Cỏ May Còn Tím
Cảm đề khi đọc Bông Cỏ May của Võ Kim Ngân
Lục viên ơi! Lục Viên ơi!
Đường về quê Ngoại của tôi ơi!
Cỏ May còn tím đường đi học,
Tím cả gò hoang, tím cả trời.
Tôi đứng ngoái nhìn, xa tít xa,
Cuối trời mây trắng, bến bờ qua.
Mây ơi! Xin nhắn lời ta gởi,
Không nhớ nào hơn, nỗi nhớ nhà.
Rồi bỗng mơ về thấy mẹ tôi;
Cỏ may giăng tím, chạy quanh đồi,
Run run Mẹ lặt từng hoa cỏ,
Con lật từng trang, giọt lệ rơi!
Sao đã lạc loài giữa biển khơi,
Còn năm hoa cỏ, vướng chân tôi?
“Phiêu linh dù đã xa muôn dặm,
Man mác, bâng khuâng một hướng trời” (*)
Mặc Hiền, Phạm Văn Rã
Ghi chú(*) nguyên văn thơ của Võ Kim Ngân:
Bông Cỏ May! Bông Cỏ May ơi!
Hồn quê thắt chặt bước chân tôi.
Phiêu linh dù đã xa muôn dặm,
Man mác, bâng khuâng một hướng trời.
Bông Cỏ May
Bút ký
*Võ Kim Ngân
*Ngân Triều
tổng hợp
Lời dẫn:
*Bông Cỏ may, hồi ký của Võ Kim Ngân đã được đăng trong Giai phẩm Xuân Hậu Nghĩa, số 2, của BLL CHS Bào Trai (Hậu Nghĩa)-Giấy phép xuất bản số 63/GPXB-STTTT-LA cấp tháng 10 năm 2010.
*Mùa Thu năm 2014, sau khi tổng hợp và bổ sung, tác giả có nhã ý cho đăng vào Tuyển tập Truyện ngắn nầy.
Giọng văn chân thành, minh họa sắc sảo về một thời đi học của học sinh miền quê, cách nay 60 năm, phảng phất tình yêu quê hương tha thiết. Xin trân trọng giới thiệu. Ngân Triều
Nhớ
Tôi đã trải qua một tuổi thơ hồn nhiên rất đẹp với nhiều kỷ niệm của thuở học trò trường Tiểu học Bào Trai Hậu Nghĩa (Ngày xưa, Trường Tiểu học Bào Trai, viết như thế nầy). Đó là năm học 1954 – 1955 và 1955 –1956, lúc ở tuổi choai choai 13, 14, 15. Hồi đó, mỗi tuần lễ học sinh miền quê phải đi học 6 ngày. Các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu là học nguyên ngày, còn những ngày còn lại, học một buổi. Những ngày học hai buổi, học sinh ở xa như chúng tôi phải giở theo cơm đựng trong một cái“mo cơm” làm bằng mo cau, ăn trưa, ngay lớp học của mình, hoặc rủ nhau ăn chung từng nhóm, nơi hành lang lớp học, hoặc dưới gốc cây điệp to ở hai bên cổng trường.
Sau bữa cơm trưa lúc tan học sáng 10h30, chúng tôi thường rủ nhau kéo xuống đám rừng chồi của con Suối Bào Trai (Hậu Nghĩa) để vui chơi. Chúng tôi thường tản ra thành nhiều nhóm thân quen để cùng chơi chung những trò chơi nhỏ, lùng sục các lùm bụi, học ôn bài…vì buổi chiều vào học lúc 2giờ.
Có nhóm đi hái những trái dại, tìm kiếm những loại trái cây rừng mà có thể học sinh bây giờ, khó lòng biết được. Chẳng hạn như trái nhãn lồng, trái nhãn chài có vị mát miệng; trái bời lời, trái cò ke làm đạn bắn ống thụt bằng trúc cho nổ lốp bốp vui tai, chia phe bắn vào nhau rất hồi họp. Trái nhăn chín màu đỏ như cái nanh heo rừng, lủng lẳng trên những dây leo mảnh mai, ngọt ngọt.Trái kim cang từng chùm đính trên một dây gai, lá to bằng bàn tay, ăn lờ lợ, nhớt nhớt. Trái chùm gởi từng ổ, trên cây trăm cao, nhỏ như trái cùm nụm ăn vui miệng. Trái mây rắc (mây rừng) ăn chát chát; trái chùm mòi, trái dấm chua chua. Trái mua có 5 cánh hồng, khi chín mở thân ra làm hai với năm múi tím đen ngọt ngọt thường có nhiều kiến hôi. Trái đu đủ rừng, trái và lá có nhiều lông tơ trị ho, chát chát, ăn không khéo, mắc nghẹn. Trái táo rừng chua ngọt khắp nơi trên những nhánh nhỏ nằm ngang, đầy gai nhọn và nhiều nhất là trái cà na trong mùa mưa, cà na đắng, cà na chua, trái nù mới ngon và trái trăm đen sẫm khi chín, trăm móc, trăm sắn, sau Tết Nguyên Đán. Những trái to thì có những trái bình bát, chín vàng trên những cành cây khó trèo, tàng cây de ra hai bên bờ suối. Những trái dứa gai thơm lừng lựng nhưng không ăn được vì rất ngứa. Những trái ổi rừng, ổi lộn kiếp, cơm mỏng hạt nhiều, chẳng đứa nào muốn hái ăn.
Nhóm con gái chúng tôi thường bẻ những hoa dại xinh xinh. Hoa dù cồn đầu có một núm tròn nâu trên một cọng ngồng cao, điểm những cánh hoa vàng nhỏ xíu, mọc bạt ngàn trong các vũng nước. Hoa cây nổ màu xanh biếc, cánh hoa mỏng manh, trái từng chùm như chân gà con; khi thả chùm trái khô vào nước, trái nở ra và phát lên những tiếng nổ lách tách như tiếng pháo chuột. Hoa bí bái màu trắng thơm thơm đặc trưng. Hoa cắt lồi thân thẳng như một cái roi mây. Trên đầu roi có một búp hoa tròn màu đỏ kết một chùm trái bằng nắm tay, nở hoa trắng liên tục, hết hoa nầy đến hoa khác, thường có mấy chú ong bầu chui vào hút mật. Hoa dây chiều màu xanh tím, gắn trên một thân dây leo có một lớp lông tơ cứng. Hoa cúc rừng nho nỏ như đôi hoa tai, màu cam lấm tấm thơm thơm. Hoa trắng tím của dây chùm bao (lạc tiên) rất dễ thương; những trái chín tròn màu vàng trong một cái bao, ăn chua chua ngọt ngọt.
Bông và trái cò ke
|
Trái thù lù vị ngọt thanh trong một cái bao rỗng nhọn, kín mít;
Trái và bông chùm bao
|
Hoa lẹo nhiều bông nhỏ kết thành một chùm to màu đỏ, màu đỏ của miền quê may mắn, thanh bình…
Có mấy bạn thường rút những tàu lá dứa gai để thắt những chiếc chong chóng dứa, những trái banh dứa để đánh đũa, đôi dép dứa, chiếc đồng hồ đeo tay bằng dứa, cả những sợi dây nịch dứa và chiếc kèn bằng dứa nữa.
Cũng có bạn đi tìm những tổ ong lá, mang về làm mồi đi câu cá rô. Bạn bắt tổ ong lá rất tài. Chỉ cần một mảnh giấy xếp dọc, rón rén đặt giấy phía dưới tổ ong, châm lửa đốt. Khói lửa bốc cao, bầy ong bảo vệ tổ sợ lửa bay xa, còn trơ tổ không là bạn thò tay bắt lấy (ha ha... chiều mai mình sẽ câu được một đục cá rô đấy!) Hoặc có bạn cao hứng bứt những dây bòng bong và những sợi tơ hồng để kết làm chiếc mão đội làm tướng, huơ tay múa chân, vuốt râu, lắc nghiêng cái đầu mới học được trong tuồng hát bội của đoàn Sơn Đông mải võ lưu động đi bán thuốc quảng cáo:
-Ải ải…Ta là Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê đây!
-Xin hỏi Tiết Đinh San, cầu Phàn Lê Huê ở đâu vậy?
-Thì ở Cầu Phàn Lê Huê, chớ ở đâu!
-Cầu Phàn Lê Huê chắc là một cái cầu có trồng nhiều cây lê…
-Chắc là ở miền “quê” rất xa…
-Bậy nào! Chắc là ở tiệm tạp hóa “Mai Huê” gần trường mình đó mà…
-Ừa hén! Cái cầu thì phải có suối, có sông. Tiết Dinh San ở cầu nào, ở đâu cũng được mà…
-Hát tiếp đi! Đinh San ơi!
-Ải ải…
[*] Ghi chú:“cầu”là tìm, là cầu hôn.(Lầm tưởng “cầu”là cái cầu bắc ngang sông, suối…)
Phàn Lê Huê, nữ tướng Tây Liêu có tài cao, si mê Tiết Đinh San, đầu phục nhà Đường, được kết duyên cùng Đinh San, hai vợ chồng có công trong việc chinh Tây…Trích trong Truyện Tàu, Tiết Đinh San chinh Tây, tác giả khuyết danh)
Có nhóm bạn đằm thắm hơn, rủ nhau leo lên cây trăm học bài, nhìn các bạn khác chơi, nhìn trời, nhìn đất, tán chuyện vu vơ rất vui:
-Ước gì mình có cánh như tiên, bay lên trời cao chắc là vui lắm!
-Bạn có cánh, tụi nầy không cánh. Bay một mình, đâu vui! Tui ước cái cây trăm nầy hoá thành cây đa, tụi mình bay lên trời như Chú Cuội…Cây nó chở mình bay chầm chậm, nghiêng qua nghiêng lại…bay lên mặt trăng luôn…đêm đêm nhìn xuống thế gian …
-Ý! Không được đâu! Lên trên ấy, làm sao mà về… nhớ nhà, nhớ cha mẹ, bà con…và nhớ đứa em mình nữa…
-Chắc là mình mượn cái thang của Chú Cuội và Chị Hằng leo xuống, về nhà, đi học mà…
-Thôi đi bạn! Tui không chịu đi đâu! Biết sao không! Nếu tụi mình leo xuống, về nhà thì trần gian sẽ bị biến đổi hết. Chuyện Từ Thức lên Tiên mới có một năm mà khi về trần thì ở trần gian đã trải qua mấy trăm năm lận…Coi chừng, tụi mình cũng như vậy à nghen!
-Còn tui thì tui muốn có con ngựa sắt, chiếc roi sắt…như Phù Đổng Thiên Vương[*]…đi đánh giặc Ân xâm lược, cứu nước, cứu dân…
-Hay đó! Cô mình kể, Thánh Gióng đã lên ba tuổi, cứ nằm chờ sứ giả, không thèm nói năng gì hết. Giặc Ân xâm lược nước mình, tiếng nói đầu tiên trong đời của ông với sứ giả là xin đi đánh giặc cứu nước…
***
Ghi chú[*]Truyện Phù Đổng Thiên Vương,: Đại Việt sử ký toàn thư phần Ngoại kỷ toàn thư, kỷ Hồng Bàng thị ghi chép lại về Thánh Gióng như sau:
-:Đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông bà lão nghèo chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức thế mà họ vẫn chưa có con. Một hôm bà ra đồng thấy 1 vết chân rất to liền ướm thử xem thua kém bao nhiêu, không ngờ về nhà bà thụ thai và 12 tháng sau sinh được 1 cậu bé khôi ngô tuấn tú. Kì lạ thay, cậu bé ấy lên ba mà vẫn không biết nói cười, đặt đâu nằm đấy. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một áp giáp sắt và một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Trâu. Bọn giặc giẫm đạp lên nhau mà chay. Thánh Gióng đuổi theo, tới chân núi Sóc thì dừng. Đứa trẻ cởi áo giáp, phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế. Về sau, Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần Vương. (Đền thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng)
***
Cốt truyện
Chuyện kể rằng:
Vào đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm làm ăn và có tiếng là phúc đức. Hai ông bà ao ước có một đứa con. Một hôm bà ra đồng trông thấy một vết chân to quá, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử để xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà bà thụ thai và mười hai tháng sau sinh một thằng bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng lắm. Nhưng lạ thay! Ðứa trẻ cho đến khi lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy.
Bấy giờ có giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ. Bèn truyền cho sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước. Ðứa bé nghe tin, bỗng dưng cất tiếng nói:
-Mẹ ra mời sứ giả vào đây!
Sứ giả vào, đứa bé bảo:
-Ông về tâu vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này.
Sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua. Nhà vua truyền cho thợ ngày đêm làm gấp những vật chú bé dặn.
Càng lạ hơn nữa, sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, thành thử phải chạy nhờ bà con, hàng xóm. Bà con đều vui lòng gom góp gạo thóc nuôi chú bé, vì ai cũng mong chú giết giặc, cứu nước.
Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, lao vào thiên binh vạn mã toát lên bá khí cường liệt dị thường, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Ðám tàn quân giẫm đạp nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc (Sóc Sơn). Thánh Gióng về nhà dập đầu lạy mẹ, tạ ơn công nuôi dưỡng sinh thành rồi lên đỉnh núi Sóc Sơn cưỡi ngựa bay về trời. Vua nhớ công ơn, phong là Phù Ðổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay ở quê nhà.
Hiện nay vẫn còn đền thờ ở làng Phù Ðổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm đến tháng tư làng mở hội to lắm. Người ta kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả màu vàng óng như thế, còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Người ta còn nói khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là Làng Cháy.
Theo Vikipedia
***
-Giặc phương Bắc điêu trá, hung tàn. Muôn đời, lúc nào lũ nó cũng lăm le thôn tính nước mình. Nước mình tuy nhỏ hơn chúng nhưng vua biết nghe theo ý dân, biết trọng nhân tài, dân mình đoàn kết một lòng… nên một khi chúng nhào vô nước mình kiếm ăn, thì đều bị đánh tan tành,thê thảm, như Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng, chặt đầu Thái Tử Hoàng Thao. Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên, chiến thắng Bạch Đằng; Thoát Hoan cùng đường, sợ chết vì cung tên nhà Trần, phải chui vào ống đồng cho tàn quân kéo chạy về nước. Tôn Sĩ Nghị hồn xiêu, phách lạc; đại bác nước Nam sao đặt được trên lưng voi, quân nước Nam từ dưới đất xông lên, hay trên trời rơi xuống; đến nỗi không kịp mặc áo giáp, ngựa không kịp thắng yên, không kịp đem theo ấn tín, điếng hồn chạy thoát thân, cong đuôi như chó, quang quác như gà…, thây phơi thành núi, máu chảy thành sông…
-Bạn tiếp thu bài khá đấy! Đố bạn nào còn nhớ cô mình giảng một câu đối của sứ nước ta, hạ nhục Vua Tàu Nhà Minh không?
-Ờ ờ…Tui chỉ nhớ vua Tàu nhà Minh muốn sỉ nhục nước Nam trước các chư hầu, mới ra câu đối:
+“Đồng Trụ đến giờ, rêu vẫn lục! (xanh lục)”.
Sứ nước mình khảng khái liền chơi lại ngay:
+“Đằng Giang muôn thuở, máu còn hồng” (*)
-Hóa ra “gậy ông đập lưng ông” nhục nhã, mới đem giết sứ nước mình.
-Quả là anh hùng tử, khí hùng nào tử! Cao cả như Trần Bình Trọng: “Ta thà làm ma(1) nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”.
(1) Thiết tưởng từ “ma nước Nam”ở đây hợp lý hơn “quỷ nước Nam”. Ma hiền lành, quỷ hung ác. NT
***
(*)Chú giải:
Anh hùng sứ giả nước Nam tên là Giang Văn Minh (chữ Hán: 江文明, 1573 - 1638) tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, là quan nhà Lê Trung Hưng. Ông được mệnh danh là vị sứ thần "Bất nhục quân mệnh" (Không để nhục mệnh vua) vì đã hiên ngang đối đáp thẳng thắn trước triều đình Trung Quốc và bị vua Minh Tư Tông hành hình vào năm 1638, thọ 65 tuổi.
Vào thời điểm ông đi sứ, mặc dù nhà Mạc đã bỏ chạy ra Cao Bằng, nhưng nhà Minh vẫn áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt (với cả nhà Hậu Lê và nhà Mạc) với mục đích muốn cho cuộc chiến tranh Lê-Mạc cứ tiếp diễn. Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) vào năm 1638.
Đến khi triều kiến, Minh Tư Tông , Chu Do Kiểm (tức Sùng Trinh) lấy lý do "Vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ"
để không công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ công nhận nhà Mạc.
Đồng thời, trong buổi lâm triều, Chu Do Kiểm còn ngạo mạn, sỉ nhục nước ta nên đã ra một vế đối như sau:
"Đồng trụ chí kim đài dĩ lục"
銅 宙 至 今 苔 已 綠
Nghĩa là:
Đồng trụ đến giờ, rêu vẫn lục.
Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).
*Mộ Thám hoa Giang Văn Minh
"Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng"
Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã không khoan nhượng, đối lại thẳng thừng:
"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"
籐 江 自 古 血 由 紅
Nghĩa là:
Đằng Giang muôn thuở, máu còn hồng.
Vế đối này không những đối một cách tuyệt vời về ý mà về hình thức nghệ thuật rất sắc sảo, chính xác, từ với từ, còn có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.(Máu của giặc đã chết tự ngàn xưa, do thua trận, theo nước sông tuôn ra biển cả, đến nay vẫn còn màu hồng như rửa trôi chưa hết- NT)
Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước chư hầu. Vua nhà Minh bừng bừng lửa giận, quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách cho trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem "Sứ thần An Nam to gan, lớn mật đến đâu".(!!!)
Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Tuy nhiên,cuối cùng, Minh Tư Tông vẫn kính phục một trung thần, hết lòng vì vua vì nước, cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân và đưa thi hài ông về nước.
Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng trân trọng, ngậm ngùi, bái kiến linh cữu và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, sắc phong:
"Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng"
(tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).
Cuối cùng Ông được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm. Trên cánh đồng này hiện còn có một cái quán (như một ngôi nhà nhỏ) là nơi linh cữu ông đã được quàng lại một thời gian ngày xưa để sĩ phu và nhân dân thương tiếc bái biệt, được gọi là Quán Quàng. Hiện nay, nhà thờ ông ở làng Mông Phụ đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.
Ở Hà Nội hiện nay có một con đường mang tên Giang Văn Minh, nối với phố Giảng Võ và phố Kim Mã, quận Ba Đình.
Theo Wikipedia.
***
-Bạn con thầy giáo, nói hay quá, chắc là…chắc là sau nầy sẽ “hổ phụ sanh hổ tử”! “Con nhà thầy giáo, lớn làm thầy giáo”
-Còn bạn thì không phải con thầy giáo chắc? “Cái mộng bác sĩ, nhân đạo cứu người”, có giấu được ai…
-Ha ha…
…..
Khi hơi chán thì ngồi xúm xít dưới những tán cây cao hay những đám cây mặt cật, nói chuyện gẫu rù rì. Thời gian như ngừng đọng, lặng im. Thỉnh thoảng có tiếng cất lên, gọi tên nhau ơi ới và nhiều lúc nói cười vang rân.
Dòng suối Bào Trai hiền hòa, không sâu, nhiều chỗ nước ngang đến bụng, có thể lội băng qua được. Tôi rất sợ lội qua suối vì suối có rất nhiều đỉa. Muốn biết có đỉa không thì lấy cây khoắn xuống nước, rồi chờ xem. Đỉa mén lội phăng phăng ngang dọc hàng chục con; mấy con đỉa trâu, dài hơn gang tay, màu đen, có sọc vàng hai bên lưng túa ra tìm mồi. Trông nó vẫy đuôi dợn sóng mà ớn lạnh xương sống …
Vậy mà cũng có một nhóm bạn trai gan góc tắm suối. Đứa thì biểu diễn “thả ngữa”, đứa thì “lội ếch”, đứa thì “lội chó”, đứa thì lội đứng, lội sải, lội đập, rồi bất chợt chia phe té nước vào nhau, nước văng tung tóe. Chơi chán, từng đứa leo lên bờ, co giò, bịt mũi, nhảy ùm xuống nước, lặn đua... Tiếng la hét hòa lẫn với tiếng cười sằng sặc, in ỏi, bất kể câu nói cảnh giác của ai đó:
- Mấy đứa! Coi chừng đỉa chun lỗ tai !
Vậy mà cũng có một nhóm bạn trai gan góc tắm suối
Đến đây, tôi chợt nhớ đến một chuyện kể, cảnh giác về đỉa mà tôi được nghe hồi đó. Và câu chuyện này, chính là lý do làm cho tôi sợ đỉa.
Xưa có một nàng dâu của một gia đình nghèo. Để “ làm dâu”, ngày ngày chị phải đi bắt cua, bắt cá quanh suối. Chị nấu cơm, kho cá, luộc rau, nấu canh , chiên cá đều tốt. Sau một thời gian, chị bỗng “dở hơi” , ngẩn ngẩn ngơ ngơ và nhất là lần nào nấu cơm cũng sống cả. Để ý, người mẹ chồng rình xem thì thấy khi cơm sôi, chị lấy nắp vung nồi cơm đặt trên đầu mình một cách liên tục, có vẻ rất thoải mái. Thấy vậy, người mẹ chồng bước ra, quát:
-Mầy nấu cơm gì kỳ vậy? Hèn gì cơm sống!
Thuận tay, đang cầm chiếc đũa bếp, bà gõ vào đầu nàng dâu. Nàng dâu chỉ kêu “ Á !” một tiếng rồi ngã lăn ra chết. Bà mẹ chồng hốt hoảng, nhìn xem thì thấy chỗ vết thương tét sọ, đỉa bò ra lúc nhúc. Bà mới vỡ lẽ là nàng dâu đã bị đỉa chun lỗ tai và đỉa đã sinh sôi nẩy nở trong đầu con dâu…
Ghê quá! Biết nhóm nữ chúng tôi sợ đỉa, còn có một vài bạn“ rắn mắt ” bắt đỉa để nhát hoặc bắt đỉa “ lộn thinh ” trong cành cây nhỏ rồi vừa quăng đỉa về phía chúng tôi vừa la to “ Đỉa đó”! Để phản ứng, chúng tôi hét lên “ Oái”! Rồi xanh mặt chạy thật xa, không dám ngoái lại và để nghe phía sau lưng, một tràng cười dài tự đắc.
Như vậy đó!
Những buổi đi chơi giữa giờ buổi chiều thường nhiều màu sắc như vậy đó !
Những cuộc đi chơi rất vui, giúp chúng tôi gần gũi, thân thiết nhau. Chúng tôi không sợ trễ giờ vì có trống trường “ kêu gọi ” bằng một hồi dài và 3 tiếng báo hiệu trước chừng 5 phút. Chỉ cần chạy một mạch là về kịp lúc sắp hàng vào lớp. Thường thì chúng tôi thả lần về trước, nhưng cũng có vài lần, đang mải mê vui chơi, bỗng nghe trống điểm, phải ù té, hào hễn chạy về trường, quăng bỏ hết dọc đường những “ chiến lợi phẩm ” của mình đã làm ra hoặc kiếm được, mệt muốn đứt hơi, mà vui.
Những ngày học một buổi, nghỉ buổi chiều, chị Tám thường rủ chúng tôi đi vào nhà một số bạn bè trong xóm chơi; thường thì chúng tôi kéo về nhà chị ở xóm Gò Cao, khoảng giữa hai làng Đức Lập – Tân Phú Thượng. Chúng tôi ham vui và hiếu kỳ, nên đi ngay, sau khi xin phép gia đình. Nhóm chúng tôi; trai có, gái có, ở chợ có, ở xóm khác có; thường khoảng hơn chục bạn, cùng đi theo chị.
Có lúc đi ăn xoài chua, chấm mắm đường tán, đường tán gọt bằng một cái lưỡi hái, tham ăn xót ruột. Có lần, rủ nhau đi ăn trăm, trăm sắn hoặc trăm móc để rồi môi và lưỡi đứa nào đứa nấy đều tím đen. Có khi đi ăn điều chín, điều đỏ, điều vàng ngọt ngọt, chát chát để rồi sau đó, chị gom góp hạt điều cũ, nướng mẻ hạt điều, xịt khói cháy đen, rồi đập vỏ lấy ruột ăn, béo lạ. Có dạo cùng đi hái trái cà na, trái nù mới chua ngon, ăn với mắm ruốc, chát chát, chua chua rất ngon. Số cà na còn lại, chừng một rổ, cả nhóm ăn chán rồi, chị Tám và chúng tôi lấy dao khía dọc thân trái mấy đường, đem ngâm muối với cam thảo, khi đi học chị lại đem theo vào lớp để “ nhấm nháp ” trong giờ chơi, vui miệng. Hái cà na, vui nhất là cảnh, một bạn trai, làm người hùng, “ leo cây hái trái ”, can đảm lắm! Nhưng khi bạn leo lên cây thì cành động. Cành động thì lũ kiến vàng túa ra tấn công. Kiến vàng tấn công cắn bạn đỏ ở tay chân, ở cổ, cả mặt mũi… Lũ kiến đặt nghẹt, “mãnh tướng nan địch bầy kiến vàng”! Bạn phải lật đật tuột xuống gốc cây như bay như nhảy xuống đất, nhăn nhó để các bạn trai khác xúm nhau…phủi kiến. Và buồn cười nhất là bạn đó ba phải chân bốn cẳng chạy ra chỗ khuất, chắc là có mấy con kiến vàng cắn vào…chỗ kín!!!
Nhớ có lần , để tổ chức bữa trưa, chị Tám đảm đang, phân công người nào việc nấy rất hay.
Nhóm nam đi kiếm rau: rau muống, rau nhút, rau dừa, nhổ bông súng đỏ và bông súng chỉ, nổi dưới ao nhà; hoặc nhổ rau chốc, lá hẹ, rau bợ ngoài ruộng nước; hái rau tiêu (rau càng cua) ngoài bờ tre; kiếm rau dền cơm, dền gai, dền điều, (không hái dền voi) rau đầu rìu quanh nhà, bẻ đậu rồng, mồng tơi ngoài rào và có khi đào trùng câu cá hay câu ếch trong ao. Câu ếch thì rất dễ! Mấy bạn đi bắt một con nhái sọc ngoài ruộng, móc vào lưỡi câu trê, không quên ngắt một đoạn ngồng cỏ mần chầu làm một cọng “lông hồng”, đề lưỡi câu không dính vào bụi cỏ. Bung sợi nhợ vào lùm cỏ ở góc bờ ao, nhấp nhấp…là ếch nhảy đến ăn mồi liền. Nó rất tham ăn. Nó đã ăn mồi! Đừng vội! Chờ một tí cho nó ngậm mồi vào trong cái miệng rộng của nó xong, giật ngược hướng ngồi của nó hoặc giật bổng là không sẩy con nào cả. Có mấy bạn đi móc ếch, hoặc móc cua trong hang cua.
Vào mùa mưa, nước ngập ruộng, mới vào vụ cày lật, các bạn trai đi nhũi một lát là được một nồi kho: cá lòng tong, cá trào cửng, cá ròng ròng, cá trê con, cá chạch nhỏ, cá sặc rằn, cá sặc trắng, cá bãi trầu,nhiều nhất là cá rô binh tích hay cá rô hạt bí và cua con. Đôi lúc được rất nhiều con bù niễng, con ăn mày, con đòn gánh, con cà cuống… và cả mấy con đỉa trâu nữa!!! Bỏ rong rêu, rác rến, chỉ bắt những đối tượng ngon lành…
Nhớ có lần nghe các anh chị công cấy hò đối đáp với nhau:
-Hò ơ ớ…Thương anh em bẹt cẳng ra,
Để anh đứng giữa…đẫy mà một hơi!
-Hò ơ ớ…Sỗ sàng, bất nhã…những lời,
Trông anh thanh tú, coi trời bằng vun!
-Hò ơ ớ…Câu đố tục, đâu phải khùng,
Giảng thanh không đúng… em “tùng xẽo”[*] anh!
-Hò ơ ớ…Vậy sao, thì đáp cho nhanh,
Nếu mà lố bịch ta đành…xa nhau.
-Hò ơ ớ…Đây nè, anh giải đáp mau,
Anh đố cái nhũi…em đâu có ngờ!
Ai trong sáng, ai lờ mờ?
-Ha ha…một tràng cười vang, rộn ràng, ngặt nghẽo giữa đám công cấy…
Cái nhũi, đi nhũi cá, Google-images
(Giải câu đố tục giảng thanh về cái nhũi:
-Thương anh em bẹt cẳng ra, /là hai cái gọng nhũi.
Để anh đứng giữa…đẫy mà một hơi! / là thao tác đi nhũi cá.)
***
Ghi chú: [*] tùng xẽo là hình phạt thời Trung cổ. Tội phạm gian ác bị lột trần, cột vào một trụ đứng. Khi một tiếng trống “tùng” vang lên là bị “xẽo”một miếng thịt…cho đến chết. Hoặc nướng đỏ các loại dao, kiềm…đem áp vào tội nhân, kiểu như vậy.
***
Chị Tám và chúng tôi chắt ruột cá lớn, bỏ mai cua lớn, đánh vải cá lớn, bẻ cánh bù niễng, cà cuống và ngắt mỏ nó, làm đồ kho, ướp muối, ướp nghệ, nước mắm, nửa tán đường, bỏ hành, bỏ tiêu, một ống bột ngọt, năm bảy trái ớt Xiêm đỏ, kho quéo…thơm ngon hết ý…
Nhóm nữ chúng tôi trổ tài làm nước mắm tỏi ớt, lấy nước mắm trong một cái “tĩn”, (một loại hũ bằng sứ thô nung, hình quả bóng đá, miệng và đít tóp lại, miệng tròn, có thể đưa bàn tay vào và miệng có trám lại bằng một cái nắp vũm thường bằng sứ thô màu đỏ bằng đất nung, có dung tích chừng 5 lít), trộn đường vào một tô tương hột , thưởng thức món mắm chua cá con do nhà chị đặt thời trong mấy cây mưa to bắt được, làm sẵn và nấu canh rau với tôm khô, bột ngọt hoặc mấy con cá, mấy con ếch câu được trong ao nhà. Nhiều bữa cơm cây nhà lá vườn tại nhà bè bạn hoặc nhà chị, thường đơn sơ đạm bạc; bạn nào cũng có góp phần; sao mà ngon miệng lạ lùng.
Nhớ có dịp, chị Tám, các bạn và tôi, về quê ngoại tôi ở Lục Viên, mùa mây rắc và gùi. Trên đường đi, có biết bao tiếng chim ca lúc nhặt, lúc khoan nghe rộn ràng, thanh thản. Nhạc khúc đồng quê thân thương của những loài chim bay lượn đầy trời, khắp nơi trong các hàng cây, bụi rậm trên những nẻo đường chúng tôi đi chơi…như những âm thanh ngân nga, say đắm của một thời quá khứ thanh bình, của lịch sử xa xăm. Kìa, có con chim chiền chiện nào, cứ khoe tài ca hát. Nó bay vút lên trời thật cao rồi nghiêng cánh cho thân mình rơi xuống đất từ từ, đồng thời cất lên một đoản khúc dài trong trẻo, ríu rít, nôn nao.
Chim cưỡng
|
Phía bên hàng tre cao nhà ai, chim sáo, chim cưởng bay từng đàn, gọi nhau lảnh lót. Tôi cứ tưởng mình đang ngậm viên ngọc rắn của Công Dã Tràng. Tiếng chim hoành hoạch cất tiếng “học… học …học… nhớ nghe bạn…nhớ nghe bạn…” một hơi rất nhanh như Ông Thiện từ bi, trong khóm dây chùm bao rậm rạp, ( học mà chơi…chơi mà học! Học thời như gấm thêu hoa, Có vạn, có chất mới ra con người ). Tiếng chim cu thư thả, giục giã: “cực cứ tu…thì tu” “cực cứ tu…thì tu” hoặc “tu chửa được…tu chửa được…” như tâm trạng của ai, muốn thoát tục mà hãy còn tiếc nuối kiếp nầy. Tiếng chim tu hú phụ họa, hô hào, còn chần chờ chi nữa: “tu nhé… tu nhé…tu nhé!...” Nghe lạ tai và buồn là tiếng chim mồ côi kêu thương không ngớt như lạc đàn, như bơ vơ vang vọng, như réo gọi gia đình: “Ba…má…anh…đâu…mất tiêu rồi….Ba…má…anh…đâu… mất tiêu rồi…
Chim Tu hú
|
Chim cu cườm(cu đất)
|
Đàn cò trắng bay
|
Xa xa, đàn cò trắng nào đậu rải rác trên những đám ruộng hay đứng trên lưng trâu rình mồi. Cò ma vàng sậm thường kiếm ăn chung với cò trắng
hoặc gật gù trên những cành mềm trên bờ ao. Khi giật mình bay bổng, luôn luôn xưng danh nó ra, (mầy tưởng không ai biết tên “cò” chắc ?!): “cò..à…cò à…cò à…”. Mấy chú chim chài chài mỏ nhọn dài, lông cánh màu xanh biếc-ức vàng sậm, canh mồi chăm chỉ trên các cành cây lộ thiên, cứ chú mục vào mặt nước ao. Kìa! Nó lao xuống nước như chớp rồi bay lên chỗ cũ. (A! nó bắt được một con mồi tươi rói, một con cá lòng tong ngon lành).
chim mồ côi
|
Chim bói cá (chài chài)
|
Chim đa đa hót:
“Coi chừng giặc…xa xa…”
Lũ quạ thì khác, lúc nào cũng la hét, than thân: “họa…hoạ mà…”, “họa…hoạ mà…”, như than khóc cho nỗi nhục nhã đau thương của đất nước trong dĩ vãng 1000 năm đô hộ. Có tiếng chim quốc kêu: “quốc…quốc…quốc…”, khắc khoải, đau lòng. Tiếng chim đa đa nghe như tiếng Hồn Quê luôn cảnh giác, nhắc nhở:“Coi chừng giặc…xa xa…”,“Coi chừng giặc…xa xa…” lưu ý tham vọng thôn tính láng giềng truyền kiếp của giặc phương Bắc. Tiếng chim bìm bịp như bổ sung cho những câu nói liên tưởng, cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi, như phỉ báng lũ tàu khựa tham tàn. Bọn cầm quyền mập ú, núc ních đó, dẫu bề ngoài thơn thớt nói cười nhưng trong huyết quản của chúng, cho đến lìa trẩn, lúc nảo,, bọn chúng cũng chỉ là một lũ gian trá, miên viễn, thâm độc. Phải chăng con chim bìm bịp nôn nao giục giã kêu lên, như một hồi trống trận dài… cho con Nước, lúc “con Nước” Sông Vàm Cỏ Đông chuyển dòng từ “Nước ròng” sang “Nước lớn” ?!:“bịp…bịp…bịp…bịp…bịp…bịp…bịp…”
“Bìm bịp kêu Nước lớn Anh ơi!
Chim chích chòe
|
Tiếng chim chích chòe cất cao lời phê phán bằng một tràng dài huyên thuyên lảnh lót như “trăm tiếng Tây”. Con chim chích nhỏ xíu, bay bay chớp chớp lên cao như “nhảy cừu”, cũng hô hào :“ghét…ghét…ghét…”. Bầy chim se sẻ trên những đọt cây cau cứ rộn ràng đấu khẩu với nhau: “nè…nè…nè…”. Thỉnh thoàng, khi đi ngang mấy bụi rậm, vài con chim mỏ nhác, hay con chim cút nào thấy người sợ hãi, bay vù. Chúng tôi giật mình, đánh thót , phì cười…
(Tôi cứ ngỏn ngoẻn cười thầm một mình , như thả hồn theo những trang sử cảnh giác, quật khởi của bản lĩnh Việt tộc, qua tiếng chim có ý nghĩa thú vị, bên tai tôi).
…..
Khi lúa phất cờ, trổ đều trên tấm thảm lúa mênh mông khắp đồng, những bông lúa cong trái me, nhấp nhô theo từng cơn gió thoảng, trông thật đẹp mắt. Những bông lúa chín vàng như tơ ươm! Hương đồng ngào ngạt mùi lúa chín. Sắp đến mùa thu hoạch của nhà nông! Khi ấy, không biết từ đâu bay vể, từng đàn chim lá rụng, chim sắc, chim áo già, chim giòng giọc, chim manh manh…không biết từ đâu bay về, khắp những cánh đồng… rậm rật ăn lúa. Mỗi khi có tiếng ai đó “hù…hù…” một hơi là bầy chim bay lên rần rần…một đàn có thể khoảng vài trăm con…(Thế là có nhừng ông bù nhìn được đem ra trấn giữ khắp nơi trên những cánh đồng.Thường thì Ông mặc môt chiếc áo đen rách, áo tơi, nón lá. Tay cầm một cái dây trúc dài… nhưng những bầy chim tinh khôn, mới đầu còn e ngại…Sau đó, chúng nó phớt lờ, chúng nó vẫn sà xuống, xông vào điểm Ông canh gác…ăn lúa như đi ăn đám giỗ!)
Chim& tổ giòng giọc
|
Chim giòng giọc luôn ồn ào giành nhau những vị trí tốt trên các cành cây xoài cao, những đọt tre ngất nghểu. Chúng đan những tổ chim khéo léo và rất xinh đẹp bằng những sợi cỏ khô mềm, lủng lẳng, đong đưa theo gió nhẹ. Chim mái làm tổ có vòi dài rất ngoạn mục. Chim trống cũng tự đan một tổ nhỏ đơn sơ để canh gác . Tổ nó hình tròn, lớn hơn nắm tay người lớn, có dây ngang làm chỗ đứng tránh nắng, tránh mưa. Đây là mùa sinh sản, duy trì nòi giống của loài chim giòng giọc.
Nhớ có bận, các bạn và tôi đi vào trong rừng Miểu Lục Viên, gấn nhà Ngoại tôi để hái gùi. Cái miểu chỉ là một cái chòi tranh nhỏ, vách bằng phên tre, tiền diện để trống. Trên một cái bàn gỗ cũ đơn sơ có một tấm bài vị với mấy chữ Nho sơn son thiếp vàng đã phai màu, một lư hương ở giữa, hai bên bài vị đặt một cái chò trái cây và một bình hoa bằng sành. Miểu Lục Viên là nơi thờ phượng người có công đức với làng xóm, quê hương.
Dây gùi là vầy sao?! Một bạn nào chợt cất tiếng. Dây nó to bằng bắp chuối, sần sùi, cong queo. Nó bám vào một cây gì to cao, nhìn lên trật ót. Chúng tôi ngồi lên những dây gùi nằm sõng soài dưới gốc cây nghỉ chân, như cưỡi ngựa, như đánh đu, đong đưa như ngồi trên võng. Có một bạn nào dạn dĩ ôm bám dây gùi leo lên rất cao để hái mấy trái gùi chín vàng trên đọt cây. Dây gùi cứ lắt lẻo…Trái gùi còn xa lắc tầm tay. Những trái gùi dễ hái, người ta đã hái hết, chỉ còn sót lại mấy trái thách thức trên cao. Sợ rủi ro, Chị Tám ra lệnh:
-“Xuống đi, Tarzan ơi! “Ne pas pouvoir” rồi! Xuống đi, đi hái mây!”. (Hồi đó, ở lớp nhì và lớp nhất chúng tôi được học Tiếng Pháp, ne pas pouvoir, có nghĩa là không được, không thể)
Thế là không có một trái gùi nào cả, loại trái cây rừng mà chúng tôi háo hức muốn ăn cho biết vị. Vòng vo, lùng sục một lúc quanh mấy bụi mây rừng tua tủa gai, chúng tôi chỉ còn hái được hai quài mây rắc chín và một rổ quài mây rắc còn xanh.
Theo hướng nhà ngoại tôi gần đó, chúng tôi rảo bước đi, một hơi là đến. Gặp Ngoại, các bạn lễ phép, khoanh tay, cúi đầu: “Thưa Bà Ngoại”. Riêng tôi đứng ra giới thiệu bạn bè với Bà. Ngoại tôi mặc một chiếc áo túi trắng, tóc bạc phơ, mắt đã lòa, tai còn tỏ, nhưng hãy còn sỏi lắm. Bà vỗ nhẹ lên đầu các bạn, cười hiền lành và giục tôi bắt gà làm cơm, nhưng cả bọn thưa rằng đã ăn trưa rồi, chỉ muốn ăn mây cho vui thôi.
Nhanh như tép nhảy, Chị Tám lẹ làng suốt những trái mây ra tô, đâm giập “mây xanh”, để nguyên vỏ, trộn nước mắm, một ít đường, một ống bột ngọt, một ít tiêu và ớt bột cay cay…Trộn đều, thế là xong! Chị và mấy đứa con gái chúng tôi trịnh trọng đặt giữa bàn tròn một thau tráng men đầy trái mây xanh đã chế biến và một chồng chén dĩa, muỗng, đũa.
-Mại vô! Mại vô! Các bạn ơi! Ngon lắm!
-Mây xanh nóng hỗi, vừa thổi vừa ăn nghen!
-Ăn mây…là ngậm, là nuốt mây, cưỡi mây như Tôn Tẫn, Bàng Quyên…
-Như đằng vân, đứng trên đám mây, mây bay vùn vụt hén!
-Xí! Làm sao bay được…Dụ con nít , xưa rồi!
-Ha…ha…
-Mây nào cũng mây mà!
-Khác nhau là cái chắc. Mây trời có hái, có ăn được đâu!...
-Đố các bạn, vật gì mà “chặt không đứt, bứt không rời, phơi không khô, chụm không cháy?”
-Khó à nghen!
-Là tên bạn Thu Thủy, là nước đúng không?
-Chắc là tên của bạn Triều, nước thủy triều đó!
-Hay là tên của 2 bạn Vân, Vân Đặng, Vân Trương, vân là mây, mà mây cũng như nước thôi…
-Phải tên bạn Ngọc, bạn Thoa (Khanh)…đâu ai dám đem đồ trang sức quí giá của mình mà chặt, mà phơi…
-Có lẽ là tên của bạn Thu Hương, Xuân Lan…Hương không nắm được, Lan đâu dám mạnh tay…
-Vậy là tên các bạn Xuân, Sĩ, Sửu, Hầu, Lợi, Nhơn, Đức, Nhuần (Văn), Minh Tân, Nhính, Lý (Ba), Chạng, Cuống, Thu (Yếu) Chị Tám và Ngọc Chân, em út của Kim Ngân… tên có nghĩa riêng, bứt chữ rời ra thì không thể được…
-Vậy, cũng như tên Lê Kim Quynh, Nguyễn Thị Nhiên, tên hai lớp trưởng, của tụi mình, chắc là phải gắn ví nhau suốt đời, làm sao bứt rời ra được…
-Ờ hén! Cũng như tên của 2 bạn Ngân nè, Ngân Võ và Ngân Nguyễn, âm thanh làm sao lấy được mà phơi…
- Ờ! Hay quá! Hay quá! Đủ một số tên các bạn hay chơi chung với nhóm bọn mình …Tên một số các bạn ở hai lớp nhứt A,B…Câu đố nầy rất có ý nghĩa…
-Vậy là nhóm mình có nghĩa “Chặt không đứt, bứt không rời, phơi không khô, chụm không cháy” nhen!
-Ha…ha…
…..
-Còn tui đố các bạn nhen. “Cha tôi đi giết người. Mẹ tôi đi cứu người”, là nghĩa là gì nè![*]
-Cứu người thì có, chứ giết người…ghê quá …Ai mà dám làm chuyện ác?
-Giết người là hung tàn, “hại nhân, nhân hại”, sẽ bị ở tù, xử tử.
-Không phải vậy đâu! Hiểu theo nghĩa hàm ẩn, chứ đâu phải nghĩa tường minh .
-Để coi… Giết người là làm cho chết. Cứu người là ngược lại…
- “Xuất gì” đi chớ!
-Xuất công việc nhà nông.
…
-À! Có phải làm đất, trồng trọt không?
-Ráng suy nghĩ thêm đi. Gần đến mục tiêu rồi.
-Vậy là, đi cày và đi cấy.
-Chính xác!
-Cha tôi đi giết người là đi làm đất, giết cỏ: đi cày. Mẹ tôi đi cứu người, là tạo nguồn lương thực cho người. Có lương thực, ăn mới sống: đi cấy.
-Très bien! Très bien! (Giỏi lắm!)
-Ha ha…
***
Ghi chú:
[*]TheoTruyện Vũ Công Duệ, Nam Hải Dị Nhân, Phan Kế Bính:
Vũ Công Duệ
Công Duệ người làng Trình Xá, huyện Sơn Vi, tỉnh Sơn Tây. Khi còn nhỏ, cha mẹ đi làm ruộng vắng nhà, Công Duệ chơi với một bọn trẻ con, nặn đất làm con voi, bắt hai con bươm bướm làm hai tai, cắm con đĩa làm vòi, lấy bốn con cua làm chân. Thành ra con voi đất mà vẫy được tai, vòi co lên quắp xuống và chân đi được, ai trông thấy cũng cho là tinh quái.
Một khi, có người đến đòi nợ, hỏi rằng:
- Bố mày đâu?
Đáp lại:
- Bố tôi đi giết người.
- Mẹ mày đâu?
- Mẹ tôi đi cứu người.
Người đòi nợ lấy làm lạ, không biết nói thế là ý tứ ra làm sao, hỏi căn vặn mãi thì nói rằng:
- Hễ có tiền thưởng thì tôi sẽ nói rõ cho mà biết.
Người kia mới dỗ bảo rằng:
- Mày cứ nói cho thật đi, tao sẽ tha nợ cho nhà mày không đòi nữa.
Công Duệ sẵn cầm một cục đất dẽo, bảo người kia in tay vào đấy để làm tin.
Người kia cũng thử in tay vào xem nói ra làm sao. Công Duệ mới nói rằng:
- Cha tôi đi nhổ mạ mà mẹ tôi thì đi cấy.
[Nhổ mạ thì phải nhổ đôi ba ngày trước khi cấy, công cấy thì phải nhổ mạ, một buổi mạ là (300-400 bó mạ, tùy theo hương ước địa phương). Thiết tưởng đi cày và đi cấy sẽ hợp lý hơn: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” Chú giải NT].
Người kia lấy làm kì dị. Hôm khác lại đến đòi nợ. Công Duệ đưa ngay hòn đất hôm trước ra, và nói rằng:
- Tay ông ký vào đây, còn đòi gì nữa?
Người kia đứng ngẩn mặt ra, không biết nói lại ra làm sao, nhân khuyên cha mẹ Công Duệ cho đi học, và giúp món nợ ấy để lấy tiền mua sách.
Công Duệ học thông minh lắm, nội các sách vở, chỉ học qua một lượt là thuộc. Đến năm Hồng Đức thứ 23 đời vua Thánh Tôn nhà Lê, Công Duệ đã ngoài 20 tuổi, thi đỗ Trạng nguyên khoa ấy.
Lúc làm quan, tính khí cương trực, vua cất lên làm Đô ngự sử , các quan ai cũng kính sợ.
Đến khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, đình thần nhiều người a dua về Mạc Đăng Dung, ai không nghe phải giết. Đăng Dung sai người dụ Công Duệ theo về làm quan với mình, Công Duệ chửi mắng rầm rã, nhất định không thèm theo kẻ nghịch thần; nhưng liệu mình cũng không thoát được tay nó, mới đeo cả quả ấn Ngự sử đâm đầu xuống cửa bể Thần Phù mà chết.
Cách 60 năm nữa, nhà Lê trung hưng, khôi phục được kinh thành Thăng Long, sai đúc ấn Ngự sử, thì đúc mãi không thành được quả ấn, mới sai người lặn xuống cửa bể Thần Phù tìm quả ấn trước. Người lặn xuống đến nơi thì thấy Công Duệ vẫn mặc áo đội mũ chỉnh tề, cổ đeo túi ấn, ngồi xếp bằng tròn ở dưới đáy bể như thuở sinh thời.
Người ấy sợ hãi, lên tâu chuyện với vua Trang Tôn. Vua lấy làm lạ, chắc là bụng tinh thành của Công Duệ kết lại, mới sai quan làm lễ khấn bái, rồi sai người đem xác Công Duệ lên, dùng lễ khâm liệm, bỏ vào áo quan, làm ma đưa về đến làng Trình Xá an táng, truy phong làm Thượng đẳng phúc thần.
Theo Vikipedia
***
-Đố bạn nào giải được:
“Trứng rồng lại nở ra rồng,
Liu điu lại nở ra giòng liu điu”.
-Là ai tài giỏi thì con cháu tài giỏi. Ai hèn hạ thì con cháu hèn hạ…
-Rồng giúp người làm mưa là dân tộc mình. Mình là con rồng cháu tiên, khí phách anh hùng.
Rắn liu điu có nọc độc, có đuôi thật dài, ám chỉ sự thâm độc và cái đuôi chệt của “ba tàu” .
-Dân mình thì có lòng trắc ẩn, còn bọn cầm quyền “ba tàu”rất hung tàn.
-À! Cô mình nói Ba Tàu rất là ác độc, bẩn thỉu…, Bài Bình Ngô Đại Cáo còn ghi:
“Độc ác thay! Trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay! Nước Đông Hải khôn rửa sạch mùi”.
-Cho nên kêu nó là “Tàu khựa” hay “Chệt khựa”, chính là miệt thị nó! “Đồ dơ dáy, hôi tanh, tỡm lợm!”
-Tâm địa nó muốn chiếm Nước mình, nhưng dân Việt mình rất bản lĩnh, rất phi thường…nên mới còn Tổ quốc Việt ngày nay…
-Tổ tiên mình…muôn năm!
-Ha ha…
Vừa ăn vừa tán gẫu. Bầu không khí tở mở, đầy tiếng nói cười rôm rã, quên luôn lời khen lịch sự cho món “mây xanh”. Song, tôi không thể nào quên cái hương vị đậm đà của nó hơi chát chát, ngọt ngọt, mặn mặn, ăn trệu trạo, nhai nhai luôn cả hột, khi nuốt vào, cảm nhận cái dư vị ngọt ngọt của nó, đọng lại nơi miệng ngon ơi là ngon. Tuổi mới lớn, ăn gì cũng ngon…Nhất là bữa ăn đơn sơ lồng trong một bầu không khí vui tươi, đầy tiếng cười không dứt…
Nhớ có lần, chúng tôi rủ nhau đi nhổ nấm tràm ở vạt tràm cháy của Nội tôi tận Đức Ngãi (Làng Đức Lập). Rất hên! Chúng tôi đi hái nấm đúng mùa.(Tức là vào thời điểm sau những cơn mưa chập chũm của tháng ba âm lich, nắng nóng có sao, đồng ruộng khô cằn, trên những đám ruộng, chỉ còn trơ gốc rạ ngả nghiêng, trên những bước đi, gió cũng làm tung bụi). Gió chướng buổi chiều xa đưa, tung những vầng bụi cát trắng, bay thấp thoáng qua những dãy ruộng và tan biến sau lũy tre xanh. Khi đến nơi đã định, chúng tôi tỏa ra, lùng sục nấm tràm với nhãn quang của Tề Thiên Đại Thánh(!) , đôi mắt sáng cứ chăm chăm chú mục vào những gốc tràm. Cuối cùng, chúng tôi thu hoạch được rất nhiều nấm tràm, đựng trong những chiếc nón lá và các nón bàng con trai. Mỗi lần gặp một ổ nấm tràm, tiếng reo mừng tở mở, vang rân…
Đến nhà, dồn đi dồn lại, nấm tràm rất nhiều, đầy 5 chiếc nón lá và một số nón bàng. Trừ một số làm quà đem về gia đình, còn lại, lặt gốc, bỏ đất dơ, ngâm rửa với nước muối… Rồi chúng tôi lấy cái nồi to nhất của Nội, thường dùng nấu cơm cho công cấy ăn, hoặc sử dụng riêng cho ngày giỗ, nấu được được một nồi cháo nấm tràm ngon lành hết ý để khao quân. Nấm đen đen, trắng trắng, búp búp; có gạo rang thơm; có đậu xanh hòa quyện; có mấy con cá lóc cựu còn lại trong ao nhà rất sâu mà mấy bạn nam quậy nước đùng đùng rồi thò hang bắt; được ba con ếch bự nằm “mà” dưới đống “rơm nhao” trên bờ ao; có “bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”; có đường, có bột ngọt, có muối, có gừng…
(Việc nữ công gia chánh của Chị Tám là bậc thầy. Chắc là chị thường đi phụ đám tiệc nên mới có những chiêu tuyệt vời như thế. Sau nầy có gia đình riêng, chắc là thế nào chị cũng một cây nữ công gia chánh, gia đình hạnh phúc, ấm êm. Mà thật vậy, tôi thấy ở chị có những phẩm hạnh tốt của người phụ nữ nông thôn như: xinh đẹp, vui vẻ, mến khách, chu đáo, ngăn nắp, quán xuyến, tháo vát, tài ba…)
Chẳng mấy chốc, mùi cháo thơm ngon gây cồn cào trong bụng. Sau khi múc ra để dành phần cho Nội, Chị Tám với khuôn mặt ửng hồng, khả ái do đứng bên bếp lửa, tươi cười, đon đả:
-Ăn đi các bạn, cháo nhiều lắm, nấm tràm mát lắm, học bài mau thuộc !
Thế là một nồi cháo to, một thoáng hết sạch. Bữa ăn còn gắn với những chuyện vu vơ, trêu ghẹo lẫn nhau, những câu chuyện têu tếu , vô thưởng vô phạt…và những tiếng cười giòn tan.
Chị Tám rất dễ thương qua nụ cười và giọng nói hiền lành. Chị quả là một “ đầu đàn ” hay “ đầu đảng ” của bọn tôi thuở ấy .
Nhà tôi ở , ngay ngã tư Đức Lập, còn gọi là Ngã Tư Mây Tàu, thuộc ấp Mây Tàu, giáp ranh với Rẫy Ông Ầm.[*]
[*] Rẫy có nhiều cọp ngày xưa. Ngã tư đó là đường qua Rừng Truông, xuống Láng Cẩm, Giồng Sến, Mỹ Hạnh, băng bưng đến Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, 18 thôn vườn trầu Bà Điểm và về Sài Gòn Chợ Lớn. Tỉnh lộ 8 lúc đó mới tới Lục Viên. Muốn đi Củ Chi phải đi đò].
Mỗi ngày tôi thường đi bộ theo đường tắt để đến trường. Bộ ba “ tam sênh ” của chúng tôi gồm chị Tám , Thoa và tôi . Có bạn hỏi chúng tôi đi học bằng phương tiện gì, tôi cười đáp vui là đi bằng xe “ lô ca chưn ”(Mặc dù bấy giờ còn có xe thổ mộ, lộ trình Đức Lập- Bào Trai).
Lộ trình của Khanh và tôi đi từ Đức Lập đến nhà chị Tám ( Gò Cao) đường đá lỡm chỡm , hơn 1km.
Rồi ba đứa chúng tôi tiếp tục đi khoảng 1km đường đá đó ( TL 8 ) mới đến đường tắt, khoảng 1 km.
Men theo đường tắt, dọc bờ suối Bào Trai, cập theo vuông rào lớn của ông Bộ Tao, đi qua một vạt đất trồng đậu phộng, băng qua một mương nước cập lộ, qua cống suối Bào Trai là đến trường, độ chừng 1,5km.
Đi bộ tổng cộng 3,5km .
Có lần tôi thử tính đường đi học của mình:
-Đường đi học và về mỗi ngày 2 lượt: 3,5km x 2 =7km .
-Đường đi học và về trong 1 tuần ,6 buổi là :7km x 6 = 42km .
Đường đi học và về trong 1 năm , 32 tuần là : 42km x 32= 1.344km .
*Đáp số : Trong một năm học, một nữ sinh tên Võ Kim Ngân đi được 1.344km.
Thật là một thành tích khá lớn! Đường đi học trong một năm của tôi dài xấp xỉ bằng đường dài từ Sài Gòn đến Hà Nội, mặc dù, bấy giờ tôi chỉ biết Sài Gòn, Hà Nội, và cả cố đô Huế, qua quyển sách Địa dư. Tôi đi bộ như vậy chẳng nhằm nhò gì, khi so với phần lớn các bạn ở vùng trên: Tân Mỹ, Gò Sao, Rừng Muỗi, La Cua … Đường xa gấp đôi, gấp ba lần hơn tôi, mà vẫn… lon ton… cuốc bộ.
Thật là một thành tích khá lớn! Đường đi học trong một năm của tôi dài xấp xỉ bằng đường dài từ Sài Gòn đến Hà Nội, mặc dù, bấy giờ tôi chỉ biết Sài Gòn, Hà Nội, và cả cố đô Huế, qua quyển sách Địa dư. Tôi đi bộ như vậy chẳng nhằm nhò gì, khi so với phần lớn các bạn ở vùng trên: Tân Mỹ, Gò Sao, Rừng Muỗi, La Cua … Đường xa gấp đôi, gấp ba lần hơn tôi, mà vẫn… lon ton… cuốc bộ.
Đường xa thì mặc đường xa… chúng tôi cũng có những trò vui nhỏ trên đường đi học về. Thú vị nhất là ngắm và bắt những côn trùng bay quanh bờ suối. Dễ phát hiện nhất là mấy chú ong bầu. Lưng nó màu vàng nghệ, bụng màu đen (hoặc đen tuyền toàn bộ). Khi bay, nó kêu o… o…rầm rì.
-Kìa! Nó đang chui vào hoa cắt lồi hút mật! Bắt đi! Đem về cho nó hát bội nghe chơi!
-Làm sao? Nó đốt đau lắm!
-Để tui bắt cho coi! Nè! Biết cách bắt thì dễ ợt hè!
Chị Tám chuẩn bị cái khăn mouchoir, khi ong bầu chui vào đài hoa ngang hút mật, chị lấy khăn túm lại như làm một cái túi tròn, đặt sẵn ở bên ngoài. Khi hút mật xong, ong chui nhanh ra là nó rơi vào chỗ đã định. Chị liền túm khăn lại. Thế là được một chú ong bầu trong chiếc khăn tay.
(Ngày nay trẻ em thường dùng túi nilon đề bắt ong bầu).
Rồi hai chú, ba chú…Chỉ cần một con cũng đủ. Nhiều ong hơn thì hát bội vui hơn, con nầy hát mệt thì con khác thay...Có khi hai ba con cùng hát một lúc, trẻ em rất ưa thích…
-Nhưng làm sao cho nó hát bội hả chị?
-Đem về đựng mỗi con trong một cái ve chai nhỏ, hay chai nước ngọt rỗng, nhớ làm lỗ thở cho nó. Muốn cho nó hát thì lấy cọng bàng làm que chọc vào nó là nó khắc hát. Nhưng âm thanh đơn điệu, lâu dần sẽ nhàm chán và gây buồn ngủ.
-Vậy à! Cũng hay! Thôi thả nó ra đi chị! Tội nghiệp quá! Mất nó, gia đình nó chắc là buồn lắm! Nó có cha mẹ, anh em, chắc là nó cũng giống như con người!
-Tui biểu diễn bắt ong bầu chơi thôi, chớ ở nhà, tìm một cái ve chai không, đâu phải là chuyện dễ. Cho em bé chơi thôi…chớ mình mà chơi gì nữa! Tui bắt chuồn chuồn cho tụi nó hoài…
Thi hành nghị quyết, chị liền mở khăn ra, tức thì mấy con ong bầu tung cánh. Chúng tôi cứ nhìn theo vòng bay của chúng nó. Tự do! Chúng nó vui thích, bay vút một mạch, lượn tít lên cao, rồi khuất dạng trong khóm cây um tùm.
-Ha ha…Mình vừa thể hiện một niềm vui cho gia đình con ong bầu. Chắc là gia đình nó làm tổ ở hướng đó. Mà bắt chuồn chuồn chắc là khó lắm?
-Dễ ợt thôi! Nhưng về nhà đã. Là vầy: Giống như bắt ve sầu hay hay bẫy chim sắc. Lấy nhựa cây sung hay cây mít, đem nhựa bôi lên đầu cây trúc cao chừng “một với” [*]…rồi đem cắm ở chỗ có chuồn chuồn bay…Chuồn chuồn thích đậu trên cao để nhìn tám hướng…Đậu vào…đầu trúc…là dính bẫy. Hạ cây trúc xuống là bắt…Biết cho con nít chơi sao không? Lấy sợi chỉ buộc vào chân chuồn chuồn. Lúc nắm sợi chỉ, chuồn chuồn bay vòng tròn rất vui. Tụi nhóc thích thú như chơi bong bóng bay. Nhưng bắt kiểu nầy , chân chuồn chuồn dính nhựa, sau dính thêm đất nên chơi không được lâu. Không bằng thò tay bắt nó.
[*] “Một với” là số đo khoảng cách chiều cao của một người và một cánh tay giơ lên; biến thể từ một vói tay.
-Nghe nói mình cho chuồn chuồn cắn rún, khắc mình biết bơi... biết có đúng không?
-Làm sao tin được! Trò dụ con nít xưa rồi! Đâu phải là phép mầu của chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa! Có tập bơi, khắc biết bơi, có học võ nghệ, khắc biết nghề. Có nghề, hễ ai ỷ mạnh, ăn hiếp, đánh mình…thì mình dư sức dùng “miếng trả miếng với nó”. Bộ không nhớ Cô đã giảng cho mình ở bài Đức Dục, Tự lực tự cường sao?
-Ờ hén! Coi chừng Giặc Phương Bắc, lăm le xâm chiếm nước mình. Gian ác, hung tàn, điêu trá là bản chất trong dòng máu của chúng.Ông cha ta từng răn bảo con cháu. [*]
[*] Chú giải:
a/-Thời Đinh Tiên Hoàng (968 -980), có câu:
“Bắc môn tỏa thược”
北 門 鎖 鑰
(Cửa Bắc đóng chặt), hiện nay còn ghi ở cổng đền thờ của Vua Đinh Tiên Hoàng. Ý nói nước ta phải luôn cảnh giác với cái họa mất nước về bọn Tàu chệt, đề phòng nghiêm ngặt với chúng).
b/-Di chúc của Vua Trần Nhân Tông (1279 – 1293). Lập ra hơn 700 năm trước, đã từng cảnh giác cho muôn đời sau:
“Nếu chúng (Giặc Tàu) không thôn tính được ta thì gậm nhấm ta. Họ (Tàu khựa) gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.
Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:
“Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. (NT chú giải, bổ sung)
-Bạn thuộc bài và tiếp thu lời giảng của cô mình y boong! Cô còn liên giảng gì nữa, nhớ không?
-Đó là hai câu ca dao răn đời: Hãy xem cái hèn mạt, phản quốc: “ nước loạn, không cứu; theo giặc, cầu vinh” như Trần Ích Tắc.
“Cỏng rắn về cắn gà nhà”, như Vua Lê Chiêu Thống, chết lưu vong nhục nhã ở tuổi 28. Đời cha ông anh hùng mà con cháu chẳng ra gì…Ô nhục muôn đời:
“Trăm năm bia đá thì mòn,
Nghìn năm bia miệng hãy còn …trơ trơ”.
-Tui “ ghét cay, ghét đắng…ghét vào tận tâm”…những bè lũ “theo giặc, bán nước”.
…..
Buồn cười, có lần, Cô Thu dạy thêu “ mũi xương cá ” trong giờ nữ công. Thoa và tôi, vừa may xong áo bà ba trắng mới, chúng tôi liền thực hành, tự thêu vào bâu áo, trang trí vạt áo của mình bằng những xương cá màu đỏ, rất dễ thương. Có một bạn nam lớp A nào, để ý, gọi hai chúng tôi là “ hai nàng tiên cá ”. Một cái tên rất ngộ nghĩnh, hay hay. Cũng như có một số bạn nam lớp A gọi bộ ba chúng tôi ( Thoa, Tám và tôi ) là “ Ba người đẹp Mây Tàu” , (Đức Lập). Phương danh đó rất đúng với hai bạn kia, nhưng với tôi thì chưa đúng lắm. Tôi được Thầy và các bạn nói là dễ thương và các bạn đã từng trêu tôi là Ngân Tóc Hoe.
Hồi đó, thú vị nhất là những ngày được nghỉ học để tùy tiện đi chơi… Nhưng vui nhất là nghỉ lễ Tết Âm Lịch khoảng hai tuần, thường có đoàn hát bộ đến hát. Chúng tôi có dịp đi xem những trò vui dân gian chốn quê trong những ngày Tết.
Sáng mùng một, sau khi mừng tuổi Ba Mẹ, tôi dạo quanh chợ Đức Lập để thấy chợ vắng hoe, người ta nghỉ bán để ăn Tết. Bên hông đình làng, rất đông người, những sòng đỏ-đen, bà con thử thời vận may mắn đầu xuân. Nào là hai ba sòng “ bầu cua cá cọp ”, sòng đánh bong vụ, sòng đánh bài cào, bài cách tê, xì phé hoặc bài tam cúc. Sôi nổi nhứt là “ trường đá gà nòi ”cá độ.
Có lần, Triều, chị Tám, Ngân, Ngọc và tôi cùng đi xem “ hát bộ ”, rất đông người xem, Rạp trét vách đất sơ sài rất nóng nực mà cũng đông khán giả. Chúng tôi chưa hiểu nhiều về sự tích tuồng hát và nghệ thuật của “ hát bộ ” nhưng xem hát rất vui. Khi vãng hát, chúng tôi dạo quanh những hàng quán lèo tèo trước rạp hát. Đó là những lều che tạm bằng cột tre, kèo tre, mái lều là những tấm liếp xắt thuốc lá. Nào là gian hàng dưa hấu, với một đống dưa cao, từ Tây Ninh chở về; quầy hàng nước mía, chủ quán ép mía với hai trục lăn nhôm; quầy nước giải khát là bán nhân sâm ,“ sưng sáo ”, đười ươi, hột é , đá đậu , bánh lọt. Hàng nước giải khát đóng chai thì có xá xị con nai , Limonade, nước bạc hà, bia con cọp Larue. Hàng ăn thì có cháo lòng heo, bì bún-chả giò, hột vịt lộn, hủ tiếu mì, bánh canh và có quán nhậu đặc sản bán rượu “Đà quốc tửu” ký hiệu NN (*), có rất nhiều bác nông dân đến uống. Cuối cùng, chúng tôi nhấm nháp mấy gói đậu phộng rang , mỗi đứa một ly nước mía, ngắm nhìn thiên hạ và chia tay ra về.
Hãy quay lại với con đường đi học của tôi. Cây cỏ may thường mọc trên gò , trên lề đường đá, trên bờ ruộng, nơi nghĩa địa và bạt ngàn trên các lối mòn dọc theo con đường tôi đi học. Cây cỏ may có sức sống mãnh liệt cũng như các loại cỏ khác nhưng khác nhất là mỗi bụi có một cọng cỏ ngồng cao, ngồng cỏ thân tròn, cao khoảng 1,5 đến 2 gang tay. Trên đọt ngồng cỏ đó, có đính một chùm bông cỏ may, khi còn non màu tím, khi trưởng thành đổi màu trắng. Mỗi bông đều có một cái mũi dài khoảng 2 – 3mm rất dẽo dính vào chùm bông. Khi ấy, nó sẵn sàng “ may ” một cách nhiệt tình vào những ống quần dài nào lướt ngang qua nó. Nếu bông cỏ may “ may ” vào quần dài chừng 5-10 bông thì không sao. Nhiều hơn, dày đặc hơn là vô cùng khó chịu vì những cái mũi của nó “ may ” tiếp vào ống chân, rất ngứa và xót chân. Cho nên, tôi rất ghét bông cỏ may và luôn luôn đi né tránh những bụi cỏ may trên đường đi học. Vậy mà ngày nào cũng như ngày nấy, tôi thường bị những bông cỏ may “ quá giang ” trên ống quần tôi, trên mỗi lượt đi về. Có lúc, không còn đủ thì giờ nhổ bỏ từng bông, tôi phải dùng bề sống của con dao mỏng cào nhẹ trên vải quần để loại trừ nó cho nhanh…Tuy vậy, việc gì không tốt gắn với ta lâu dần, nó cũng trở thành thân quen. Tôi xem những bông cỏ may như những người bạn đồng hành bé xíu, duyên dáng, dễ thương, của một thời tiểu học nhiều kỷ niệm trong sáng, vô tư.
Bông cỏ may, bông cỏ may ơi!
Duyên đâu mà dệt bước chân tôi?
Mỗi bông kết một niềm vui nhỏ ?
Hay nỗi sầu, vương vấn, cuộc đời ?
Nỗi Niềm Xa Xứ
Nỗi Niềm Xa Xứ
Vào một buổi sáng , mùaTrung Thu năm 1980 , vợ chồng tôi bồng bế hai đứa con nhỏ dại, rời bỏ tổ ấm thân yêu, một căn nhà trong chung cư Phú Lâm ở Saigon. Lòng lặng buồn. Lúc nào, nước mắt cũng cứ chực rơi. Dạt dào với bao nỗi buồn tê tái, miên man, tôi phải đành lòng bỏ lại một gánh càn khôn của quê mẹ sau lưng, dấn thân vào một chuyến viễn du vô định, đầy chông gai và nhiều nguy hiểm, có thể là, một đi không bao giờ trở lại.
Sau 7 ngày đêm vật vờ trên biển, chiếc ghe nhỏ xíu, bềnh bồng, lắc lư, nhấp nhô trên mặt biển sóng gào, khác nào như lao vào vực thẳm. Chưa bao giờ đi biển, chúng tôi bị nôn mữa, kiệm ăn, kiệm uống, chen chúc, bơ phờ trong nắng nóng, đờ đẫn…và cái chết đã đến cận kề trong đường tơ kẽ tóc. Tôi có chết thì cũng cam lòng. Trẻ thơ có tội tình gì mà phải…(Quả là tôi rất hãi hùng, không dám nghĩ đến những điều bất hạnh…). Tài công cứ nhắm thẳng hướng nam mà đi. Đến lúc kiệt sức, thắt tha thắt thẻo trong nỗi chết dần… thì may mắn thay, chúng tôi gặp được mấy người đánh cá Indonesia tốt bụng cứu giúp. Rồi họ đưa chúng tôi vào một hòn đảo nhỏ tên là KuKu để chăm sóc. Ba tuần sau, chúng tôi được đưa đến đảo Galang. Sau 4 tháng, Cao ủy LHQ đưa chúng tôi đến Singapore trong 2 tuần và cuối cùng được chuyển đến Úc.
Trong thời gian đầu ở đảo, trên xứ lạ quê người, cảnh và người đều xa lạ. Con đường phía trước mịt mờ, còn nỗi buồn nào hơn? Những nỗi nhớ thương trào dâng cuồn cuộn nao lòng. Tôi nhớ mẹ tôi, chị và em gái tôi, nhớ người thân, nhớ xóm làng, nhớ phần mộ của Ba tôi và những ngôi mộ đá đỏ của tổ tiên trên một gò cỏ may tỉnh mịch, đìu hiu. Nhớ con đường làng ngoằn ngoèo, dệt những hàng bông cỏ may rải rác, quanh co, dẫn vào những lũy tre yên ắn, thanh bình, băng qua những cánh đồng lúa mơ mởn, xanh rì. Nhớ thời gian đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ, giờ đã xa vời. Nhớ những cánh cò trắng rập rờn bay lượn khắp đồng ruộng, mùa mưa; những cánh diều giấy xanh đỏ phất phới tít trời cao, trong mùa gió chướng, phía sau đình làng; hình ảnh bóng trăng rằm lồng lộng ló lên ở cuối con đường làng, trên chân trời tím thẩm. Nhớ âm thanh hay hay của những tiếng chim đồng quê quen thuộc, những tiếng ểnh ương “về…đâu…”, “buồn…thương…”; “về…đâu…”, “buồn…thương…”, vang vọng đầy trời đêm mưa hòa lẫn những tiếng sấm rền xa xa; tiếng pháo giao thừa đoàn tụ, như tiếng gọi của làng quê trong cõi mơ hồ. Nhớ hương thơm ngạt ngào của hoa đồng cỏ nội; món mắm kho chấm rau hẹ ruộng, bông súng, dân dã, ngon lành, đậm đà hương vị gia tình… Nhớ nhiều lắm! Nhớ vô cùng! Xiết bao chạnh lòng cho nỗi ly hương, để rồi những nỗi nhớ thương chập chùng ấy …cứ chập chờn trong cõi nhớ miên man như mưa cuồng sóng vỗ.
Cuối cùng là những dòng lệ nghẹn ngào, buồn tủi cho thân phận mình vì nỗi lòng biết tỏ cùng ai ?
Nhớ con đường làng ngoằn ngoèo…
|
hình ảnh bóng trăng rằm lồng lộng ló lên
|
Thế rồi, khi đến xứ Úc xa lạ, con cái được đi học, cha mẹ cũng phải đi học. Mùa đông đầu tiên ở Nam bán cầu, cái lạnh như cứa da không thể nào chịu nỗi. Tôi mặc 5 bộ quần áo ấm thật dày mà vẫn cứ lạnh run. Hai lỗ tai nhức buốt, tay chân tê cóng, gần như không còn cảm giác gì … Vậy mà, ngoài giờ đi học, đi làm ở hãng, vợ chồng tôi còn phải đi làm thêm. Chúng tôi làm đủ thứ nghề, mong kiếm thêm ít tiền để dần dà ổn định cuộc sống và gởi về cho mẹ già và người thân ở quê nhà. Chúng tôi xin đi làm “ tạp vụ”: quét rác, phát tờ rơi quảng cáo ở các thùng thơ ngoài cổng của các nhà, làm housewife và làm công bán thời gian…chúng tôi không câu nệ, việc gì làm được, cứ làm… ròng rã và ròng rã trong 8 năm.
Khi ấy, tình cờ một vận may đã đến với tôi! Một gia đình người Úc biết khả năng chuyên môn và hoàn cảnh của tôi, liền đỡ đầu, hướng dẫn vợ chồng tôi học lại ngành y tế trong hai năm. Việc học tập rất khó khăn vì vốn tiếng Anh của chúng tôi còn yếu. Cuối cùng, với nhiều quyết tâm và cố gắng, chúng tôi mới đạt tốt nghiệp. Sau khi đã có một việc làm chính thức, khá ổn định, tôi muốn trở lại quê nhà. Diễm phúc làm sao! Tôi không ngờ mình còn có dịp trở về mái nhà xưa, thăm người mẹ già mòn mõi trông con.
Vui mừng biết bao khi gặp lại người thân và các bạn bè cũ sau 10 năm xa cách. Còn vui mừng nào hơn! Bản thân như được tái sinh! Nước mắt cứ tuôn rơi, tuôn rơi ! Đó là ngôn ngữ nhạy cảm của người phụ nữ, của một người con, người thân, tưởng không bao giờ gặp nữa, vĩnh viễn mất đi mà giờ đây, nó lù lù bằng xương, bằng thịt, trở về. Chuyện tiếp theo là rất nhiều đêm, nhiều đêm trắng tâm sự, mà vẫn chưa hết chuyện.
Sau chuyến về quê hương lần đầu tiên, tôi trở qua Úc tiếp tục công việc chuyên môn tại bệnh viện. Cuộc sống và làm việc ở bên Úc, thật là bận rộn. Thời gian làm việc kéo dài một hơi, từ sáng đến chiều, trưa được nghỉ ăn trưa 30 phút. Vì vậy, trước trở ngại không thuận lợi cho việc chăm sóc hai đứa con tôi còn nhỏ, tôi có một dịp may để thử thách. Đó là mở một trung tâm y tế phục hồi chức năng cho những bệnh nhân tâm thần ở giai đoạn cuối, để họ sẽ tái hòa nhập cùng với gia đình. Được cho phép và trợ vốn với lãi suất ưu đãi, được bạn bè hỗ trợ, động viên và nhất là ông xã đồng ý, tôi mạnh dạn đứng ra xin mở một trung tâm đó xem sao. Trung tâm tôi mới mở gồm có 12 phòng lớn với 28 bệnh nhân, chưa kể phòng quản lý. Khi bắt tay vào việc, tôi bắt đầu đối phó với những nan đề vô cùng lớn lao. Phải giải quyết những yêu cầu của bệnh nhân một cách liên tục. Họ đòi hỏi những tiện nghi rất cao, cơ sở còn thiếu, người phụ việc không đủ. Một mặt phải nâng cấp những tiện nghi, mặt khác phải chạy tìm người phục vụ để đối nội cho ổn, đối ngoại cho êm và dằn dặt trước những nỗi bực mình. Cố gắng và cố gắng, có nhiều đêm phải thức suốt. Trung bình, tôi phải tất bật làm việc trên dưới 20/24 giờ/ ngày. Ròng rã và ròng rã trong 7 năm!!! . Biết bao mồ hôi và nước mắt, biết bao là cay đắng buồn phiền. Tôi hoàn toàn kiệt lực. Do đó, khi đã trả hết lần nợ cuối cùng, tôi nhẹ nhõm và xin giải tán trung tâm. Các bệnh nhân được chuyển đi nơi khác.
Quá mệt mỏi, tôi xin trở về quê hương, vừa để thanh thản tinh thần vừa thăm mẹ già, thân nhân và những bạn bè cũ. Chuyến về quê lần nầy, thật vô cùng có ý nghĩa cho tôi, vì tôi được tận tay chăm sóc mẹ già trong những ngày cuối đời. Mẹ ơi! Mẹ rất thương ba đứa con gái của mẹ, nhất là một đứa con gái xa xôi nơi “ góc biển, chân trời”. Lòng mẹ bao la như biển cả, mãi mãi dạt dào, biết bao nhiêu là con sóng yêu thương! Tôi cố gắng lo cho Mẹ bằng những chăm sóc, điều trị tốt nhất để Mẹ có thể kéo dài thêm từng giây phút ở lạidương trần. Nhưng sức cùng lực kiệt, Mẹ đã vĩnh viễn ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản, trong tiếng nấc nghẹn ngào và trong suối lệ hầu như khô cạn của ba chị em tôi. Từ nay, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ còn có mẹ nữa! Chúng tôi trở thành những kẻ mồ côi, bơ vơ trên cõi đời nầy. Có gặp Mẹ chăng, chỉ là lúc cõi mộng mơ hồ! Mỗi lần nhớ đến Mẹ, ngay cả trong lúc nầy đây, tôi cũng còn đẫm lệ, thổn thức trong nhung nhớ: mất mẹ, như mất cả bầu trời!
Buồn quá, tôi quay lại Úc với nhiều nỗi bi thương. Khi nhàn cư, nỗi buồn hiện đến dày vò. Có một người bạn giới thiệu một shop café cần nhượng lại. Tôi muốn sang shop café ấy những mong khuây khỏa và tạo việc làm cho một số người quen. Tục ngữ có câu:“ Nghĩ một đằng , nó quằng một nẽo” để nói lên lý trí và cơ hội luôn mâu thuẩn nhau. Thật không sai với trường hợp của tôi! Công việc quản lý shop café của tôi, có tên chào mời ấn tượng là "Giọt Đắng", cũng khá đông khách, cũng rất tất bật và vô cùng mệt mỏi. Đó là điều mà đối với tôi rất đơn điệu, chán ngắt và bực mình. Tôi lại phải đến rất sớm, về nhà thật khuya và còn dính vào những chuyện “ phiền hà”: thiếu người pha café, thiếu người quản lý, thiếu người phục vụ, thiếu người dọn dẹp, thiếu cả thu ngân… Tôi lại phải tự làm những công việc lặt vặt 4-5 giờ/ngày. Nếu không làm, tôi phải thuê người. Như vậy, phải trả thêm tiền cho người ta và có nguy cơ hao phí, lỗ lã. Chúng tôi bàn bạc, chưa biết cách nào thoát ra, dù tôi chỉ mới khai trương có 3 tháng. Khi ấy, quả thật bất ngờ và may mắn! Một hôm có một người Châu Á (sau khi trao đổi, tôi mới biết người đó là Việt Kiều mới qua) đến uống café và ngỏ ý xin sang lại shop café của tôi. Thoạt đầu, tôi cứ ngỡ là người đó nói giỡn chơi cho vui nhưng tôi cũng thực lòng nói rằng tôi mới làm chủ nhân vỏn vẹn được 3 tháng. Người đó cũng thực lòng muốn sang lại shop café để có điều kiện mưu sinh. Tôi hẹn ngày trả lời để còn bàn lại với nhà tôi. Rồi tôi nhượng lại “của nợ” ấy và buông tay, để trở về với cuộc đời mình, lúc ấy tôi đang ở tuổi 58.
Sau đó, tôi chẳng làm gì cả, chỉ sống nhờ vào các khoản trợ cấp và sống với các con của tôi.
Tôi có hai đứa con. Một đứa con gái cả và một đứa con trai út. Các con tôi, bấy giờ, đều đã học xong nguyện vọng mình, ổn định cuộc sống và đã có gia đình riêng. - Đứa con gái cả, học khoa Nha, có gia đình, có việc làm ổn định và có nhà riêng cách chúng tôi 150km. Tôi thường đến chơi với con gái, dọn dẹp, giúp đỡ con, cho nó hạnh phúc hơn. Khi mới có một đứa cháu ngoại đầu tiên, tôi vui mừng bao kể xiết! Tôi tự nguyện chăm sóc cho cháu ngoại nhưng đứa con gái “không cho”, cho dẫu tôi đã tốt nghiệp ngành y ờ Việt Nam và ở Úc! Tôi phải năn nỉ hết sức, đầy lý lẽ, nó mới cho chăm sóc vài ngày trong tuần. Thôi thì vậy cũng được, còn niềm vui nào lớn hơn? Thật là hạnh phúc cho những ai được làm “ Bà ngoại ”! Nhìn cháu mình, tôi thấy tình cốt nhục bà-cháu dạt dào! Dĩ nhiên, nó trông giống cha mẹ nó là điều cơ bản. Khi ngắm nhìn nó, nựng nịu nó, thấy mụ bà dạy nó cười, nó hươ tay, đạp chân…tôi càng vui sướng, phát hiện nét nầy nó giống người thân nầy, người thân nọ, nét kia nó giống đứa cháu nầy, đứa cháu kia…mà vui sướng, mà thỏa lòng.
- Riêng đứa con trai út, sau khi tốt nghiệp Đại Học, được du học TTL tốt nghiệp Cao học Quản trị kinh doanh. Cháu đã đi làm tại 1 trong 5 công ty tiếng tăm thế giới. Vài năm sau, xin nghỉ việc và tự đứng ra lập công ty riêng. Khủng hoảng kinh tế thế giới, tạm ngưng kịp thời nên không bị lỗ lã. Sau đó, cháu lập gia đình, nối nghiệp “ dì út ” ở quê nhà, làm nghề “gõ đầu trẻ lớn”. Hiện cháu có một chú nhóc trai, nay được 4 tuổi. Vậy là, tôi đã lên chức Bà với hai cháu ngoại gái 9 tuổi, 6 tuổi và một cháu nội trai 4 tuổi .
- Về phần “ ông nhà ”, “ phân nữa đời tôi ”, đã ở tuổi “ người xưa nay hiếm ”, cũng còn khang kiện, bình thường. Ngày ngày chúng tôi tập thể dục, bách bộ, đi bơi, chơi tennis, đi từ thiện, giao tiếp bạn bè, viết lách, truy cập Internet… và cùng ăn chay trường.
Bông Cỏ May
Đến đây, xin hãy trở lại vấn đề chính của tự truyện nầy. Vì sao tôi chọn tiêu đề là Bông Cỏ May ?
Như đã trình bày. Tôi có một chuyến viễn du, phiêu linh, đầy sóng gió của định mệnh. Như những người đồng hội, đồng thuyền, tôi đã sống vô cùng khổ sở, vất vả và gieo neo trong những bước đầu. Nỗi nhớ tha thiết về Mẹ, anh chị em gia tộc, những bạn bè thương yêu… Nhất là nỗi nhớ đẫm lệ, triền miên về quê hương yêu dấu xa xôi, đầy ắp những kỷ niệm đằm thắm của tuổi thơ chân chất thời tiểu học, nhiều kỷ niệm êm đềm…và tôi cũng không ngờ rằng số tôi còn may mắn như vậy.
Trước quyết định chẳng đặng đừng, đem cả gia đình xa cách với những người thương yêu, trong một chuyến đi đầy sóng gió, may ít, rủi nhiều, tôi đã đánh cược với số phận mình: có thể bị vùi thây nơi lòng biển lạnh, làm mồi cho cá; hoặc nếu có may mắn, sẽ là những cánh chim vô định, phiêu bạt, lạc loài, lữ thứ... mãi mãi sẽ không bao giờ được trở về xứ sở… mãi mãi sẽ là những người tự lưu đày, không có quê hương…
Trong thời gian đầu ở đảo KuKu, (Indonesia), một hôm, nhân vá lại chiếc quần dài đen sứt chỉ- chiếc quần dài đen mà tôi đã mặc lúc về từ giã mẹ tôi, gia đình hai chị em tôi và phần mộ của tổ tiên lần cuối-tôi đã phát hiện được 5 bông cỏ may đã dệt thật khéo vào bên trong cái lai quần sứt chỉ. Cũng có thể năm bông cỏ may nầy đã lặng lẽ dính chặt ở phía bên trong phần lai quần của tôi, mà tôi không hề hay biết. Cũng có thể mẹ tôi và tôi đã đẫm lệ, thổn thức nhặt bỏ hết những bông cỏ may dính bên ngoài chiếc quần dài của tôi rồi và năm bông cỏ may nầy cứ lặng lẽ an vị bên trong như những lời gợi nhớ réo rắt của hồn quê chan chứa ân tình.Tôi đã lặng người nhớ lại…
Rõ ràng, đây là 5 bông cỏ may- trên Gò Cỏ May, đất hương hỏa gia tộc, mảnh đất gia sơn (nơi tổ tiên tôi đã nghìn thu yên giấc)- đã âm thầm quyến luyến theo tôi trên những bước đường xa xứ lạc loài! Tôi tê dại trong cảm xúc dâng trào với nghẹn ngào nước mắt! Phải chăng những “ bông cỏ may” đó còn là những yêu thương nhắc nhở ngầm của tổ tiên: Tôi phải giữ vẹn truyền thống đạo lý gia tộc, một truyền thống của bản sắc Việt Nam như một ánh hào quang miên viễn, quyện chặt tâm hồn những đứa con của NGƯỜI trên những bước đường muôn nẽo, tha phương.
Cuối cùng,“ bông cỏ may ” chính là những kỷ niệm trân quý, không thể nào quên, chính là tấm lòng của những số phận phải lênh đênh theo dòng nước nổi trôi…với ước mong sao, sau cơn mưa, trời lại sáng.
Và điều đó chỉ là những khắc khoải của tấc lòng cố quốc tha hương riêng tư của những đóm sáng đồng điệu, trong hàng triệu tấm lòng.
Bông cỏ may! Bông cỏ may ơi!
Hồn quê dìu dặt bước chân tôi.
Phiêu linh, giờ đã xa muôn dặm!
Man mác,bâng khuâng ,một hướng trời (1)
Bút ký Võ Kim Ngân (Sydney)
Tổng hợp Ngân Triều
Chú giải:
(1): Một hướng trời (thiên nhất phương): một phương trời, lấy ý từ lời ca trong bài Tiền Xích Bích phú, 前 赤 壁 賦 của Tô Thức, 穌 軾 và bài Hát nói “Vịnh Tiền Xích Bích” của Nguyễn Công Trứ, đã sử dụng cụm từ “Thiên nhất phương”:
- Quế trạo (hề) lan tương
Kích không minh (hề) tố lưu quang
Diễu diễu (hề) dư hoài
Vọng mỹ nhân (hề) thiên nhất phương
(Tiền Xích Bích phú -Tô Thức)
Tô Thức: Người Đất Mi Sơn, đỗ tiến sĩ và làm quan đời Nhà Tống. Quan lộ của Ông có nhiều thăng trầm. Ông là trưởng nam của Tô Tuân, anh của Tô Triệt đều nổi tiếng văn chương. Lúc Ông bị biếm ở Hoàng Châu, có dựng một ngôi nhà ở Đông Pha, lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ, người đời còn gọi Ông là Tô Đông Pha…
Không những Ông giỏi về thi, văn mà ông còn giỏi về cả thư, họa.
Tác phẩm:
Dịch thư truyện,
Luận Ngữ thuyết,
Cừu Trì bút ký,
Đông Pha chí tâm,
Đông Pha toàn tập,
Đông Pha từ
Nguyên văn chữ Hán
桂 棹 兮 籣 漿
撃 空 明 兮 泝 流 光
渺 渺 兮 予 懷
望 美 人 兮 天 一 方
( 前 赤 壁 賦 - 穌 軾 )
· Tạm dịch là :
-Thuyền quế , dầm lan.
Khua ánh trăng trong nước (hề) ngược dòng sáng trôi.
Man mác (hề) lòng ta mong nhớ,
Trông ngóng giai nhân (hề) một phương trời.( 2 )
· Dịch thơ ( bài 1):
Chèo ta cây quế,
Sào ta cây lan.
Khua tan
Dòng ngược
Sáng loang,
Lưu ly lấp lánh
Long lanh mê hồn.
Bồn chồn!
Réo rắt,
Bên lòng…
Phương trời mong ngóng,
Bóng hồng miên man…
Ngân Triều
· Dịch thơ ( bài 2):
Sào chèo cây quế cành lan
Ngược dòng lấp lánh, hàng hàng ngọc trôi.
Ngóng trông man mác, chơi vơi!
Giai nhân biền biệt, phương trời nhớ thương.
Ngân Triều
Mỹ nhân: người đẹp, bóng hồng, tố nga, giai nhân…còn ẩn dụ chỉ thánh đế anh minh,quê hương hay người tri âm xa cách.
( * ) “Đà quốc tửu” NN: là rượu đế Đức Hòa, Long An, Nước Nếp, được dân Lưu Linh đối ẩm một thời. Gọi vui là vậy ./-
Ngóng trông man mác, chơi vơi! !
Giai nhân biền biệt, phương trời nhớ thương.
Ngân Triều
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét