Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Lá Thư Từ Miền Nam - Trần Văn Hùng

 (Di Luân Đường)

           Lá Thư từ Miền Nam
           Tân Phong, ngày 22/04/2009   
   Kính gởi : anh Trần Khánh Tiếu và tất cả các anh viện Hán học
Tôi được thư anh từ tháng 12 năm 2008 mà lần lữa mãi nay mới viết vài dòng để thăm anh và các anh để báo rằng tôi còn sống và sống trong cái môi trường chung của cả nước Việt Nam hiện nay.
Trong thư ngõ anh gởi cho tôi (và chúng ta) anh có trích hai câu thơ của nhà thơ nào đó: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ, vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.” Câu thơ nghe bùi ngùi thương nhớ xứ Huế vô cùng nhưng tôi xin được đọc lại theo cảm tính cua tôi “Dạ thưa xứ Huế bây giờ, có còn núi Ngự bên bờ sông Hương?” cho tôi thay chữ “vẫn” của cố thi sĩ bằng chữ “có” theo cái mơ màng u ám của tôi. Vì qua TV, radio và... gần 700 tờ báo ở Việt Nam thì Huế bây giờ thay đổi nhiều lắm kể từ 1975 đến nay. Mà tôi thì xa Huế năm 1964 và chưa một lần nào có dịp trở lại chốn xưa, cho nên tôi nghĩ như vậy.
Hôm trước nhân dịp thầy Nguyễn Hữu Châu Phan vào Sài Gòn, nhờ Phan Đình Trừng nói cho hay nên tôi có gặp thầy và một số bạn bè trong và ngoài được mấy tiêng đồng hồ. Rồi cũng chả biết Huế bây giờ ra sao và đâm ra nhớ Huế vô cùng rồi lại được thơ anh gởi đến. Thư anh đến làm cho nhiều kỷ niệm và hồi ức về Huế của tôi thêm nhiều cảm xúc. Tôi rất muốn về Huế và rất hoan nghênh ý kiến “50 năm Viện Hán Học Huế; Ký Úc và Hoài Niệm” nhưng có lẽ phải suy nghĩ nhiều lắm mới có thể về Huế được. Vì “lực bất tòng tâm,” nếu tôi không về được xin các anh thông cảm cho.


                       (Nhà Viễn Đệ)

Làm sao quên được Di Luân Đương, Đại Nội, và nhà Viễn Đệ bên sông An Cựu. Đó là các nơi VHH tọa lạc qua thời gian. Và các nơi như Vườn trẻ Hương Linh  (số 1 Lê Lợi), cư xá Hoàng Trọng Bá (04 Huyền Trân Công Chúa) và cư xá Nam Giao v.v... nơi mà tôi và các bạn đồng môn từ Gài Gòn chân ướt chân ráo ra Huế nhập học Viện Hán Học khóa II năm 1960.


                (Cam - Phi - Sương bên bờ sông Hương)

Kỷ niệm về Huế thì nhiều nhưng từ năm1975 tôi sống nơi thôn quê hẻo lánh, mất hết liên lạc với bạn bè...  "Thế sự thăng trầm quân mạc vấn” Bây giờ nhớ lại tuổi thanh xuân thật ngậm ngùi. Nửa thế kỷ đã đi qua thì làm sao mà không thay đổi. Thay đổi tiến bộ hoặc thoái bộ thì tùy ở mỗi chúng ta. "Toute verité n’est pas bonne à dire." Có nhiều điều mà phải đành ngậm lòng để rồi ôm về dưới tuyền đài vui vẻ với đất cát và trùng dế thôi. Tất cả chúng ta đều bình đẳng khi không thở không khí nữa. Tôi nhớ câu nói của cha Nguyễn Văn Thích “Có thực mới vực được đạo” mà cha cho thực không phải là ăn. Nếu ăn thì tầm thường quá! Không hiểu tôi nhớ như vậy có đúng ý cha nói hay không vì lúc tiếp nhận lời của cha thì tôi (và các anh còn trẻ quá). Tôi nhớ hình như cha nói với chúng tôi khi cha cho đi vào Hội An chơi vui ngày gì đó – Nói lúc tạm dừng trên đèo Hải Vân.
Ngọc Minh trên đèo Hải Vân (cùng đi với Cha Thích và các bạn)

Bây giờ bước vào cái nấc “Thất thập cổ lai hi” ngồi buồn nhớ lại và suy gẫm về cái “Thực” mà thấm thía vô cùng. Thực là Véarité hay manger đây, anh Tiếu (và các anh). Nếu tôi có về Huế họp mặt được thì chắc tôi cũng nhờ anh và các anh cùng quý thầy của mình cho tôi một chữ chính xác để tôi mang về mà vui với tuổi già.
Thư đã dài, ý cũng lòng vòng luẫn quẫn vậy tôi xin dừng bút và không quên cầu nguyện và chúc cho cuộc họp mặt của chúng ta vui vẻ, náo nhiệt như thưở nào!
Kính chào anh và các anh.
                                    
                        Người viết
                     Trần Văn Hùng
(Trích Đặc San Ký Ức và Hoài Niệm)
           (Anh Trần Văn Hùng thứ 3 từ trái - 2009)


Không có nhận xét nào: