Một Phiếu Báo Danh
Phạm Văn Minh
Phạm Văn Minh
Đã từ lâu
gác bút. Nói như vậy không có nghĩa không viết nữa. Thực ra có viết chứ: viết
thư cho người thân, bạn bè ở xa, viết đơn xin, viết đơn thưa, khiếu nại v.v…
nhưng viết văn làm thơ thì không hề vì chả có cảm xúc gì. Tư tưởng tình cảm về
người và cảnh vật dồi dào nhưng nếu diễn tả ra thì không hợp thời, hợp thế… nên
đành thôi. Còn nhớ khi còn học ở Hán Học có thể nói là xuất khẩu thành văn, thành
thi. Bất kể hoàn cảnh nào như giờ học thầy nọ, thầy kia, như khi lãnh học bổng,
như lúc bầu cử Tổng Hội Sinh Viên, như thương thầm cô nọ cô kia… đều là nguồn
cảm hứng của thi ca. Thế mà bây giờ, bút tà rồi, chẳng biết viết gì… để lại cho
con cháu.
Tình cờ lục chồng thư cũ, ảnh cũ để
nhớ lại kỉ niệm xưa. Không biết các bạn sao chứ quá khứ - quá khứ buồn đau, quá
khứ hạnh phúc đều khắc sâu trong trí nhớ tôi, hơn cả hiện tại. Người ta nói trẻ
nhìn về tương lai, già thì nhớ về quá khứ, quả là đúng. Trong chồng thư, ảnh cũ
hiện ra một Phiếu Báo Danh. Theo thời gian (48 năm) giấy có ngã vàng đi nhưng
chữ đánh máy và viết tay còn rất rõ. Tôi đọc đi đọc lại bao nhiêu lần mà không
chán mặc dầu tôi đã biết nội dung của nó.
Thế là quá khứ đã tái hiện như
một cuốn phim quay chậm. Hôm ấy, Sài Gòn vào mùa mưa, trời mưa to khoảng một
tiếng đồng hồ, người và xe ghé vào hai bên đường tránh mưa. Trời tạnh, mặt đường
chẳng mấy chốc khô ráo, cái nóng lại tiếp tục, tôi đạp xe lên Bộ Quốc Gia Giáo Dục ở đường Lê Thánh Tôn để xem thể lệ dự thi. Tôi được biết đây là kì thi nhập học Viện Hán
Học lần 2, môn thi có Việt văn - Anh (hoặc Pháp) - Hán văn. Tôi đánh liều về
chuẩn bị hồ sơ để chờ ngày ứng thi. Nói thật, tôi học ban Toán nên Việt Văn và
Sinh Ngữ chỉ làng nhàng nên tôi nói liều là vậy. Đọc quyền lợi sau khi tốt
nghiệp, nào là làm giáo sư Việt Văn, nào là làm Tùy Viên Văn Hoá các toà Đại Sứ ở Đông
Nam Á, nào là làm việc tại Viện Khảo Cổ. Tôi mê nhất là xuất ngoại nên cũng cố
gắng về nhà học lại Việt Văn, Anh Văn. Đậu Tú Tài tôi có nhiều cơ hội thi vào
nhiều trường ở Sài Gòn lắm chứ nhưng sao tôi phải thi ra Huế học. Có phải là số
phận run rủi hay không tôi không biết nữa nhưng chắc chắn là tôi muốn... xa gia
đình để sống tự lập.
Tôi biết mù mờ về Huế, đại để
biết Huế có sông Hương núi Ngự, có đền đài, lăng tẩm nhưng nó như thế nào thì
chưa tưởng tượng nổi. Lại tình cờ, tôi có ông cậu quen với một ni cô ở phường Tây
Lộc. Cô có tặng cho tôi những tấm ảnh về Huế. Cậu cho tôi xem, tôi khớp hồn vì
phong cảnh đẹp của Huế. Tôi mơ màng nghĩ về Huế nhưng nghĩ tới ngày phải xa nhà
đi Huế, tôi không cầm được nước mắt vì nhớ cha mẹ, em út. Từ nhỏ, tôi đây ít khi
xa nhà, tôi chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn, với chiếc xe đạp, tôi đi khắp thành phố.
Thế mà các tỉnh quanh đây tôi chưa từng đặt chân hay chưa có dịp qua lại. Tôi
nghĩ các tỉnh và cả Huế xa lắm. Có lần tôi cùng bạn bè đi nghỉ hè Nha Trang. Tôi
chuẩn bị hàng lí như đi Tây, đi Mỹ. Ở được vài ngày tôi nhớ nhà quá và viết thư
về nhà. Đến khi du ngoạn trở về thì cha mẹ tôi cũng vừa nhận được thư tôi.
Việc đến phải đến, đến hẹn lại lên,
tôi chuẩn bị hồ sơ để nộp. Hồ sơ hợp lệ, tôi về chờ ngày lãnh Phiếu Báo Danh để
chuẩn bị dự thi. Lúc này, nói thật, tâm trí tôi rối bời nửa muốn thi, nửa muốn
thôi. Cha mẹ tôi thúc giục, động viên tôi mới xiêu lòng và đi lấy Phiếu Báo Danh để đi thi. Ngày 8.8.1960 tôi đi thật sớm để đến trường Võ Trường Toản gần sở thú
trước giờ qui định. Ngôi trường cổ kính mang tên một danh sư miền Nam, giáp Nha
Trang học và nữ trung học Trưng Vương. Trường chỉ nhận nam sinh nên nghe nói có
một lần học sinh xin đổi tên trường là Thi Sách (chồng của Trưng Trắc).
Vào trường thi tôi chẳng quen
biết một ai nên không nói chuyện với ai cả, âm thầm làm bài rồi ra về một mình.
Thi môn đầu tiên là Việt Văn. Đề tài quen thuộc ở lớp Đệ Tứ và Đệ Nhị, tôi đã
học và thuộc nhiều thơ văn của tác giả là Phan Bội Châu. Tựa đề là “Bình giải
hai câu thơ của Phan Bội Châu:
Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai”
Đề luân lý: “Bình luận: dân gian
ta có câu:
Đầu ghềnh có con ba ba
Kẻ kêu con chạnh người la
con rùa.
Em hiểu câu ca dao thế nào?
Thú thực từ trước tới nay tôi không làm đề luân lí.
Thứ nhất là hay hiểu sai đề; ít thơ ca chứng minh. Thứ hai Thầy tôi khuyên làm đề
luân lí ít điểm lắm vì giám khảo cho mình lười không học thơ văn tác giả. Lại
nữa nghe từ “chạnh” tôi chẳng hiểu gì nên dứt khoát chọn đề văn chương.
Buổi chiều thi Anh Văn, đề bắt dịch sang Việt Văn một đoạn
trong “Guilliver’s travelling” tôi làm khá nhưng cũng không quan tâm lắm về đậu
rớt. Tôi chỉ vẽ cho hai bạn gần tôi, NVM và Nguyễn Thị Sen nhưng kết quả hai
bạn đều đậu dự khuyết.
Chờ đợi thời gian, lên Bộ Giáo Dục xem kết quả, tôi đậu
nhưng không cao lắm. Tôi quyết định ra Huế. Cuộc chia tay gia đình đầy lưu
luyến. Cha mẹ và chị em tôi ra ga tiễn tôi. Tôi bùi ngùi, nước mắt trào ra lúc
nào không biết. Tôi thấy mẹ tôi lau nước mắt, còn chị em tôi vẫy tay đến khi
khuất bóng mới thôi. Tàu khởi hành 5 giờ chiều, đến Nha Trang 12 giờ đêm và tới
Huế 19 giờ ngày hôm sau. Ra đến ga Huế đón tôi có bạn của bố tôi, tùng sự tại Ty
Bưu Điện Huế. Tôi theo ông về nhà thuê ở đường Trương Định. Tôi buồn dạt dào
nhớ nhà và lo lắng cho công việc ăn ở học hành của mình trong những ngày tới. Tôi,
cả đêm không ngủ, chờ sáng để đến trường.
Tôi nhớ trong thông báo Bộ Giáo Dục có
ghi: Trường ở đường Tống Duy Tân trong khuôn viên trường Trung học Hàm Nghi. Cứ
thế tôi tìm đến để trình diện. Người đầu tiên tôi gặp là Thầy Dật. Thầy niềm nở
đón chúng tôi, chỉ dẫn nơi ăn chốn ở gần trường và dặn ngày Thứ Hai ăn mặc đồng
phục quần áo trắng để chào cờ cùng học sinh Hàm Nghi. Đến đây tôi gặp các bạn ở
Sài Gòn ra như Hoạt - Huề - Sự - Võ Ái Quốc - Đức - Cam - Phi - Sương. Không còn
e dè chúng tôi làm quen rất nhanh và thân nhau như tự bao giờ. Chúng tôi gọi tên
là “Hội Sài Gòn” và họp mặt nhau tại nhà ga Huế ( người nhà bạn Quốc).
(Ngày Khai Giảng Niên Khóa 1960-1961 tại Di Luân Đường)
Sau khi chúng tôi ổn định chỗ ở và bắt đầu học các
môn. Mỗi môn đều có cái hay của nó. Mỗi Thầy đều có cách truyền đạt khác nhau
nhưng tôi không nghe được nên ghi chép có cái đúng cái sai vì quí Thầy - đa số
nói giọng Huế tôi chưa nghe quen, như Thầy Bột nói “Nho gia” thành “Do da”;
Thầy Kế nói worm là con trùn; tôi hiểu là côn trùng (insect) nên dịch sai. Còn
nhiều nữa và cả tháng sau tôi mới quen. Thầy Vogle nói rành tiếng Việt nên dạy
Anh Văn thực hành không kết quả mấy vì sinh viên không nghe được hỏi Thầy, Thầy
lại nói tiếng Việt. Hoá ra chẳng khác chi giáo sư Việt.
Chẳng mấy chốc, Tết đến. Chúng tôi háo hức về nhà vì
nhớ cha mẹ quá. Thế mà những năm học sau chúng tôi quen thầy quen bạn rồi có
khi Tết không về và Hè cũng không về luôn, lấy cớ để ôn thi Đại Học Văn Khoa.
Trải 5 năm học trải bao biến cố chính trị xảy ra và
ảnh hưởng trực tiếp đến việc học hành của chúng tôi; đảo chính 1960, 1963, 1964,
1965, chúng tôi phải tranh đấu, phải xuống đường.
Năm 1968 - ra trường 3 năm - xảy ra chiến cuộc Tết Mậu
Thân, đa số nam giáo sư chúng tôi phải lên đường nhập ngũ. Vì vậy có nhiều bạn
như Hỉ - Ghênh - Quả - Dư... đã tử trận. Chiến tranh rồi giải phóng đã cắt đứt
liên lạc giữa Thầy và bạn của chúng ta. Bây giờ gặp lại nhau thì đã già rồi,
chẳng làm được gì ích nước lợi nhà. Có chăng quá khứ đã góp phần nhỏ việc giáo
dục cho con em nước nhà.
Sau 30/4, vì miếng cơm, manh áo, chỉ lo cho sự tồn tại
của bản thân, làm sao nghĩ đến ai khác. Thầy, bạn biệt vô âm tín. Bỗng một hôm,
Nguyễn Văn Tiên thông báo miệng cho biết có cuộc họp mặt bạn bè cũ Viện Hán
Học. Mừng lắm, đúng ngày lên đường hoá ra là ngày dỗ Cha Thích cuối năm 97. Các
môn sinh gặp lại nhau. Mừng mừng tủi tủi ôm chầm lấy nhau mà nước mắt trào ra lúc
nào không biết. Bích ơi, Dật ơi, Liệu ơi... các bạn có biết mình mừng như thế nào
không? Bây giờ chúng mình cố gắng nối lại tình thâm sau bao năm xa cách. Tuy
vậy từ đó (97) đến nay (2009) cuộc hội ngộ cũng bị gián đoạn. Năm 99 kỷ niệm 40
năm thành lập. Nay (2009) kỷ niệm 50 năm thành lập. Mong các bạn trở về chốn
xưa để nhớ lại kỷ niệm vui buồn của thời trai trẻ: lãng mạn và năng động.
Thời gian tàn phá vật chất của con người, nhưng không
xoá mờ được tình cảm chúng mình: tình Thầy trò và tình bằng hữu. Phải không các
bạn
Viết xong tại Mỹ Tho đại phố
Ngày 5-9-2009
Phạm Văn Minh - Khoá II
Viết xong tại Mỹ Tho đại phố
Ngày 5-9-2009
Phạm Văn Minh - Khoá II
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét