Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Cũng Đành Bỏ Kontum Mà Đi - Thuyên Huy



Cũng Đành Bỏ Kontum Mà Đi

Thuyên Huy

(Bối cảnh và nhân vật được dựng lên bằng tưởng tượng với sự vay mượn từ môt phần sự thật)

    Đầu tháng Ba, Ban Mê Thuộc mất, quân VNCH rút về cố thủ phía Nam, chờ mấy liên đoàn Biệt Động Quân từ Kontum xuống, theo lệnh tái chiếm của chính phủ. Miền Nam sôi sụt trở lại sau hơn một năm tạm yên. Vùng 1, Cộng sản rầm rập tung hết các sư đoàn có mặt trong Nam, bắt đầu tràn quân vào trận chiến. Chính trường miền Nam hỗn loạn, quốc hội Mỹ bác bỏ dự luật tái viện trợ quân sự và kinh tế cho VNCH, toàn bộ hệ thống quân đội cũng như chính quyền miền Nam trên đường bế tắt. Báo chí, truyền thanh, truyền hình ngoại quốc cho tin, miền Nam mất nay mai. Dân chúng hốt hoảng, người có tiền, có quyền thế, tính chuyện ra đi.
    Không hơn một tuần sau, quân VNCH rút khỏi Ban Mê Thuộc, bỏ chuyện tái chiếm, ùn ùn triệt thoái Cao Nguyên, cũng theo lệnh từ Tổng Tham Mưu về lập vòng đai cố thủ đâu đó. Tướng Tư Lệnh Vùng 1 ra lệnh tử thủ chưa đầy vài ngày, Thủy Quân Lục Chiến bỏ Đà Nẳng, rút ra tàu từ bãi  Sơn Chà theo đường biển xuôi Nam. Vùng 1 mất vào tay Bắc quân nhanh như chớp. Dân miền Trung, hàng hàng lớp lớp, đường bộ đường biển bồng bế nhau di tản vô Nam. Đánh nhau không thấy, hình như chỉ thấy quân VNCH bỏ chạy, có lẽ không ai chịu làm người chết giờ thứ hai mươi lăm. Vùng 2 rồi cũng chẳng hơn gì, Bình Định Qui Nhơn chỉ còn là cái tên để gọi, quân Cộng Sản đóng chốt Tam Quan, Hoài Ân, Hoài Nhơn không tốn một viên đạn nhỏ. Bắc quân đưa gọng kìm, kẹp chặt hai tỉnh KonTum, Pleiku.
    Thành phố Kontum bắt đầu di tản vài ngày sau đó. Tỉnh lỵ hỗn loạn như một gánh hát rã hàng không tiền trả tiền mướn rạp. Công chức quân nhân, lớn nhỏ mặc ai, không còn thấy gì là lệnh lạc. Các buôn làng Thượng vẫn im lìm, thu mình trong màn sương dưới núi. Sáng thứ Bảy, lái xe lên tòa án, anh Nông thư ký, đã đứng chờ Huấn ngay cổng ra vào, người cảnh sát thường gác trong cái chòi canh không thấy bóng.
    Anh Nông lo lắng nhìn:
-Thưa ông, không còn ai ở trong đó đâu, họ đi hết rồi.
    Huấn ngỡ ngàng, chưa kịp đáp thì anh tiếp lời với vẻ mặt buồn vời vợi:
-Tôi nghĩ chắc ông cũng lo về Sài Gòn đi, ông Chánh Án, Biện Lý và gia đình về Pleiku từ chiều hôm qua, ngay sau khi đóng cửa.
-Rồi còn anh thì sao? Huấn đắn đo hỏi.
    Anh lắc đầu cười gượng:
-Tôi là người ở đây, thì đi đâu bây giờ! Anh lên xe Honda nổ máy chạy chậm ra đường, quay đầu nói vọng lại:
-Cám ơn ông, chúc ông bình an, mau gặp lại gia đình.
    Huấn đứng nhìn theo bóng anh mất hút, ngược hướng đoàn người bỏ đi từ phía xã Phương Quý.
    Trở lại nhà, quơ vội mấy thứ cần, quăng đại lên xe jeep. Huấn lái qua Biệt Điện, đón đám bạn công chức, chen lấn lớp người lớp xe, hấp tấp qua cầu. Sông Dakkla vẫn lặng lờ chạy ngược lên rừng thay vì xuống biển. Mấy người lính Nghĩa quân Thượng, ngày thường đóng giữ an ninh cho Biệt Điện còn đứng lố nhố quanh mấy cái lô cốt chằng chịt bao cát. Huấn và đám bạn theo sóng người di tản bỏ Kontum trưa ngày hôm đó.
    Xế chiều, đoàn người tới Pleiku, dân ở đây đã bỏ đi từ đêm hôm qua. Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn 2 di tản về Nha Trang trước đó nữa. Phố xá ngổn ngang xe cộ, quân phục súng ống vứt đầy đường phủ một màu bụi đỏ. Cổng sắt phi trường bị gãy làm đôi ngã quỵ. Dãy văn phòng dài vẫn còn có đèn sáng bên trong. Tòa hành chánh Pleiku không bóng người. Chợ búa, quán ăn cửa cổng mở tung, đập từng tiếng khô khan theo chiều gió nóng. Người tiếp nối người, xe tiếp nối xe từ Kontum xuống, tràn ngập khắp chỗ rồi cũng người lại tiếp nối người, xe tiếp nối xe từ Pleiku ra đi, chừng như không ai sẽ trở về đây nữa.
    Đêm đó, trong cái bóng đêm nóng bức của tháng Ba lưng chừng mùa xuân, Huấn len theo đoàn người lầm lũi rời Pleiku, trong đó có quân có dân, có xe nhà xe lính, mở đèn sáng lờ mờ xen kẻ nhau, ngơ ngơ ngác ngác trên con đường dài hàng mấy mươi cây số. Giữa khuya, sương rừng xuống lạnh. Tiếng con nít khóc quanh đây không lấn át nổi tiếng đàn muỗi rừng gọi nhau tìm mồi nghe ớn lạnh. Người mệt mỏi ngã quỵ bên lề, người còn đi cố gượng đi, không ai biết là đi về đâu và bao giờ sẽ tới.


    Sáng sớm, sau suốt một đêm dài đi không nghỉ, khi Huấn đến khoảng đường chia ba ngã rẽ, cách Pleiku có lẽ cũng khá xa, thì đoàn người rời Pleiku hôm trước đã ở đây từ lâu. Người tới trước vội vã tìm người quen tới sau, gọi tên nhau mệt lả. Bọn Huấn tấp xe đậu vào bên lề sau đoàn xe có sẵn, đi bộ lên phía trước nghe ngóng. Không ai bảo ai, đoàn người chậm lại rồi dừng hẳn. Ban Mê Thuộc mất rồi không thể đi về hướng đó, ra Qui Nhơn thì Hoài Ân, Hoài Nhơn đang bị quân Cộng sản đóng chốt, cũng không có cách gì vượt qua, chỉ còn ngả xuống Phú Bổn là con đường duy nhất. Bọn Huấn trở lại xe, ngồi lặng thinh, dãy rừng dọc theo đường phía dưới thung lũng âm u vẫn chưa thấy mặt trời.
    Trời nắng, chừng đó bước chân người, cũng đủ làm bụi đỏ bay mịt mùng trên con đường đất đá mang tên liên tỉnh lộ 7, chật hẹp và loang lở. Bọn Huấn phải bỏ xe bên đường vì không còn một giọt nhớt nào trong máy sau khi qua chợ quận Phú Thiện không xa. Có lẽ ở đây dân đã bỏ đi sớm lắm, khu phố không một bóng người, chim rừng từng đàn đậu che nghẹt cả sân gạch, nóc nhà. Dăm ba người đàn ông Thượng thong thả đẩy xe đạp chất đầy mấy bao gạo, lấy từ các tiệm buôn vô chủ, chậm rãi ngược về buôn làng, nhìn đoàn người vội vã một cách hững hờ. Dọc theo đường, mùa này sim rừng trổ hoa, nở rộ một màu tím ngắt. Bọn Huấn lếch thếch lẩn khuất vào đám đông, nơi mà họ mong đến vẫn còn mù xa. Liên tỉnh lộ 7, đoạn nối Phú Bổn Tuy Hòa đã bỏ hoang, không dùng tới từ những ngày đảo chánh 1963, hai bên đường là mây rừng chẳng chịt, khúc rộng khúc hẹp, cây cối không bao nhiêu, có khi nám đen cả vùng, không ngay hàng thẳng lối như đoạn qua Phú Thiện, Phú Túc, cũng không có lấy một cái nhà, không một bóng chim, sau lưng, trước mặt đồng không mông quạnh, rừng tiếp nối rừng.
    Ngày lầm lũi đi, đêm nằm vất vưởng màn trời chiếu đất, đoàn người di tản tới cầu Đông Bắc, một cây cầu rỉ sét, làm từ thời Tây, đong đưa như chiếc võng lắc sau hè, bắt ngang một nhánh sông lẻ bạn, còn chút nước lấp xấp chừng như muốn cạn dưới sức nóng nung người của nắng miền Trung. Người kéo theo người chạy ùa xuống nước reo mừng chẳng cần biết trong hay đục. Huấn đi dài theo bờ, tìm một chỗ tương đối ít người, có đôi ba bụi rậm trốn nắng. Để nguyên quần áo, Huấn nằm dài trên đất, nước sông mát rượi thấm nhẹ nhàng vào từng thớ thịt.
    Xuống lưng chừng đồi, sau khi qua khỏi mấy cánh đồng cỏ tranh hoang tàn, người ta có thể nhìn thấy lờ mờ vài mái nhà, hai ba con trâu động đậy xa xa ở cuối đường. Người đầu gọi người phía sau ơi ới trong cái màn sương của buổi sáng vừa lên. Đoàn người xuống đồi vào chợ quận Cung Sơn, một quận nhỏ thuộc tỉnh Phú Yên, không có đường bộ, mọi việc phải do trực thăng từ Tuy Hòa vào, cứ hai ba ngày một lần vì liên tỉnh lộ 7 không đi được. Vài nhân viên hành chánh và hai ba anh sĩ quan của quận, ra đón và hướng dẫn đoàn người tập trung vào sân vận động. Không đủ chỗ, người tản ra chật cả mấy cánh đồng rạ khô, mấy con đường đất chung quanh khu phố. Khúc sông Ba chảy quanh ngang phía sau văn phòng quận, không thấy rộng bao nhiêu so với số lượng mấy ngàn người tắm gội. Quận còn vài tiệm bán cơm nhỏ, buôn bán vội vàng, chắc cũng không ai còn ở đây bao lâu nữa. Đám bạn từ Kontum đi, tản lạc lần trên đường, thân ái nấy lo. Ở lại Cung Sơn mấy hôm, ngày nào cũng đi lang thang đầu trên xóm dưới, không gặp được ai quen, Huấn một mình thui thủi.
    Chiếc trực thăng cuối cùng, rời Cung Sơn với một số người vào buổi chiều, không thấy trở lại sáng hôm sau như thường lệ. Xế trưa, dân quận Cung Sơn, gống gánh, nhập theo đoàn người từ cao nguyên xuống bỏ nơi này ra đi. Anh lính Địa Phương Quân quận thẩn thờ bỏ súng nằm vất vưởng bên hàng rào chi khu rỉ sét, cổi đôi giày nhà binh quăng bất cần xuống cái hố, không còn bao nhiêu nước, vì mấy ngày nay chưa thấy mưa, đưa tay bịt lấy đầu tuyệt vọng, nói lầm thầm “Đ.M bỏ Cung Sơn nữa”!.
    Đoàn người khựng lại, bên này bờ sông Ba lúc xế chiều, sau khi rời Cung Sơn được năm sáu tiếng đồng hồ. Con đường số 7 tới đây đứt quảng, bị cắt đôi bởi con sông, mùa này nước cạn, mực nước sông chỉ cao khoảng tới đầu gối. Mấy chiếc quân xa GMC kéo bỏ từng cặp mấy miếng sắt dài, thường thấy trong các căn cứ quân sự VNCH, ngang theo khúc sông hẹp nhất cho xe hơi chạy qua. Lục đục đoàn người, vừa xe vừa người lấp xấp nước qua sông. Qua bên này bờ nhìn lại, người chen người đi như một đàn kiến khổng lồ suốt con đường bụi đỏ phía sau dài thẳm thẳm, lố nhố tận mấy dãy đồi xa mờ trong tầm mắt. Có người bị thương vì trúng mìn con cóc, loại mìn chôn lại từ những ngày con đường không xài tới nữa vì đi quá sâu vào các lùm cây. Người ta truyền miệng bảo nhau cố ở giữa đường ơi ới.
    Đêm qua đêm, ngày qua ngày, chung quanh đoàn người chỉ có rừng là rừng. Huấn đến một khu ấp nhỏ có tên Đồng Cam, tương đối còn an bình, nằm dọc theo con kinh đào xây bằng xi măng, nước trong xanh từ hướng trên núi chảy xuống. Nhà tranh từng cái một, cất thẳng hàng cách một bên bờ kinh bằng con đường đá xanh không mấy bằng phẳng. Sau lưng dãy nhà là mấy cánh đồng lúa ngập nước, nối liền hai ba cái núi xa xa. Toán người đi trước vài hôm, đã có mặt ở đây mấy ngày rồi. Dân trong ấp Đồng Cam cho biết, quân cộng sản Bắc Việt đấp mô chặn ngay đầu ấp, chờ vài hôm, lính trên Phú Lâm mở đường, có xe lam chở khách xuống rồi đi. Lang thang lên xuống, áo quần lếch thếch, Huấn gặp lại Nhựt, anh bạn Phó Quận Trưởng Lệ Trung, Pleiku, ngồi gục đầu bên cạnh đám chuối gầy còm, xơ xác lá, gần căn nhà tranh lụp sụp nhất trong ấp. Hai người nhìn nhau ngao ngán, thở dài, chia nhau cái củ chuối luộc khô mà bà cụ già chủ nhà vừa cho Nhựt trước đó. Nhựt tới Cung Sơn rồi Đồng Cam sớm hơn Huấn nhưng kẹt lại đây vì quân Cộng Sản đã đóng chốt trong mấy ngọn đồi sát đường lộ, con đường duy nhất về Phú Lâm, Tuy Hòa, một bên là rừng, một bên là kinh đào, không có ngõ thoát nào khác.
   Theo lời dân trong ấp, có một số người qua được vài hôm, trước khi quân Cộng Sản xuất hiện. Gần chiều tối, có tiếng súng nổ liên tục và dữ dội. Ở phía đầu ấp bị đóng chốt, cách chỗ Huấn chừng ba bốn cây số. Người người nhao nháo lên, ngơ ngác đứng ngồi. Bà cụ già ra sân, nhìn trời lắc đầu không nói. Chừng nửa giờ, tiếng súng im bặt. Huấn và Nhựt len lên phía trên nghe ngóng. Khoảng mấy trăm người, nóng lòng vượt chốt đi vì thấy trên đường vắng tanh, trong đó có một số quân xa và binh lính. Quân Cộng Sản giữ chốt, lặng im để toán người và xe lọt qua khỏi khá xa, ra chận hai đầu chốt, xả súng máy bắn như mưa, toán người kẹt giữa đường chết gần hết. Vài chục may mắn, nằm im bên xác người chết trong bóng đêm, dưới ruộng ngập nước phèn, chờ trời khuya, bò lết ngược về ấp, mệt lả, mặt mày không còn chút máu.
    Nắng ròng rã cháy da mấy ngày sau, mùi hôi thúi của xác người chết, nằm phơi thây trên đường, theo chiều gió ngược từ phía đầu ấp xuống rờn rợn khó chịu. Quân VNCH, có cả thiết vận xa M113, nhiều lần cố mở đường, không đánh bật nổi chốt, súng hai bên nổ rung trời, bụi mịt mù bay mờ cả một vùng chừng hai hôm, rồi không thấy tăm hơi. Đoàn di tản hơn mấy chục ngàn người, trẻ già lớn bé bắt đầu xuống tinh thần, kêu gào trách móc. Huấn cùng Nhựt quyết định tách theo nhóm người độ vài chục, đi ngược lại theo con đường nhỏ băng cánh đồng ruộng cuối ấp, về phía núi, như lời bà cụ già, bên kia núi cũng có đường ra Tuy Hòa miệt trên, có điều hơi xa và nguy hiểm vì quân Cộng Sản thường núp ẩn ở đó từ trước và phải leo dốc. Bộ đội Bắc Việt lố nhố xuất hiện xa xa phía sau lưng, trong các khu rừng quanh vùng mà đoàn người đã đi qua những hôm trước.
    Huấn theo con đường đất mòn, giữa cái thung lũng hai bên núi, nhóm người chầm chậm đi dọc bên sườn đồi thấp. Lác đác từng tốp nhỏ lặng lẽ theo sau. Rừng cây trên núi càng lúc càng rậm xanh hơn. Gần chiều tối, bọn họ qua được lưng chừng ngọn đồi, quả đúng như lời bà cụ, từ đây người ta có thể nhìn thấy con đường trải nhựa nhỏ xíu, chạy uốn cong theo chân núi mờ mờ bên dưới, dăm ba cụm nhà rải rác cùng mấy hàng dừa bé tẻo teo. Sáng sớm, sau một đêm ngủ lại trên đồi dưới sương rừng lạnh cóng, nhóm người tiếp tục đi như họ đã đi từ mấy chục ngày qua. Đường xuống núi có vẻ khó đi và quanh co, không như chặng trước. Chưa được bao xa, họ bị toán quân Cộng Sản đi tuần bắt gặp, họ kìm súng bắt nhóm người dẫn về một khu đóng quân rộng giữa những tàn lá dày đặc, không một chút nắng, trong khu rừng hoang rậm cạnh đồi. Quân trang quân dụng mang nhản hiệu Trung Cộng và vũ khí đủ loại chất thành đống mới tinh, xem ra chắc cũng vừa được đem tới đây.
    Toán quân Cộng Sản nói rặc tiếng Bắc, gom họ lại ngồi giữa khoảng đất rộng lồi lõm, cầm súng bao quanh đằng đằng sát khí. Một tên trông có vẻ già dặn hơn, mang súng lục bên hông với cái cặp màu nâu đen sờn vài chỗ, nói huyên thuyên về chiến dịch Giải Phóng Miền Nam và cái gọi là chiến thắng thần thánh toàn bộ, mà họ sẽ nắm được trong nay mai rồi bảo mọi người viết tờ khai tên tuổi, quê quán và nghề nghiệp. Họ giữ nhóm người di tản qua đêm, Huấn và Nhựt được thả ngày hôm sau, với cái lý lịch là giáo viên tiểu học. Tên chỉ huy xé đôi từng trang giấy, của một cuốn tập viết học trò vàng cũ, viết tờ giấy đi đường, cho từng người một, được phép về Sài Gòn sum họp gia đình, ký tên bên dưới là Chính Trị Viên Sư Đoàn Cao Nguyên Tây Tiến.
    Cũng toán quân bắt giữ trước đó, tập họp nhóm người được thả lại, rồi dẫn họ đi thành hàng dài quanh co trái phải, bảo im lặng, băng rừng rồi từ từ xuống đồi theo một con đường mòn mới mở, vẫn chưa dọn sạch cây lá. Tới lúc tạm nhìn rõ được nhà cửa cây cối phía dưới, họ quay trở lại, chục mũi súng chỉa về nhóm người, chờ ở ven bìa rừng, chỉ hướng cho bọn Huấn đi tiếp. Từ đây, nhóm người di tản không còn thấy gì nữa ở phía đập Đồng Cam, ngoài vài ba con chim đi ăn đêm về mệt mỏi hờ hững bay, họ lầm lũi đi giữa cái nắng miền Trung nóng nung người khó tả. Huấn xuống tới chân đồi lúc trời lấp lững về chiều.
    Ở một phía xa nào đó, chiếc oanh tạc cơ của không quân VNCH đơn độc ném trái bom còn sót, tiếng nổ để lại một khoảng rộng khói, mù mờ trên ngọn cây, rồi mất hút trong bầu trời cuối ngày. Huấn lôi tờ giấy học trò mà tên Chính Trị Viên Cộng Sản viết làm giấy đi đường ra, thong thả và chậm rãi xé từng miếng vụn, bỏ xuống bờ ruộng lấp xấp nước, nhập theo nhóm người bước nhanh ra đường lộ, đi về hướng có nhà dân. Lưa thưa dăm ba cái quanh đây đã có ánh đèn và tiếng trẻ con khóc.  Một đêm nữa trên đường bỏ Kontum xuôi Nam, Huấn nằm rã rời bên ven đường chờ sáng.

Thuyên Huy                                  

(Để tặng PVM, PTN, VVB, NNH, NNQ và nhớ ĐTP đã chết trên đường qua chợ quận Phú Túc, Phú Bổn tháng ba một chín bảy năm)

    

Không có nhận xét nào: