Nhân Ngày Vinh Danh Nhà Giáo, tôi xin kể một chuyện tinh nghịch thuở cắp sách đến trường.
Tôi Sắp Tôi Hạng Thứ Ba
Trong lúc chờ tới giờ thi cuối niên khóa môn Sử Tây Phương của thầy Châu, Minh Tuyết và Hồng tìm một chút khí trời mát mẻ dưới tàng cây rậm nơi sân trường. Hai cây quạt giấy làm việc hết “công suất” mà hai nàng vẫn cảm thấy nóng như đứng trước lò than, phồng mang trợn má thổi lửa. Tiếng hát buồn lê thê từ máy truyền thanh nhà bên cạnh trường vẳng sang: "Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn..." Vậy mà hai nàng nghe không cảm thấy thi vị gì cả.
Minh Tuyết rất thực tế, cười khẩy rồi lẩm bẩm nói:
- Mấy ông nhạc sĩ chuyên phóng đại. Vui chỉ có một phần trăm của buồn thì tại sao thiên hạ cứ đâm đầu vào yêu? Mầy thấy đó "em" Ngân Trang là người mặt mày lúc nào cũng lạnh như cục nước đá, nhưng từ ngày có chàng sinh viên Luật Khoa kè kè bên cạnh, tao bắt gặp "em" cứ tủm tỉm cười một mình hoài, trông phát... ứa gan!
- Mầy không có ai rồi tức hả? Nó học thêm bên Luật chớp được anh Luật sư tương lai. Người xổ nho chùm, người xổ hết luật rồi lệ ra để đấu lý, coi bộ vui hỉ. Còn Văn Khoa với Viện Hán Học của ta giống như tay mặt tay trái. Hai tay này không đánh nhau đâu mà sợ vạn lần buồn. Kẻ thì ư ử:
"Thiên địa phong trần,
Hồng nhan đa truân,
Du du bỉ thương hề
Thùy tạo nhân..."
(Chinh Phụ Ngâm Khúc- Đặng Trần Côn)
Người thì ngâm nga:
"Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Xanh kia thăm thẳm từng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này..."
(Chinh Phụ Ngâm Diễn Nghĩa- Đoàn Thị Điểm)
Cả hai hạp nhau dữ đa! Mi kiếm một anh Văn Khoa cho có với người ta, khỏi ứa gan nữa.
Minh Tuyết đáp:
- Tao đã nói rồi, tao chỉ thích về quê Mỹ Tho ăn hủ tiếu thôi. Cơm hến, bún bò Huế cay lắm, tao sợ. Còn mầy, "chuyện tình dưới mưa" tới đâu rồi? Anh chàng Văn Thầy Đồ Nho làm thơ tình toàn nước mắt của mày đang ngồi ngắm ruồi làm thơ trong lớp kìa. Trông anh tội chưa tề!
- Anh ta rút êm rồi. Có lẽ bữa đó tao phản ứng hơi nặng, Thu Sầu báo cáo sao đó mà anh im hơi lặng tiếng...
Minh Tuyết đề nghị:
Hôm nay, gắng làm bài cho nhanh, ra về sớm một chút để hai đứa mình còn sang Văn Khoa xem lịch trình thi nghen.
Hồng chưa kịp đáp lại thì Minh Tuyết nháy mắt ra hiệu. Chị Hai và Ngọc, hai người đang "đường vào tình yêu có vạn lần buồn," bước vô cổng với vẻ mặt như hoa mùa hè thiếu nước. Minh Tuyết nắm tay Hồng bước tới, toan tìm cách nói vài lời thông cảm vừa lúc thầy Châu bước vào trường. Thầy còn trẻ, lớn hơn sinh viên không bao nhiêu tuổi nên đi dạy thầy luôn luôn vận côm-lê để ra vẻ một người thầy. Dáng thầy gầy và cao, đi xe đạp đòn dông cũ, áo vest ủi thẳng, sơ mi trắng toát, cà vạt hợp thời trang, giày bóng loáng, tóc tai tươm tất. Trông thầy rất đạo mạo, oai nghiêm nhưng lại là một ông thầy chịu chơi nhất trường. Chịu chơi ngầm thôi nhưng ai cũng biết!!! Có lẽ vì chịu chơi quá nên thầy không tiền mua xe gắn máy. Bốn mùa thầy đều ăn mặc như vậy, bất kể mưa rào hay mưa dầm, gió heo may hay gió bão, nắng ấm hay nắng đổ lửa.
Minh Tuyết nói nhỏ vừa đủ cho Hồng nghe:
- Mùa hè mà thầy mặc côm-lê, đi xe đạp đòn dông cũ dưới cái nắng toé lửa của xứ Huế, thật thảm làm sao! Hì hì hì...
Như đã hẹn trước hai cô kết thúc bài thi sớm, không cần điểm cao chỉ cần đủ điểm để lên lớp và có học bổng, còn dành thời giờ cho bên Văn Khoa nữa. Ra khỏi lớp, Hồng định tạt vào văn phòng để lấy thư (nhà trường ưu ái đám sinh viên xa nhà nên cho phép dùng địa chỉ trường để nhận thư) Minh Tuyết bỗng đề nghị:
- Hồng này, còn sớm, mày canh chừng để tao xì bánh xe đạp thầy Châu cho thầy te tua với cái nắng mùa hè một bữa.
Hồng nhìn quanh quất, sân trường vắng lặng, chỉ có hai cô. Có lẽ bị ma ám nên nàng hưởng ứng nhiệt tình, không chút do dự. Xong việc, cả hai vào văn phòng lấy thư. Hôm ấy Minh Tuyết được thư bảo đảm của gia đình gởi tiền cho xài nên rất hí hửng, miệng cười toe toét. Hồng được thư của Quân, người anh họ thân thiết với nàng như anh em ruột, từ Quân Trường Không Quân Nha Trang gởi đến. Hồng và Minh Tuyết đứng tựa cửa sổ ở văn phòng vừa đọc thư, vừa ngó chừng ra sân. Minh Tuyết ghé mắt vào bì thư của Hồng, tò mò hỏi:
- Này "em", "em" có người yêu là Người Hùng Trên Không hả?
- Bậy mày, anh tao đó. Có muốn làm chị dâu tao, ăn mía Hiệp Hòa thả giàn thì hè này trên đường về, ghé Nha Trang một vài bữa ‘xem mắt’ anh tao. Ảnh đang thụ huấn quân sự nên than buồn, than cực khổ... cần người an ủi, khích lệ tinh thần đây nè.
- Ghé lại thì ghé, sợ gì. Tao có con bạn học Văn Khoa gốc Nha Trang, tụi mình có thể tá túc một vài ngày được. Mình du ngoạn, ngắm cảnh, xem di tích Chàm cho thỏa thích.
- "Nhất ngôn ký xuất, Tứ mã nan truy." Nhớ nghen.
Tiếng chuông reng báo hiệu hết giờ thi. Sinh viên túa ra, tụ hợp bàn thảo chuyện bài thi. Minh Tuyết và Hồng nhào vô góp lời. Thầy Châu bước tới xe đạp, thấy bánh xe bị xì hơi, mặt thầy... hết đẹp trai. Thầy buồn bực và thiểu não dẫn xe đạp dưới cái nắng đổ lửa để tìm chỗ vá lốp. Minh Tuyết và Hồng đưa mắt nhìn nhau mỉm cười thú vị. Ngay lúc đó, chợt nghĩ tới Bến Ngự, nơi tọa lạc của Viện Hán Học mấy năm sau này, không có chỗ nào bơm vá lốp xe đạp, mãi tận Đông Ba mới có, Hồng liền bị mấy cái răng của lương tâm cắn cho vài phát đau điếng. Bước ra cổng, nhìn theo cho đến khi dáng thầy khuất ở khúc quanh cuối đường, Hồng mới nói nhỏ với Minh Tuyết:
- Thôi, hỏng rồi. Kiểu này có lẽ thầy phải dẫn bộ về nhà. Nhà thầy ở tận Đập Đá, xa đây lắm. Tụi mình chơi ác quá!
- Ừ nhỉ, tao quên mất ở gần đây không có chỗ nào sửa xe đạp. Bây giờ phải làm sao?
Hồng tiếp:
- Thì xin lỗi thầy chứ sao. Chờ vài ngày cho cơn giận của thầy dịu xuống, chúng ta đến xin lỗi thầy. Mầy là chính phạm, mầy nói trước nghe. Tao, tòng phạm, sẽ nói sau...
Đợi kết quả thi cử xong xuôi, hai nàng mới dám tìm thầy Châu tự thú chuyện chơi dại của mình. Thầy không tin, vì có lẽ ở Huế lúc đó không có O nào dám chơi trò nghịch ngợm như vậy và lời tự thú của hai nàng có lẽ thiếu chân thành chăng. Thầy nói: "Tôi biết không phải mấy chị mà là người khác." Chao ôi! Anh nào bị thầy nghi oan vậy? Thầy quên một điều là thời đại "nam nữ bình quyền" nên "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" phải có nữ đứng chung "hạng thứ ba" chứ. Tuy nhiên Hồng cũng vớt vát ba chữ "thiệt mà thầy" cho lương tâm ngừng cắn rứt. Thầy không tin, hai cô cũng không dại gì khăng khăng ôm tội vào người, lỡ bị lên văn phòng gặp thầy Giám Học cho một "bài học Luân Lý Giáo Khoa Thư" thì bẽ mặt lắm. Dầu sao đi nữa, lương tâm của cả hai cũng được ru ngủ bởi sự tự thú này.
vhp. Hạ Vũ
(Trích chương 3 - Truyện dài Tóc Mai của vhp.Hạ Vũ, cựu SV VHH Huế khóa 2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét