Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Cảm Nhận thơ Mùa Đông của Nguyễn Công Trứ - Khôi Nguyên sưu tầm và sáng tác



Cảm nhận bài thơ”Vịnh mùa đông” của                    Nguyễn Công Trứ

 Viết bởi: Nguyễn Trung 
Chuyên mục: bình thơ văn
Cảm nhận bài thơ”Vịnh mùa đông” của Nguyễn Công Trứ.
( Đã đăng trên báo: Người công giáo Việt Nam Và báo Người cao tuổi)


Nghĩ lại thì trời vốn cũng sòng,
Chẳng vì rét mướt bỏ Mùa Đông.
Mây về ngàn Hồng đen như mực,
Gió lọt rèm thưa lạnh tựa đồng.
Cảo mực hơi may ngòi bút rít,
Phím loan cưởi nhuộm sợi tơ chùng.
Bốn mùa ví những xuân đi cả,
Góc núi ai hay sức lão tùng.
( Nguyễn Công Trứ)

Một năm có bốn mùa. Dẫu chẳng muốn thì mùa Đông vẫn tới. Đó là mùa thời tiết trở nên khắc nghiệt, thử thách con người. Có lẽ từ nhận thức đó mà Nguyễn Công Trứ đã lấy mùa Đông làm đề tài cho bài thơ đường luật ”Vịnh Mùa Đông” để thể hiện chí làm trai của mình thời trẻ. Đó là một cách thể hiện hấp dẫn, tinh tế, ở một con người có tài văn chương và có chí khí, nghị lực.
Hai câu đầu tiên là cảm nhận của tác giả về quy luật của trời đất:
Nghĩ lại thì trời vốn cứ sòng
Chẳng vì rét mướt bỏ Mùa Đông.
Trời đất, vũ trụ như một con người rất thẳng thắn, công bằng theo quy luật âm dương, luật bù trừ: có nóng thì phải có lạnh. Có mưa thì phải có nắng. Có sướng thì phải có khổ. Có khổ thì mới có sướng... Chữ ”sòng” nhân hóa vũ trụ, nói lên sự công bằng vốn là một quy luật của tự nhiên.
Nguyễn Công Trứ không hề ca thán, oán trách rằng tại sao Trời đất lại khó tính, lại sinh ra Mùa Đông làm gì để con người, vạn vật phải chịu khổ về rét. Nguyễn Công Trứ vui vẻ chấp nhận và hài lòng, lấy làm thú vị về việc có Mùa Đông.  Ẩn ý sâu sắc là thái độ, là tinh thần tích cực đón nhận khó khăn, gian khổ. Cuộc sống xưa nay vốn không bằng phẳng, êm đềm. Cuộc sống có đủ vị đắng-cay-ngọt-bùi...cũng như vũ trụ có cả bốn mùa vậy.
Tiếp đến, hai câu thực là tả cảnh Mùa Đông:
Mây về ngàn hồng đen như mực
Gió lọt rèm thưa lạnh tựa đồng.
“Mây đen” và “Gió lạnh” đối xứng nhau, cũng vẽ nên bức tranh, không gian u ám, giá lạnh của Mùa Đông miền Bắc Việt Nam. Dùng lối so sánh, Mây được tô đậm bằng màu “Đen như mực” trên không gian cao rộng ”Mây về ngàn Hồng,” tác giả đã gợi nên đến cả cảm giác rợn ngợp, tăm tối của bầu trời, non nước hùng vĩ quê hương Hà Tĩnh của mình. Bóng đen mây đang kéo từ phương Bắc xuống phủ ngày một kín, một dày thêm bầu trời xứ sở. Đồng thời, cùng với mây đen là gió lạnh. Gió lạnh phương Bắc không chỉ kéo mây đen về mà còn mang theo cả cái lạnh. Cái lạnh của gió Đông xâm nhập khắp chốn ”Gió lọt rèm thưa,” đem đến cái rét cắt da cắt thịt trong không gian trú ngụ của con người. Ở trong nhà mà chẳng khác gì đang ở giữa đồng không mông quạnh... Tất cả, cái lạnh đẩy cuộc sống và hoạt động của con người, muôn vật vào trạng thái yếu ớt, gần như bất động.
Tiếp theo là hai câu luận diễn tả nối khổ của Mùa Đông:
Cảo mực hơi may ngòi bút rít
Phím loan cưởi nhuốm sợi tơ chùng.
Hai câu diễn tả thực hai sự việc của Mùa Đông: gió lạnh heo may từ phương Bắc xuống khiến cho mực vừa mài xong đã khô, không kịp viết. Tờ giấy viết như khô cứng. Ngòi bút khi viết ”rít” lại tưởng chừng như không ra mực, không hiện thành chữ nữa, không viết được trơn tay nữa. Bàn tay cũng như đang run lên vì rét khi cầm bút viết. Viết đã thấy khổ hơn, huống chi là công việc đồng áng. Ngay cả đến ngồi trong nhà, cầm cây đàn lên cũng thấy run, thấy buốt lạnh. Dây đàn không còn căng lên được mà cũng co lại tưởng như chùng xuống. Sương rơi cũng ngưng đọng lại thành từng giọt trên phím đàn. Cầm đàn mà như không thể đánh đàn được nữa. Tay cóng, đàn se, âm thanh chẳng còn có hồn.
Chỉ bằng hai chi tiết đó thôi, tác giả đã khéo gợi đến cái khổ của rét mướt Mùa Đông như thế nào.
Mùa Đông đã đuổi hết đi cái ấm áp, dễ chịu, đuổi hết sự sống đi, tưởng chững như còn lại thần chết ngự trị. Mùa Đông lấy đi màu xanh của cỏ cây hoa lá, biến những cây cành tươi tốt, xum xuê trở thành những cánh tay trơ trụi, gầy guộc. Song, không phải là tất cả:
Bốn mùa ví những Xuân đi cả
Góc núi ai hay sức lão Tùng.
Hai câu kết xuất hiện bất ngờ hình ảnh cây Thông bên góc núi. Hình ảnh cây thông trở thành hình tượng nghệ thuật đặc sắc, gợi nhiều ngầm ý sâu sa. Thật thú vị làm sao! Nhờ có Mùa Đông giá lạnh, ta mới biết được sức chịu đựng phi thường, sức sống phi thường của cây Thông.
Cây Thông chính là hình ảnh ẩn dụ cho chí khí của người quân tử ngay thẳng, mạnh mẽ, kiên định. Mùa Đông là biểu tượng của gian lao, thử thách cuộc đời.
Phải chăng, mượn cây Thông, mượn Mùa Đông, Nguyễn Công Trứ muốn thể hiện chí làm trai, tinh thần, nghị lực kiên cường của mình trước thử thách đường đời. Tác giả quả là một con người có chí lớn cao đẹp. Và, thực sự Nguyễn Công Trứ đã làm nên sự nghiệp lớn cho đời, lưu danh muôn thuở:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
(Chí anh hùng-Nguyễn Công Trứ)
Sau này, ngay cả những lúc thăng trầm nhất, Nguyễn Công Trứ vẫn nguyện:
Kiếp sau nếu có làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Bài thơ ”Vịnh Mùa Đông” là một bài thơ tả cảnh ngụ tình tinh tế, đặc sắc. Người đọc khó có thể quên được bài thơ bởi sức truyền cảm, bởi ngầm ý nghệ thuật cao. Bài thơ đã nhẹ nhàng gieo vào lòng người, ăn sâu bám rễ trong lòng người một quan niệm sống, một thái độ sống tích cực rất cần có ở mỗi chúng ta ngầm ý nghệ thuật cao. Bài thơ đã nhẹ nhàng gieo vào lòng người, ăn sâu bám rễ trong lòng người một quan niệm sống, một thái độ sống tích cực rất cần có ở mỗi chúng ta.
 ------------------------------------------------------------------------
                Kính thưa Quý Anh Chị và các bạn Thi Hữu,
     Để tạo thi hứng cho quý vị trong đợt xướng họa thơ mùa
Đông, tôi mạo muội đăng bài thơ "Vịnh Mùa Đông" của Thi Sĩ
tiền bối trứ danh Nguyễn Công Trứ và lời binh đầy hấp dẫn của nhà phê bình Nguyễn Trung để chúng ta cùng thưởng thức. Kèm theo đây, tôi xin góp vào "Vườn Thơ Mùa Đông" phần nhỏ nhoi của tôi qua bài:

Trưng Cầu Dân Ý Mùa Đông

Bốn mùa Xuân Hạ với Thu Đông
Thượng Đế bao phen phải bận lòng.
Đông lạnh, muôn dân xin hủy bỏ,
Thu buồn, thiên hạ nói không mong.
Xuân tươi, lắm kẻ đòi thêm thưởng,
Hạ nóng, nhiều người muốn cảm thông.
Bắc Đẩu, Nam Tào tuân thượng lệnh,
Trưng cầu dân ý vẫn chưa xong...
                    Khôi Nguyên
















Không có nhận xét nào: