Năm Năm Hán Học
Kỷ niệm riêng tư
Bài viết của Hoàng Đằng
Phần II :
Kỷ Niệm Với Thầy và Bạn
(Từ trái: Cụ Hô Đắc Đinh, Cụ Ngô Đình Nhuận, Thầy Lê Khắc Phò, ?, Thầy Nguyễn v Kháng, Cụ Hà Ngại, Thầy Nguyễn Doãn Thám)
(Từ trái: Cụ Hô Đắc Đinh, Cụ Ngô Đình Nhuận, Thầy Lê Khắc Phò, ?, Thầy Nguyễn v Kháng, Cụ Hà Ngại, Thầy Nguyễn Doãn Thám)
Ở Viện Hán Học, tôi học Pháp Văn với nhiều thầy: Nguyễn Doãn Thám, Nguyễn Văn Kháng, Cao Hữu Hoành, Phạm Kiêm Âu. Tôi còn giữ lại những kỷ niệm đặc biệt và ngọt ngào từ mỗi thầy.
Thầy Nguyễn Doãn Thám, giảng về cách dùng động từ “manquer à” và thì “imparfait,” chỉ cho sinh viên học thuộc lòng câu: “Les agriculteurs achètent des engrais qui leur manquaient.” (Những nông dân mua số phân mà họ thiếu lâu nay). Tôi hiểu dễ dàng điều thầy muốn dạy và nhớ mãi đến bây giờ.
Thầy Cao Hữu Hoành, khi giảng bài, viết bảng, rủi một cái giằm xốc vào ngón tay, Thầy nhăn mặt, đọc kéo dài từ “écharde” (cái giằm). Cách phát âm và điệu bộ của Thầy làm cho từ ấy găm kỹ vào trí tôi còn hơn cái giằm găm vào ngón tay Thầy.
Thầy Phạm Kiêm Âu dạy tiếng Pháp, có cái nét riêng là Thầy tự soạn lấy “bài khóa” chứ không trích giảng từ các tác phẩm nổi tiếng. Thầy chấm luận văn tiếng Pháp có phần du di hơn: miễn viết trúng grammaire là được, chứ không đòi hỏi phải viết hay.
Tôi là học trò cưng của thầy Nguyễn Văn Kháng, tác giả nhiều sách đã xuất bản viết về Grammaire. Thầy thương tôi vì Thầy dạy gì tôi cũng tiếp thu được cả. Thầy đâu biết rằng những điều ấy tôi đã tự học trong giáo trình Cours de Langue et de Civilisation Francaises II và III của Mauger để dạy kèm. Thầy Kháng mỗi lần chấm bài thường nhận xét trước lớp về khả năng tiếng Pháp của tôi: “Il est lent mais il est très sûr” (Trò này chậm nhưng rất chắc). Không biết Thầy có khen tôi trước mặt các thầy khác không mà, một mùa hè nọ, thầy Nguyễn Văn Dương đã bảo tôi về nhà ở làng Ngọc Anh, huyện Phú Vang dạy tiếng Pháp cho 2 người cháu gọi thầy bằng chú, đó là Nguyễn thị Hồng và Nguyễn Cư. Thầy Kháng ưu ái tôi, một phần cũng vì tôi chơi thân với Nguyễn Văn Đài, con Thầy, thời đi học. Tôi thường đến nhà Thầy. Hai chúng tôi dìu dắt nhau trong việc học. Ra trường, Đài dạy trung học An Lương Đông, sau động viên vào quân đội, học thêm Cao Học ngành Xã Hội Học bên Mỹ, về làm giảng viên ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, hiện nay nghe nói Đài đang ở hải ngoại. Thầy Kháng bị tử nạn trong biến cố Mậu Thân. Năm 2008, nhân dịp thầy Nguyễn Văn Dương từ Sài Gòn về Huế, anh em Hán Học ở Huế tổ chức họp mặt đón tiếp Thầy. Tôi từ Đông Hà vào dự, ngồi bên cạnh thầy Cao Xuân Duẫn – thầy dạy Anh văn, tuổi đời cũng xấp xỉ thầy Kháng. Nghe tôi nhắc tới thầy Kháng, thầy Duẫn đã kể cho tôi nghe trường hợp chết do hy sinh vì con của Thầy. Tết Mậu Thân (1968), "Cách Mạng" đánh chiếm phần lớn thành phố Huế. Cán bộ đi tìm bắt sĩ quan, công chức... làm việc cho Chính Quyền Sài Gòn. Nhà Thầy ở gần chân núi Ngự Bình, nơi mà gia đình Thầy mới chuyển nhà lên chỉ một thời gian ngắn; trước đó, nhà Thầy có vườn rộng ở đường Tăng Bạt Hổ trong Thành Nội. Người con trai Thầy (có lẽ là anh Nguyễn Văn Kiếm?), sĩ quan huấn luyện viên tại Trung Tâm Huấn Luyên Phú Bài, đang về nghỉ Tết. Họ vào hỏi anh, Thầy sợ con bị bắt, lên tiếng: “Tôi đây!” rồi Thầy bị bắt đi. Nghe đến đó, nước mắt tôi tự nhiên tuôn trào.
Nhờ vốn liếng tiếng Pháp mà các thầy truyền dạy và do nổ lưc bản thân trong những năm đi học, gần cuối đời khi tưởng như cơ hội việc làm không bao giờ còn nữa, tôi lại được đi làm với các Tổ Chức Phi Chính Phủ nói tiếng Pháp qua giúp nhân dân Việt Nam trong lĩnh vực y học và cận y học lúc nước nhà mở cửa. Đó là Médecins Sans Frontières – Thụy Sĩ và Handicap International – Bỉ. Họ đánh giá tốt công việc của tôi và tôn trọng tôi. Cô Mercédès Navarro, Quản Trị Viên dự án y tế hỗ trợ bệnh viện huyện Hải Lăng – tỉnh Quảng Trị của Médecins Sans Frontières, khi kết thức dự án, đã cấp giấy chứng nhận công tác cho tôi trong đó có mấy câu nhận xét về khả năng tiếng Pháp: “Il possède une profonde connaissance de la langue française et un vocabulaire très riche; la précision de ses traductions écrites est digne d’éloge.” (Ông ấy có một vốn kiến thức tiếng Pháp sâu sắc và một vốn từ ngữ rất dồi dào; những văn bản dịch viết có độ chính xác đáng khen). Đó là kỷ niệm muốn chia sẻ chứ không phải khoe khoang gì. So với thiên hạ, cái gọi là biết, là giỏi của mình ví chưa bằng một hạt cát nơi sa mạc.
Còn về Hán Văn và các môn khác, các thầy uyên thâm lắm.
Đầu năm II, tôi về quê dự lễ tang của một bà cụ bà con; tôi thấy có câu đối viếng: “Cựu tân hoàn thị đông sàng khách – Tình nghĩa do hoài Thái thủy băng” mà không hiểu, tôi chép vào hỏi thầy Ngô Đình Nhuận, Thầy giải nghĩa rành mạch và còn nói rõ “đông sàng khách” là người rể, lấy tích ở đâu, “Thái thủy” là nhạc mẫu, lấy tích ở đâu. Tiếc là chẳng bao lâu sau Thầy mất. Đám tangThầy đưa bộ đường rất xa, giữa đường có nhiều lần nghỉ, tế “lễ đạo trung,” tôi nhớ cả đi cả về mất gần một ngày.
Thầy Nguyễn Duy Bột cũng giúp giảng nghĩa câu đối thờ khắc liễn tại nhà tôi: “Do thiên địa nhiên hà hải sơn xuyên bất tử - Hữu tử tôn tại bổn chi huyết mạch như sinh”. Ở quê tôi, cũng có ít cụ thông nho đã giải thích nhưng vì thiếu Tây học, họ giải nghĩa tôi không hiểu được
Linh Mục Nguyễn Hy Thích, ngoài vốn học vững vàng, còn có hoa tay, Ngài viết chữ rất đẹp – hình như các câu đối khắc liễn trang hoàng ở Di Luân Đường là do Ngài đặt và viết; Ngài còn có năng khiếu nổi trội về văn nghệ – Ngài là tác giả nhiều bản nhạc thiếu nhi và nhiều bài thơ để hát.
Thầy Hồ Đắc Định có năng khiếu về thơ. Thơ thầy, về ý và lời bay bướm gợi nhiều hình ảnh đẹp.
Thầy Nguyễn Hồng Giao hiền từ, hiểu sâu khía cạnh triết lý các tác phẩm kinh điển xưa. Thầy giảng bài nhỏ nhẹ; dễ hiểu. Cái đáng phục là Thầy giỏi Hán Văn chắc nhờ tự rèn luyện lấy, chứ, với tuổi tác, Thầy không phải “sôi kinh nấu sử” để thi hương, thi hội như các cụ.
Thầy Phan Văn Dật dạy Sử theo cách riêng, Thầy căn cứ vào bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim rồi quảng diễn theo hiểu biết rộng của thầy thủ đắc từ kinh nghiệm và những bộ sử khác xưa và nay. Thầy nói cả giờ dạy không ngưng nghỉ, cuốn hút sự theo dõi của sinh viên.
Thầy Nguyễn Hữu Châu Phan mới ra trường lại giảng sử theo sở học của Thầy ở đại học. Thầy tốt nghiệp thủ khoa ban sử địa khóa 1961 ở đại học sư phạm Huế. Thầy chú trọng truyền đạt phương pháp nghiên cứu sử địa. Tôi có phạm một sai trái với Thầy mà cứ ăn năn hoài. Hình như lúc học năm V, tôi nhớ: một sáng nọ, thầy đang giảng địa lý, tôi chểnh mảng nhìn ra ngoài cửa sổ, thầy quở trách, tôi đứng dậy cãi lý: thầy bảo chúng em học môn địa lý phải quan sát, sao giờ em quan sát, thầy lại “nhắc nhở.” Lý của tôi đúng là lý cùn. Bây giờ, đời đã xế bóng, tôi muốn xin tạ tội với Thầy!
Ban đầu, tôi có ý định chỉ học ở Viện Hán Học, không học thêm gì ở ngoài nữa. Cuối năm II, nhiều bạn nộp đơn thi Tú Tài 1. Tôi nóng ruột. Bạn Phan Đình Trừng rủ tôi nộp đơn thi kỳ 2. Tôi ngại nhất là các môn khoa học tự nhiên: Toán, Vật Lý, Hóa Học và Vạn Vật. Tôi không có một khái niệm chi về các môn này trong chương trình lớp thi. Ơn Trời, ù ù cạc cạc qua loa trong phần thi vấn đáp, lấy điểm các môn khác bù qua, tôi đậu được Tú Tài 1 ban D khoá 2 năm 1962 và Tú Tài 2 ban D khóa 1 năm 1963 hạng Bình Thứ.
Dương. Là thí sinh tự do, tôi cần một người có bằng cử nhân cấp giấy chứng nhận đã dạy tôi xong chương trình đệ nhị và đệ nhất. Thầy Dương đã giúp tôi việc này một cách vô tư với tình thương yêu đùm bọc của thầy đối với trò. Thầy Dương dạy môn Việt Văn, môn Triết Học Đông Phương, môn Hán Văn Giáo Khoa. Thầy có cách dạy khác với các thầy khác, đặc biệt ở môn Việt Văn. Nhiều bạn “chê” thầy dạy chán; trái lại, tôi cho rằng thầy dạy rất hay. Thầy ít chú trọng việc truyền thụ kiến thức mà chú trọng phương pháp tự học, tự tìm tòi, nghĩa là thầy dạy sinh viên bước vào đường hậu học. Trước một đề tài, thầy hướng dẫn: sưu tập tài liệu thế nào, ở đâu, ghi chép thế nào khi đọc tài liệu để dùng vào việc dẫn chứng khi cần, đánh giá tài liệu thế nào, dàn ý thế nào, bố cục bài viết thế nào... Thầy dặn đi dặn lại trong một bài viết, sáng tạo của mình là phần quan trọng, nếu không có gì mới thì bài viết không có giá trị gì. Việc phát triển khả năng môn Việt Văn của tôi ở Hán Học cũng như ở Văn Khoa phần lớn nhờ Thầy. Đề luận đầu tiên Thầy ra cho sinh viên làm ở nhà năm thứ nhất – nếu tôi nhớ không sai – đại khái như sau: Anh, chị có ý kiến gì về câu nói: “Làm một thi sĩ không ích gì cho nước nhà bằng một cầu thủ đá banh”. Ở bậc trung học đệ nhất cấp, khả năng môn Việt Văn của tôi so với trong lớp chỉ ở mức trung bình. Nhưng bài luận văn này tôi được điểm cao và được Thầy khen ngợi. Cũng chuyện làm luận văn, nhiều lúc, gặp đề tài tôi cho không quan trọng, tôi làm qua loa đại khái, bạn Huỳnh Quang Vinh – đang học cùng lớp – góp ý, khuyên tôi: “Phải đem hết sức mình ra làm bài vì trong tương lai có thể không bao giờ mình có cơ hội trở lại một đề tài như thế”. Lời khuyên ấy tôi nhớ đời.
Ngoài luận Việt Văn của thầy Dương, luận Triết ở môn Hán văn giảng luận tôi cũng làm tốt, được thầy Nguyễn Hồng Giao khen ngợi. Một số luận văn của tôi được quý thầy đem qua lớp khác đọc cho sinh viên nghe như là bài mẫu.
Trong việc lên bảng trả bài, tôi luôn luôn thuộc. Tôi có trí nhớ tốt, chỉ cần xem qua bài học dù dài hay ngắn 2 lần là có thể diễn giải hay nói lại một cách trơn tru. Một số bạn bảo tôi “học gạo,” “học vẹt,” nhưng họ không biết rằng tôi có rất ít thì giờ để học cho mình. Nếu không hiểu kỹ ý nghĩa trong bài, không có trí nhớ tốt, tôi làm sao mà thuộc bài được.
Ngoài công việc dạy kèm, bắt đầu từ năm thứ tư, tôi còn học thêm ở Đại Học Văn Khoa. Ở Văn Khoa, thành tích học tập của tôi cũng xếp trong số sinh viên khá. Tôi đậu chứng chỉ dự bị Văn khoa khoá I hè 1964 hạng Bình Thứ xếp vị thứ 4 sau Huỳnh Châm, Bảo Cự và Phạm Văn Nhàn.
Ở Viện Hán Học, tình thầy trò như tình cha con; các thầy xem sinh viên như con cháu trong gia đình. Ngoài việc dạy dỗ, nhiều thầy còn lo nơi ăn chốn ở cho những sinh viên ở xa; có thầy tổ chức tiệc tùng ở nhà mời học trò về dự.
Thầy Võ Như Nguyện giữ chức Chủ Sự, quản lý viện về mặt hành chánh. Tuy nhiên, Thầy cũng là giáo sư dạy Hán Văn giáo khoa. Tôi nhớ có lần Thầy mời tất cả sinh viên về nhà dự tiệc mặn dọn quanh hành lang rộng ở nhà Thầy tại Bao Vinh.
Thầy Đỗ Đình Thạch dạy môn Triết Đông; không vợ con, Thầy ở một mình với bà mẹ già; vậy mà Thầy cũng mời tất cả sinh viên tới căn hộ của Thầy trong cư xá giáo sư đại học để dự tiệc mặn.
Tình cảm của quý thầy đối với học trò như thế là chuyện hiếm.
Nói về các thầy, chỉ có một chuyện buồn. Hình như trong năm 1964, không biết vì lý do gì, thầy Phan Văn Dật – giám học và thầy Nguyễn Văn Dương bất hòa với nhau. Linh Mục Cao Văn Luận – Viện Trưởng Đại Học Huế kiêm Giám Đốc Viện Hán Học lúc bấy giờ – phải chuyển hai thầy đi hai nhiệm sở mới.
Thế là hai thầy không được chứng kiến ngày những học trò thân yêu của mình ra trường - những chú chim thả ràng tung cánh bay khắp bốn phương trời...
(Còn tiếp)
(Trích Đặc San Bạn Cũ Trường Xưa Khóa II Viện Hán Học)
(Trích Đặc San Bạn Cũ Trường Xưa Khóa II Viện Hán Học)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét