Nhớ chi viết nấy
Viện Hán Học Những Ngày Khó Quên
Phan Đình Trừng
Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai
Đó là hai câu thơ của cụ Phan Bội Châu trong đầu đề thi môn Quốc Văn mà chúng tôi, những học sinh có cha mẹ, chú bác còn “mê” nền cựu học, tham dự kỳ thi tuyển vào năm thứ nhất, khoá II, Viện Hán Học, trực thuộc Viện Đại Học Huế vào mùa hè tháng 7, năm 1960. Trung tâm thi tại Di Luân Đường, nằm trong khuôn viên trường trung học Hàm Nghi, Thành Nội Huế, nơi này trước kia là trường Quốc Tử Giám.
Sau này chúng tôi trúng tuyển vào học, được là một sinh viên chính thức, bản thân tôi mới giật mình, nửa tự hào, nửa lo lo. Thì ra trường thi, nơi học, học hiệu nguyên là “cái nôi” văn học, khoa bảng một thời điểm và cũng là nơi đào tạo các bậc “dân chi phụ mẫu,” kéo dài hơn một thế kỷ: Di Luân Đường vốn là hội trường của Quốc Tử Giám Huế (1)
Thế hệ “học trò” chúng tôi, tuy chưa đủ 100 năm từ khi sinh ra đến nay, người lớn nhất sinh năm 1930, 1931 (2), lớp nhỏ được ra đời khi cuộc Thế Chiến Thứ II sắp đến hồi kết thúc, độ tuổi những năm 1942, 1943 và 1944. Khoa thi Tiến sĩ cuối cùng của triều Nguyễn vào năm 1919 đã qua từ lâu, song may mắn thay, khi là sinh viên của Viện Hán Học, chúng tôi còn gặp được và được học với các thầy, nguyên là “sĩ tử” “môn đồ” trường Quốc Tử Giám trước đây. Đó là cụ Nguyễn Duy Bột, Cụ Hồ Đắc Định, cụ Ngô Đình Nhuận,... các giáo sư lão thành của Viện Hán Học.
Cụ Bột dạy sử Trung Quốc. Nếu sinh viên nào trúng tuyển và được học hết quá trình học tập (ngũ niên đăng hoả), đều nắm được lịch sử Trung Quốc từ thời Tam Hoàng, Ngũ Đế, đến giai đoạn Tưởng Giới Thạch “khăn gói” ra Đài Loan dựng nghiệp, cũng là công ơn to lớn nhờ cụ mà có.
Bài dạy của cụ Bột cho năm thứ nhất rất ngắn. Tay cụ cầm viên phấn, miệng lẩm nhẩm viết vừa đủ một tấm bảng đen lớn, chiều dài chừng 6 mét, chiều cao gần 1,5 mét. Từ đầu năm đến hết đệ nhất lục cá nguyệt, bài học của cụ được chúng tôi ghi đầy một trang giấy. Bắt đầu vào đệ nhị lục cá nguyệt, bài ghi đầy một trang rưỡi, sinh viên viết chữ vừa, không lớn không nhỏ, dĩ nhiên là từ trái sang phái, từ trên xuống dưới (3). Nội dung bài dạy, cụ viết trên bảng không dùng sách giáo khoa hay bài soạn sẵn, mà nằm trong đầu cụ.
Cụ Bột người thấp, vóc dáng nhỏ hơn một người bình thường. Quá trình dạy và học năm năm, bài cứ dài dần dần. Đến lúc này, chúng tôi khi còn hoa niên, đã trải qua nhiều trường học, song chưa thấy ai có thể thay được cụ.
Nhân vật thứ hai là cụ Hồ Đắc Định, một nhà thơ, một hoạ sĩ, chuyên dạy chúng tôi Đường Thi. Nhờ vậy mà chúng tôi tập dịch thơ Đường từ thưở đó. Nói không ngoa, cụ đã phần đào tạo nên một Phạm Liễu dịch thơ Đường, làm thơ Đường, tác phẩm Đường Thi (dịch thơ Đường) đã được viết khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau này có Huỳnh Quang Vinh, sinh viên khoá 2, gốc quán Quãng Ngãi, với tập thơ Hoà Ngàn, đã được các thi nhân thích thơ Đường ái mộ, có lẽ cũng nhờ sự ân cần dạy bảo của cụ Định.
Thành lập và tổ chức: Viện Hán Học, trực thuộc Viện Đại học Huế, được thành lập do sắc lệnh số 389 - GD 8 - 10 - 1959 do Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký và được tổ chức do nghị định 1505 - GD ngày 9 - 12 - 1959 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục Miền Nam cũ trước đây. Viện Hán Học ban đầu được đặt tại Di Luân Đường, trong khuôn viên Quốc Tử Giám nhà Nguyễn trước đây.
(Di Luân Đường)
(Di Luân Đường)
Mở đầu là niên khóa 1959 - 1960, thâu nhận sinh viên có văn bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, qua một kỳ thi tuyển và học trình 5 năm. Điều 27 của Nghị Định 1505 - GD quy định cho những sinh viên tốt nghiệp có thể bổ dụng vào các chức vụ sau đây với chỉ số 380: - Chuyên viên các Toà Đại Sứ các nước Đông Nam Á, - Chuyên viên tại Viện Khảo Cổ, - Giáo sư Trung Học Đệ Nhất Cấp ngành Việt - Hán.
Chương trình: Chương trình đào tạo trong vòng 5 năm, gồm các môn: Quốc văn, Sử (Tây Phương, Trung Quốc, Việt Nam), Địa, Sinh Ngữ, Hán văn, Bạch thoại, Triết lý Đông và Tây... nhằm mục đích đào tạo những nhà tri thức, đủ căn bản học thức để sưu tập những tinh hoa của nền văn minh nước nhà, hầu bảo tồn những ưu điểm của văn hoá dân tộc, và những chuyên viên cần thiết cho các ngành kể trên. Chương trình Viện Hán Học gồm các môn kể trên được phân chia: - Hán văn: từ 11 đến 12 giờ mỗi tuần. Trong hai năm cuối, mỗi tuần có thêm 4 giờ học Kim Văn Trung Quốc và Quan Thoại. - Việt văn: Từ 3 giờ đến 4 giờ mỗi tuần. -Sử địa: 2 giờ mỗi tuần. - Sinh ngữ: 6 giờ mỗi tuần. - Triết lý: 2 giờ mỗi tuần.
Thầy Bạn - Nhớ Nhớ Quên Quên
Niên khoa 1960 - 1961 chúng tôi được học Luận Ngữ (Tứ Thư) với thầy Nguyễn Hồng Giao, người Quảng Nam. Chúng tôi không bao giờ quên, thầy từng nói: “Khổng Tử khi ở Lỗ, khi ở Trần”(4) (nghe như Khổng Tử khi ở lỗ (không mặc quần) khi ở trần (không mặc áo), “Thố tử hồ bi,” một nhà Nho chính hiệu: “Áo quần tôi không quá hai bộ, giầy tôi không quá hai đôi.” Sau này khi được nhuần nhuyễn, chúng tôi mới kịp thiểu thầy Nguyễn Hồng Giao noi gương thầy Nhan (5), với đai cơm, bầu nước... an bần, lạc đạo, quán triệt chữ Nhân của đức Khổng Tử.
Bên cạnh đó, linh mục Nguyễn Văn Thích (con cụ Thượng Thư Nguyễn Văn Mại) giáo sư Đại học Huế và Đại học Sài Gòn. Mỗi tháng cha Thích phải vào dạy Sài Gòn một tuần. Đó là một người đa tài, vừa là thi sĩ, vừa là họa sĩ. Chữ Hán cha Thích viết đẹp như tranh. Cha Thích cũng là tác giả của nhiều bản nhạc mà nay vẫn còn tồn tại với thời gian: Hướng Đạo, Nguồn Thật, Cái Nhà, Cầm Tay.v.v...
Vui ca lên nào anh em ơi
Hát cho lòng thắm tươi
Đừng thấy khó mà mau chân lui
Ta cứ tiến lên đường
Dù cho mưa rơi, lòng ta thêm tươi...
Trên một nguồn thông tin “lịch sử âm nhạc” một thời nào đó, Sảng Đình Nguyễn Văn Thích được đánh giá là một trong những người tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam.
Ngoài những vị vừa đề cập trên có một số nhà khoa bảng xưa như cụ Nguyễn Huy Nhu (tiến sĩ Hán Học), cụ Hà Ngại (phó bảng), cụ Ngô Đình Nhuận (Quốc Tử Giám, Tú Tài Hán Học), giáo sư Nguyễn Văn Dương (giảng viên trường Văn Khoa Huế), cụ Võ Như Nguyện (tác giả nhiều sách giáo khoa Hán Văn), cụ Châu Văn Liệu, ông Phan Chí Chương (dạy Quan thoại). cụ La Hoài (vừa dạy cổ văn vừa dạy Bạch thoại).
Ngày 28 - 12 - 1959, khoa thi tuyển vào Viện Hán Học đâu tiên được mở ra. Có sĩ tứ ở rất xa như Nguyễn Lý Tưởng, Trần Bá Nhẫn (Sài Gòn), Dương Trọng Khương (Nha Trang), Ngô Văn Lại, Phạm Liễu, Ngô Khôn Liêu (Quảng Nam), Vương Hữu Lễ (Hội An), La Cảnh Hùng (?) "lều chõng về kinh.” Các anh này lại lớn tuổi, có vốn liếng Hán văn, Pháp văn rất “nặng”, trước khi trúng tuyển vào viện. Có anh tuổi Canh Ngọ (1930), có anh tuổi Quý Dậu, sinh năm 1933.
Ngày khai giảng đầu tiên của Viện Hán Học được tổ chức tại Di Luân Đường. Trong không khí trang nghiêm, uy nghi, long trọng của ngày khai giảng, các tân sinh viên chưa quen nhau, bỡ ngỡ xếp hàng ngay ngắn, áo quần chính tề, nữ sinh viên chỉ có ba, hân hoan chào đón quan khách. Linh mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, kiêm Giám Đốc Viện Hán Học, đọc diễn văn khai mạc. Ngài nhấn mạnh đến mục đính yêu cầu của Viện: Bảo vệ nền cổ học và văn hóa đạo đức của nước nhà do tổ tiên để lại. Sau đó ngài giới thiệu Ban Giám Đốc gồm có cụ Lương Trọng Hối, cử nhân Hán Học là dân biểu niên trưởng trong Quốc Hội thời bấy giờ, giữ chức Phó Giám Đốc, cụ Võ Như Nguyện làm Chủ Sự Hành Chánh, cụ Phan Văn Dật, học giả, nhà thơ, làm Giám Học.
Sinh viên khoá (1959 - 1964) chỉ có 30, nên các sinh viên cao đồ này mặc sức vùng vẫy trong ngôi nhà cổ kính lớn rộng. Phòng học mát rượi, ánh nắng nóng Mùa Hè, hàn khí Mùa Đông không làm ảnh hưởng đến công tác “Huấn hỗ” và học hành. Đến thời điểm hiện nay có anh trên 75 tuổi, các anh chị còn tại thế chưa đủ quá bán. Khi còn độ hoa niên, sau khi tốt nghiệp, phần lớn đi dạy học, có anh dạy đại học như anh Vương Hữu Lễ, có anh chuyên hành chánh sự vụ, như anh Lê Nhất, làm giám đốc Viện Bảo Tàng Chăm Ở Đà Nẵng. Một số lớn thành danh nhờ ngòi bút như anh Phan Thuận An, Nguyễn Lý Tưởng, Nguyễn Đức Cung, Đinh Khang Hoạt, Ngô Văn Lại, Lê Ngọc Bích...
Sinh viên khoá 2 (1960 - 1965) có các anh Hồ Tịnh Tình (bút hiệu Hồ Thanh) lại dùng bút cọ, Trần Văn Dật (Vĩnh Long), Nguyễn Bá Yên (Cần Thơ), Huỳnh Quang Vinh (Sài Gòn), ít nhiều cũng có những công trình đáng kể.
Cựu sinh viên Dương Trọng Khương (Nha Trang) rất giỏi Hán Văn và Bạch Thoại, chữ viết rất đẹp, “trong thơ có vẽ”, xứng đáng là hậu duệ kế thừa (Vương Duy(6). Anh đã viết hầu hết các bài chữ Hán trong đặc san Xuân Hàn Mặc(7) của sinh viên Viện Hán Học. Lúc này anh Khương và chị Lê Thị Kim Truyên vừa đi tham quan Đài Loan về, chuyến đi do Đại Tướng Hồ Liên thời bấy giờ cấp kinh phí.
Khóa đầu, sau năm năm học tập, tốt nghiệp còn lại được 19 người. Anh Vương Hữu Lễ sinh năm 1942 tại Hội An, đậu thủ khoa. Anh Dương Trọng Khương, sinh năm 1939 tại Khánh Hòa, á Khoa. Vị thứ 19 là anh Nguyễn Đăng Phú, sinh năm 1938, nay không còn nữa. Khoá I này có 3 chị (8). Chị Phan Thị Hồng Hạnh (9) hiện nay đang định cư ở Pháp; chị Nguyễn Thị Kim Chi đã dạy được vài năm, lấy chồng tỷ phú nên chị ở nhà làm nội trợ và dạy con, chị Hồ Thị Lài đang sống với chồng con ở Mỹ.
Mùa Hè năm 1960, với khí thế hừng hực do xã hội nhận chân được giá trị thực của nền Hán Nho, nền văn hóa đã ngự trị nhiều triều đại xuyên suốt lịch sử. Các danh sĩ Nho học đã viết lên những trang sử hào hùng, chống giặc và kiến quốc. Bây giờ có phong trào phục hưng nền học cổ truyền, phát huy tinh hoa của dân tộc..., nên từ Huế đến Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa, Định Từơng, Vinh Long, An Giang, Hà Tiên, các thức giả ở khắp nơi đều biết sự hiện diện của Viện Hán Học trên đất thần kinh. Tiếng lành đồn xa, các sĩ tử muốn vào Viện Hán Học có ở khắp nơi Miền Nam, Miền Trung nên kỳ thi tuyển khóa II được tổ chức ở hai nơi: Huế và Sài Gòn. Địa điểm thi Sài Gòn được thầy Phan Văn Dật “đơn đao phó hội,” mở đề thi, thu bài viết đem về chấm tại Huế. Vẫn “thánh địa” Di Luân Đường từ Trung Tâm Giám Thị trở thành Hội Đồng Giám Khảo. Ngài Linh Mục Cao Văn Luận, Giám Đốc Viện Hán Học làm Chánh Chủ Khảo. Điều hành coi thi và chấm thi gồm thầy Võ Như Nguyện và thầy Phan Văn Dật...
Đề thi Quốc văn khoá II như phần vào đầu bài viết chúng tôi đã ghi, nay xin viết rõ ràng hơn. Đề thi như sau:
Thí sinh chọn một trong hai đề:
1. Bình giải câu:
Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả,
Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai?
(Phan Bội Châu).
2. Bình giải câu:
Đầu làng có con ba ba,
2. Bình giải câu:
Đầu làng có con ba ba,
Kẻ kêu con trạnh, người kêu con rùa. (Ca Dao)
Dư luận tuy thường đúng, các anh chị hiểu sao về dư luận? Anh chị hãy bình luận hai câu trên và áp dụng vào cuộc sống.
Thời gian 3 giờ.
Ngoài ra còn có một môn thi sinh ngữ: Pháp văn hoặc Anh văn. Đề thi sinh ngữ là một bài dịch ra tiếng Việt tương đối khó. Và một bài Sử Địa, sử Việt Nam, địa Việt Nam, kiến thức tổng quát. Một môn thi không bắt buộc: Hán Văn, để cộng thêm điểm. Đây là một lợi thế của những học sinh ban A (Trung học đệ nhất cấp, đã được học 4 năm, mỗi tuấn 6 giờ chữ Hán).
Trong kỳ thi tuyển ở Viện Hán Học một số các anh chị dự thi môn Hán văn không bắt buộc được cộng thêm điểm. Khóa 1 như Phạm Liễu, Dương Trọng Khương, Ngô Khôn Liêu, La Cảnh Hùng, Ngô Văn Lại....; khóa 2 như Ngô Văn Tiên, Phan Quật, Phan Văn Trưng, Đinh Khang Hoạt... Những anh chị dự thi môn Hán Văn, do đã được học 4 năm ở bậc đệ nhất cấp, hoặc đã được học thêm 1, 2 năm trở lên ở bậc đệ nhị cấp (Ban D, văn chương cổ ngữ). Trường hợp những thí sinh có vốn tiếng Hán khó có ai “trượt vỏ chuối”, “đậu phải cành mềm”.
Tôi còn nhớ mùa hè năm 1960, lúc còn ngồi thi ở Di Luận Đường, cạnh tôi vì xếp theo thứ tự abc, nên tôi nhìn thấy rõ 2 gương mặt anh Phan Quật, Huỳnh Quang Vinh(10), tuổi tác tuy chưa biết, dáng dấp, mặt mày như các vị giáo sư cũ của tôi ở trường Nguyễn Tri Phương, tuổi ước chừng các thầy Hồ Nghinh, Hồ Định Chữ, Lê Đình Mẫn... khiến cho tôi có phần “khớp.” Tôi sợ không phải vì tôi run, như lời triết gia Wilham James đã nói “Tôi sợ bởi vì tôi run.” Sợ bởi vì nhiều lý do, sợ nhất là mình sẽ rớt, vì các anh lớn thì phải giỏi. Tuy nhiên cảm giác bớt căng thẳng, vì cạnh tôi là chị Đoàn Thị Tiên Phước, rất trẻ và rất đẹp (sau này tôi biết chị sinh năm 1943). Xa xa phía trên là chị Nguyễn Thị Thuận An, Tôn Nữ Thương Lãng... như những tiên nữ giáng trần. Không khí trường thi không nặng nề cho lắm. Sau này càng lớn tôi càng nhận ra, thì ra là những bông hoa đẹp làm cho bầu không khí trong vườn thêm mát rượi, khiến người ra dễ thở... Không trách chi vua Edward VIII nước Anh bỏ ngai vàng, Ngô Phù Sai chỉ vì Tây Thi mà “mất nước,” còn nhiều nhiều nữa... đã một thời điêu linh, lụn bại!
Cũng may tôi còn “nhóc,” nếu mà kỳ thi này, khi tôi đã lớn, được lên ngôi hoàng đế, e cũng phải uất ngậm, nuối ngoái vì câu thơ cổ:
Nhứt cố khuynh nhân thành,
Tái cố khuynh nhân quốc
Nhứt cố khuynh nhân thành,
Tái cố khuynh nhân quốc
Sĩ tử cắm cúi, miệt mài, riêng tôi vẫn thấy thầy Võ Như Nguyện, thầy Nguyễn Văn Kháng... gõ đôi “souher” bóng láng, nhẹ nhẹ lên nền nhà như gương soi. Quý thầy nói năng ôn tồn, câu nói mà sao như văn viết, câu dài như có mệnh đề chính, mệnh đề phụ. Đúng là vừa chân ướt, chân ráo, sáng sớm đã gặp ân sư, chúng tôi đã có dịp may như vậy.
Bài được chấm bởi Hội Đồng Giám Khảo tại Di Luân Đường, gồm thí sinh cả 2 Hội Đồng Giám Thị Huế và Sài Gòn.
Đến ngày treo bảng kết quả. Vị thứ 1: Nguyễn Văn Đài, sinh ngày 08-08-1941 Thừa Thiên. Vị thứ 2: Nguyễn Thị Thuận An sinh ngày 15-9-1941 Thừa Thiên. Khoá I có các anh Phạm Liễu sinh năm1930. Khoá II này có các anh Huỳnh Quang Vinh, Phan Quật sinh năm 1933 (năm sinh thật, không phải năm sinh trong khai sanh), một số lớn sinh từ năm 1939, 1940, 1941... Họ vốn đã học hết chương trình đệ nhị, số còn lại trẻ nhất vừa tốt nghiệp kỳ 1 trung học đệ nhất cấp. Họ còn khá non nớt, nghèo kiến thức, nhưng tuyệt đại bộ phận rất thông minh, đã là trong số 113 thí sinh trúng tuyển. Hầu hết những người này đều xuất thân từ các gia đình còn chuộng Nho học, còn muốn giữ gìn tinh hoa dân tộc..., tối thiểu là giữ “nếp nhà.” (11)
Sau này cùng ngồi học với nhau, tìm hiểu kỳ thi tuyển vào, tôi nhận thấy có một người, với lắm éo le! Anh Trần Văn Dật, sinh năm 1941 ở Quảng Trị (12) học ở trường Nguyễn Tri Phương, Huế, sau đó vào Sài Gòn khi học đệ nhị cấp, anh dự kỳ thi tuyển vào Viện Hán Học tại trung tâm thi Sài Gòn. Vốn tốt bụng, anh chỉ bày mấy bạn dự thi, nhất là các chị (máu ga-lăng của con trai Huế mà lị!) Những người ấy đều đậu chính thức, riêng anh lại có tên ở danh sách dự khuyết. Vào học, anh không có học bổng, làm lớp phó, phụ trách điểm danh. Cuối năm xếp hạng nhất Năm thứ nhất B, được Hội Đồng Giáo Sư kỳ họp cuối năm xét bình bầu danh hiệu Danh Dự.
Khoá II này khí thế nhiều mặt. Trúng tuyển 80, dự khuyết 10. Tổ chức khoá học, chia làm 2 lớp: lớp A và B. Lớp B không có nữ sinh viên, có 1 sinh viên bàng thính: Chú Quang, một tu sĩ Phật giáo ở chùa Bảo Quốc. Sinh viên đậu vị thứ từ 1 đến 40 có học bổng toàn phần 450 đồng/ tháng, từ 41 đến 80, học bổng bán phần: 225 đồng/tháng, dự khuyết không có. So với Đại học Sư Phạm thì sinh viên bên đó cao hơn nhiều (đến 1500 đồng mỗi tháng), nhưng để được vào học phải thi concours rất khó khăn. Còn các phân khoa khác: Y khoa, Luật khoa, Văn khoa, Khoa học chỉ có một số rất ít có học bổng (toàn phần được 300 đồng mỗi tháng), vào học, sinh viên chỉ cần ghi danh. Nhìn chung, với đời sống xã hội bấy giờ thì sinh viên Việt Hán Học chúng tôi “rủng rảng” ra phết. Chỉ xót cho các sinh viên ngoại tỉnh, còn phải chi trả tiền ăn, tiền ở, tiền tàu hoả ra vô, tuy hỏa xa bấy giờ đã bớt 50% giá vé, thì có lẽ gia đình phải rót thêm. Còn sinh viên sinh tại Huế, học tại Huế, “êm như ru chiều hôm gió mát” với số học bổng nói trên, rất thuận lợi cho việc học hành.
Nếu là sinh viên sinh ra ở Huế, “gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung” thì sáng bún bò, bánh bao, cà phê ở các quán Asia, Lạc Sơn (trước chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo), chiều tối thì rạp chiếu bóng Nguyên Văn Yến, Châu Tinh, Gia Hội, Tân Tân, Lửa Hồng - rạp chiếu phim của hội Hướng Đạo, nằm bên trái Đại Nội, cửa Hiển Nhơn, rạp thường chiếu phim của hướng đạo và các phim hay, cũ... Sinh viên thời bấy giờ không sính rạp Bà Tuần.
“Sen tàn cúc lại trổ bông.” Cứ hết mỗi tam cá nguyệt, sinh viên lần lượt lên Toà Viện Trưởng, số 1 đường Lê Lợi bên cầu ga xe lửa Huế để nhận học bổng. Vào hành lang, anh chị nhẹ gót giày, miệng ngậm hàm..., gặp bác Lương Hoàng Phiệt, người giữ chìa khoá tủ sắt của Viện, ký vào sổ, nhét vào túi... Vốn “con dòng, cháu giống,” nên không bao giờ quên “cám ơn bác ạ.” Bấm bẹo tách đàn... Nhóm thì đến café Cô Ba, đầu cầu Lam Sơn; mấy anh lớn tuổi, tướng dáng E. Borgnine thì thích café Cầu Kho, không hiểu tại sao? Nghe nói rằng sống để dạ, chết mang theo! Chiều hôm ấy, Tailleur Liên, Taillor Bảo Thạnh... tấp nập vào ra, gương mặt trông quen quen... Thì ra sinh viên Viện Hán Học, vừa mới lãnh học bổng 3 tháng, một bộ áo quần (popeline nylon, quần laine, tergal, của Anh) vẫn còn tiền để mà chi tiêu việc khác. Cravate thì không phải lo, nhất là độ tuổi chúng tôi, mỗi người đều được thầy Nguyễn Văn Ngân, nhân viên văn phòng phát không, để tự thắng vào mỗi dịp tiết lễ, chúc Tết ngài L.M viện trưởng và ban giám đốc, giáo sư.
Ôi sướng là thời gian cắp sách,
Niên khóa này 1960-1961, như trên đã nói là đỉnh cao của Viện Hán Học. Giáo sư, sinh viên vẫn còn ngự trị ở Di Luân Đường. Viện có 3 lớp: Năm thứ hai và năm thứ nhất A, B. Tòa nhà được ngăn phòng học, bằng gỗ dày. Bên dưới vẫn bị hở khiến cho tiếng giảng bài, tiếng nói chuyện nghe được từ phòng này qua phòng khác và ngược lại khiến những sinh viên như Nguyễn Văn Đài, Huỳnh An Ninh, Đoàn Văn Sảng, vốn đã "ham chơi" lại càng thêm lơ đễnh...
Phía giữa tòa nhà, thiết kế một bàn đọc sách dài, có sách nghiên cứu, truyện ngắn, truyện dài... để cho sinh viên đọc lúc ra chơi hay đến Viện sớm, chờ giờ vào học. Phía trong cùng là bureau của thầy Nguyện, thầy Dật, nhân viên văn phòng thầy Nguyễn Văn Ngân có một cái bàn lớn hơn, hai bên hông có tủ từng ngăn để dựng các hồ sơ: sổ điểm, sổ điểm danh, học bạ,v.v... Công việc nặng nề nhất của thầy là cuối năm cộng sổ, xếp vị thứ, liên quan đến học bổng, để rồi trình Hội Đồng Giáo Sư xét duyệt.
Rồi những ngày cuối năm, những buổi chiều êm, gió Đông bắt dầu phe phẩy, trời bớt nắng, không mưa, thầy trò nô nức, chuẩn bị ăn tất niên, đón Xuân Tân Sửu, đầu năm 1961. Không khí chuẩn bị khẩn trương, phụ trách do các anh năm thứ hai: Anh Ngô Văn Lại, Trần Vinh Anh, Dương Trọng Khương lo về báo chí; Hoàng Văn Sự (em nhạc sĩ Hùng Lân) làm Trưởng Ban Văn Nghệ. Tuy anh Trần Văn Thăng chơi Vĩ Cầm, Tôn Thất Nguyên sử dụng Hạ Uy Cầm điện, chị Phan Thị Hồng Hạnh, Hồ Thị Lài, Phan Thuận An hát, thuộc lớp năm thứ 2, nhưng phần trình diễn thành công lại thuộc về các nghệ sĩ không chuyên hai lớp năm thứ nhất A và B. Kịch có Nguyễn Văn Đài, Phan Đình Trừng, Trần Văn Lữ tức Thạch, guitar đệm có Lê Anh, Võ Văn Hỉ. Hát có Lý Văn Nghiên, Hồ Trọng Ấm.v.v... Đài diễn tả cực hay, vai thằng bán hột vịt lộn "Ai ăn hột vịt lộn không? Lộn không”? Phát âm tiếng “lộn", âm dấu nặng, ngữ điệu Huế, nghe "cười vỡ bụng." Bàn chính diện sân khấu, bàn danh dự của L.M Viện Trưởng và quý vị giáo sư trong đó thầy Nguyễn Văn Kháng, thân phụ anh Đài, vẫn nghiêng người, cười nghiêng, cười ngửa.
Anh Nguyễn Lý Tưởng được bầu làm trưởng “Ban Lạc Diên” (lo về ăn uống, từ ngữ do anh Dương Trọng Khuông đặt.
Sinh viên Viện Hán Học cũng chuẩn bị cho ra đặc sản “Xuân Hàn Mặc”. (Hàn là bút lông, mặc là mực đen, đó là các món văn phòng của học trò ngày xưa). Thầy Phan văn Dật làm cố vấn, bìa báo do anh Bình, sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế vẽ, kịp phát hành vào tiệc liên hoan, đón chào Xuân Tân Sửu, năm 1961. Quan khách tỏ ra hài lòng phần nội dung lẫn hình thức. Vào học Viện chưa được nửa đường dài, mà tinh anh đã phát tiết. Các bài vở in bằng chữ Hán, một mình anh Dương Trọng Khương viết, trình bày. Chữ viết rất đẹp, đúng là bậc thầy.
Lực lượng sinh viên Viện Hán Học rất hùng hậu, đã tổ chức một dạ tiệc tất niên rực rỡ. Diễn văn khai mạc, đón mừng năm mới của thầy Nguyện. Thầy trò còn ngồi lại sau khi tiễn quan khách, hàn huyên tâm sự đủ thứ. Trong thâm tâm có lẽ thầy định nói câu gì đó với cha Luận, song nghĩ sao thầy không nói. Giờ đây, thầy đã hơn 93 tuổi, an hưởng cao tuế với đàn cháu chắt ở phương trời Lons, nước Pháp. Tiếc rằng, buổi tối hôm đó, có người định hỏi: Tại sao thầy không nói như thầy nghĩ, nhưng rồi chợt nhớ câu thầy dạy: "Thiên hà ngôn tai!" (Trời nào có nói gì đâu?)
Trong huấn thị, L.M. Viện Trưởng nói vừa rồi có gặp vị nguyên thủ, và Tổng Thống có hỏi cha rằng:
"Sinh viên Viện Hán Học đã ra trường chưa? Để ông bổ dụng." Lời nói, tiếc thay, quá sớm; nếu sự thể này mà xẩy ra vào kỳ mãn khóa, mùa hè năm 1964 (khóa 1 tốt nghiệp) thì đâu có cảnh “thương hải biến vi tang điền.”
Ăn Tết xong, trở lại với sách đèn, các anh khóa 1, hình như không chịu ngồi yên, đúng là Nho Giáo nhập thế, làm cho một cái gì đó để kỷ niệm ngày sinh (hay mất) của Trần Tế Xương.
“Buổi chợ chiều nho học” là chủ đề cho buổi thuyết trình toàn viện. Nhờ buổi thuyết trình nầy mà tôi mới biết nhiều, quý trọng nhiều Bà Tú. Bà không thực hiện được câu: “Vợ ngoan làm quan cho chồng” vì lẽ, bà lấy phải một ông chồng mê chơi hơn là đèn sách.
“Tú rớt bảng” trong khoa Giáp Ngọ, kỳ thi năm 1894, Tế Xương dậu chót. Mà ở kỳ thi Hương, không đậu cử nhân thì không được vào kỳ thi Hội. Chỉ là chân Tú Tài, nếu chịu thương, chịu khó lắm thì làm “bút canh” (lấy cây bút để cày), dạy học trò ở làng, lương tiền không được bằng một hương sư trong giai đoạn nầy. Ngày Tết Nguyên Đán, Đoan Ngọ được học trò đi lễ vài ang gạo, ang nếp, miếng thịt lợn, gói trà, mâm quả... Tú Xương lại hiếu động không chịu ngồi yên, gõ đầu trẻ, mà chỉ chuộng “Cao lâu thường ăn quỵt, thổ đĩ lại chơi lường”:
Một ngọn đèn xanh, một quyển vàng
Bốn con làm lính, bố làm quan
Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ
Đem chuyện trăm năm trở lại bàn.
Ông Tú Vị Xuyên mang ơn Bà Tú, một người đàn bà buôn tảo, bán tần, nuôi con, đắp áo vá vai, để cho chồng, an tâm học hành. “Nhưng vì mãi việc chơi bời, mỗi tuổi, mỗi già hóa ra lóng đóng” (Phú hỏng thi).
Thi là thế, sự đời là thế
Người một nơi, hồn phách một nơi
Ông có tâm sự như trách mình, có thương vợ “Lặn lội thân cò khi quãng vắng. Eo sèo mặt nước buổi đò đông” nên đối rằng: “Trúc báo bình an nỡ để vung trồng nơi kẻ ngạch, cò giàu văn tự cớ sao lặn lội bờ sông”.
Một buổi thuyết trình tuyệt vời, tai tôi không nghe tiếng gọi con của mẹ, khi chợ sắp tan, hãy xếp quang gánh ra về, với những bước chân dồn dập. Ở đây chỉ còn hình ảnh Bà Tú, bà nổi cộm vượt lên trên các anh hùng. Cái đích của anh hùng, cầu thủ, vận động viên trên sân khấu, vận động trường minh bạch quá, cụ thể quá. Tấm huân chương được gắn vào ngực, tay cầm chiếc coupe giương cao, hay là tiếng la hét hoan hô của quần chúng. Một tỉ giảo có khập khiễng chăng?
Chung cuộc:
Vợ lăm le ở vú
Con tấp tểnh đi bồi
Khách hỏi nhà ông tới
Nhà ông đã bán rồi(13)
Thời gian này Viện Hán Học như thể “Bách hoa khai phóng” thừa thắng xông lên. Để có cơ ngơi rộng rãi hơn, Viện Hán Học cư ngụ Di Luân Đường 2 năm, đầu niên khóa 1961 - 1962 “thiên đô” vào tòa nhà Nội Vụ Phủ (14). Phòng ốc rộng rãi ngang tầm với các phân khoa khác. Tầng trệt, tầng lầu bát ngát, có sân vận động bóng đá, có phòng pingpong, sân bóng chuyền, vũ cầu.
Viện Hán Học có một đội bóng đá với những cầu thủ xuất sắc như Trần Bá Nhẫn, Nguyễn Đức Cung, Trần Vinh Anh, Huỳnh An Ninh, Nguyện Văn Đài, Bùi Quang Xuân, Nguyễn Văn Đức, Quan Minh Hoàng rất thích thách đấu với các trường khác. Sau nhiều lần thi đấu ở sân vận động nằm bên cạnh Tòa Đại Biểu, đội bóng năm thứ hai A vô địch nhờ một Nguyễn Văn Đức thể lực tốt. Đội bóng nào cũng không có huấn luyện viên, trưởng ban thể thao toàn diện là anh Huỳnh An Ninh, năm thứ hai B. Trong trận chung kết, đội Năm thứ hai B đã làm lủng lưới đội Năm thứ hai A trước, do công của Phan Đình Trừng. Trái bóng vẫn còn lăn, kim đồng hồ không chìu chuộng ủng hộ Năm thứ hai B, nên tỉ số 2-1, chiến thắng thuộc đội bóng Năm thứ hai A. Thương nhất là các cổ động viên Năm thứ hai B đông nhất và ồn nhất, trong ký ức của trận cầu hôm đó, làm sao quên được Trần Văn Dật, Trần Văn Lữ, Phan Quật, Phan Cảnh Dai, Nguyễn Bá Yên, Phạm Đăng Thiêm, Hồ Tịnh Tình, Lê Hữu Quả, Võ Văn Hỉ... Đội bóng Năm thứ hai B, Bùi Quang Xuân nổi bật, Đoàn Văn Sảng lanh lẹ, hậu vệ Nguyễn Văn Đài chơi kiểu “chặt sắt” của đội bóng Ý, vô địch word cup tại Espagna năm 1982. Tiếc rằng đội bóng Năm thứ hai B không có cùng một thành tích. Bồi dưỡng sau trận cầu tùy túi tiền từng lớp. Đội chúng tôi, nhờ có Nguyễn An Ninh là trưởng ban thể thao nên cầu thủ và các fan được ba ly chè đá bào ở xe Nguyễn Hoàng. Ngoài bóng đá, môn bóng chuyền cũng được sinh viên ưa thích. Đội bóng chuyền của khóa 1, năm thứ ba, vô địch toàn Viện Hán Học, các lớp đàn em năm thứ hai (2 lớp), năm thứ nhất (1 lớp) đều ngả mũ chào thua.
Năm học này, Đại Học Huế lần đầu tiên tổ chức bầu Tổng Hội Sinh Viên. Không khí mới lạ, sáu trường của viện gồm Văn Khoa, Luật Khoa, Khoa Học, Sư Phạm, Y Khoa, và Viện Hán học đều có người tranh cử. Mỗi liên danh gồm có năm sinh viên, với các chức vụ Chủ Tịch, hai Phó Chủ Tịch, Tổng và Phó Thư Ký. Ba liên danh được thành lập: Liên danh 1 anh Ngô Đồng làm thụ ủy, Chủ Tịch; Liên danh 3 có anh Ngô Văn Lại, sinh viên Viện Hán học, chức vụ Phó Tổng Thư Ký.
Anh Nguyễn Đức Giang, sư phạm ban Sử Địa, sinh viên năm cuối, được nhiều lợi thế ở địa bàn Viện Hán Học. Lại được linh mục Nguyễn Phương, trưởng ban Sử tại đại học Văn khoa và Sư phạm, giáo sư Viện Hán Học giới thiệu; đồng thời lại được giáo sư Nguyễn Hữu Châu Phan (giáo sư trong biên chế của Viện Hán Học ủng hộ nhiệt tình). Đây là một “mục” mới của Đại Học Huế, hoan hô và đả đảo, đôi khi hấp dẫn hơn là vào giảng đường và phòng học. Vì thế sinh viên toàn viện nô nức, nhiều trông chờ... Buổi tiếp xúc của các ứng cử viên với tập thể cử tri được tổ chức khắp các phân khoa.
Hai liên danh được đặc biệt chú ý. Liên danh 1 có một sinh viên mới ghi danh, là anh Nguyễn Văn Tụ, ứng cử với chức danh Tổng Thư Ký. Trước khi ra Huế, anh là một giáo sư dạy ở Sài Gòn, anh nổi tiếng nhiều mặt, nhất là thu nhập tài chánh, anh đi lại bằng xe hơi sang trọng (có người nói lad Mercedes?), có tài xế đội mũ kép. Được tin Tổng Hội Sinh Viên Huế được thành lập, anh vội vã hình thành “thẻ sinh viên” hợp pháp và “hợp hiến”....
Có tranh cử thì có vận động, có chương trình hành động, hứa hẹn... chất vấn, trả lời v...v. rất sôi động.
Buổi chiều tại quảng trường chung cho 2 khoa: Văn Khoa, Khoa Học, ở hội trường Morin, Liên danh Ngô Đồng (anh đã đỗ Cử nhân, con của một vị chưởng lý tòa Thượng Thẩm), các ứng viên mà hầu hết là người Bắc, sau màn đăng đàn gởi thông điệp, rồi đến mục chất vấn, một câu hỏi được đặt ra: “Các anh, cả liên danh hầu hết là người Bắc, một mai đắc cử, các anh làm sao hiểu hết, hiểu sâu sắc nỗi lòng, nguyện vọng của sinh viên Huế? Các anh có đem quyền lợi tới cho sinh viên Huế không? Hay là các anh chỉ để ý đến người Bắc kỳ?
Anh Nguyễn Văn Tụ, thay mặt liên danh trả lời “Người Pháp đã phân chia Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Sau năm 1867, sau khi thâu tóm Nam Kỳ, người Pháp vin vào cớ Từ Phổ Nghĩa để Pháp xuất quân, và người Pháp đã hoàn thành sứ mạng cai trị. Kể từ đó Việt Nam ta bị chia 3: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam kỳ để trị. Giờ đây, các bạn nói chi Bắc Trung Nam, khiến cho chúng ta đau lòng, xót dạ!”
Anh có gương mặt hơi đen, người khá cao, xương xẩu... nhìn vào ít cảm tình; vả lại chúng tôi ủng hộ liên danh 3, vì lời giới thiệu của cha Phương, rồi lời tán dương của thầy Châu Phan, vả lại có anh Ngô Văn Lại nằm trong liên danh này. Một số người “mê” miệng lưỡi của anh Tụ, đúng là một nhà hùng biện, tiếng vỗ tay đôm đốp, cánh ủng hộ liên danh 1, mặc sức la hét..
Với liên danh 3, câu hỏi được đặt ra:
- Liên danh các anh đều là Sử địa, Văn khoa, Hán học như thế ngoại ngữ không phải là uyên bác, nếu không muốn nói là dốt, là kém. Rồi đây khi tiếp xúc với các Tổng Hội Sinh Viên bạn trên thế giới, làm sao các anh có thể làm việc thành công, để giương cao ngọn cờ danh dự của Tổng hội Sinh Viên Huế.
Thụ ủy liên danh Anh Nguyễn Đức Giang trả lời:
- Vào tháng 2 năm 1945, cuộc thế chiến thứ 2 sắp đến hồi kết thúc, tại hội Yalta có Churchill, thủ tướng nước Anh, Staline, chủ tịch Liên Xô, và tổng thống Mỹ Roosevelt. Churchill và Roosevelt không biết tiếng Nga, Staline không biết Tiếng Anh. Thế mà cuộc hội đàm thành công, phe Trục phải tan tác. Đồng Minh thắng trận.
Các sinh viên Văn khoa, Sư phạm, Hán học... ủng hộ liên danh 3, mặc sức la hét, vỗ tay; chẳng khác gì Đội tuyển Bóng đá Việt Nam khi làm lủng lưới Singapore, Indonésia, Thái Lan... trong các kỳ Sea games.
Sinh viên, thì chẳng khác gì học sinh, sướng nhất là được nghỉ học để đi bỏ phiếu. Thùng phiếu được đặt tại mỗi phân khoa, có đại diện liên danh kiểm tra, kiểm soát. Bầu cử trong sạch, đàng hoàng, đố ai dám gian lận. Kết quả: Liên danh Nguyễn Đức Giang thắng cử với đa số tuyệt đối. Anh Nguyễn Văn Tụ lên máy bay vào Sài Gòn lúc nào, chúng tôi chẳng hay biết? Đặc biệt sinh viên Viện Hán Học, tất cả đều dồn phiếu cho liên danh 3, ai cũng hiểu rằng mình có trong đó, hơn ai hết anh Ngô Văn Lại sẽ bênh vực đến cùng quyền lợi Sinh viên Viện Hán Học. Tại Viện Hán Học, có một cử tri, chị Đoàn Thị Tiên Phước không bỏ phiếu cho liên danh 3, mà chị bỏ cho liên danh 2 của anh Nguyễn Bào, vì liên danh này có anh Lộc, sau này là bố của các cháu, con của chị. Lúc này chị còn trẻ, 19 xuân xanh (chị sinh năm 1943), nên chị ấm a, ấm ớ, chị có sorry anh Lại. Mãi mãi anh Lại, chẳng bao giờ quên. Ước mong khi anh Lại đọc đến đây, anh vui lòng nhấc phone khẳng định với các cố tri, những bóng chim tăm cá.
Thời điểm này, bộ Khổng Học Đăng của cụ Phan Bội Châu, nhà xuất bản Anh Minh ấn hành. Dĩ nhiên môn đồ cửa Khổng sân Trình là những độc giả đầu tiên. Cũng vì cái tật ưa so sánh mà Phan Cảnh Dai, sinh năm 1944 (khóa 2), bị thầy Võ Như Nguyện rầy la nặng nề, ở dưới cột cờ trong khuôn viên viện. Dai cho rằng Nho giáo của cụ Trần Trọng Kim dễ hiểu hơn, viết khoa học hơn.
Nhắc nhớ đến thầy Phan Văn Dật, một học giả uyên bác, một nhà thơ, mà Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Nam có viết tiểu sử, trích đăng thơ của thầy. Thầy giảng dạy tại Viện hai môn Quốc văn, Sử Địa, ngoài ra thầy có dạy ngoại khóa, bồi dưỡng học sinh giỏi cho 5 hoa khôi Đồng Khánh ở Bureau của thầy. Lúc thầy đi trước, nhịp gõ gót giày trên nền nhà Di Luân Đường, theo sau thầy là năm tiên nữ giáng trần, chúng tôi đang ngồi học nín thở. Thầy còn giúp nhiều sinh viên Viện Hán Học các bài giáo khoa Triết đệ nhất, để sinh viên có thể dự thi Tú tài 2. Tôi có xin thầy học nhưng thầy cười và nói “đã đủ chỗ rồi.” Lúc thầy dạy cho các bạn ở nhà thầy, thì tôi rủ Hoàng Đằng xuống nhà cụ Hồ Đắc Định để thụ giáo. Đến khi Hội Đồng Giám Khảo kỳ thi tú tài 2 treo bảng, tại trường Quốc Học, tôi và Hoàng Đằng may mắn cũng có tên.
Thầy Phan Văn Dật bỏ nhiều công sức cho Viện Hán Học như soạn thảo chương trình, mời giáo sư giảng dạy. Năm thứ nhất, chúng tôi lớp B học Hán văn, Sử Địa với thầy. Riêng lớp A, thì môn Quốc Văn do thầy phụ trách, còn lớp B thì học với thầy Nguyễn Văn Dương.
Nhà thầy tọa lạc ở đường Hùng Vương, nay 53/1 Nguyễn Chí Diễu, Thành nội Huế.
Chốn từ đường kỷ niệm này, nơi mỗi lần Tết đến, sinh viên đến chúc Tết thầy tha hồ ăn bánh kẹo Tây. Giờ chỉ còn kỷ niệm, "lầu Hoàng Hạc" rêu phong, tiều tụy..., mặc dầu vẫn còn có ái nữ của thầy, Phan Thị Ý Nhi trông coi việc nhang khói.
Tủ sách của thầy, có người nói, có nhiều sách quý nhiều hơn sách quý của Thư Viện Đại học do thầy Bửu Kế quản lý, nay chỉ còn vang bóng. Thầy có cố tật, mỗi lần mua sách, thầy mua 2 quyền. Hỏi tại sao? Có mất thì mất 1 quyển, do có kẻ cầm nhầm, hoặc là mượn quên trả! Thế mà giờ đây, “nhà trống trơn,” sách vở gần như không còn nữa, khác hẳn ngày xưa khi còn thầy.
Đến thăm thầy Dật năm 2007, tôi và anh Phan Cảnh Lãng (sinh viên cùng khóa 2), mò tìm nhà thầy mà toát mồ hôi, tôi lấy tiêu điểm chuẩn, hẻm rất nhỏ nhà thầy, đối diện công ty Lương thực Thừa Thiên Huế để “tìm” nhà thầy, mặc dầu thập niên 60 thế kỷ trước rất quen thuộc của chúng tôi. “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân.” Mừng mừng tủi dủi, dù ngôi nhà không còn khang trang, không còn vườn đầy hoa hồng như trước nữa, "Tàng Kinh Các" giờ lộng gió. Cô thầy đều cùng khuất mặt, an toạ trên bàn thờ, chân dung thầy rất thơ mộng vẫn dáng dấp như Tây. Chị Ý Nhi, mặc áo lam đậm, chia tay nhau non nửa thế kỷ vẫn nhận ra nhau: “Triêu như phong ti, mộ thành tuyết” (Sáng tóc như tơ, chiều thành tuyết).
Tình sư đệ, nghìn trùng xa cách, chúng tôi dâng hương cho thầy. Nơi thờ phụng có 7 bát nhang, chính diện, tả hữu. Anh Phan Cảnh Lãng, thay mặt môn sinh Viện Hán Học, xin phép, trao vào tay chị Ý Nhi một ít tiền mong nhờ chị mua nhang hương khói thầy cô. Tâm hồn chúng tôi chùng xuống, chợt nhớ đến ý thơ, bài đề tựa truyện Tam Quốc Chí” La Quán Trung thì ra kẻ anh hùng chiến thắng, kẻ chiến bại đều thành công. Còn lại cái gì? Còn lại là âm thanh của sóng vỗ vào ghềnh đá của sông Trường Giang bất tận... Trận thủy chiến, dùng hỏa công nay cũng không còn nữa. Còn chăng là tiếng sóng vỗ và những bọt nước chóng tan.
Hiện tại, non xanh còn đó, nước biếc còn đây. “Dạ thưa xứ Huế bây giờ. Vẫn còn Núi Ngự bên bờ Sông Hương” (Bùi Giáng). Vẫn là cảnh cũ, người còn kẻ mất. Có đập gương xưa tìm bóng, e cũng hoài công. Thôi thì hãy quay về khúc phim: Từ Di Luận Đường đến tòa nhà Nội Vụ Phủ. Viện lúc này đã có 4 lớp: Năm thứ III (1 lớp), Năm thứ II (2 lớp, A và B), Năm thứ I (1 lớp). Qua quá trình hình thành phát triển, theo tôi, giai đoạn Viện Hán Học tại Nội Vụ Phủ là huy hoàng nhất: Sinh viên đông đảo, thầy cô đầy đủ, phòng ốc dồi dào. Phong trào thể thao đạt đến đỉnh cao, sinh viên tham gia đông, chơi nhiều bộ môn. Năm học, có Tổng Hội Sinh Viên lần đầu, mới lạ, ứng cử viên cùng thời, tuổi tác xê xích... Vài năm sau, vẫn đi bầu, ứng viên có thầy (Trần Điền), có bạn (Bửu Tôn, Vĩnh Tùng, Nguyễn Đức Cung, Nguyễn Lý Tưởng)... cũng không nô nức, ồn ào, vui vẻ như kỳ bầu cử Tổng Hội lần đầu.
Khi còn học ở Di Luân Đường, năm thứ nhất, chúng tôi học Sử Địa với thầy Phan Văn Dật, qua niên khóa 1961 - 1962, môn Sử Địa được thầy Nguyễn Hữu Châu Phan giảng dạy tiếp tục cho đến ngày “bế giảng” (kỳ thi tốt nghiệp khóa 2) (1960 - 1965). Thầy vốn tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Huế vào hàng “đầu bảng” Sử Địa khóa 1958 - 1961, với tiểu luận nhan đề “Lịch sử và chính sách cai trị của Pháp tại Việt Nam”, thầy được Linh mục Viện Trưởng Cao Văn Luận thưởng 5000 đồng (số tiền vào năm 1961, giá hơn một lượng vàng), được Viện Đại Học Huế tưởng thưởng Huy Chương Danh Dự Bạc. Vừa ra trường thầy được bố trí làm Phụ Khảo trường Đại Học Sư Phạm từ năm 1961, cũng năm này thầy được mời dạy ở Viện Hán Học và “bỗng nhiên” trở thành giáo sư chính thức của Viện Hán Học từ niên học 1962 - 1963, e chỉ có L.m Cao Văn Luận và thầy Châu Phan mới hiểu được bước ngoặt này? Thầy trẻ nhất trong hội đồng giáo sư, sinh năm 1937, niên tuế còn thua các sinh viên lớn, như ở phần trên của bài và phần chú thích chúng tôi đã ghi. Nhờ thầy, chúng tôi hiểu rõ hơn Phương Pháp Sử Học, cũng nhờ thầy, chúng tôi biết được câu viết nổi tiếng của Cicéron “Nguyên tắc thứ nhất của sử học là không dám nói gì sai và nguyên tắc thứ hai là dám nói tất cả những gì đúng”.
Chúng tôi khoái nhất là những ngày cuối năm, giáp Tết, thầy Châu Phan hào phóng mở “hầu bao,” đề nghị đi mua hạt dưa, bánh kẹo để vừa “nhai” vừa nghe “Sử Ký Tư Mã Thiên.” Tôi vốn thích ở ngoài đường hơn là giam mình trong lớp học những ngày Đông tàn, Xuân đến nên vội vã cùng với Trần Văn Dật leo lên chiếc xe Mobilette của anh (lớp tôi chỉ một mình anh sắm, chiếc thứ hai là của thân phụ anh Đoàn Văn Sảng, anh mượn khi cần dợt “l’air”) ra ngã giữa để mang bánh kẹo về. Bá tánh kinh thành Huế chưa ăn Tết, chúng tôi đã rỉ rả cúp hạt dưa, nhai kẹo Hòa Lan, Phú Lang Sa....
Lúc này là mặt mạnh của các anh giỏi đàn hát, lúc ăn chơi hát xướng mà chỉ có thầy giáo trẻ chịu chơi, không có nữ sinh, ai bảo rằng thế giới không có đàn bà kém vui. Vũ Khắc Lục có tài hát bội, Phan Quật có tài kể chuyện xưa.
Phan Quật là một sinh viên học giỏi, học muộn nay là một lương sư nổi tiếng ở Huế. Người dám quả quyết thang thuốc của vua Minh Mạng “Lục giao sinh ngủ từ” chính là Thang Bát Trân Gia Cố Cao Hổ Cốt, mà có dịp nhà Huế Học Phan Thuận An, trong một bài báo đã đề cập đến. Thì ra, người giỏi đã giỏi khi còn trên ghế nhà trường, giỏi "cái đó” nên sau này anh chú tâm nghiên cứu thành công các thang thuốc bổ dương, bổ âm...
*
* *
Dọc hai bên đường, đến cửa Hiền Nhơn, hai hàng phượng vĩ đã nở hoa, Viện Hán Học lại một lần thiên đô, không trách chi tôi thích nhất trang sử “lang thang” Hébreux. Viện Hán Học và Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật hoán đổi cơ ngơi. Sinh viên vốn ở Đại học xá Nam Giao, cư xá Lê Trọng Quát, cư xá Huỳnh Thúc Kháng... thì không có gì xáo trộn. Một số đông ăn ở lại tại dãy lính bảo vệ hoàn thành như Nguyễn Văn Đức, Trương Việt Hân, Chung Văn Nam, Lê Văn Bảy, Huỳnh Trường Hải v.v... được chuyển lên lần 3 của nhà Viễn Đệ (Nằm ở đường Phan Đình Phùng, gần chân cầu Bến Ngự).
Riêng tôi về “đăng ký tạm trú” nhà anh Lâu, tài xế riêng của thầy Võ Như Nguyện. Nhà nằm bên góc trái, sát Nam Đài. Từ nhà đến nơi học mới, phải qua cầu Bạch Hổ và Dã Viên, đi đi về về 3 năm. Ba năm này với những biến cố của lịch sử đất nước, ảnh hưởng lớn lao và sâu sắc đến sự tồn vong của Viện Hán Học.
(1) Quốc Tử Giám Huế đầu tiên được đặt ở làng Long Hồ, khởi đầu mang tên Quốc Học Đường, đầu năm 1820 đổi thành Quốc Tử Giám. Đầu năm 1908, Quốc Tử Giám di chuyển vào địa điểm mới bên trong kinh thành, nơi hiện nay là Bảo tàng Lịch sử, Cách mạng Thừa Thiên Huế. Di Luân Đường là Hội Trường Quốc Tử Giám, được xây và mở rộng hoàn tất năm 1921. Năm 1908, khi Quốc Tử Giám di chuyển từ làng Long Hồ về trong kinh thành, ngôi nhà Di Luân này cũng được đi di chuyển theo.
(2) Phạm Liễu (sinh năm 1930) đã mất. Anh Nguyễn Phong (sinh năm 1931), nay còn sống, định cư ở Texes Hoa Kỳ. Ngô Văn Lại (sinh năm 1931) ở Đà Nẵng. Huỳnh Quang Vinh (sinh năm 1931), Lê Ngọc Bích (sinh năm 1933), ở thành phố Hồ Chí Minh.
(3) Tập vở thường dùng, tốt nhất bấy giờ hiệu Tennis, Cyclo máy, khổ giấy rộng và trắng tinh. Học sinh trung học và sinh viên thời đó thường dùng loại vở này gần hai thập kỷ (1950 - 1965).
(4) Khổng Tử khi thì ở nước Lỗ, khi thì ở nước Trần, nói lên phần nào sự nghiệp lao lao của Khổng Tử, không được các vua tin dùng thời Xuân Thu Chiến Quốc.
(5) Nhan Uyên là học trò giỏi thứ nhất của Khổng Tử, trong số 72 người (thất thập nhị hiền) suất sắc. Trước đây có thờ ở Văn Thánh (xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
(6) Nhà thơ thời Đường, được gọi là Thi Trung Hữu Hoạ (trong thơ có vẽ), Kim Dung khen nhiều lần trong các tác phẩm kiếm hiệp của ông.
(7) Được phát hành đầu năm 1961, đón mùa xuân Nhâm Sửu.
(8) Trong viện có hai câu vè:
Thị lài, Hồng Hạnh, kim Chi
Thuận AN, Tiên Phước nhu mì như nhau.
Câu trên chỉ có ba chị học khoá I (1959 - 1964), hai chị câu hai học khoá II (1960 - 1965).
(9) Chị có cô con gái là diễn viên chính trong phim Mùi Đu Đủ Xanh, phim Việt Pháp, xếp loại khá.
(10) Huỳnh Quang Vinh, tác giả tập thơ Đường, Hoa Ngàn, Nxb. Văn Hóa 2006.
(11) Viết đến nay chúng tôi nhớ đến thầy Bửu Kế, giáo sư giảng dạy môn “Lịch sử các nghi lễ triều Nguyễn” của Viện Hán Học, để lại cho đời những tác phẩm cần thiết, trong đó có tập truyện ngắn Nếp Nhà rất thú vị, nói lên “nếp nhà xứ Huế, một thời vang bóng” rất cần thiết cho việc “tu bổ” tâm hồn người Huế, nói riêng, người Việt, nói chung, qua nhiều thời kỳ khác nhau.
(12) Soạn giả 2 bộ tự điển lớn: Tự Điển Vần Bằng và Tự Điển Vần Trắc, 2006, Nxb. Văn Hoá.
(13) . Có luận cứ cho rằng: Vào cuối năm Canh Tý (1900), vì quá tin bạn, một cậu Ấm Thuần, người cờ bạc bị thua to, nhờ Tú Xương đứng tên bầu chủ, viết giấy nợ thay (bảo kê), đến hạn không trả được, Tú Xương mất nhà, nhà số 247 Phố Hàng Nâu, gia đình ly tán
(14) Tòa nhà thứ hai, sau Di Luân Đường, mà Viện Hán Học dời đến thường gọi là “Nội Vụ Phủ” là một cơ sở đã có từ lâu. Thời Gia Long, tại địa điểm này, cho xây dựng tòa Hoàng Nhân. Sau khi Gia Long mất, vua Minh Mạng đã cho quàn tử cung Gia Long tại đây. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), tòa này đổi thành miếu Phụng Tiên để thờ tiên đế. Năm Minh Mạng thứ 18, miếu Phụng Tiên được dời đến chỗ Điện Phụng Tiên hiện nay.
Trên nền đất cũ đó, Minh Mạng cho xây dựng Nội Vụ Phủ, tức Nội Đồ Gia trong Tử Cấm Thành trước đây. Thời Thành Thái cho xây dựng lại (bê tông hóa) Nội Vụ Phủ mà hình dáng, kích thước xây dựng còn tồn tại cho đến ngày nay. Trong thời Bảo Đại công trình này trở thành Tuần Binh Vệ, nơi làm việc của một vệ lính tuần binh, thường gọi là lính khổ vàng. Sau năm 1949, đây là Tổng hành dinh Đệ Nhị Quân khu, và ông tư lệnh đầu tiên (?) là đại tá Trần Văn Xương. Năm 1961, trở thành Viện Hán Học, thuộc Viện Đại học Huế. Năm 1962, là trụ sở của trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét