TẢN MẠN VỀ TÔI , CON-NGƯỜI-THẦY-GIÁO.
Lời người viết….
Bài văn nầy tôi viết cho đặc san “Sóng biển"… nhân kỷ niệm 60 năm
ngày thành lập trường Trung học Vũng Tàu, nơi tôi từng giảng dạy từ năm
1971 đến 1975…
Mấy ngày rày, những sự kiện liên tục ùa đến… Anh Ngô Văn Tiên (K3) ở Mỹ
Tho gọi điện chuyện trò, rồi Anh Phan Thuận An (K1), anh Trần Khánh Tiếu
(K2) ở Huế gửi thư báo việc tổ chức họp
mặt bạn đồng môn cựu sinh viên Viện Hán Học
tại Huế vào cuối năm nầy (29&30-12-2014) – và một sự tình cờ trùng
hợp thú vị nữa , anh Nguyễn Minh Tâm khóa 3, đã biền biệt từ hơn 50 năm
rồi… bỗng dưng ghi vài chữ thăm hỏi tôi ngay ở phần phản hồi của một bài viết
tôi gửi đăng trên blog “Tri thiên mệnh ”…- và nhất là khi vào
trang-blog-của-chị-HP… bài viết thấy-thương-quá
của anh Hoàng Đằng (Nam du ký sự), những hình ảnh thầy trò các năm, các lớp
của Viện Hán Học Huế năm xưa… làm tôi nhớ lắm – các anh chị, các bạn bè đồng môn
Hán Học Huế !
Niềm thương nỗi nhớ ấy chắc rồi sẽ thôi thúc tôi viết nhiều nhiều lắm
về Huế, về mái trường Viện Hán Học xưa, về các thầy, các anh chị, bạn bè một
thuở… hồi hơn năm mươi năm về trước…
Tôi gửi chị HP bài văn “tạm” này… nếu xét thấy phù hợp, chị cho lên
blog-của-chị. Tôi nghĩ - “Tôi” trong bài
này * là Thầy giáo ở Vũng Tàu khi tọa vị
trên giai phẩm Sóng Biển… và “Tôi” khi về
blog-của-chị… thì là cậu trò sinh viên Viện Hán Học Huế trẻ trung ngày nào của hơn nửa thế kỷ trước chị Hồng Phi
nhỉ? Tôi mong rằng, dạng bài văn tản
mạn như thế nầy, các thành viên cựu SVVHH Huế chúng ta sẽ được dịp nhận nhau ra, biết về nhau nhiều
hơn… và sẽ kết nối nhau dễ dàng hơn.
Lâm
Khương Nhàn . cựu SVVHH Huế -K4
Cẩn trình.
**********
Hai mươi hai tuổi -“cởi áo thư sinh mặc áo thầy” đến nay(2014) đã tròn năm mươi năm
*ảnh 01 –LK Nhàn 1965
*ảnh 2-LK Nhàn 2014
Bao nhiêu thăng trầm đổi thay suốt ngần năm
tháng ấy… có một điều duy nhất không thay đổi trong tôi “CON-NGƯỜI-THẦY-GIÁO”
Trót mang nghiệp giáo vào thân, tính-mô-phạm
như thắm nhuần khắp trong từng từng tế
bào máu-xương-da-thịt-tôi. Nhiều khi
không biết hay dở như thế nào - có phù
hợp thế thời hay lại bị xếp vào dạng bảo
thủ, gàn dỡ, khó khăn?! Hể thấy ai, cái gì… hành xữ, diễn
biến khác với “hồi-xưa” trong “Tử-viết” hoặc “quốc-văn-giáo-khoa-thư” là cảm thấy khó chịu bực bội rồi. Tam-cương, ngũ-thường khắc tâm ghi nhớ (- đương
nhiên có biết phân tích nghĩa rộng của chữ QUÂN trong tam-cương). Tam-tòng, tứ
đức vẫn mãi chi phối tiềm tàng trong tâm thức dù nhiều lúc cố lắm với biện minh cho
trào lưu bình đẳng giới –nhưng thú thực cũng chẳng làm sao tôi cảm nhận
thanh thoát vấn đề. Người điên không
hiểu được kẻ bình thường; người lớn ai bảo chắc rằng mình hiểu được
trẻ con; người của thế giới thượng lưu truyền đời thì làm sao hòa hợp được với
dân nghèo vạn kiếp – và ngược lại như
vậy. Đây là quan điểm của riêng tôi – dĩ nhiên có người (thầy, cô giáo) đồng cảm, người không, chứ không phải ai cũng như vậy.
Ra khỏi nhà, chưa bao giờ tôi dám ăn mặc
xềnh xoàng. Lễ-tiệc, Tết-nhứt tôi luôn "đóng thùng đóng bộ." Nhất là
thời buổi hiện nay, tiệc cưới
cứ thường khi đi dự - trong họ hàng, trong bạn bè, xóm giềng – và các em “cụ-học-trò” (mời dự đám cưới con của
các CHS) nữa chứ… như thói quen tôi luôn mang cà-vạt -dù biết chắc rằng hàng trăm khách dự
tiệc hôm ấy thường chỉ vài ba người còn giữ cái lề-nếp đó. (mời xem bài BA TÔI tại http://blogtiengviet.net/giapha-lamduongtravinh/2012/06/17/ba_ta_i_18 để biết rõ hơn).
Đa số học trò của tôi thuộc thập niên 65-75. Những cô cậu học trò trung học nhỏ bé của thuở nào, nay đã vào hàng năm hàng
sáu cả rồi. Những cuộc hội ngộ giao lưu thăm viếng nhiều lần, nhiều lúc, nhiều
nhóm… mà các em ưu ái dành cho các cựu
giáo chức lớn tuổi như chúng tôi thật đáng trân trọng, quý báu và hạnh phúc
biết dường nào. Ngẫm ra hiếm có nghề nghiệp nào có được diễm phúc ưu việt nầy.
Không chỉ riêng thời điểm nầy, khi cựu giáo
chức chúng tôi già yếu ốm đau bệnh tật –
khi mà kinh tế nước nhà có khá lên- và
khi mà các em cựu học sinh của chúng tôi đã
nhẹ bớt đi gánh nặng cơm áo gạo tiền… mới biết quan tâm đến thầy cô giáo
cũ - mà ngay từ những ngày tháng cả dân
tộc ta còn cùng-khổ-nghèo sau ngày đất nước mới thống nhất (1975) – khi mà tôi
“bị” thôi nghề dạy học bất-đắc-dĩ, có
rất nhiều em học sinh cũ của tôi ghé qua túp lều tạm bợ nơi tôi hành nghề sửa xe đạp mưu sinh tại Ngã
Tư Giếng Nước Vũng Tàu thăm hỏi. Thầy trò động viên cho nhau, cùng uống ly café
đen bên vĩa hè. Cũng có bạn cùng Thầy nhâm nhi xị rượu thuốc ở quán cốc gần đó. Và thật cảm động, còn có trò nghe biết thầy mình, thư sinh ngày nào nay vất vả
lao động bằng chân tay; cảm thương - và lo cho Thầy, trò khệ nệ mang từ Long-Điền, Đất Đỏ sang biếu thầy mươi ký gạo nghĩa tình!
Một CHSTHVT của tôi, em Nguyễn Kim Hoàng –
có thể là người gắn bó và đồng cảm với
tôi nhiều nhất. Duyên thầy-trò chúng
tôi hình thành từ ngày đầu tiên tôi được thuyên chuyển từ trường Trung học công
lập Đất Đỏ Phước Tuy qua trường Trung học Vũng Tàu và nhận ngay giảng dạy môn
văn, kiêm phụ trách nhiệm vụ Giáo Sư Hướng Dẫn (chủ nhiệm) lớp 9P niên học
1971… Ngày nhận nhiệm sở mới nầy – tôi còn nhớ - thầy Hiệu Trưởng Bùi Bằng
Hãn nói với tôi “…thôi nhé, thầy Nhàn
giờ ổn định cả rồi (trước khi chuyển về
trường THVT tôi mới vừa lập gia đình hồi
đầu năm đó – thầy Hãn biết), chúc Thầy hoàn thành nhiệm vụ tốt với lớp 9P
nhe…” Tôi thì vô tư, nhưng về sau đó tôi mới biết được lớp 9p thuộc loại “cá biệt - sừng sỏ” của trường THVT lúc bấy giờ. Nhưng chẳng hề gì – quá trình đứng lớp và làm Quyền XLTV Hiệu trưởng Trung học công lập
Đất Đỏ… những 6 năm trước khi sang THVT nên tôi rất tự tin và… từ từ giống-như-cùng-phe với các em 9P! Những linh tinh cái-thuở-ban-đầu với lớp 9P
tôi không còn nhớ nhiều cho lắm…chỉ còn
nhớ, buổi lên lớp đầu tiên, một trái táo (táo VN), mọng to, ửng hồng, mướt xanh – thật hấp dẫn đặt trịnh trọng trên tờ giấy trắng sạch
tinh tươm, ngay trên bàn giáo sư. Cả lớp đứng chào khi tôi bước vào – và sau đó
im phăng phắc… kèm theo hàng 50 đôi mắt tinh nghịch… đang len lén dõi
theo… thầy Nhàn hành xữ. Khoát tay mời
các em yên vị. Từ tốn nâng niu, nhe vuốt cho sạch quả táo, đưa lên miệng cắn
“rốp” một miếng giòn tan. Chỉ một miếng
tượng trưng như biểu hiện sự chấp nhận, sự đồng thuận và sự sẵn sàng với đối
tác vậy mà… Từ sau đó thầy trò vui vẻ làm việc, học hành với nhau như thế nào
đó mà những tới bây giờ, đã hơn 40 năm
Thầy Nhàn và CHS VT 9P thân tình gắn bó – hẳn các em CHS của tôi cũng biết được. Nếu nói
về sự hình thành nhóm CHS THVT, theo tôi
nhóm lớp 9P 1971 tổ chức sớm nhất – chỉ sau một vài năm ngày đất nước thống
nhất. Và tôi, có lẽ là một trong những thầy cô hiếm hoi được các em CHS 9P quan tâm mời tham dự. Ngày họp bạn hàng năm
của các em từ thời bao cấp, nhà-nhà-cùng-khó… nên quý hóa làm sao, sân vườn
nhà trò Nu-Ni ở Ngã Năm VT, nhà Lộc-Bích ở xóm Vườn, nhà
Xuân Hòa (nhà hàng Trầu Cau), nhà 2
Dân (Hùng) ở ông Trịnh – và cả đôi khi lên tận Biên Hòa tụ họp tại nhà Xuân
Hòa, nhà bạn Thiện… Vài ba món gọi là,
mấy chai nước ngọt cho các bạn nữ - còn thầy trò nhâm nhi xị rượu thuốc (về
sau nầy mới có bia bọt, rượu Tây)… mà
câu chuyện hàn huyên, những lời động viên nhau, những góp ý về công ăn việc làm
… thật thắm thiết tình bầu bạn, nghĩa
thầy trò.
Quay lại nói chuyện Kim Hoàng. Tôi ấn tượng
khi vào nhận lớp 9P. Tôi thấy Hoàng dường như phảng phất hình ảnh của tôi của một thời hồi trung học. Nhỏ người, da ngâm-ngâm-mặn-mòi, mắt sáng ngầm chứa tinh anh (và tinh ranh nữa) –mà
trông dáng vẻ hiền ngoan chuẩn mực… Thời
bao cấp, khi tôi hành nghề sơn sửa xe đạp – Hoàng cũng vậy, cùng làm nghề như tôi (hơn tôi nữa kìa - sửa
xe honda và các loại máy móc). Tôi ở Ngã Tư Giếng Nước, Hoàng ở chợ Vũng Tàu. Thời gian ấy, tôi và Hoàng rất
thường qua lại trao đổi nghề nghiệp (sơn sửa xe) với nhau. Có môt lần –
không nhớ rõ lý do vui mừng nào đó – Tôi cùng Hoàng đi nhậu. Hoàng uống vỏn vẹn một chai bia với tôi
–trông Hoàng mệt mỏi… Sau nầy mới biết Hoàng
không quen chuyện bia rượu – vui với Thầy nên mới uống-đại! Bây giờ đây, 2014 không biết 2 Dân có
bồi-dưởng-tửu-nghiệp cho Hoàng khá lên chưa? (mà nếu chưa thì càng tốt, Hoàng
nhì). Nhìn bộ ảnh xưa của Hoàng trên blog Nghêu Ngao, tôi – một lần nữa, xác định nhận xét của tôi về Hoàng
từ ngày xưa… có nhiều phần đúng vậy.
*ẢNH 03- Nguyễn Kim Hoàng thời trung học .
* ẢNH 04 -CHS Nguyễn Kim Hoàng 2014
* ảnh
05 -Gia đình LK Nhàn 1989 ( +Ba của LK
Nhàn * thiếu cô con gái thứ 2)- photo byNGUYENKIMHOANG1989
.
Quý Hoàng nhiều ở những năm tháng khó khăn, lúc nào Hoàng cũng quan tâm thăm viếng tôi.
Như thông lệ, thời ấy – hàng năm – Hoàng thường thăm gia đình tôi
ngày mồng 2 hoặc mồng 3 Tết (ngày đầu
năm thăm Thầy)- và chụp cho gia đình tôi vài “bô” làm kỹ niệm. Tôi trân
trọng lưu giữ, đến bây giờ xem lại –
phát hiện được 01 tấm ảnh Hoàng chụp năm 1989 rất quý giá vơi tôi. Ảnh ghi rõ
Ba tôi (lúc ấy tuổi đã 80 ), vợ chồng
tôi, con gái lớn, con trai út (con gái thứ nhì đi du xuân với bạn bè); phông
ảnh là ngôi nhà cũ tranh tôi tạm bợ bị
phá dở một phần, ngôi nhà mới chưa hoàn thành lộ gạch đỏ chưa tô… Tôi và Kim Hoàng như thế đó. LK Nhàn và CHS 9P THVT là vậy vậy đó.
*ảnh
06 - nhà mới của LK Nhàn đã hoàn thành -
ảnh do NK Hoàng chụp năm 1990 .
Thuở ấy có một số học trò cũ của tôi đã trưởng thành và đi làm việc cho cơ quan
này xí nghiệp nọ… nhưng các em nầy còn nhỏ tuổi, mới vào ngành nghề chưa có em nào chức trọng quyền cao nên những
chuyến ghé thăm thầy đúng thật sự bằng nghĩa tình đạo lý mà thật tròn vẹn, ấm lòng biết bao. Cũng có những em
cựu học trò kém may mắn học chẳng thành, gia cảnh khó khăn, việc làm nay có
mai không… đứa chạy xe ôm, đứa đạp ba-gác, em bán hàng rong … vất vả chạy chợ
kiếm cơm từng buổi… Thầy trò gặp nhau thoáng chốc trên đường… trong mừng tủi
thân thương .
Tôi còn nhớ, cũng trong khoảng thời gian đó, ngã Tư Giếng Nước Vũng Tàu là điểm đen qui tụ nhiều thành phần xã hội lôm-côm
– vì nơi đó chính là cửa ngõ duy nhất từ các tỉnh thành tiếp xúc trước khi vào thành phố Vũng Tàu (chưa có
đường 51B,51C…) Trộm đạo, giật cướp, cò mồi
tranh giành hành khách của nào là xe ôm, xe Lam, xe đò… và cả một số
thanh thiếu niên vô công rỗi nghề, sa cơ lỡ vận… nên chuyện thanh toán, đánh đấm
và cả những trận thư hùng băng nhóm xảy ra thường như cơm bửa. Học trò cũ của
tôi thuộc loại có-máu-mặt tại bến Ngã Tư Giếng nước cũng có vài ba em… do vậy
chăng mà tôi sinh sống và hành nghề nơi nầy chưa bao giờ bị sự cố răn đe uy
hiếp nào. Ngược lại, dù có ngang tàng hùng hổ đến cỡ nào, gặp tôi, lúc nào các
em ấy cũng hỏi chào cung kính. Cám ơn các
em. Cám ơn những ân huệ mà có lẽ nhờ nghề nhà giáo tôi mới có được .
Có một hôm nọ, tôi đang ngồi uống nước nghỉ
ngơi trong nhà – một chàng thanh niện vạm vở, bặm trợn –cùng một em học trò
chạy xe ôm bến Ngã Tư Giếng Nước, vốn
đang là tay đại-ca-cộm-cán tại bến –vào thẳng nhà tôi. Đang ngỡ ngàng, có chút
bối rối lo lo…
Thì anh chàng trai lạ kia với em
học-trò-đại-ca cùng lúc lễ phép “thưa thầy.” Thì ra thế. Sau đó tôi biết được
em tên B…, học trò cũ của tôi ở trường THBC LTK, giờ em cũng đang là tay
anh-chị cát cứ khu vực gì gì đó- tôi không quan tâm lắm. Em B… muốn rằng tôi phải
được thật sự an toàn mưu sinh… nên dẫn
bằng hữu giang hồ đến giao phó gửi gấm. Cám ơn nhã ý của các em. Tôi lấy làm
thương cảm –và cũng đau xót lắm cho thân
phận và danh phận của những “cụ” học trò
xã-hội-đen nầy. Thế thời phải thế - chứ tôi và các em hồi đó chắc rằng không
bao giờ ước mơ một ngày trùng
phùng… như-như-vậy đâu!
Không
chỉ riêng cá nhân tôi… xã hội ta lúc ấy nhiều nhiều lắm như tôi vậy. Thầy Tính
sửa đồng hồ, thầy Bốn đạp xích lô, thầy Sỹ về quê nấu rượu nuôi heo… và có
chiếc xe Honda lôi thi thoảng chở thuê hàng hóa cho lối xóm. Thầy Sử, Thầy Nhã
có lúc phải theo thầu xây dựng làm công lao động thuê. Nhiều bạn thầy giáo khác
của tôi về làm rẩy làm ruộng, có thầy lọc cọc xe đạp đi hàng mấy mươi cây số mua cá rẻ nơi nầy, bán cao
hơn một chút nơi khác để kiếm ít đồng lời mưu sinh. Thậm chí có thầy giáo cử nhân
đi bán cà rem bằng xe đạp cà tàng. Tất cả mọi người cùng khổ… nên dường như
tôi chẳng thấy khổ ải gì gì cả. Có một điều an ủi và rất thật, rất hạnh phúc
mà tôi kể ra đây là tất tất cả các thầy-
cựu-giáo chúng tôi lúc ấy dù làm nghề gì gì… mọi người chung quanh vẫn tôn trọng, ưu ái gọi chúng tôi bằng Thầy = thầy
Nhàn sửa xe đạp, Thầy Tính sửa đồng hồ, thầy Sỹ nấu rượu, thầy Cang bán
cà-rem…..
Tôi rất bằng lòng với nghề giáo của tôi. Quang vinh và hạnh phúc nghề giáo mang đến cho tôi thật nhiều nhiều lắm chứ
không hẩm hiu bạt bẽo như đời thường ví phỏng.
Đất nước thời mở cửa.., kinh tế chung có khá
hơn nhiều. Cái khó cùng tuổi trẻ của
thầy trò rủ nhau lùi xa theo dĩ vảng. Những cuộc hội ngộ nghĩa tình điểm xuyết thêm những buổi liên hoan tiệc tùng thịnh
soạn vui nhộn. Cuộc đời các em “cụ-học-sinh”
đã được định hình tương đối. Kẻ còn, người mất –kẻ ốm gầy teo tóp sau nhiều
năm vất vả mưu sinh kèm theo những thất bát về kinh tế, chẳng tròn vẹn về đường gia đạo, tình duyên… Người may mắn
thành đạt công danh, nhà lầu ô tô – vợ đẹp con xinh, quyền cao chức trọng. Họ
vẫn tìm về nhau, nhận nhau cùng nguồn cội. Anh chị lớp trên, đàn em khóa cuối (1975). Nhớ trường xưa, lớp cũ. Nhớ
Thầy… dạy Toán, nhớ cô… dạy văn. Ngày nhà giáo 20-11 hàng năm kéo họ gần lại với nhau hơn. Cũng nhờ đó tôi
có dịp gặp lại, nhớ lại và biết thêm về các bạn nhà giáo đồng nghiệp cũ cũng
như các em CHS của tôi nhiều hơn.
Mừng được biết các
đồng nghiệp cựu giáo chức của tôi bây giờ hầu hết đều có cuộc sống khá ổn
định. Không biết từ nguồn nào, các bạn thầy cô giáo đồng nghiệp của tôi về già
đều trông như khá đầy đủ trong cái ăn, cái mặc, cái nhà, chiếc xe… và rất thanh
thản vô tư, lạc quan, yêu đời. Phải chăng (theo tôi suy đoán) nhờ các bạn tôi
–vốn những thầy cô giáo, những trí thức có kiến thức vững vàng biết chèo chống, khéo xếp đặt cuộc sống hợp lý, khoa học – biết đầu tư chuyện học hành cho con
cái… mà gần như các con cái của các thầy cô đều thành đạt, vững vàng trong xã
hội, làm việc tốt, thu nhập cao… hỗ trợ
lại cho quý thầy cô đó chăng. Nếu quả vậy thật rất công bằng lắm lắm!
Cũng có nỗi buồn cho một ít thầy cô giáo bạn
tôi – việc đời và chuyện gia đình không như ý – khốn khó vẫn bám đuổi hành hạ
tuổi già, yếu bệnh, neo đơn… Bạn giáo và
CHS có quan tâm giúp đỡ nhưng lực bất tòng
tâm… làm sao cứu rỗi được một đời con người- nhất là phần tâm linh. Thôi
thì cho là số phận đã được an bày vậy rồi! Và nữa- bạn Vy
Hoàng Sử, bạn Lý Quan Nhã - mới đây
thôi bạn giáo Phạm Tấn Sỹ thân mến của
tôi cũng vừa ra đi về cõi vĩnh hằng!
Hôm viếng tang thầy Phạm Tấn Sỹ, tôi cùng
đi với đoàn đại diện CHS THVT. Cũng lễ nghi tươm tất: vòng hoa, tiền điếu, nhang đèn tế bái… nhưng sao tôi cảm
thấy nhẹ tênh, rỗng không chẳng chút ý nghĩ bi ai sầu lụy gì cả. Tôi
loáng-thoáng trong đầu một hoạt cảnh mơ-mơ-hồ; ngài Trang Chu
tống-tiễn-vĩnh-biệt vợ hiền bằng đờn ca, bằng hảo tửu… thâu đêm với bạn bè.
Theo ông, ở-đi (chết sống) là lẽ thường
tình. Đời là cõi tạm… còn đó, niết-bàn mới là cõi vĩnh hằng. Người đời chẳng phải thường viếng tang bằng
trướng liễng mà chữ nghĩa thường ghi trên ấy “cầu chúc hương hồn… tiêu-diêu miền
cực lạc.” Vậy sướng-khổ thuộc về ai- kẻ
ra đi hay người ở lại?!
Tôi cũng tản mạn với bạn bè và các CHS của
tôi hôm ấy rằng - theo tôi, Thầy Sỹ
chúng ta ra đi thanh thản lắm rồi. Tuổi thì đạt chuẩn thọ (74 theo chuẩn tuổi thọ VN ngày nay, 60 tính
theo tuổi thọ dân gian thì đã quá thừa). Gia đạo vuông tròn đường con cháu (các
con thầy Sỹ đều có đôi có bạn, làm ăn giàu có). Cuộc qui tiên sum họp (hiền
thê thầy Sỹ đã mất trước Thầy vừa đúng 3 năm)… Hình ảnh thầy Phạm Tấn Sỹ còn lưu lại thật tốt đẹp, thật dễ mến làm sao với mọi người dù chỉ mới một lần qua giao tiếp. Nhớ 2 kỳ đưa tang (thầy VH Sử + thầy LQ Nhã), thầy Sỹ không
qua Vũng Tàu (nhà thầy ở Long Điền), thầy đón tiển tại nhà hỏa táng Long
Hương Bà Rịa. Sau đám tang, thầy Sỹ đều mời anh em bạn giáo chức chúng tôi nán
lại, ra quán “Bụi-Trúc” ở Chợ Bến Long Điền làm mấy chai bia gọi là hội ngộ. Em CHS VQ Doanh
cũng góp chuyện rằng, ngay mới hồi năm trước đây thôi – lúc thầy Sỹ đã phát
hiện và đang điều trị bệnh (ung thư)
Doanh ghé thăm, thầy vẫn vui vẻ và nhiệt tình mời Doanh ra quán kêu bia, thức ăn
ê hề… cổ xúy Danh cứ tự nhiên ăn uống cho
nhiều, cho vui… thầy chỉ nhấm-ly nhìn… là thấy sướng rồi… Bạn Sỹ của tôi là vậy
đó.
Các CHS của tôi, nay đương độ tuổi chín muồi, đạt đỉnh điểm cao đường công danh
sự nghiệp. Quan quyền thì rất nhiều em nắm cương vị lãnh đạo nhiều ban ngành nầy
nọ, và đến cả cấp phòng cấp sở. Về hành
chánh công quyền có rất nhiều lãnh đạo quận huyện, thậm chí cả cấp tỉnh nữa kìa. Doanh nhân tầm cở cũng có, học vị tiến
sĩ, thạc sĩ cũng nhiều. Thật là vinh dự và tự hào biết bao –dù biết rằng đó là
thành tích, là tài năng, là công lao sự nghiệp của riêng các em ấy – nhưng sao
bỗng dưng NGƯỜI-THẦY cũng nghe cảm xúc trào dâng! Có phải chăng ẩn tiềm những
lần các em ấy vẫn trọn đạo tôn sư ghé
viếng tận nhà ân cần thăm hỏi – và cả nhiều lần, có những em thành đạt ấy trân trọng mời mọc thầy những
ly cafe hoặc những buổi cơm nghĩa tình
ấm cúng?!
Có những CHS của tôi, văn chương chữ nghĩa
của một thời phấn trắng bảng đen… bỗng bừng sống dậy, tìm kết nối với nhau trên
trang mạng facebook, hoặc các trang blog văn chương văn nghệ (THVT 68-75, Khúc nghêu ngao, chung một mái
trường, nhớ để yêu…) ồn ào sôi động và hăng-tiết-vịt có khác thuở nào chung
lớp chung trường. Đôi lúc, có cùng tham gia với các em trên lãnh vực nầy, tôi
mới biết được các em thật giỏi dang, thật tuyệt vời!
Cá biệt, có vài ba em CHS – quan thì không
lớn, sự nghiệp công danh cũng chẳng cao… mà như dường, tình cờ gặp lại các cựu-giáo-già-loàng-xoàng
như chúng tôi các “anh” ấy lấy-làm-mắc-cỡ hay sao ấy mà buông miệng xưng hô với
các thầy cũ bằng “anh-tôi.” Đối với tôi –như đã nói bên trên, tính cách
con-người-thầy-giáo trong tôi bừng lên cơn giận –nhưng cố nén cho qua –và cố
tránh gặp mặt lại lần khác. Người Việt mình có câu
lời-nói-không-mất tiền mua... kia mà. Tôi
đánh giá thật thấp các dạng CHS như thế. Tại sao họ không hiểu cho sâu ra rằng –tiếng gọi Thầy thì có mất mác gì đâu. Thầy giáo, thầy tu, thầy chùa, thầy thuốc cũng gọi chung một tiếng thầy –cứ
nghĩ vậy đi, nếu ngại miệng. Tôi vẫn trân trọng gọi các Thầy giáo dạy con tôi
bằng Thầy, cho dù các thầy ấy chỉ ngang
tuổi con em mình. Rất tốt đẹp thôi.
Tôi làm thầy giáo năm 1965, nhiệm sở đầu
tiên của tôi là trường Trung học công lập Đất Đỏ Phước Tuy (Bà rịa). Năm 1971
tôi xin và được thuyên chuyển về trường Trung họcVũng Tàu, đến năm 1975, tôi
“bị” thôi dạy, ra ngoài làm kinh-tế-tự-do. Tôi dùng từ cho kêu chơi vậy thôi, chứ thực ra – vốn thư-sinh-chính-hiệu,
từ nhỏ học bậc tiểu học và trung học ở Trà Vinh, sau đó là thi đậu ra Huế học
chuyên ngành tại Viện Hán Học (thuộc
Đại học Huế )… bị dở dang sau biến cố đảo chánh Ngô Đình Diệm (Viện Hán Học Huế
do NĐ Diệm chủ trương sáng lập), tôi được Nha Trung Học bổ nhiệm về làm giáo
sư chính thức và đầu tiên của trường
Trung học công lập Đất Đỏ Phước Tuy… toàn
học hành dạng “cửa Khổng sân Trình”…chứ biết chi gọi là làm-kinh-tế… mà là làm
đủ thứ nghề từ chạy xe ôm (chỉ hơn 01
tháng sau khi nghỉ dạy – và chưa biết phải làm việc gì), sơn sửa xe đạp, vẽ
bảng hiệu, buôn bán phụ tùng Honda xe đạp, photocopy… chưa kể có lúc hợp tác
với bà xã (cũng nguyên là cựu giáo chức) bán bánh mì kẹp thịt, bán xe nước mía, chiên bánh tiêu, bỏ-mối thước lá, vắt sổ quần áo (thời bao cấp )…Mục tiêu là quyết tâm nuôi 3 đứa con tôi ăn học
cho đến nơi đến chốn. May mắn là ngày nay vợ chồng tôi thật hài lòng với việc
thành đạt của con cái tôi .
Tôi chỉ hành nghề dạy học đúng vỏn vẹn có 10
năm thôi - mà sao tôi tự lấy làm hãnh
diện và rất hài lòng với danh xưng nghề
nghiệp THẦY-GIÁO của mình – và tự coi như tôi sống suốt một đời là thầy giáo vậy. Tôi
đã biết dùng danh thiếp ghi rõ nghề nghiệp giáo sư trung học từ thuở năm 1965
khi mơi bắt đầu đi dạy, liên tục cho đến
tận ngày hôm nay (cựu giáo chức)– không gián đoạn một thời điểm nào, dù khi ấy là thời bao cấp khó khăn và nhiều
người chưa màng quan tâm đến chữ nghĩa.
( ảnh danh thiếp 1967+
ảnh danh thiếp 2014)
Nhiều em CHS của tôi là giáo chức (và cả bà
xã tôi nữa), hành nghề có hàng 3 đến 4 chục năm - trong câu chuyện, các em thú thực
rằng rất ghen tị với tôi về nghề nghiệp và tình cảm mà các CHS và Thầy LK Nhàn lâu dài gắn bó .
Suốt 10 năm dạy học, tôi chuyên phụ trách
môn văn (dân Hán Học mà)- và nhờ cái
“mác” GS công lập thuở ấy, nên tôi được
rất nhiều trường trung học địa phương mời hợp tác giảng dạy. CHS của tôi rãi
khắp các trường THCL Đất Đỏ, TH VT, THBC Lý Thường Kiệt, TH Bồ Đề VT, Trường
Thiếu Sinh Quân VT… mà thời điểm ngày nay, thầy trò chúng tôi rất thường xuyên giao lưu, gặp gỡ… ở các cuộc họp mặt nhà giáo, Việt kiều xa xứ về
thăm, giỗ tiệc, ma chay, cưới hỏi… -Và còn nhớ, vào khoảng năm 1971, khi tôi
vừa thuyên chuyển về THVT, nhà thờ giáo xứ Bình Giả (không nhớ rõ là Bình Ba
hay Bình Giả) mới mở 2 lớp đệ thất, cha xứ có mời và tôi có tham gia giảng
dạy môn quốc văn cho trường ấy, nhưng chỉ vỏn vẹn 01 tháng tôi xin rút lui –lý
do đường xa xôi quá (hơn trăm cây số
mỗi lần đi-về bằng xe gắn máy Kawasaki). Không biết bây giờ trường ấy ra sao –
và các em học sinh bé nhỏ ngày xưa thế nào – vì từ đó đến nay tôi chưa một lần
có tin tức!
Lan man
kể chuyện về CHS, có vấn đề tôi cũng xin viết ra đây – về các CHS. Có thể ý tưởng nầy
xuất phát từ bài viết của bạn giáo Cao Văn Huynh của tôi trên trang blog Tri Thiên Mệnh của các em CHS THVT mà tôi đọc
được – về tình cảm CHS với các thầy cô
giáo cũ của mình: thầy cô giáo cũ thời tiểu học, trung học và đại học… (bài
rất hay mời các em CHS và các bạn giáo của tôi xem tại :…………………………………).
Tôi cũng xin phân biệt vể từ CHS như sau: *
Các CHS mà tôi thực sự đứng lớp giảng dạy, các em ấy tôi gọi là CHS –CỦA-TÔI. * Các em
CHS dù không có học lớp tôi dạy, nhưng ngang bằng cấp lớp, lứa tuổi,
cùng trường, ngang bằng các niên học với
các em CHS-CỦA-TÔI… tôi cũng xem và gọi các em ấy là CHS-CỦA-TÔI. Do vậy, tính
từ ngày mới đi dạy, các em CHS dù học trường nào trong tỉnh BRVT,
trong khoảng thời gian 1965 trở về sau, có biết về TÔI-CON-NGƯỜI-THẦY-GIÁO (còn thực sự không biết, hoặc là vai vế
trong họ hàng… -thì không chấp) – mà vẫn cố tình gọi tôi bằng ANH - thực sự tôi rất không hài lòng. *Một dạng CHS khác – rất đáng quí trọng – các
LÃO CHS rất lớn tuổi –học ở trường đó ngày xửa ngày xưa… mà giờ đây các Thầy
của các LÃO CHS ấy giờ hầu hết đã qui
tiên, có khi chẳng còn vị Thầy nào tại
thế. Các vị CHS nầy thì là CHSTHVT mà thôi. Chứ thời điểm nầy (2014), các lần
hội họp CHS THVT có còn vị nào là Thầy của anh Cao Văn Huynh, anh Lê Quang
Yến, anh Phước, anh Hạnh… (khóa đầu tiên
trường THVT-1954!) .
Mỗi lần họp mặt CHS THVT có thầy Huynh, thầy
Yến (2 vị nầy cũng là các nhà giáo
không những thế-còn là nhị vị hiệu trưởng khả kính thời trước 1975 tại
BRVT – và cũng là bạn thân tình của tôi) tham dự - tôi thường hay trêu các anh
“Chào anh-bạn-học-trò-gìa…” Thực vậy –
anh Huynh và anh Yến không là bạn học cùng trường (tôi, CHS Trung học Trà Vinh, anh Huynh, anh Yến CHSTHVT),nhưng cùng thời (đệ thất niên học 1954) và
cùng trang lứa (hơn kém nhau vài ba
tuổi – và đã đều trên 70) - và cùng làm
nghề thầy giáo với nhau hồi thập niên 60 của thế kỷ trước. Tôi không những kính mến các anh mà còn rất khâm phục và ghen
tị với 2 anh nữa kìa. Lý do – từ khi rời khỏi Trà Vinh 1962 đi học xa (Huế), rồi đi dạy học ở BRVT… bận bịu thê nhi, công việc mưu sinh… rồi biến cố lịch sử
1975…. có mấy lần tôi trở về thăm lại quê
hương Trà Vinh. Và dù có, mỗi lần như thế với thời gian ngắn ngủi vài ba hôm –
nên tin tức vế thầy, về bạn thời tiểu và trung học ở Trà Vinh…!!! Còn các anh ấp đầy hạnh phúc, được hội
ngộ bạn bè, được nhìn ngắm –thậm chí ngồi thoải mái lại trên băng ghế lớp xưa trường
cũ – rất nhiều nhiều lần!
Có một lần về quê khoảng thập niên 90, tôi cố dò hỏi và tìm ra được một anh bạn
thời trung học tên Hàng Văn Hội – cũng đang là thầy giáo, hiệu trưởng tại một
trường địa phương… Tưởng rằng rồi đây tôi sẽ hỏi ra được nhiều bạn học cũ nữa –
nhưng hôm ấy người nhà bảo anh Hội đi câu cá từ sáng sớm rồi. Mà ở quê, đã vác
cần đi câu thì biền-biệt thôi (thời ấy chưa phổ biến dùng điện thoại). Ra về
mà tiếc rẻ ngẫn ngơ. Năm năm sau, có lần trở lại hỏi thăm, thì …được dịp thắp nén
nhang chào bạn. Bạn Hội tôi đã mất vừa tròn năm!
Hỡi bạn cũ bây giờ nơi đâu – mà những cái tên rất thân thương ngày nào: Kiên
Lý Song (gốc Khmer, cao to, rất đẹp trai, nhà ở ấp Thanh Lệ - sau tốt nghiệp
khóa phi công ở Mỹ, lái F.5 – Vào khoảng đầu thập niên 70 Song lấy vợ, là con gái của Thương nghị sĩ Sơn
Thái Nguyên tại SaiGon. Chính ngày đó, tôi đã làm phù rể cho Song, rước dâu bằng xe DS21 sang trọng), Hồ Thành Biển
(học cùng lớp, lớn tuổi hơn tôi, sau đậu vào trường Nông-Lâm-Súc Bảo Lộc), Nguyễn Minh Đức (lớn tuổi nhất trong lớp vì đi học muộn, hết đệ nhất cấp đi làm nhân viên Bưu Điện), La Phục Xồi (con
ông Ba Tàu chủ tiệm tạp hóa ở phố chợ), Huỳnh Kim Liệu (có ba làm ở Ty Công
Chánh Trà Vinh), Phạm Văn Nở (mà bọn tôi thường kêu bằng tên Phạm Văn Rạng – thủ môn quốc gia
số 1 đương thời –thực ra, Rạng là tên Ba của Nở)…. Huỳnh Văn Thi, Nguyễn Văn Y, Liêu Hữu
Chấn…và nhiều nhiều nữa. .. Các bạn lưu lạc bốn phương
trời , nghe nói ở nước ngoài khá nhiều. Tôi
chẳng gặp lại được bạn nào từ sau 1975 đến nay .
Về quý THẦY TÔI ở Trà Vinh. Các Thầy hồi
tiểu học và trung học như thầy Quyền, thầy Thành, thầy Thế… thầy Nhuận, thầy
Quới, thầy Thơm… là bạn của BA TÔI (công
chức thời Tây –ngành y tế)… tất cả đều đã qui tiên – tính ra các cụ nếu nay còn
tại thế đều đã trên trăm tuổi. Buồn !!!
Chuyện
rõ như vậy, nên chi tôi vẫn thường ganh
tị với anh Huynh, anh Yến – và các em CHS BRVT của tôi nhiều lắm lắm!
Thôi thì phúc ai nấy hưởng. Có được thì hãy
cố bắt lấy, trân trọng và thưởng thức
cho thật tròn vẹn đi các bạn - và các em của tôi ơi.
Tản mạn thì… bao giờ mà hết chuyện được .
CON-NGƯỜI-THẦY-GIÁO… tôi nói chuyện về TÔI, về THẦY –GIÁO quá nhiều rồi. Trước khi kết thúc bài viết,
tôi có đôi dòng giới thiệu qua về TÔI, về CON-NGƯỜI.
Thầy gì (thầy thuốc, thầy chùa, thầy
tu....) cũng là CON-NGƯỜI hết. Thầy giáo cũng vậy thôi. Trong TÔI, LK Nhàn cũng là con người, cũng có lúc lãng mạn, yêu đương, trầm
sầu, tươi vui sôi động. Xin bày tỏ với các bằng hữu và các em CHS của tôi “chùm thơ LK Nhàn.” (trích trong tập thơ HỒNG THÊU MỘT LỐI của LK Nhàn -2008)
*Những
giây phút lãng mạn, thuở tuổi “ngũ thập niên tiền…”:
Ngày xưa cô bé học trò,
Sang sông anh lái chuyến đò tuổi
thơ.
Trăng tròn đang độ ươm mơ,
Sóng yên – đò lướt cập bờ thủy
tinh
………....
Nhỡn nhơ, cô bé vô tình,
Lênh đênh bến nước- riêng mình lẻ đôi.
Nàng đi hoang vắng hồn
tôi,
Giữa dòng đò cũ, nước trôi hững hờ .
…………..
Viễn phương, cô bé bây
giờ,
Biết chăng, có kẻ vẫn chờ bến xưa?!
(ÁO TRẮNG SANG SÔNG –Baria 1965)
*Đôi
khi quá đà, đâm ra lo nghĩ không đâu….
Thời
gian đồng lỏa với lo âu,
Dừng bước,
nghe ai thấp thỏm cầu .
Lạy chúa, phù trì linh hồn nhỏ,
Lạc bước đi
hoang- bờ vực sâu.
(
VU VƠ – Baria 1967 )
*Cảm
nhận yêu thương, thân phận và thời thế…..
Cung sầu lệch ánh sao đêm,
Thương buồn chênh chếch dựng lên ngôi trời.
Ngày mùa buông tiếng chơi vơi.
Hạ trao ủ dột vành môi nhân tình.
Một tang đất mẹ điêu
linh.
Chín tầng quan đạo gập ghềnh bứơc chân.
Sáu mươi năm có bao
ngần,
Chín mươi – ai thử đếm dần đầu tay !
( CUNG THƯƠNG NGÀY HẠ - Baria
1969 )
*Và đã
có lần lụy-mỹ-nhân…
Mắt sầu
trấn lặng phong ba,
Thuyền tình anh
đắm nhạt nhòa tâm tư.
Môi run
nhịp sống tử tù,
Ngã dài thân xác,
nghe như hoang đường.
Tóc mơn
dòng suối nhớ thương,
Mõi mòn phiêu bạt, -định phương cuộc đời .
( MỘNG VỚI HOA – Baria 1970 )
*Triết lý nhân sinh... ham vui, tận hưởng kiếp sống… biết tự hài lòng…
Người xưa đốt đuốc chơi đêm,
Nay ta đốt đuốc
truy tìm cuộc vui.
Xưa nay
vẫn một cõi đời,
Phù du số kiếp ,
ai thời cho thêm.
( BỈNH CHÚC DU XUÂN – Baria 1965 )
Lắm
người tài sản kếch xù,
Mà quên cõi sống
phù du kiếp nầy.
Ba gang
túi, mãi chẳng đầy.
Trọn đời hết kiếp – có ngày nào
vui.
Biết đủ
là đủ - Thế thôi.
Chờ cho đến đủ -
bao giờ đủ đây?!
( TRI TÚC - Vũng Tàu 2005 )
*An
vui nhàn nhã tuổi già…….
Tuần lễ đôi lần- cờ vui vài ba ván,
Bạn già thi
thoảng –rượu “nhấp” chín mười ly.
( SỐNG VUI – Vũng Tàu 2004 )
* Một con đường thật riêng và thật đẹp LK Nhàn
lựa chọn…
Trên
trời dưới đất,
Một cõi
nhân gian.
Mưu bá
đồ vương,
Tranh
danh đoạt lợi.
……………
Hồng-thêu-một-lối.
Riêng của hai ta.
Thiên hạ!
(
THIÊN HẠ - Vũng Tàu 27-6-2008
Tặng bà Xã Hồng Đào – cảm tác nhân cùng xem phim Thiên Hạ)
*ảnh 07 – LK Nhàn+TH Đào 2014.
Thân chào quý anh
chị bạn giáo cùng tất cả các em CHS thân
thương của tôi.
Cầu chúc tất cả an
vui, khỏe mạnh và hạnh phúc,
LỐI-HỒNG
tôi rộng mở… xin mời mọi người cùng chung bước vào, tận hưởng cuộc
sống an bình vui vẻ….
Vũng Tàu , ngày 15 tháng 5 năm
2014.
(hưởng ứng chào mừng 60 năm ngày thành lập
trường Trung học Vũng Tàu).
Lâm Khương Nhàn ,* cựu SV K4 VHH Huế.
* cựu giáo chức THVT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét