận

(11)Tiền hối lộ, lén lút trao (dưới gầm bàn) vì bất hợp pháp.
























(12) Blue collar. Thành ngữ gọi giới công nhân thợ thuyền.

(13) “It’s a dog eat dog world”. Câu tiếng lóng, ngụ ý con người chà đạp nhau tranh sống như thú vật.

Không có nhận xét nào: