Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Tìm Hiểu Lễ Cúng Cô Hồn - Hoàng Đằng

Tìm Hiểu Lễ Cúng Cô Hồn

“ ... Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người ...”
(Nguyễn Du – Văn tế Thập Loại Chúng Sinh)

Bây giờ đang là tháng 7 ÂL, tháng mà người ta thường cúng Cô Hồn (còn gọi là cúng Thí Thực – cấp cho ăn) ở nhà theo tín ngưỡng dân gian và ở chùa theo Phật giáo. Mình cố gắng đọc và viết đôi lời chia xẻ một ít hiểu biết của mình với bạn đọc. Mình nghĩ thế cũng có ích; dù sao, cúng cô hồn cũng là một đề tài văn hóa.

Cô Hồn là gì? Dân gian quan niệm: con người được cấu thành do 2 phần: phần hữu hình là thân xác, phần vô hình là linh hồn. Khi chết đi, thể xác con người mất đi, trở về với cát bụi, nhưng linh hồn mãi còn, phảng phất trong đất trời. Cô hồn là linh hồn những người chết đi mà không có thân nhân thờ cúng, linh hồn những người chết bất đắc kỳ tử, oan ức, không thoải mái hay linh hồn những người, do nghiệp chướng, không đầu thai sang kiếp khác được (theo Phật Giáo) biến thành quỷ trầm luân nơi địa ngục.

Ở quê mình, bất cứ có cúng tế gì ở gia đình hay ở cộng đồng, người ta cũng thiết một mâm cúng cô hồn. Ở gia đình, mỗi lần kỵ giỗ gia tiên, người ta thiết mâm trên bàn thờ trong nhà dành cúng gia tiên, đồng thời thiết thêm một mâm ngoài sân hay ngoài hiên dành cúng cô hồn. Mỗi lần tế Tổ họ, Tổ phái, Tổ chi, trong nhà thờ, người ta cử hành nghi lễ tế tổ tiên, tiếp sau đó, cử hành lễ tế cô hồn ngoài sân; mỗi lần tế Thần ở đình làng, người ta cũng làm như vậy.

Theo Đạo Giáo (học thuyết của Lão Trang biến dạng), địa ngục do Diêm Vương cai quản được mở cửa từ 02/7 đến rằm tháng 7 ÂL hàng năm cho quỷ bị giam được phép trở lại cõi trần. Thời gian này, quỷ đầy trong không gian, quỷ đói khát cần ăn uống, người ta phải cúng để tránh quỷ quấy phá.
Diêm Vương (Hình mượn trên mạng)

Như vậy, cúng cô hồn, ngoài ý nghĩa từ thiện – giúp đỡ những linh hồn trong cảnh cực khổ, còn là một hình thức hối lộ giống như trong cuộc sống trần gian, người ta phải đút lót cho những kẻ hay làm khó dễ, cản trở, quậy phá việc mưu sinh của người ta.

Dù sao, lễ vật dâng cúng cô hồn nơi cõi âm cũng đơn giản về chất lượng và không cần nhiều về số lượng vì đồ cúng đã rẻ, lại sẽ được phù phép biến một thành mười, mười thành trăm, trăm thành ngàn, cứ thế mà tăng lên mãi; nghĩa là không đáng là bao so với các khoản đưa hối lộ trên trần gian.
Lễ vật chính, ngoài trầu cau, nước lả, là cháo lỏng, gạo, muối, nổ (hạt thóc rang), áo binh, giấy vàng, giấy bạc. Nói vậy, chứ để có đủ thức ăn cho người tham dự hưởng khi cúng tế xong, người ta có thể đặt thêm mâm cơm gồm thịt, cá, món chiên, món xào, món kho, thậm chí cả con bò thui hay con heo quay.

Tại sao cháo lỏng dùng cúng cô hồn? Người ta nghĩ rằng cô hồn là quỷ đói (ngạ quỷ), thân hình xấu xí, bụng phình to bằng cái trống nhưng cổ chỉ nhỏ bằng cây kim, không thể ăn uống gì được, chỉ húp được nước cháo mà thôi. Cúng cháo lỏng để cô hồn dùng ngay tại chỗ, còn hạt nổ, gạo, muối để cô hồn mang theo về như lương thực dự trữ đi đường. Áo giấy, giấy vàng bạc ... cũng vậy.
Quỷ đói (Hình mượn trên mạng)

Những điều mình vừa viết trên đây thuộc về tín ngưỡng dân gian truyền thống.
Còn bên Phật Giáo, cúng cháo phải đặt cúng tại án thờ có tôn tượng của Ngài Bồ Tát Tiêu Diện Đại Sĩ. Dân gian Việt Nam gọi ngài là ông Ác, vì hình thù của ngài quá hung tợn: gương mặt dữ dằn , đầu và trán cắm 3 cái sừng, hai mắt to, lồi, trợn ngược, miệng rộng, nhe răng, cái lưỡi lè dài xuống tận ngực.
Lý do khiến ngài Tiêu Diện xấu xí như vậy và phải cúng cô hồn tại án thờ có tôn tượng Ngài là như thế này (Phỏng theo những gì thầy Nguyên Tạng viết lại theo lời kể của ông nội thầy là thầy Nguyên Trường).
Tại một làng nọ, có một con quỷ ăn thịt người, sống trong một ngôi miếu trên ngọn đồi cao. Cứ mỗi buổi sáng quỷ xuống dưới chân đồi đón đường, bắt người ăn thịt. Dân làng sợ đến nỗi không còn dám đi qua khu đồi ấy nữa. Dân làng dựng bàn thờ cầu đảo, nhờ ơn Trời Phật giáng lâm gia hộ cho dân làng sớm tai qua nạn khỏi. 
Kỳ diệu thay! Vào một buổi sáng, một bà già đi chợ, ngang qua con đường có ngôi miếu "tử thần" ấy;  “quỷ ăn thịt người” kia xuất

Ngài Tiêu Diện (Ông Ác)
Hình mượn trên mạng

hiện chạy tới bắt bà; ngay lập tức, cụ bà biến mất, và chỉ trong chớp mắt Bồ Tát Quan Thế Âm hiện ra, nắm ngay cổ con quỷ, nhấc hổng lên cao, bóp mạnh vào cổ; do bóp quá mạnh tay, quỷ nhăn mặt, nhe răng, trợn mắt, lè lưỡi ra bên ngoài. Bồ Tát Quan Âm lệnh ác quỷ:"Từ đây về sau ngươi không được bắt người ăn thịt nữa, mà phải về chùa gần nơi ngươi ở tu tập; mỗi buổi chiều, chùa sẽ cho ăn cháo, và giao nhiệm vụ cho ngươi, thống lãnh thế giới ma quỷ, cô hồn, những kẻ chết nhưng chưa đầu thai được, còn sống vất vưởng trong cõi giới ngạ quỷ; ngươi dẫn dắt họ cải tà quy chánh, quay về các ngôi chùa địa phương nghe kinh để sớm được siêu sinh thoát hóa".

Trong mỗi chùa, phía cửa bên phải, thờ Ngài Hộ Pháp, phía cửa bên trái, thờ Ngài Tiêu Diện; Ngài Hộ Pháp gọi là Ông Thiện (Ông Khuyến Thiện), Ngài Tiêu Diện gọi ông Ác (Ông Trừng Ác) .
Ngài Hộ Pháp có tên gọi đầy đủ là Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát. Tôn tượng ngài được thờ để xua đuổi tà ma, bảo hộ Phật pháp.
Ngài Hộ Pháp (Ông Thiện)
Hình mượn trên mạng

Những gì mình viết trên đây không phải là một bài biên khảo mà chỉ là những ghi chép, góp nhặt, có thể xem như việc “đọc sách báo” giùm bạn đọc./.
06/8/2014
Hoàng Đằng



Không có nhận xét nào: