Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Chút Nhớ Chút Quên - Hồ Đăng Kế

           Chút Nhớ Chút Quên

                          Hồ Đăng Kế


Từ giã trường Quốc Học và trở thành Sinh viên Viện Hán Học Huế, ngay trong buổi đầu tiên chúng tôi đã được LM Nguyễn Văn Thích dạy viết họ tên của mình vào vở. Lần lượt Cha gọi tên từng Sinh viên rồi viết chữ Hán lên bảng, giải thích nghĩa và chúng tôi chép vào vở.  Phải gọi là vẽ thì đúng hơn, vì ngoại trừ một số ít đã có học trước, hoặc gốc người Hoa, còn lại đa số chúng tôi đều mù tịt trước chữ nghĩa Thánh Hiền.

Đến những buổi học sau, chúng tôi bắt đầu biết nghịch. Có lẽ vì các Thầy, mà đa số là các cụ, đều rất hiền. Ở tuổi nghỉ hưu nhưng được mời dạy một số giờ ở Đại Học, nên các cụ xem chúng tôi như là con cháu.  Ôi thân thương biết bao!

Trò đầu tiên mà tôi thực hiện là tô đen móng chân các nữ sinh viên.

Trong giờ tập viết chữ Hán bằng bút lông, chúng tôi đã lấy bút lông chấm vào mực xạ, rồi sau đó bò, nép dưới ghế cá nhân của nữ sinh viên (loại ghế mà mặt bàn che kín bụng và chân, quay ra để bước ra bước vào, và quay vào bàn là viết). Tôi dùng bút lông tô đen móng chân của các cô. Vì phần móng không có cảm giác và bút lông tô vào rất nhẹ nên các cô không hay biết gì hết. Cuối cùng các cô phải đi rửa, kỳ cọ móng chân và chửi thầm... thằng nào đã bày trò.

Nói đến tập viết bút lông, khởi đầu Thầy Võ Như Nguyện đã cho chúng tôi tập đồ những chữ cỡ lớn, rồi tập viết các nét sổ, quyết, móc, mũi mác... sau đó mới viết chữ từ to đến nhỏ dần. Ôi, cả một quá trình khổ luyện phải không các bạn. Những cũng từ đó mà chữ viết chúng tôi ngày một khá hơn, để đến hôm nay tuy chữ nghĩa đã trả lại cho các Thầy và quên sạch sành sanh, nhưng được cái chữ viết vẫn còn ngon lành; và những ai mới học chữ Hán cũng tưởng chúng tôi giỏi lắm.

Trò thứ hai, lấy kéo cắt đầu bút lông của các bạn viết chữ đẹp. Sau mỗi giờ học, chuông đổ và chúng tôi được nghỉ 5 phút để ra khỏi lớp nghỉ ngơi, trước khi bắt đầu giờ học tiếp theo. Với khoảng thời gian đó đủ để tôi thực hiện, và chắc các bạn cũng tiên đoán hậu quả mà tôi phải gánh chịu sau khi các bạn biết tôi là thủ phạm.

Gần 50 năm trôi qua, biết bao là kỷ niệm. Nhớ cũng nhiều và quên cũng lắm, chỉ biết là hết năm học 1964-1965 trường phải giải tán. Trước đây, khi thành lập Trường không thông qua Bộ Giáo Dục, mà do sự chỉ đạo của Phủ Tổng Thống, lệnh cho LM Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại học Huế thi hành. Do đó khi các vị lãnh đạo ấy ra đi, thì Bộ chẳng thèm ngó ngàng tới. Bằng chứng là khoá 1 ra trường rồi mà không được bổ dụng, nên anh em sinh viên đã cử một Ban Đại diện vào làm việc với Bộ. Kết quả: Trường giải tán, và chúng tôi như bầy chim vỡ tổ, tan tác bay, mỗi người một phương, mỗi công việc. Cụ thể chỉ có khoá 1 và 2 được bổ dụng làm Giáo sư Đệ Nhất Cấp, khoá 3 chuyển vào năm thứ 2 Sư phạm Quy Nhơn, còn các khoá 4, 5 và 6 (khoá quy chế mới, có Tú tài 2) đều chuyển vào năm thứ nhất SPQN. Ngoại trừ một số thi đỗ vào Đại học SP hay các ngành nghề khác, đa số đều vào SP Quy Nhơn để trở thành giáo viên Tiểu học ngạch Giáo học.

Đến cuối năm 1973, chúng tôi mới có dịp gặp nhau tại hội Quảng Tri đường Huỳnh Thúc Kháng Huế. Đa số các Thầy và các cựu sinh viên còn ở Huế đều về dự đông đủ.  Đấy là buổi liên hoan sau 8 năm xa cách. Các Thầy đã hỏi han công việc, học hành của từng sinh viên, và chúng tôi cũng đã tường trình cho các Thầy công việc của từng người cũng như kết quả học tập của một số sinh viên. 
Cụ thể: Tốt nghiệp Cao học Văn chương: Anh Vương Hữu Lễ

Cao học sử: Anh Phan Thuận An, anh Nguyễn Đức Cung

Cử nhân Sử học: Anh Hoàng Xuân Minh

Cử nhân văn chương: Anh Lê Sùng, anh Võ Ngọc Dưỡng, chị Trần Thị Nguyệt

Cử nhân Triết học: Anh Hồ Đăng Kế

Cử nhân Xã hội học: Chị Trần Thị Thúy Vy ...

(Còn nhiều nữa mà nay tôi không nhớ hết). Buổi gặp ấy cũng là lần cuối cùng và may mắn cho những ai được tham dự để rồi từ đó đến nay... kẻ chân trời người góc bể.

Có điều chỉ với ngần ấy thời gian, cùng nhau học tập, chơi đùa dưới mái trường thân thương, lũ chúng tôi đã có những gắn bó tình cảm mà có lẽ không một trường nào có được. Những khuôn mặt cùng lớp hay khác lớp đều rất dễ thương, chưa bao giờ có sự cãi vả, hay phân chia bè nhóm như những khoa khác. Tất cả đều chung vui dưới đại gia đình Hán Học Huế.

Còn nhớ những ngày đầu xuân 63 cùng Bửu, Chính, Giảm, Khai, Bảy (Những sinh viên ở miền Nam ra) kéo nhau lên vườn của Nguyễn Mạnh Quy, ở gần Chín Hầm để du xuân, hay cùng nhóm Bùi Quang Xuân, Hỷ, Vận, Xê, Quy, Minh Hoàng, Minh Hương, Thuý Vy, Thơ... đi chơi lăng Tự Đức, chùa Hồng Ân, và lần đó tôi đã khóc khi bắt gặp cảnh một cô gái đang làm lễ xuống tóc tại chùa này.

Lại có những chiều trốn học, thuê thuyền ở gần cầu Bến Ngự chèo ra sông Hương với Dương Sứ, Hồ Văn Xê... rồi cùng Phan Cảnh Lãng, Đoàn Văn Sảng phóng xe đi ngắm các nữ sinh tan học về.  Ôi, sao mà lắm kỷ niệm thế.

Thế rồi mãi đến sau năm 1985 chúng tôi, những sinh viên còn lại ở Huế đã có những gặp mặt nho nhỏ, mà điểm hẹn là nhà anh Phan Thuận An, khi thì rủ nhau đi thăm mộ cha Thích, Thầy Phan Văn Dật, khi thì thăm viếng tứ thân phụ mẫu của các anh chị đồng môn qua đời tại Huế, hay những lần gặp mặt để đón các Thầy và các bạn ở phương xa về thăm quê. “Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ!”  Để rồi cùng nhau nhắc nhở bao kỷ niệm về các Thầy, các bạn, điểm danh kẻ mất người còn.

Thú vị biết bao khi kể về Thầy Võ Như Nguyện... về những lần hội họp, liên hoan ở nhà Thầy (gần cầu Bao Vinh) mà chúng tôi ở đó không còn là sinh viên của quý Thầy, tất cả giống như con cháu về sum họp với ông cha, tha hồ chơi đùa thoả thích. Rồi lại kể về chuyện tập hát của cha Thích, chuyện dịch thơ Đường sang tiếng Việt của cụ Hà Ngại, chuyện cụ Bột kể về cụ không đỗ được Cử Nhân vì mãi lều chỏng đi thi thế cho người khác, còn mình thi đỗ Tú Tài là được rồi... Chúng tôi giành nhau mà kể trong những lần họp mặt như vậy nên vui vô cùng.

Riêng về Thầy Nguyễn Văn Dương, tôi nhớ mãi kỷ niệm ở Đại Học Văn Khoa, mà sau này tôi đã có dịp kể lại với Thầy trong lần gặp mặt ở nhà Phan Thuận An.  Vốn là hồi ấy Thầy vừa dạy ở Viện Hán Học và vừa dạy ở Đại Học Văn Khoa nữa. Ở Hán Học Thầy không có giờ dạy lớp tôi, nên không biết mặt và biết tên học trò... Vì vậy khi học ở Văn Khoa năm Dự Bị, tôi được học với Thầy ở môn Hán Văn Nhập Môn.  Còn nhớ lúc thi môn Thầy, Thầy quy định sinh viên nào nộp bài trước ở các thời điểm 30 phút, hay 45 phút thì được điểm cao, thay vì thời gian thi là 1 giờ. Trong lúc các sinh viên khác loay hoay "vẽ" chữ Hán và chữ Triện, thì tôi (xuất thân dân Hán Học) đã xuất sắc lên nộp đầu tiên trong 30 phút đầu. Thầy xem lướt qua và bảo khá lắm, còn tôi thì tự hào: "thưa Thầy em là dân Hán Học Viện mà."  Sau đó tôi đã chuyền giấy nháp cho cô sinh viên bên cạnh, nhưng cô ta vẽ mãi mà không kịp giờ nên đã hỏng kỳ thi đó.

Một chuyện vui nữa là gặp Thầy Phạm Liễu ở năm thứ hai Văn Khoa Triết. Thầy dạy môn Hán Văn. (Hồi ấy ban Triết chúng tôi phải học cả 4 môn Pháp, Anh, La Tinh và Hán văn) Thầy cũng không biết tôi là sinh viên Viện Hán Học, vì Thầy học lớp trên và sau đó đỗ Cao Học Văn Chương, vừa dạy ở Đồng Khánh và phụ trách môn Hán Văn cùng với Cha Thích ở Đại Học Văn Khoa. Thầy đã rất ngạc nhiên về tôi, vì so với các sinh viên khác đang ngồi "vẽ" chữ, thì tôi đã viết xong từ lâu và chữ lại đẹp nữa. Hỏi han một lúc, Thầy bảo: Anh em mình là đồng môn rồi, và tập thơ Đường của Thầy dịch, phần Hán Văn là do tôi chép để gửi nhà xuất bản. Hồi ấy Thầy vẫn còn độc thân, ở đường Đinh Bộ Lĩnh gần trường Nguyễn Huệ bây giờ. Đầu năm học 72-73 Thầy đổi vào Trung Tâm Học Liệu cùng với Thầy Nguyễn Hữu Châu Phan ở đường Trần Bình Trọng Sài Gòn.  Sau 1975 tôi còn gặp lại Thầy và vợ mới cưới (còn rất trẻ) ngồi bán thuốc lá vấn ở chợ An Đông năm 1981, và nghe đâu Thầy đã qua đời sau đó vài năm.

Và cứ thế, bao đổi thay, bao thăng trầm cũng không lấy mất những kỷ niệm của chúng tôi, những kỷ niệm về một ngôi trường nho nhỏ, về những Thầy... (à, mà trường chúng ta không có cô giáo nào cả, chỉ độc nhất cô Anne người Mỹ dạy Anh văn ở lớp tôi), về những anh em mà đặc biệt với tôi trong những ngày ở Nam Cali năm 08, đã được các anh chị đón tiếp, chiêu đãi thật cảm động. Mới ngày nào... bây giờ ai cũng tóc bạc cả, nào Vợ chồng chị Hồng Phi, chị Cam, chị Phụng, vợ chồng anh Bữu, vợ chồng chị Mộng Lan, anh Sỹ, anh Tưởng, anh Lãng... tất cả đều dành cho tôi những tình cảm thân thương mà có lẽ không bao giờ tôi quên được. Chỉ biết viết lên đôi dòng cảm tạ các anh chị và hẹn ngày... biết bao giờ gặp lại.




Tất cả sẽ trở thành kỷ niệm, và hạnh phúc thay những ai còn kỷ niệm, dù vui dù buồn. Kỷ niệm chính là hạnh phúc vì không ai có thể dùng tiền bạc hay quyền lực để xoá mất kỷ niệm của mình, nên nó trường tồn. Dù cái trường tồn cũng chỉ là trò chơi (lilà) trong thế giới huyễn hoá (maya) không thật này, nói theo Triết học Ấn Độ phải không các bạn?

Cuối cùng xin mượn lời của nhạc sĩ Phạm Duy trong bài Kỷ niệm để gửi đến mọi người.

“Xin đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau

HĐK   

Không có nhận xét nào: