Nguyễn Đăng Vận
Khóa 1959 - 1960 tôi học lớp đệ lục trường Hàm Nghi thì thấy có một lớp ngồi ở trong nhà thờ Khổng Tử mà thầy giáo là những cụ đồ khăn đóng áo the. Ngôi nhà cột gỗ bóng láng nằm ngay giữa khuôn viên trường tôi. Tôi hay đến gí mũi vào cửa kính nhìn vào trong chứ không giám bước chân vào để xoa tay lên những cái cột để nhìn rõ mặt người. Năm sau thì cái lớp ngồi "ghế sinh viên" dời đi chổ khác. Tôi cứ nghĩ nơi thờ tự linh thiêng thì không thể vào ngồi trong đó được lại có cả con gái nữa chứ! Mãi sau này tôi mới biết trường Hàm Nghi là Quốc Tử Giám dưới Triều Nguyễn và cái nhà rường đó là Di Luân Đường còn lớp sinh viên Hán Học dời vào Đại Nội.
Tốt nghiệp Trung Học Đệ Nhất Cấp, tôi nạp đơn thi vào Viện Hán Học. Học ở đây nếu được học bỗng toàn phần thì mỗi tháng có 450đ. Lúc bấy giờ, mỗi học sinh từ nhà quê lên trọ học có thể đủ trả tiền cơm, hơn nữa sau 5 năm học, tốt nghiệp sẽ được bổ nhiệm làm Chuyên Viên Khảo Cổ, nhân viên tòa Lãnh Sự Đông Nam Á hay Giáo Sư Trung H0ọc Đệ Nhất Cấp môn Việt Văn. Tôi hăm hở đi thi.
Năm học 1962- 1963 tôi vào năm I khóa IV Viện Hán Học bây giờ đã dời qua nơi mới trên đường Phan Đình Phùng gần cầu Bến Ngự. Tôi học được 3 năm thì trường bị giải tán. Lớp tôi thi đỗ vào năm I trường đại học Sư Phạm Huế (Hồng) đa số đưa vào học năm I trường Sư Phạm Quy Nhơn. Một số ít bỏ không vào Qui Nhơn (Hảo đi bán vé máy bay, Chính về quê ở Bình Dương, Thơ, Minh Hoàng, Thúy Vy, Minh Hương (đi lấy chồng), Sử, Kim vào Quảng Nam Đà Nẵng (không biết làm gì), Thuận, Hương, Thú (làm giáo viên), Bửu, Minh Hoàng vào Sài Gòn, Cốc, Nhàn tuy ở trong Nam nhưng cũng ra Quy Nhơn học cấp bổ túc.
Ba năm chúng tôi đã học với quý thầy Võ Như Nguyện (Giám Đốc), thầy Phan Văn Vật (Giám Học), thầy Nguyễn Văn Dương, Linh Mục Nguyễn Văn Thích, thầy Nguyễn Duy Bột, thầy Châu Văn Liệu, thầy Nguyễn Doãn Thám, thầy Nguyễn Văn Trọng, thầy Nguyễn Hữu Châu Phan...
Thầy Nguyện dạy chữ Hán trong sách Hán Văn Tự Học của Nguyễn Văn Ba và dạy Luận Ngữ. Mỗi giờ chỉ dạy một hai "Tử Viết" nên chúng tôi chỉ "cỡi ngựa xem hoa," phần lớn phải về nhà đọc “Khổng Học Đăng.”
Cha Thích viết rất nhanh và rất đẹp “hoa tay thảo những nét như phượng múa rồng bay,” mỗi chữ thảo của Cha là một bức tranh. Thơ cha dạy kèm nhạc do Cha phổ như: “Xuân du phương thảo địa, Hạ thưởng lục hà tri...” nên rất dễ thuộc.
Thầy Bột viết chân phương chữ rất rõ nét đậm nhạt nhìn rất dễ nhớ. Thầy chỉ viết được 2/3 phần bảng mặc dù đã có bục cao. Những bài thơ Đường bất hủ được thầy giảng rất hay cùng giai thoại hấp dẫn: Hoàng Hạc Lâu (Thôi Hiệu), Phong Kiều Dạ Bạc (Trương Kế)...
Thầy Liệu thì khi nào cũng khăn đóng áo the, lúc nào cũng rút trong “kho nhớ” những câu, những bài thơ của các nhân vật lịch sử của Việt Nam để dạy chúng tôi: “Đoạt sáo Chương Dương Độ, cầm hồ Hàm Tử Quan”của Trần Quang Khải, Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư (Lý Thường Kiệt)...
Thầy Dật dạy Văn Học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 phong trào thơ mới, đặc biệt thầy dạy lịch sử kinh thành Huế. Chính nhờ giáo trình này và Thư Viện của thầy mà sau này nhiều môn đệ trở thành Nhà Nghiên Cứu, Nhà Huế Học nổi tiếng. Thầy còn dạy thêm tại nhà chương trình Việt Văn để thi Tú Tài không lấy học phí, phần đông là những người đẹp đến học.
Thầy Dương dạy Văn Học từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX. Mỗi giờ thầy dạy chúng tôi chép mỏi cả tay. Đặc biệt thầy cho chúng tôi tóm lược bộ Văn Học Sử Việt Nam của Dương Quảng Hàm và Phạm Thế Ngũ cả mấy tháng trời, cũng nhờ thế mà sau này đi dạy chúng tôi tra cứu dễ dàng các tác giả, tác phẩm.
Có mấy giáo sư trẻ vừa tốt nghiệp trường Đại Học Sư Phạm được bổ nhiệm về dạy ở Viện Hán Học: người cao lêu nghêu, lúc nào cũng complet cravate nghiêm chỉnh “tay xách nách mang” tập tài liệu dầy cộm, trong giờ địa lý thầy thao thao bất tuyệt thỉnh thoảng lật tập tài liệu tham khảo đọc rồi dịch từng đoạn liên quan đến bài dạy làm chúng tôi phục lắm. Giáo sư dạy triết Đông Phương nói năng nhỏ nhẹ như một thầy dòng với những chiếc foches trong tay nào là “hữu vi vô vi, ngựa trắng không phải là ngựa trắng là ngựa trắng”. Giáo sư dạy Anh Văn, tôi không học môn này nhưng vẫn có ấn tượng đặc biệt vì giáo sư này là người chiến thắng vẽ vang trong cuộc chạy đua giữa 3 vị giáo sư để chinh phục trái tim của hoa khôi lớp tôi, chưa kể nhiều đàn anh lớp trên đều chào thua và lặng lẽ rút lui.
Khóa IV của chúng tôi có “40 sinh viên và 3 dự khuyết” rồi sau cũng được trường cho học chính thức, từ lúc vào cho đến khi giải tán không ai bỏ giữa chừng. Trong lớp thầy trò, bạn bè lúc nào cũng vui vẻ. Các cụ coi chúng tôi như con cháu ân cần dạy chữ, dạy lễ nghĩa chưa bao giờ có một lời nào trách mắng chỉ trừ cô dạy Pháp Văn (cô Trang) một lần cô hỏi Panama ở đâu, ai vẽ được Châu Mỹ. Cả lớp không ai biết, cô nhiếc mắng nặng lời. Cô ở Pháp về đi xe hơi thật kiêu sa, coi chúng tôi như rơm rác. Tình cảm của các thầy khuyến khích chúng tôi rất nhiều.
Chúng tôi cả nam nữ đều rất chân tình thân mật, đùa nhau những câu ngộ nghĩnh vui vẻ. Có lần Cha Thích gọi một bạn lên bảng viết hai chử "trung nghĩa", dưới lớp có bạn nào nhắc thêm dòng vào chữ giữa, cả lớp cười ồ.
Mới vào năm thứ nhất nhưng có những nhóm rất thân nhau như Diệp, Vận, Hịch, Chính, Qui, Xê, Thơ, Minh Hương, Thúy Vy, Minh Hoàng, Hương, Thú, Em... Đặc biệt có mấy cặp rất tình như Bửu - Hoàng, Quí -Hương ...
Tình thầy trò, tình bạn bè dưới “mái trường khiêm tốn Viện Hán học” đối với tôi rất đẹp, không thể nào quên, nhớ lại tôi vô cùng bồi hội xúc động.
Sau 50 năm kể từ ngày thành lập, bây giờ phần nhiều các cụ túc nho uyên thâm tri thức không còn nữa, ngay cả sinh viên chúng tôi nhiều người cũng đã mất, những người may mắn hơn cũng đã trên cái tuổi thất thập.
Vì hoàn cảnh lịch sử, người mẹ “Hán Học” của chúng tôi chỉ sinh được 6 đàn con nhưng chỉ nuôi dạy được hai đàn con đầu trọn vẹn. Ai nấy đều trở thành hữu dụng từ trước đến nay, có người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực như: Vương Hữu Lễ, Phan Thuận An, Phan Quật, Hoàng Xuân Minh, Lý Văn Nghiên, Lê Sùng... Những đứa con còn lại khi mẹ mất cũng được “bà con dòng họ” cưu mang dạy dỗ thành cô giáo, thầy giáo.
Năm năm tồn tại nơi đất Thần Kinh là quảng thời gian quá ngắn ngủi, rất đáng tiếc cho chúng tôi và những người có tâm huyết với văn học Hán Nôm của dân tộc đã xây dựng nên.
Chúng tôi đa số đã không đi hết thời gian đào tạo và cũng đã mai một vốn từ đã học nhưng rất tự hào là cựu sinh viên Hán Học. Ngày nay các trường Đại Học, Sư Phạm, Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn đều có bộ môn Hán Nôm. Ở Thủ Đô Hà Nội có cả Viện Nghiên Cứu Hán Nôm nữa!
Những dòng tản mạn “50 năm Viện Hán Học Huế: Ký Ức và Hoài Niệm” này là nén tâm hương gửi đến qúy thầy và các anh chị, các bạn đã hết lòng biết ơn đối với qúy thầy và là lời chào mừng thăm hỏi thân ái đến các đồng môn về họp mặt.
(Trích Đặc San Ký Ức và Hoài Niệm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét