Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Viện Hán Học Huế- Một Thời Để Thương Để Nhớ (Lê Văn Bảy)

         Viện Hán Học Huế
Một Thời Để Thương Để Nhớ
                         Lê Văn Bảy
1. Ở tuổi U70, nhớ lại những ngày đầu vào học Viện Hán Học Huế thật tức cười. Mười bảy tuổi, vừa mới rời trường Trung Học Đệ Nhất Cấp, đã bước vào đời sống sinh viên (tự lo học hành và sống tự do thoải mái), vậy là đủ tức cười rồi. Đầu Thu năm 1961, ngôi trường khi ấy nằm sát bên trong cổng thành “Hiển ở trong xích người Huế nói nhân Môn” của Đại Nội nên đường vào trường thường rộng rãi, vắng lặng. Những ngày gần Tết dương lịch trời lành lạnh, nắng vàng đẹp kì lạ trải rộng mênh mông trên hào sen sát chân thành đã làm bâng khuâng chú học trò mới từ Sài Gòn ra Huế học. Nhưng rồi, tôi chỉ cảm nhận được đất trời, thời tiết Huế đẹp ơi là đẹp, thế thôi! Mãi sau này đi học tôi mới mô tả được cho học sinh của mình nét đẹp của câu thơ Huy Cận:
“Ôi nắng vàng sao thật nhớ nhung”
Thật cảm ơn Viện Hán Học Huế thân thương của tôi!




2. Mấy tháng đầu ở Huế, tôi ở trọ trên  thượng thành cổng thành “Thượng Tứ.”  Nơi này sát bên khu buôn bán đông đúc nên chưa thấy hết được vẻ đẹp của Huế. Về sau trường cho sinh viên ở xa vào tạm trú trong khuôn viên nhà trường tôi mới thấy cuộc sống thật vui và Huế thật đẹp. Dãy nhà cho sinh viên tạm trú xưa là nơi ở của lính bảo vệ Đại Nội nên cũng có vách tường mái ngói tươm tất, chỉ có  cực khổ là ngủ giường tre và tự đi chợ nấu ăn, nhưng sinh hoạt thì tự do thoải mái nên rất vui nhộn. Những ngày Chủ Nhật các bạn rủ nhau ra khoảng sân trống trước trường chơi bóng, chơi  cầu thỏa thích. Mỗi buổi chiều sau giờ tan trường các bạn cùng nhau chạy Marathon vòng quanh Đại nội... Những đêm trăng tròn các bạn tổ chức nấu chè rồi đem nồi chè lên tận cổng Ngọ Môn ăn uống đàn hát vui chơi. Thật tức cười là Ngọ Môn, chốn oai nghiêm thuở nào, giờ các bạn có thể “quậy” tưng bừng. Mùa Hè tới cũng là mùa thu hoạch trái vải chín, tôi cùng bạn Đoàn Thọ Cung hái trộm vải chín, với bạn cùng lớp Đoàn Thị Điềm rủ nhau lén trèo tường vào Diên Thọ Cung hái trộm vải ăn một bữa thỏa thích. Cứ đi lòng vòng quanh các tòa ngang dãy dọc trong Đại Nội là có thể học được vô số chữ Hán đấy chứ, thật cũng tức cười. Ôi thương lắm Viện Hán Học Huế của tôi, ngôi trường đã cho tôi một tuổi hoa niên thật vui thích, rạng rỡ!

3. Nhớ lắm các vị thầy khả kính và hiền hòa ở Viện Hán Học Huế! Linh mục Nguyễn Văn Thích lúc nào cũng có nét mặt vui tươi khi giảng dạy trên lớp. Thầy viết chữ Hán rất đẹp và tài hoa. Trích sách “Luận Ngữ”, thày dạy “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên” và tôi được bài học khiêm tốn từ câu chữ Hán đó.
Sau khi về hưu tôi về sống ở một miền quê sông nước êm ả. Nhiều đêm đọc sách khuya đi ra dạo vườn khuya tĩnh mịch, cảm xúc về những bài thơ chữ Hán xa xưa, tôi lắng mình viết ra một số câu thơ.
Bài Đường thi Phong Kiều Dạ Bạc
     Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
     Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.”
Giúp tôi nhìn ra nét đẹp của cảnh sông nước quê mình:
Nơi tôi về rung nhịp cầu tre
Dòng sông lấp lánh trăng đêm hè
Thuyền ai lờ lững khua chèo nhẹ
Hiu hắt đèn khuya treo mũi ghe.
               (Nơi Tôi Về)
Rồi bài Đường thi “Vô đề” của Trần Tử Ngang.
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi lệ hạ.
Giúp tôi nhìn ra một kiếp người ngắn ngủi, một đời người mong manh.
Nơi tôi về tiếng vạc kêu sương
Gió Tây trăng lạnh suốt đêm trường
Vẳng nghe tiếng cú vườn xa vắng
Ngẫm một kiếp người bao nỗi thương
               (Nơi Tôi Về)
Và rất biết ơn thầy Võ Như Nguyện, thầy Hồng Giao, Thầy Hà Ngại.v.v... đã dạy cho tôi những câu thơ chữ Hán trong Chinh phụ ngâm.
Ức tích dữ quân lâm biệt thì
Liễu điều do vị chuyển hoàng ly

Và:               Ức tích dự quân lâm biệt trung
Tuyết mai do vị thức Đông phong.
Ngưỡng mộ quá, ông cha ta đã viết nên những câu thơ mượt mà dễ gây xúc động lòng người.



4. Lớp tôi là khóa 3 của Viện Hán Học Huế bỗng nhiên có nhiều bạn học duyên dáng xinh xắn làm sáng rỡ cả lớp học. Các cô Như Quyên, Cam Vũ, Quỳnh Thanh, Tôn Nữ Hòa, Thanh Hương,v.v... thật là mỗi người mỗi vẻ. Nhưng rồi nghìn trùng xa cách, đôi khi tôi cũng bâng khuâng gửi vào thinh không những lời tự hỏi: “Các cô bây giờ ra sao? Các cô đã đi đâu, về đâu? Các cô có được cuộc sống hạnh phúc lớn lao, tràn đầy không?” Bởi vì thầy Dật dạy rằng:
“Giai nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”
Còn thầy Nguyện thường ngâm ở lớp:
Thiên địa phong trần
Hồng nhân đa truân!
Và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đầy mộng mơ lo lắng:
Nơi em về ngày vui không em?
Nơi em về trời xanh không em?

5. Rõ ràng Viện Hán Học Huế đã cho tôi và các bạn cùng lớp của tôi kiến thức căn bản vững chắc để chúng tôi bước vào các trường đại học khác dễ dàng và thành công tốt đẹp. Tôi và bạn Phan An cùng lớp đã tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Sài Gòn với thứ hạng cao.
Bốn năm học ở Viện Hán Học Huế (1961 - 1965), hít thở không khí của đất trời Huế, ăn uống các sản vật trồng nơi thổ nhưỡng xứ Huế... Vậy là một phần tinh túy của đất trời Huế đã thâm nhập luân lưu trong dòng máu của tôi, hỏi sao tôi không thương Huế nhớ Huế và thương Viện Hán Học Huế của tôi cho được!?!
Giờ đây ở tuổi về hưu, sống thanh thản bên vườn hoa lan của mình, mỗi lần ngoái nhìn lại quá khứ, tôi luôn cảm nhận được một nỗi xúc động êm đềm về Viện Hán Học Huế thân thương của mình. Tôi biết rõ đó là một khung trời viễn mộng đã riêng tặng tôi một thời để thương, một thời để nhớ trong niềm biết ơn và nỗi tự hào.
Trung thu Kỷ Sửu (10/2009)
Chợ Búng, Lái Thiêu, Bình Dương
Lê Văn Bảy (Khóa 3 - Viện Hán Học Huế)
(Trích Đặc San Ký Ức và Hoài Niệm)


Không có nhận xét nào: